Gia đình: Hãy luôn giữ kết nối với các con

Dưỡng linh
02:04 19/09/2022

Oneway.vn - Nuôi dạy con cái và công việc ngoài xã hội là những trách nhiệm, vai trò mà Chúa giao cho chúng ta.

Cả hai đều mang lại sự vinh hiển và tôn cao Danh Chúa khi chúng ta hành động trong quyền năng Ngài. 

Nhưng việc cân bằng giữa trách nhiệm nuôi dạy con cái và công việc có thể sẽ khó khăn đối với những người giữ vai trò lãnh đạo Hội Thánh. Sứ mệnh công việc thường giành mất sự chú ý của chúng ta. Luôn luôn có những tín đồ cần lời khuyên, có những bài giảng cần được soạn và những quyết định quan trọng cần được đưa ra. Nếu không được xem xét thường xuyên, thời gian làm việc sẽ chiếm hết thời gian gần gũi gia đình của chúng ta.

Mặc dù hầu việc Chúa là công việc đáng trân trọng, nhưng công việc đó không được phép gây hại đến mối quan hệ vợ/chồng và con cái.

Khi công việc chiếm hữu và dần trở nên “danh tính” hay “thần tượng” của bạn, nó sẽ ảnh hưởng đến gia đình bạn. Cụ thể, khối lượng công việc quá bận rộn sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ cha mẹ - con cái. 

Khi trẻ thơ không nhận được tình yêu thương và sự quan tâm cần có từ cha mẹ, chúng sẽ tìm kiếm điều đó ở nơi khác. Làm sao để nhận ra con bạn đang cần được kết nối nhiều hơn với bạn? Con trẻ có thể không đủ ngôn từ để diễn đạt những cảm xúc của mình, vì vậy chúng thể hiện cảm xúc thông qua hành vi. 

Dưới đây là 6 dấu hiệu chứng tỏ con bạn không cảm nhận được mối liên kết với cha mẹ, và các mẹo để bạn có thể gần gũi con hơn.

1. Yêu cầu được quan tâm 

Đôi khi trẻ con sẽ yêu cầu để được gần gũi với cha mẹ. Đây là một cách thức lành mạnh để trẻ thể hiện nhu cầu hoặc mong muốn của mình. Tuy nhiên, nếu không chú ý, cha mẹ có thể bỏ qua điều này. Tại sao? Yêu cầu được kết nối của trẻ thơ thường tế nhị chứ không thẳng thừng kiểu như: "Cha mẹ có thể chú ý đến con hơn không?". Thay vào đó, các con thường nói rằng: "Cha ơi, cha có thể chơi với con không?" hoặc “Mẹ ơi, nhìn bức vẽ của con nè! Đẹp không mẹ?". Việc của cha mẹ là nhận biết và phản hồi lại con cái của mình. 

Cha mẹ không phải lúc nào cũng chú ý đến những gì con cái yêu cầu. Ví dụ, sẽ ra sao nếu con bạn yêu cầu được chú ý trong khi bạn đang bận làm công việc? Dưới đây là hai câu trả lời giúp bạn vừa ghi nhận yêu cầu của con vừa hoàn thành nhiệm vụ của mình:

“Cha thực sự muốn xem/lắng nghe những gì con đang muốn bày tỏ. Nhưng mà cha không thể dành toàn bộ sự chú ý cho con ngay bây giờ vì cha đang bận làm việc này. Hãy để cha hoàn thành công việc này trước, rồi sau đó cha có thể toàn tâm toàn ý quan tâm đến con nhé”.

“Cha rất thích chơi với con. Đầu tiên hãy để cha hoàn thành công việc này trước. Cha sẽ chơi với con sau (cho con một thời gian cụ thể)”.

2. Thể hiện những hành vi tiêu cực hơn

Nếu cảm thấy mình không nhận được đủ sự quan tâm tích cực, trẻ có thể bắt đầu thực hiện nhiều hành vi tiêu cực hơn, bởi vì cha mẹ ít khi nào phớt lờ những hành vi không tốt. Vì vậy, cha mẹ sẽ dành thời gian để dạy dỗ hoặc kỷ luật con cái, điều này được gọi là sự chú ý tiêu cực. Sự chú ý tiêu cực thường được thể hiện từ những đứa trẻ không được công nhận về hành vi tích cực. Nếu bạn và con bạn bị cuốn vào vòng xoáy tiêu cực này, có thể sẽ rất khó dừng lại. Đây là một mẹo nhanh: hãy nắm bắt ngay những lúc con bạn “ngoan ngoãn”. Hãy chú ý và khuyến khích những hành vi tích cực mà con thể hiện, đồng thời nhận biết những hành vi tiêu cực bị bỏ qua.

3. Ghen tị và tức giận với anh chị em nhiều hơn

Mặc dù sự ganh đua là một phần tất yếu trong mối quan hệ anh chị em, nhưng việc gia tăng các cuộc tranh cãi hoặc ghen tị báo hiệu rằng con bạn đang muốn tranh giành sự chú ý. 

Không nên thể hiện hành động thiên vị con cái trong gia đình Cơ Đốc. Chủ nghĩa thiên vị tạo ra sự cay đắng, tức giận và ghen tị nơi con trẻ. 

Hãy nghĩ đến Gia-cốp và Ê-sau, cũng như Giô-sép với chiếc áo khoác lộng lẫy nhiều màu sắc của ông… đừng bao giờ tái hiện những chuyện đã xảy ra trong các gia đình đó.

4. Thụt lùi

Khi trẻ em có dấu hiệu thụt lùi trong các kỹ năng và hành vi đã học trước đó, rất có thể là do các em đang căng thẳng. Sự căng thẳng này có thể liên quan đến mối quan hệ xa cách giữa cha mẹ và con cái. Những hành động thường ngày, tương tác xã hội và biểu hiện cảm xúc của trẻ là một số lĩnh vực cha mẹ cần xem xét.

5. Đeo bám

Nếu con tỏ ra đeo bám cha mẹ nhiều hơn, thì có thể trẻ cần một mối quan hệ tích cực hơn với bạn.

6. Từ bỏ 

Nếu những nỗ lực để được kết nối với cha mẹ không được đáp ứng, trẻ có thể từ bỏ.

Con bạn có thể ngừng tương tác với bạn, ngừng thể hiện tình cảm hoặc chia sẻ vấn đề cá nhân với bạn. Trong những tình huống này, trẻ thường tìm kiếm nơi khác để được chú ý và dựa dẫm.

Làm thế nào để dành nhiều thời gian hơn cho con cái?

Có thể bạn nhận ra mình cần phải cắt giảm công việc và dành nhiều thời gian hơn cho con cái, nhưng bạn không chắc chắn nên bắt đầu từ đâu. Hãy thử thường xuyên dành những thời gian ngắn cho nhau (tức là trò chuyện với con trên đường đi học, đọc sách cho con nghe trước khi đi ngủ, v.v.). Khi đã có những khoảnh khắc như vậy, hãy tiếp tục dành cho nhau những khoảng thời gian dài hơn (như chơi đánh cờ với nhau) và thời gian lâu hơn dành trọn cho nhau (đi du lịch,..). 

Dưới đây là những gợi ý để bạn dành thời gian cho con cái:

  • Lên lịch thời gian chơi với nhau mỗi ngày. Trong thời gian này, hãy gạt bỏ mọi công việc và dành toàn bộ sự chú ý cho con.
  • Dành 10 phút mỗi ngày cho riêng mỗi bé.
  • Dành thời gian để cả gia đình bên nhau.
  • Ăn cùng nhau.
  • Đọc sách trước khi đi ngủ.
  • Dành ít nhất một lần một tuần để chơi trò chơi, đi thăm sở thú, đạp xe đạp, v.v. với nhau.
  • Lên kế hoạch những chuyến đi chơi định kỳ. Đây là chuyến đi chơi đặc biệt giữa một trẻ và một phụ huynh, kéo dài hơn những lần đi chơi khác.
  • Lên kế hoạch cho những chuyến du lịch gia đình.

Hãy nhắc nhở bản thân rằng con cái của bạn trước tiên đều thuộc về Chúa. Cha mẹ được Chúa đặt để ở bên con cái một thời gian, và thời gian đó là rất ngắn. Đừng để thời gian đó bị tiêu hao bởi công việc. Hãy chắc chắn rằng gia đình vẫn luôn là nhiệm vụ hàng đầu của bạn.

 

Bài: Sarah Rainer; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: churchanswers.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này