Hành động yêu thương trong thời kỳ ‘báo động về kinh tế’

Dưỡng linh
09:27 23/07/2021

Oneway.vn - Đã đến lúc chuyển từ báo động sang hành động

Dù các ca nhiễm COVID-19 toàn cầu tiếp tục gia tăng, chúng ta vẫn tin rằng không nên hoảng sợ, vì Đức Chúa Trời vẫn đang nắm quyền kiểm soát giữa sự hỗn loạn trong một thế giới đổ vỡ.

Chúng ta cũng hiểu rằng việc tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng và giảm phơi nhiễm, vì lợi ích của người già, người miễn dịch kém trong Hội thánh và cộng đồng là một phần quan trọng để thể hiện tình yêu thương trong thời kỳ khó khăn này.

Tuy nhiên, tất cả những hoạt động chúng ta đang tạm gác lại để giữ gìn sức khỏe thể chất, chẳng hạn như đi học, đi ăn, du lịch, tham dự hội nghị, hòa nhạc hoặc sự kiện thể thao, đều có tác động tiêu cực trong hiện tại và cả tương lai đối với nền kinh tế thế giới.

Chuẩn bị cho làn sóng tiếp theo

Trong thời gian qua, kinh tế thế giới đã bị sa sút trầm trọng, và các dự báo trong tương lai cũng không hề khả quan. Tình hình kinh tế dài hạn sẽ thế nào? Chúng ta thực sự không thể biết, nhưng có vẻ chắc chắn rằng tình trạng mất việc làm sẽ gia tăng, cũng như các vấn đề về tài chính, hao hụt tài sản và hoạt động kinh tế đình trệ.

Nhiều người đang làm công việc văn phòng, công việc tự do, hoặc lao động trí óc đang được yêu cầu làm việc tại nhà trong một thời gian. Chúng ta phải sắp xếp công việc của mình với việc chăm sóc và dạy dỗ con cái do các trường học đóng cửa. Chúng ta phải vật lộn với những nhu cầu gia đình ngày càng cạn kiệt. Nhưng ít nhất trong ngắn hạn, chúng ta vẫn còn cầm cự được.

Nếu bạn đang tự kinh doanh hoặc sở hữu một doanh nghiệp nhỏ, dòng tiền eo hẹp trong thời gian này sẽ khiến bạn phải đưa ra những quyết định khó khăn như sa thải nhân viên hoặc thậm chí ngừng kinh doanh và sẽ bắt đầu lại sau khi ổn định.

Nhưng những người thật sự thiếu thốn về vật chất mới chính là người gánh chịu những tác động sâu sắc nhất. Chỉ đứng nhìn từ xa sẽ không rõ ràng bằng tự mình trải nghiệm. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mất việc vì không thể tìm được chỗ trông trẻ, hoặc không còn nguồn thu nhập do nhà máy, nhà hàng, sân bay hoặc khách sạn bạn đang làm việc bị đóng cửa?
Giúp đỡ mọi người với tầm nhìn xa 

Trong vài tuần tới, khi chúng ta tiếp tục theo dõi và chờ đợi đỉnh điểm của đợt dịch bùng phát qua đi, các Hội thánh nên nhanh chóng đáp ứng nhu cầu vật chất cho các tín đồ và người dân trong khu vực lân cận. Chúa đã ban cho chúng ta các nguồn lực để dành cho thời điểm như thế này.

Sự thật là chúng ta chỉ có thể giúp đỡ người khác khi có một đời sống thịnh vượng. Chúng ta thường không làm từ thiện khi chính mình cũng gặp khó khăn. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi tất cả mọi người đều mất thu nhập trong cùng một thời gian?

Việc giúp đỡ lẫn nhau trong Hội thánh trong hoàn cảnh này không những không xa xỉ, mà còn là một điều rất cần thiết. Hội thánh là một gia đình; nếu bạn chưa bao giờ thật sự kinh nghiệm điều này, thì đã đến lúc chúng ta bắt đầu hành động. Đừng “cách ly” bản thân khỏi những khó khăn của người lân cận.
Nhìn trước nhìn sau 

Tất nhiên, Hội thánh đã từng ở trong hoàn cảnh này trước đây.

Hội thánh được sinh ra trong sự bắt bớ và cô lập xã hội ngay từ đầu. Tuy nhiên, chúng ta thấy Hội thánh chia sẻ “mọi điều chung” (Công vụ 2: 42–47), đặt tiền bán đất dưới chân các sứ đồ (Công vụ 4: 32–5: 10), và sắp xếp phân phát thức ăn (Công vụ 6: 1 –7).

Kinh thánh không mô tả Hội thánh như một nhóm thịnh vượng và thoải mái đáp ứng mọi nhu cầu, mà là một nhóm thiểu số bị bách hại đang đoàn kết với nhau để vượt qua cơn bão kinh tế - xã hội.

Phao-lô mô tả những tín hữu Ma-xê-đoan tuy khốn khó nhưng vẫn dâng hiến cho Hội thánh đang bị nạn đói ở Giê-ru-sa-lem: Đang khi họ chịu nhiều hoạn nạn thử thách, thì lòng quá vui mừng, và cơn rất nghèo khó của họ đã rải rộng ra sự dư dật của lòng rộng rãi mình. (2 Cô-rinh-tô 8:2). Những tín đồ tin kính này đã đáp ứng nhu cầu vật chất của những người mà họ thậm chí chưa bao giờ gặp mặt. 

Những phân đoạn Kinh thánh này không phải là một kịch bản giả định hay một câu chuyện về thời kỳ “Hội thánh sơ khai”, mà là hình mẫu để Hội thánh hiện đại hành động bất cứ khi nào xảy ra khủng hoảng.

Chúng ta thường dâng hiến những khoản dư. Nhưng bạn có sẵn sàng dâng hiến số tài chính eo hẹp của mình vì lợi ích của người khác không? Chúng ta thường làm tốt công việc chăm sóc các gia đình nhỏ và các Hội thánh địa phương. Tuy nhiên, các Hội thánh có chuẩn bị để tập hợp các nguồn lực nhằm giúp những người trong cộng đồng khác không?
Bình tĩnh và cho đi

Đã đến lúc chuyển từ báo động sang hành động.

Các quan chức y tế yêu cầu cách ly xã hội và xét nghiệm để giảm thiểu tác động của đợt bùng phát này - giảm số ca mắc mới hàng ngày để hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể đối phó với nhu cầu ngày càng gia tăng.

Hội thánh cũng có thể làm việc để giảm thiểu ảnh hưởng kinh tế của coronavirus. Chúng ta có thể thành lập một “quỹ COVID-19” riêng, kêu gọi dâng hiến và sau đó phân phát cho những người mất việc làm.

Dịch bệnh buộc chúng ta phải thay đổi các hành vi xã hội vì lợi ích của những người yếu đuối và dễ bị nhiễm bệnh. Chúng ta nên xem xét làm việc tương tự với hành vi kinh tế của mình.

Nếu mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, có thể chúng ta cần phải giảm chi tiêu hoặc thậm chí bán tài sản mình để giúp những người nghèo mua thực phẩm hoặc trả tiền thuê nhà. Hoặc chúng ta có thể tận dụng các hệ thống xã hội để giúp đỡ người già và người thiếu thốn, giúp họ tiếp cận bất kỳ sự trợ giúp nào của chính phủ.

Vậy, hãy cho đi. Hãy cho đi cách rộng rãi và liên tục, hãy tìm thêm những phương cách mới để cho đi. Khủng hoảng là thời điểm mà mọi người cần được giúp đỡ cấp thiết, chứ không phải lúc để tìm kiếm các giải pháp kinh tế phức tạp và lâu dài - mặc dù điều đó có thể dẫn đến các hệ lụy về sau.

Hãy đảm bảo với mọi người trong Hội thánh bạn rằng họ sẽ không phải chịu đói. Nếu những người chưa tin Chúa muốn tham gia vì mối quan tâm chung chúng ta dành cho nhau, hãy ngợi khen Đức Chúa Trời vì đó là cơ hội truyền bá Phúc âm!

Hội thánh có vị trí độc nhất để tồn tại và phát triển trong những thời điểm khủng hoảng. Nhưng để làm được như vậy, cần phải có tình yêu thương, lòng trắc ẩn và tinh thần vâng lời mà trước đây dường như chúng ta chỉ thực hiện theo “công thức”. Hãy để Hội thánh được muôn người biết đến qua tình yêu thương của chúng ta trong thời điểm này.

 

Bài: JUSTIN LONAS; dịch: Nhạn Võ 

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này