Hãy để A-bi-ga-in đưa bạn đến với Đấng Christ
Oneway.vn - Câu chuyện về những người nữ trong Kinh Thánh không chỉ là nguồn cảm hứng để chúng ta sống một cuộc đời trung tín, mà còn bày tỏ công trình cứu chuộc của Đức Chúa Trời.
Ảnh: Pexels
Hãy xem câu chuyện về bà A-bi-ga-in trong 1 Sa-mu-ên. Câu chuyện của bà phản ánh câu chuyện cứu chuộc vĩ đại nhất như thế nào? Câu chuyện ấy truyền cảm hứng, cảnh báo chúng ta và hướng chúng ta đến với Chúa Jêsus ra sao?
Thái độ sỉ nhục thay vì tấm lòng hiếu khách
A-bi-ga-in là vợ của một người đàn ông giàu có tên Na-banh. Chồng bà giàu tiền bạc nhưng nghèo nhân cách. 1 Sa-mu-ên 25:3 mô tả ông ta là kẻ "cứng cỏi và hung ác, và cách cư xử sai trái này đã khiến vợ ông phải đối mặt cơn thịnh nộ của 400 chiến binh.
Những người chăn chiên của Na-banh ở trong hoang mạc khi Đa-vít đang chạy trốn khỏi vua Sau-lơ ganh ghét và lăm le giết ông. Người của Đa-vít đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ những người chăn chiên của Na-banh khi ở trong hoang mạc (1 Sa-mu-ên 25:4–7,14–16) và Đa-vít hy vọng ông sẽ nhận lại tinh thần hiếu khách như hành động trả ơn cho sự giúp đỡ của mình.
Nhưng không, Na-banh lại trả cho Đa-vít sự sỉ nhục. Ông ta lấy oán trả ân, bằng cách xoáy vào tình thế sa cơ của Đa-vít, và không muốn chia sẻ lương thực. Vì vậy, Đa-vít tập hợp các chiến binh, thề sẽ giết Na-banh và gia đình ông (1 Sa-mu-ên 25:22).
Giận dữ hóa ra thờ phượng
Tại đây, A-bi-ga-in bước vào câu chuyện như một người y tá bận rộn, đánh giá thiệt hại và điều trị vết thương. Rõ ràng, an nguy của cả gia đình Na-banh phụ thuộc vào sự khôn ngoan của A-bi-ga-in.
Một người hầu đến báo cho bà về thảm họa sắp xảy ra, và trông đợi được bà bảo vệ (1 Sa-mu-ên 25:14–17). A-bi-ga-in vội vàng gom góp rất nhiều thức ăn và đồ uống - bà bày tỏ tinh thần hào phóng, trong khi Na-banh chỉ thể hiện lòng tham. Bà đưa tất cả lương thực lên lưng lừa và lên đường đến gặp Đa-vít (1 Sa-mu-ên 25:18–20) - một người phụ nữ không vũ khí đang tiến về phía 400 kiếm sĩ cường tráng.
A-bi-ga-in nhìn thấy Đa-vít và phủ phục trước mặt ông. Bà sẵn sàng chịu tội thay cho Na-banh để bảo vệ gia đình mình, nhưng thay vào đó, bà khuyên Đa-vít nên phó sự báo thù vào tay Đức Chúa Trời. Bà mang hình ảnh của người giảng hòa đầy khôn ngoan, có lý lẽ. Người phụ nữ này đáp lại sự tức giận của Đa-vít bằng câu trả lời nhẹ nhàng làm dịu cơn thịnh nộ (Châm Ngôn 15:1). Lời nói của bà đã trở thành phương tiện cứu rỗi cho gia đình bà, và cũng là phương tiện ân điển cho chính Đa-vít.
Từ tức giận, lòng Đa-vít chuyển sang thờ phượng Chúa, và ông tuyên bố điều phước lành: “Đáng ca ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì hôm nay Ngài đã sai bà đến đón tôi! Đáng khen sự sáng suốt của bà và đáng chúc phước cho bà, vì hôm nay đã cản tôi khỏi tội làm đổ máu và ngăn tôi dùng chính tay mình mà báo thù” (1 Sa-mu-ên 25:32–33).
Việc hòa giải của A-bi-ga-in đã giúp Đa-vít không phản ứng cực đoan như Na-banh. Đa-vít quay trở lại hoang mạc và phó công lý cho Đức Chúa Trời.
Hơn cả hình mẫu của sự khôn ngoan
Câu chuyện của A-bi-ga-in phản đối thái độ bất tín và vô ơn, đồng thời khen ngợi người trung thành và thận trọng.
Nhưng bài học không chỉ dừng lại ở đó vì điểm này: Đức Chúa Jêsus là trọng tâm của Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ. Trong Lu-ca 24, hai môn đồ của Chúa Jêsus tỏ ra thất vọng, vì họ không nhận thức được nỗi thống khổ và vinh quang sắp đến của Ngài đã được chép trong Kinh Thánh Cựu ước. Vì vậy, “rồi Ngài bắt đầu từ Môi-se đến tất cả các nhà tiên tri mà giải thích cho họ những lời chỉ về Ngài trong cả Kinh Thánh” (Lu-ca 24:27). Theo Chúa Jêsus, Kinh Thánh Cựu ước không chỉ đơn thuần là những câu chuyện kể về những người tin kính và người ngoại, mà còn là lời tiên tri về công việc cứu rỗi của Ngài.
A-bi-ga-in thường được coi là hình mẫu của sự khôn ngoan, và chúng ta không thể phủ nhận điều này. Hơn nữa, bà còn là bậc thầy về giao tiếp ứng xử. Khả năng thuyết phục của bà phải cực kỳ xuất sắc thì mới chạm đến tấm lòng đầy phẫn nộ của Đa-vít. Nhưng ở A-bi-ga-in, chúng ta cũng nhận ra một điều còn tuyệt vời hơn nữa: đó là hình ảnh Đấng Trung Bảo khôn ngoan, Đấng bước đến để đối mặt với cơn thịnh nộ thay cho tội nhân - ấy chính là Cứu Chúa Jêsus.
Đấng Trung Bảo này không chỉ khôn ngoan mà còn phó mạng sống của chính Ngài: “Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng … khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta. Vậy bây giờ chúng ta đã nhờ huyết Ngài được xưng công chính rồi, thì hẳn chúng ta sẽ càng nhờ Ngài mà được cứu khỏi cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời càng hơn” (Rô-ma 5:7–9).
Khi bỏ lỡ hình bóng của Phúc Âm trong câu chuyện về A-bi-ga-in, chúng ta cũng bỏ lỡ chính Đấng Trung Bảo - Đấng đã xóa tan cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, để hòa giải chúng ta với Cha, trong câu chuyện vĩ đại nhất từng được kể.
Bài: NANA DOLCE; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
bình luận