Khao khát giàu có để dâng hiến nhiều hơn - đúng hay sai?

Dưỡng linh
12:56 23/09/2020

Oneway.vn - Bạn tôi muốn trở nên giàu có để có thể dâng hiến nhiều hơn.

Nhưng việc hướng đến sự giàu có khi nào lại là một cạm bẫy? Trong công việc, chúng ta có nên cố gắng được giàu có?

Là một nhà kinh tế học và thành viên hội đồng quản trị của một tổ chức phi lợi nhuận đang gặp khó khăn, tôi đánh giá cao những điều tốt đẹp mà tiền bạc có thể mang đến. Nhiều Mục vụ cần nhiều thứ hơn cả tiền! 

Vậy, Cơ Đốc nhân có nên khao khát được giàu có để làm điều lành, để dâng hiến và cho đi tiền bạc không? Hay đó chỉ là một cái bẫy?

Ước muốn tận cùng của Cơ Đốc nhân là Nước Chúa mau đến. Chúng ta mong muốn Chúa trang bị mỗi người theo mục đích của Ngài. Nếu Chúa muốn chúng ta làm “tay” hay “mắt” trong thân thể, thì hãy vâng lời. Phao-lô nói rằng lòng thương xót là một ân tứ thuộc linh, nhưng ông không hề nói, “Hãy thật lòng khao khát có của cải để thể thực hành lòng thương xót”. Nếu Cơ Đốc nhân khao khát sự giàu có để làm điều lành, thì Phao-lô hẳn đã nói như vậy trong 1 Cô-rinh-tô 12–14.

Nếu bạn có tài và ân tứ cho một công việc “sinh lời” nào đó, hãy khao khát để trung tín với số của cải bạn có. Nhưng hãy biết điều này: kiếm tiền giỏi không đồng nghĩa với việc cho đi giỏi. Cần phải cực kỳ nỗ lực để tìm kiếm nơi thích hợp khi bạn dâng hiến. Phạm trù của “Tình yêu thương hiệu quả” tồn tại vì hoạt động từ thiện đúng nghĩa, thật sự rất khó thực hiện.

Nhiều người trong chúng ta mong muốn trở thành người dâng hiến rộng rãi để nhận được phước lành. Đây là một mối nguy hiểm vô cùng lớn. Thật vậy, có ít nhất hai lý do thần học để nghi ngờ động cơ của chính chúng ta khi ham muốn của cải để làm điều lành.

Chi phí cơ hội

Khi gặp người trai trẻ giàu có, Chúa Jêsus không nói: “Hãy theo ta bằng cách cho đi tiền bạc của ngươi”. Nhưng Ngài nói, "Hãy bán hết gia tài mình, phân phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của cải ở trên trời; bấy giờ hãy đến mà theo ta". Cuộc trò chuyện của Ngài với các môn đồ sau đó cho thấy trật tự này là quy luật, không có ngoại lệ.

Tiền không phải là điều tốt nhất mà chúng ta có thể cho người khác. Chúa Jêsus trang bị cho chúng ta phục vụ trong vương quốc Ngài bằng cách làm điều lành trực tiếp thông qua công việc của chúng ta (không chỉ gián tiếp thông qua cách chúng ta cho đi) và trực tiếp qua cách chúng ta sử dụng thời gian của mình (không chỉ gián tiếp qua cách chúng ta được trả công theo giờ).

Hãy nhớ rằng, luôn tồn tại “chi phí cơ hội”. Khi bạn lựa chọn giữa hai công việc, vì công việc này trả nhiều tiền hơn công việc kia, thì quyết định thường là đánh đổi một công việc tốt đẹp để lấy tiền. Ngoại trừ một số trường hợp hiếm hoi, việc phụng sự Chúa bằng cách cố gắng kiếm nhiều tiền hơn có nghĩa là chỉ dâng tiền thay vì làm những điều tốt lành khác, như là làm một công việc khác tiết kiệm thời gian hơn, ít căng thẳng hơn để có thể phục vụ người khác trực tiếp hơn.

Bằng chứng qua lịch sử và Kinh thánh là Chúa không phát triển vương quốc của Ngài chủ yếu thông qua hoạt động từ thiện, dâng hiến. Nhưng Ngài thường lựa chọn những người nghèo và tật nguyền. Ngài chấp nhận "lãng phí" những lọ nước hoa quý báu để thờ phượng thay vì bán đi để cho người nghèo ăn. Ngài bỏ qua các quy tắc cơ bản của kinh tế học, các nguồn tài nguyên khan hiếm và thay vào đó chọn cách lật ngược cả thế giới.

Kho báu từ tấm lòng bạn

Chúa Jêsus nói rằng của cải chúng ta ở đâu, thì lòng chúng ta cũng ở đó. Thật vậy, nhiều khi dâng hiến cho công việc Chúa nhưng tấm lòng chúng ta hướng về những người nhận lãnh. Tình yêu của chúng ta sẽ thay đổi, từ ao ước có nhiều tiền để rời rộng cho công việc Chúa đến việc chúng ta tập trung vào con người. 

Tấm lòng luôn dõi theo kho báu của mình, và dần dần chúng ta tự hỏi liệu cách tốt nhất để phụng sự Chúa có phải là làm một công việc lương cao nhưng không hề phù hợp với chúng ta hay không.

Cơ Đốc nhân được Đức Thánh Linh ban cho quyền phép để sử dụng tiền bạc một cách ích lợi. Nhưng cho đến khi chúng ta trở nên trọn vẹn, thì bất kỳ mong muốn giàu có nào - ngay cả mong muốn dùng tiền để làm việc lành - đều có thể là một cạm bẫy to lớn.

 

Bài: Gred Phelan; dịch: Jennie
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này