"Linh hồn tôi khát khao Chúa"

Dưỡng linh
12:43 17/07/2020

Oneway.vn - Nếu không khát nước thì bạn nghĩ bao nhiêu về nước? 

Nếu là một người trung bình, bạn sẽ không nghĩ nhiều. Nếu là người luôn để ý đến sức khỏe, có lẽ bạn sẽ nghĩ đến nước thường xuyên như một phần của chế độ chăm sóc sức khỏe – có kỷ luật cung cấp nước cho cơ thể.

Nhưng nếu đang khát nước thì bạn nghĩ về nước bao nhiêu? Rất nhiều. Bạn không thể cưỡng được, nó gần như xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của bạn. Càng cảm thấy khát, suy nghĩ về nước càng chi phối tâm trí. Bạn bắt đầu để ý đến mọi thứ liên quan đến nước: ly cốc, mưa, thác nước, những hình ảnh về nước… Cơn khát càng lớn, sự tìm kiếm càng sốt sắng.

Ngoài ra, khi càng khát nước, bạn càng ít nghĩ đến những loại thức uống khác. Chẳng hạn như nước ngọt là thứ hấp dẫn nhất có thể làm người ta cảm thấy sảng khoái hoặc chi phối cơn khát, bạn có thể thèm uống nó nếu bạn chỉ khát nước vừa phải. Nhưng khi cảm thấy khát khô cổ, bạn sẽ không muốn uống nước ngọt – thực tế, bạn không muốn bất cứ một loại nước nào khác. Thứ duy nhất bạn muốn để làm thỏa cơn khát của mình đó là nước!

Chúng ta chỉ thật sự thỏa mãn bởi nước khi thật sự nhận thấy mình cần nước đến mức thật sự muốn đi tìm nước. Tương tự, con người chỉ thật sự thỏa mãn bởi Đức Chúa Trời khi thật sự nhận thấy mình cần Đức Chúa Trời đến mức thật sự muốn tìm kiếm Ngài. 

‘Con hết lòng tìm kiếm Ngài’

Khi đang lang thang trong vùng hoang mạc Giu-đa khô cằn, trốn chạy khỏi âm mưu ám sát mình, vua Đa-vít đã dốc đổ sự khao khát của mình trước Chúa:

 “Lạy Đức Chúa Trời, Chúa là Đức Chúa Trời của con, con hết lòng tìm cầu Chúa như trong vùng đất khô cằn, nứt nẻ, chẳng có nước. Linh hồn con khát khao Chúa, thân thể con mong ước Ngài” (Thi Thiên 63:1).

“Nơi khô hạn dạy chúng ta khao khát nhất và tìm kiếm sốt sắng nhất điều chúng ta cần nhất.”

Hãy để ý kỹ: Điều gì khiến vua Đa-vít tha thiết tìm kiếm Chúa như vậy? Đó chính là cơn khát của vua dành cho Ngài. Và điều gì làm vua khát đến như vậy? Vì vua không có nước – vua đang trải qua sự thiếu vắng Đức Chúa Trời.

Điều này rất quan trọng đối với cách hiểu của chúng ta về đường lối của Đức Chúa Trời, cũng như lý do Ngài cho phép chúng ta trải qua những giai đoạn “hoang mạc” khô hạn, tối tăm, tuyệt vọng: để rồi trải nghiệm thiếu vắng điều mà chúng ta thật sự cần sẽ khiến chúng ta thật sự khao khát điều đó. 

Đây chính là phước hạnh của những nơi khô cằn: chúng dạy chúng ta khao khát nhất và tìm kiếm sốt sắng nhất điều chúng ta cần nhất. Đây là một món quà vô giá dù đau đớn, vì nó đưa chúng ta đến với mạch nước tuôn trào duy nhất có thể làm dịu cơn khát tâm hồn của chúng ta mà không điều gì khác có thể làm được. Đó là lý do vua Đa-vít tiếp tục nói:

“Xin cho con nhìn xem Chúa trong nơi thánh. Chiêm ngưỡng quyền năng và vinh quang của Ngài” (Thi Thiên 63:2)

Cơn khát trong tâm hồn của vua Đa-vít khiến vua tìm kiếm sự thỏa mãn ở nơi Đức Chúa Trời, và đó chính là mục đích của cơn khát tâm hồn trong mỗi chúng ta.

Căn bệnh trầm trọng nhất

Nhưng vua Đa-vít không phải lúc nào cũng cảm thấy như vậy. Khi ở trên đỉnh của thành công, tận hưởng thịnh vượng, thỏa thê, yên ổn với sự cai trị của mình, linh hồn vua mất đi cái cảm giác khao khát Đức Chúa Trời. Và điều gì đã xảy ra? Người phụ nữ tên Bát-sê-ba trở thành một thức uống linh hồn đầy hấp dẫn nhưng độc hại. Khi ở trong thịnh vượng, vua Đa-vít đã làm điều mà vua sẽ không bao giờ làm khi lang thang mệt mỏi trong hoang mạc không có nước: vua đã uống nước từ cái bể chứa nứt vỡ của tình dục vô luân.

Sự trớ trêu to lớn và đáng buồn của tấm lòng sa ngã của con người là: chính điều làm cho chốn khô hạn trở nên phước hạnh — sự khao khát Đức Chúa Trời mãnh liệt — lại rất thường và rất dễ bị dập tắt bởi những điều mà chúng ta cho là “ơn phước dư dật”. Khi chúng ta không khát khao Chúa, chúng ta đang chịu ảnh hưởng của một căn bệnh tâm hồn, một căn bệnh trầm trọng. 

Nhà thơ Frederick William Faber, người viết lời cho nhiều bài thánh ca, đã mô tả căn bệnh đó như sau:

“Bởi lẽ căn bệnh trầm trọng nhất

Là sự thiếu khao khát

Hàng nghìn linh hồn lần mò trên lối đi tối tăm

Niềm an ủi, rượu xoa dịu đã được định cho ý chí

Là tấm lòng mòn mỏi và khao khát Chúa”.

(Trích từ “The Desire of God”; tạm dịch: Sự khao khát Đức Chúa Trời)

Có phải tác giả Faber đang phóng đại vấn đề không? Tôi không nghĩ thế, bởi vì tôi tin bằng cả tấm lòng mình rằng: Đức Chúa Trời được vinh hiển nhất khi chúng ta thấy Ngài làm ta thỏa mãn nhất. Và chúng ta chỉ tích cực tìm kiếm sự thỏa mãn nhất nơi Đức Chúa Trời khi Ngài là tất cả những gì chúng ta khao khát nhất. 

Tốt hơn mạng sống

“Khi thuận lợi, chúng ta lang thang trong tội lỗi theo những cách mà mình sẽ không bao giờ dính vào khi đang chịu khổ.”

Một niềm khao khát lớn có thể được theo đuổi bằng một chế độ kỷ luật, hầu như nên như thế. Sự kỷ luật có thể khơi dậy một ngọn lửa khao khát đã yếu đi, nhưng kỷ luật không phải là điều thay thế cho lòng khao khát.

Không hành động nào từ đức tin lớn, không sự sở hữu ân tứ thuộc linh nào, không sự hy sinh to tát nào vì điều lành, lòng tử tế hay sự sống trên đất này có thể thế chỗ của tình yêu thương (I Cô-rinh-tô 13:1–3). Không một hành động thờ phượng Chúa bên ngoài nào có thể thay thế cho niềm khao khát Chúa bên trong.     

Khi vua Đa-vít tha thiết tìm kiếm Đức Chúa Trời trong cơn khát của mình dành cho Ngài, vua nhìn lên quyền năng và vinh quang Chúa, và phát biểu như một người đã được thỏa mãn sung sướng với dòng nước mát lạnh sau một thời gian dài khát khô kiệt quệ:

“Vì sự nhân từ Chúa tốt hơn mạng sống. Môi con sẽ ca ngợi Ngài. Như vậy con sẽ chúc tụng Chúa suốt đời con; Nhân danh Chúa, con sẽ giơ tay lên” (Thi Thiên 63:3-4).

Không có một kinh nghiệm trần gian nào lớn hơn là được uống từ Đức Chúa Trời và được nếm biết điều còn tuyệt diệu hơn sự sống trên đất. Bạn đã bao giờ nếm được điều đó chưa? Tôi e rằng quá ít Cơ Đốc nhân có được trải nghiệm đó. Ít nhất thì ở Mĩ, có vẻ như chúng ta quá dễ dàng hài lòng với việc nói “sống là Đấng Christ, còn chết là ích lợi” (Phi-líp 1:21) nhưng bản thân không thật sự trải nghiệm điều đó. Một khi đã trải nghiệm, chúng ta sẽ không bao giờ bằng lòng với lời nói suông!

Nguyện đó là cuộc sống của bạn

Đừng hài lòng cho đến khi bạn nếm trải được điều ấy. Đừng hài lòng với một niềm tin thần học đơn thuần rằng việc khao khát Chúa là điều tốt. Đừng hài lòng với “niềm khao khát được khao khát Chúa”! Và làm ơn, vì Chúa và vì chính bạn, đừng hài lòng với việc có tiếng là người khao khát Chúa trước mặt người khác! Đừng hài lòng cho đến khi bạn nếm trải và tự mình nhìn thấy rằng Chúa thật tốt lành – tốt lành đến nỗi Ngài không chỉ là điều tốt nhất bạn có trong cuộc sống mà Ngài còn tốt hơn chính cuộc sống này (Thi Thiên 34:8).

“Không một hành động thờ phượng Chúa bên ngoài nào có thể thay thế cho niềm khao khát Chúa bên trong.”

Chúng ta sẽ chỉ nếm trải sự tốt lành của Chúa khi thật sự khao khát Chúa. Chúng ta sẽ không nghĩ nhiều đến Chúa nếu chúng ta không khao khát Ngài. Nhưng nếu linh hồn chúng ta quặn thắt trông đợi Chúa, cảm thấy như mình sẽ ngất lịm đi nếu không được uống từ Ngài, chúng ta sẽ sốt sắng tìm kiếm Ngài bằng mọi cách. Cơn khát mãnh liệt dập tắt cả ngàn sự chi phối và làm chúng ta không tập trung vào bất cứ điều gì khác. 

Vì vậy, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban cho bạn những phước hạnh của chốn khô cằn:

“Hỡi những linh hồn đang mòn mỏi,

Hãy khát khao Chúa! Hãy khát khao mãi;

Ôi, hãy bỏ hết những thú vui mà đời này đem đến;

Hãy đói, hãy khát, hãy không sao yên nghỉ

Nguyện đó sẽ là cuộc sống anh –

Mắt dõi về thiên đàng trong niềm khao khát Ngài trên đất”.

(Faber, trích từ “The Desire of God”; tạm dịch: “Sự khao khát Đức Chúa Trời”)

 

Tác giả: Jon Bloom (@Bloom_Jon) là tác giả, chủ tịch hội đồng quản trị và đồng sáng lập của tổ chức Desiring God. Ông là tác giả của ba cuốn sách Not by Sight (tạm dịch: Không phải bởi mắt thấy), Things Not Seen (tạm dịch: Những điều chưa từng thấy), và Don’t Follow Your Heart (tạm dịch: Đừng làm theo trái tim của bạn). Ông và vợ có năm người con và hiện đang sống ở Twin Cities.

 

Tác giả: Jon Bloom; Dịch: Blessie

(Nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này