6 nguyên tắc Kinh Thánh về sự hòa hợp tài chính trong hôn nhân
Oneway.vn – Tài chính có thể gây ra rất nhiều căng thẳng trong hôn nhân. Nếu vợ chồng bạn không cùng chung một tấm lòng với Đức Chúa Trời và với nhau, thì kẻ thù có thể lợi dụng điều đó để gieo rắc bất hòa.

Đôi khi, chúng ta thậm chí không cần đến sự cám dỗ của Sa-tan. Trong một nền văn hóa luôn cổ vũ lối sống tiêu xài hoang phí và đặt bản thân lên trước hết, nếu vợ chồng không cân bằng điều đó bằng nguyên tắc Kinh Thánh và sự hiệp một, thì hậu quả có thể rất nghiêm trọng – dẫn đến nợ nần và những tiếc nuối sâu sắc.
Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những nguyên tắc trong Lời Ngài để giúp quản lý tài chính, đồng thời nuôi dưỡng thái độ hiệp một và hòa thuận trong hôn nhân. Nhiều cuộc hôn nhân bị rạn nứt và cuối cùng tan vỡ vì những khác biệt, oán giận và cách chi tiêu sai lệch. Vì vậy, việc vợ chồng thiết lập sự hòa hợp trong tài chính là điều thiết yếu để có được sự hòa hợp trong hôn nhân.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm vợ một Mục sư, trong chức vụ, tôi đã học được rằng những nguyên tắc này không chỉ giúp bạn duy trì tài chính vững vàng, không nợ nần, mà còn hiệp một với người bạn đời – để không còn cãi vã vì từng đồng chi tiêu hay hóa đơn chưa thanh toán. Dựa trên gần 40 năm quản lý tài chính cách khôn ngoan, tôi xin chia sẻ 6 nguyên tắc giúp xây dựng sự hòa hợp tài chính trong hôn nhân:
1. Tôn vinh Đức Chúa Trời trước hết bằng mọi điều bạn có
Nhiều cặp vợ chồng phớt lờ mệnh lệnh của Đức Chúa Trời trong Ma-la-chi 3:10–11 về việc biệt riêng phần mười và chờ xem Ngài sẽ cung ứng thế nào, cho rằng đó chỉ là Luật Cựu Ước và chúng ta đang sống dưới ân điển của Tân Ước. Nhưng vợ chồng tôi nhận thấy mệnh lệnh dành cho dân Y-sơ-ra-ên trong Cựu Ước là một tiêu chuẩn rất tốt để bắt đầu tôn vinh Đức Chúa Trời bằng tài chính.
Trong Ma-la-chi, Đức Chúa Trời truyền dân sự dâng một phần mười (tức là 10%) để nuôi sống các thầy tế lễ – đó là một nguyên tắc hoàn toàn phù hợp để áp dụng trong việc dâng hiến dưới Giao Ước Mới. Vì trong khi Cựu Ước yêu cầu chúng ta dâng 1/10 lợi tức, thì Chúa Jêsus trong Tân Ước lại kêu gọi chúng ta dâng cả cuộc đời (Mác 10:21–31).
Phao-lô viết trong 1 Cô-rinh-tô 16:2: “Vào mỗi ngày đầu tuần, mỗi người trong anh em, tùy khả năng của mình, hãy dành ra một phần.…” Hãy đồng lòng với người bạn đời trong việc tôn vinh Chúa trước tiên bằng phần thu nhập định sẵn cho công việc Nước Trời, rồi sau đó dùng phần còn lại để trang trải chi phí và hãy nhìn xem Chúa tiếp trợ. Bạn không thể dâng nhiều hơn Đức Chúa Trời! Đây cũng là nguyên tắc tuyệt vời để tạo nên sự hiệp một trong hôn nhân.
2. Nhìn mọi điều bạn có như một món quà Chúa ban
Kinh Thánh chép: “Mọi ơn lành tốt đẹp và tặng phẩm toàn hảo đều đến từ thiên thượng” (Gia-cơ 1:17). Khi bạn nhận biết mọi sự đều thuộc về Chúa, và vợ chồng bạn chỉ là người quản lý những gì Ngài đã giao, thì vấn đề dâng hiến cũng được đặt đúng vị trí.
Ngài đã hy sinh chính mạng sống mình vì bạn – vậy vợ chồng bạn sẽ dâng lại cho Ngài bao nhiêu?
Khi vợ chồng cùng đồng lòng với nguyên tắc: “Đức Chúa Trời sở hữu tất cả, và chúng ta chỉ đang quản lý những gì Ngài ban”, thì điều đó sẽ gieo vào trong gia đình một thái độ biết ơn thay vì càm ràm về lương thấp hay giá cả leo thang. Điều này cũng giúp thay đổi thói quen tiêu dùng và mức độ rộng lượng của bạn đối với người khác. Thái độ biết ơn sẽ xóa tan mọi cảm giác đòi hỏi hay tranh cãi “ai tiêu bao nhiêu”. Nếu tất cả đều là của Chúa, thì hãy hợp tác với người bạn đời để trở thành những người quản gia trung tín nhất với những gì Ngài đã giao.
3. Hãy có thái độ vị tha đối với tiền bạc và với nhau
Bản tính tự nhiên của con người là khi cho đi thì mong được đáp lại. Chúng ta thường ngại hy sinh nhiều hơn người kia. Thay vì có thái độ “tiền tôi – tiền bạn” hay “lần trước tôi trả rồi, lần này đến lượt bạn”, thì một tinh thần vị tha sẽ tạo nên sự hiệp một.
Khi kết hôn, bạn trở nên một thân – điều đó không chỉ áp dụng cho thân thể, mà còn cho mọi thứ bạn có, bao gồm cả tài chính. Nhẫn cưới không chỉ là biểu tượng cam kết về thể xác và tình cảm, mà còn là dấu hiệu tin cậy trong việc chung tay quản lý tài sản.
Thái độ “của anh là của em, của em là của anh” rồi sẽ dẫn đến tư tưởng: “Tất cả đều là của Chúa, vậy hãy cùng nhau quản lý cách đẹp lòng Ngài.” Tư tưởng này đòi hỏi làm chết đi cái tôi, từ bỏ ý riêng trong việc chi tiêu hay tiết kiệm, và sẵn lòng làm việc cùng nhau để lập và đạt mục tiêu tài chính. Và điều đó chắc chắn sẽ đem đến sự hòa hợp sâu sắc hơn cho hôn nhân.
4. Tôn trọng lẫn nhau.
Cũng như chúng ta bày tỏ sự tôn kính Chúa bằng cách dâng cho Ngài phần đầu tiên của tài chính, thì chúng ta cũng có thể vinh danh người bạn đời qua sự thành thật, cởi mở trong trao đổi và mong muốn ban phước cho nhau trong việc chi tiêu.
Hãy trò chuyện với nhau trước khi đưa ra những quyết định mua sắm lớn. Hãy chắc rằng cả hai đang cùng một suy nghĩ trước khi đồng ý “chi mạnh” cho điều gì đó. Hãy tìm cách làm phước cho nhau bằng cách không quá tiết kiệm đến mức thiếu chăm sóc cho nhu cầu thiết yếu của người kia, nhưng cũng sống trong khả năng tài chính thực tế của hai vợ chồng.
Những năm đầu hôn nhân, tôi là người cực kỳ nghiêm khắc với ngân sách đến mức vô tình gây áp lực cho chồng – tôi muốn anh giải trình từng đồng, hoặc trách anh vì không dùng phiếu giảm giá mà tôi đã chuẩn bị sẵn. Nhưng tôi không nhận ra rằng mối quan hệ của chúng tôi quan trọng hơn vài đồng bạc mà tôi đang làm quá lên.
Tôn trọng người bạn đời nghĩa là giữ gìn phẩm giá của họ, thành thật với nhau, và cũng rộng lượng, kiên nhẫn khi người kia đã chứng tỏ là người đáng tin. Nếu người ấy đã có sự khôn ngoan trong chi tiêu, bạn không cần phải nghi ngờ hay xét nét họ từng chút.
5. Học cách khiêm nhường
Sự kiêu ngạo giết chết các mối quan hệ. Nó khiến ta không thể khiêm nhu hay vị tha với người bạn đời. Đừng để nó ảnh hưởng đến hôn nhân qua cách bạn xử lý tài chính.
Hãy cùng nhau đến với Chúa trong tinh thần khiêm nhu, cầu xin sự tiếp trợ của Ngài. Điều này giúp bạn tránh khỏi tư tưởng: “Tôi phải tự mình lo liệu” hay “Phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa”. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời cho phép chúng ta trải qua những khó khăn tài chính tưởng như không thể vượt qua để kéo chúng ta lại gần Ngài hơn, và cũng để vợ chồng học cách nương dựa nơi Ngài cùng nhau.
Chúa muốn sự lệ thuộc trọn vẹn nơi Ngài, không chỉ trong đời sống cá nhân mà cả trong hôn nhân. Nếu bạn cảm thấy mình độc lập tài chính, hãy chắc rằng bạn không đang sống độc lập thuộc linh. Chúa muốn cả hai vợ chồng nương cậy nơi Ngài cho mọi sự, dù bạn nghĩ mình vẫn đang ổn.
Nơi nào có sự khiêm nhường, nơi đó có sự hòa thuận. Hãy luyện tập điều đó trong hôn nhân – nhất là trong lĩnh vực tài chính.
Tấm lòng khiêm nhường cũng có nghĩa là không cần chạy theo xe mới, đồ công nghệ đời mới, hay nhà sang nhất khu phố. Tự cao nói rằng: “Mình phải có thứ tốt nhất.” Chúng ta thậm chí có thể ngụy biện: “Sau bao nhiêu vất vả, mình xứng đáng mà!” Nhưng khiêm nhường sẽ nói: “Tạ ơn Chúa vì điều Ngài đã ban cách rộng lượng. Giờ đây, chúng con nên dùng nó thế nào để làm vui lòng và tôn vinh Ngài?”
6. Hãy cùng khám phá hành trình ban cho rộng rãi và chứng kiến sự tiếp trợ của Đức Chúa Trời
Trong 2 Cô-rinh-tô 9:11–12, Kinh Thánh dạy rằng Đức Chúa Trời ban “hạt giống” (tài chính) cho người gieo (người đầu tư vào Vương quốc, người phục vụ Ngài, và những kế hoạch thuộc linh) – để người ấy có thể tiếp tục ban cho. Nói cách khác, càng ban cho, bạn càng được ban để tiếp tục ban cho nữa. Tôi rất yêu thích nguyên tắc này, và yêu hơn nữa khi thấy Chúa giữ lời và tiếp trợ dư dật khi chúng ta sống theo nguyên tắc đó.
Bản dịch Common English Bible chép rằng: “Anh em sẽ được làm cho giàu có trong mọi sự, để có thể rộng rãi trong mọi việc. Sự rộng rãi đó sẽ sinh ra lời cảm tạ Đức Chúa Trời qua chúng tôi. Chức vụ giúp đỡ này không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các thánh đồ, mà còn làm dấy lên nhiều lời cảm tạ Đức Chúa Trời.”
Hãy là nguồn phước cho người khác, thay vì chỉ muốn làm phước cho chính mình. Khi làm vậy, bạn sẽ sống trong hành trình thú vị của sự ban cho bất ngờ, trải nghiệm niềm vui khi người khác cảm tạ Chúa vì bạn, và chứng kiến Chúa tiếp trợ để bạn lại có thể tiếp tục ban cho.
Bài: Cindi McMenamin; Biên tập: Dạ Nguyên
(Nguồn: crosswalk.com)
bình luận