Một mình nhưng không cô đơn

Dưỡng linh
02:58 20/08/2022

Oneway.vn - Dạo này, bạn có đang cảm thấy cô đơn?

Có thể bạn cô đơn vì mất đi một người thân yêu, họ ra đi để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong lòng bạn. 

Có thể gần đây bạn phải chuyển nơi ở, và phải chia xa nhiều mối quan hệ mà bạn đã cất công xây dựng. 

Có thể tình trạng sức khỏe khiến bạn phải ở nhà một mình ngày này qua ngày khác. 

Có thể một mối quan hệ tan vỡ khiến bạn cảm thấy trống trải và cô đơn. 

Cô đơn là cảm giác trống rỗng, đơn độc mà không ai mong muốn. Có thể nào ở một mình mà lại không cô đơn?

Để hiểu về nỗi cô đơn, chúng ta cần đến với Kinh Thánh, vào thời điểm Đức Chúa Trời tạo ra A-đam và Ê-va. Đức Chúa Trời phán rằng A-đam ở một mình là không tốt. Ông cần một người đồng hành - một người bạn. 

Khi Kinh Thánh nói rằng con người được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời, điều đó cũng có nghĩa là chúng ta được tạo ra cho các mối quan hệ. Đồng thời, chúng ta phải nhận ra rằng tính cách cũng quyết định nhu cầu về các mối quan hệ của chúng ta. Một số người yêu thích thời gian ở một mình mà không có ai xung quanh, trong khi người khác lại thích cảm giác luôn được nhiều người vây quanh, để có thể trò chuyện hoặc được lắng nghe. 

Vì vậy, chúng ta phải chấp nhận bản thân và hoàn cảnh của mình, tùy theo cách Chúa tạo ra chúng ta và nơi chốn Ngài đặt để chúng ta.

Đôi khi chúng ta không còn sự lựa chọn nào khác trong hoàn cảnh, cho dù chúng ta có người bên cạnh hay phải cô đơn. Dẫu vậy, chúng ta có quyền lựa chọn cách mình đối diện với tình huống đó. 

Nếu mất đi một người thân yêu, chúng ta có thể chọn tập trung vào gì còn ở lại hơn là những gì đã mất. Chọn cách phàn nàn và tập trung vào những điều tiêu cực, hoặc chúng ta chọn tìm kiếm những điều tích cực để biết ơn. 

Kinh Thánh nhiều lần khích lệ chúng ta sống biết ơn. Chấp nhận hoàn cảnh và tập trung vào những phước hạnh sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều khi đối diện với nỗi cô đơn.

Có câu chuyện kể về cô gái trẻ yêu một người lính, kết hôn và cùng anh ấy lên đường làm nhiệm vụ, đến một vùng cô lập trên thế giới. Ngay lập tức, cô ấy nhận ra mình cô đơn và lẻ loi vô cùng trong môi trường mới. Cô không có bạn bè hay gia đình, không thể hiểu được mọi người và cảm thấy mình như một kẻ hoàn toàn xa lạ nơi đây. Trong cơn tuyệt vọng, cô viết một bức thư cho mẹ nói rằng mình không thể chịu đựng nổi, cô muốn chia tay chồng và trở về nhà. Mẹ cô chỉ đáp lại bằng một câu ngắn gọn: "Hai người đàn ông nhìn ra từ song sắt nhà tù, một người nhìn thấy bùn đen, còn người kia nhìn thấy những vì sao" (Dale Carnegie). Điều đó đã thay đổi mọi thứ trong tâm trí người phụ nữ trẻ này. 

Cô bắt đầu tìm kiếm những “ngôi sao” trong hoàn cảnh của mình; kết nối với mọi người, dành thời gian cho họ, tìm hiểu về văn hóa và nhờ họ dạy cách làm những tác phẩm thủ công đẹp đẽ nơi đây. Cuộc sống bắt đầu có ý nghĩa, và nỗi cô đơn không còn nữa. Cô ấy đã lựa chọn tìm kiếm các vì sao, và mặc dù vẫn một mình, không có gia đình hay bạn bè, giờ đây cô ấy không còn cô đơn.

Sứ đồ Phao-lô là tấm gương về thái độ đúng đắn khi gặp hoàn cảnh khó khăn. Ông viết thư Phi-líp khi ở một mình trong tù, tách biệt khỏi bạn bè, bị cô lập trong phòng giam. Phao-lô có lý do để phàn nàn, nhưng thay vào đó ông khuyên chúng ta hãy vui mừng nơi Chúa trong mọi hoàn cảnh. 

Ông đã học được cách bằng lòng và chấp nhận. Sau đó, ông khuyến khích chúng ta lấp đầy tâm trí mình bằng những suy nghĩ chân thật, đáng trọng, công chính, thanh sạch, đáng yêu chuộng, đáng biểu dương, đức hạnh, và đáng khen ngợi (Phi-líp 4:8). 

Thật khác biệt so với việc chỉ biết phàn nàn! Sứ đồ Phao-lô vui mừng trong Chúa vì Ngài thành tín đáp ứng mọi nhu cầu, và ban cho ông sức mạnh để đương đầu với mọi hoàn cảnh.

Một ví dụ điển hình khác về cách đương đầu với hoàn cảnh cô đơn là câu chuyện của Ru-tơ. Sau khi chồng qua đời, cô quyết định rời quê hương, gia đình và bạn bè để cùng mẹ chồng đi xa. Sau đó, cô tìm cách tận dụng hoàn cảnh đơn chiết của mình một cách tốt nhất. Cô chọn từ bỏ thần tượng ngoại bang và quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời của dân Y-sơ-ra-ên, đặt niềm tin vào Đức Chúa Trời. Tiếp theo, cô từng bước tìm cách kiếm sống và chăm sóc mẹ chồng. Nàng đi mót lúa còn sót lại trên cánh đồng sau khi gặt. Đó là một công việc thấp hèn, nhưng có thể giúp nuôi sống hai mẹ con. Chắc hẳn Ru-tơ phải rất dũng cảm và khiêm nhường, mới có thể làm công việc này cùng những người mót lúa nghèo khó khác, trong khi cô là một người xa lạ tại đất nước này. Cũng chính nhờ lựa chọn của Ru-tơ và sự hướng dẫn của Chúa, nàng đã có cơ hội gặp gỡ Bô-ô, một điền chủ giàu có, và sau đó ông đã trở thành chồng cô.

Một người hoàn toàn đơn độc khác trong Kinh Thánh chính là Giô-sép, khi ông bị những người anh em ghen tị bán làm nô lệ để đổi lấy hai mươi miếng bạc. Giô-sép có mối quan hệ rất mật thiết với cha, nên việc bị bán đến Ai Cập làm nô lệ, mất mọi liên lạc với gia đình và bạn bè chắc hẳn là một trải nghiệm cực kỳ đơn độc. Nhưng cho dù chỉ có một mình, Giô-sép vẫn giữ cam kết với Đức Chúa Trời, và cố gắng thích nghi với hoàn cảnh của mình bằng cách chăm chỉ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Nhờ vậy, Đức Chúa Trời ban phước cho ông, giúp ông nhận được sự ưu ái và thành công.

Chúng ta có thể học nhiều điều được từ những nhân vật Kinh Thánh này, qua cách họ đối mặt với hoàn cảnh cô đơn. Hãy cùng học hỏi qua những lựa chọn của họ:

Lựa chọn thái độ - Ru-tơ chọn chấp nhận hoàn cảnh của mình và tận dụng mọi tình huống. Phao-lô chọn vui mừng trong Chúa và thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh. Giô-sép cũng cố gắng làm tốt nhất có thể khi gặp tình huống khó khăn.

Lựa chọn suy nghĩ - Chúng ta có thể lựa chọn cách mình suy nghĩ về hoàn cảnh. Giô-sép có quyền tiếc nuối cho bản thân và tức giận với anh em mình, nhưng ông quyết định chọn cách chấp nhận hoàn cảnh. Khi phàn nàn, chúng ta tập trung vào những gì mình không có; còn khi biết ơn, chúng ta đang tập trung vào những gì mình có. Hãy ghi lại những điều chúng ta cảm thấy biết ơn, dù lớn hay nhỏ, điều này giúp chúng ta thấy rõ những ơn phước trong cuộc sống mình.

Lựa chọn hành động - Ru-tơ chọn đi mót lúa sau khi thợ gặt thu hoạch xong cánh đồng. Phao-lô quyết định dành thời gian viết thư Phi-líp, bức thư này đã trở nên nguồn phước cho Cơ Đốc nhân qua nhiều thời đại. Và Giô-sép đã chọn làm một người hầu cận trung thành. 

Còn chúng ta sẽ lựa chọn hành động như thế nào? Có thể là viết nhật ký về lòng biết ơn, câu chuyện về kinh nghiệm sống, hoặc cầu nguyện đáp lại những gì Chúa phán với chúng ta qua Lời Ngài. 

Có thể là những công việc thường ngày trong gia đình như trường hợp của Ru-tơ và cả Giô-sép. Hành động tự chăm sóc bản thân như đi bộ, ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi cũng rất quan trọng khi chúng ta cảm thấy cô đơn.

Lựa chọn xây dựng mối quan hệ - Qua thư Phi-líp, Phao-lô đã xây dựng mối quan hệ và cũng giúp mọi người làm điều tương tự. 

Giô-sép cũng có cách xây dựng mối quan hệ uy tín với những người xung quanh. 

Ru-tơ là một tấm gương tuyệt vời qua cách nàng quan tâm và động viên mẹ chồng. Chúng ta có thể khích lệ mọi người thông qua những bài viết hoặc hành động tử tế. Một cử chỉ tốt đẹp, một tin nhắn hay một cuộc điện thoại động viên cũng có thể mang lại hy vọng cho người khác. 

Lựa chọn trưởng thành thuộc linh - Ru-tơ chọn đi theo Đức Chúa Trời của mẹ chồng, điều này đưa cô vào cuộc hành trình đầy phước hạnh. 

Giô-sép lựa chọn sống tin kính Đức Chúa Trời, nên ông đã được Ngài tiếp thêm sức mạnh, ban cho sự thành công và được mọi người xung quanh ưu ái. 

Chúng ta cũng có thể chọn đến gần Chúa như một người bạn và Đấng hướng dẫn trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta được tạo ra vì các mối quan hệ, và mối quan hệ giúp đỡ chúng ta nhiều nhất trong nỗi cô đơn chính mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

Thật tuyệt vời biết bao khi cả Phao-lô, Ru-tơ và Giô-sép đều nhận được những phước lành đặc biệt. Phao-lô được Đức Chúa Trời ban cho sức mạnh và đáp ứng mọi nhu cầu của ông; cuộc sống của Ru-tơ tràn ngập niềm vui bên chồng, con trai và mẹ chồng; Giô-sép được thăng tiến trong công việc và có mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. 

Lựa chọn quan trọng nhất để đối phó với nỗi cô đơn là mời Chúa ngự vào cuộc đời chúng ta, vì Ngài là Đấng đã hứa với chúng ta:

Ta luôn ở với các con…” (Ma-thi-ơ 28:20)

Trong hoàn cảnh cô đơn, chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn để bất hạnh hóa ra phước hạnh: Một mình nhưng không cô đơn.

Bài: Elfrieda Nikkel; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thoughts-about-god.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này