Một Thô-ma nghi ngờ, một Thô-ma tử vì đạo
Oneway.vn – Tổ phụ của đức tin Do thái giáo đôi khi cũng gặp những khó khăn khi phải nói sự thật, nhưng không ai gọi ông là Áp–ra–ham là kẻ nói dối.
Nhà lập pháp vĩ đại của Y–sơ–ra–ên là Môi-se đã từng đánh chết một người đàn ông, nhưng không ai nhớ về ông như là một kẻ giết người.
Thông điệp của Kinh Thánh là chúng ta sẽ không được định nghĩa bởi những khoảnh khắc tồi tệ nhất của mình. Kinh Thánh chép rằng, trong Chúa, Ngài xóa bỏ những thất bại của chúng ta.
Ân điển, không phải tội lỗi, nhưng là điều cuối cùng. Bạn có cảm thấy biết ơn vì những tin tức tốt lành này không?
Nếu vậy thì tại sao chúng ta cứ luôn nói là Thô-ma là người nghi ngờ?
Thô-ma là một trong những môn đệ theo Chúa trung thành nhất. Các sách Phúc Âm mô tả Thô-ma là người hay suy nghĩ và ít nói. Trong 3 lần ghi lại lời nói của ông, rõ ràng ông đã suy nghĩ rất lâu trước khi nói ra. Một lần, sau cái chết của bạn mình là La-xa-rơ, Thô-ma đã phá vỡ bầu không khí im lặng, ông nói sẵn sàng chết vì Chúa nếu điều đó xảy ra (Giăng 11:6). Vào đêm trước khi Chúa Jêsus bị đóng đinh, khi Ngài nói một cách bí ẩn về việc ra đi của mình, Thô-ma đã cho mọi người biết rằng ông không muốn phải xa Chúa Jêsus (Giăng 14:5).
Vì vậy, mọi thứ diễn ra vào ngày hôm sau đã khiến Thô-ma sụp đổ. Tất nhiên là mọi người đều bị như thế, nhưng Thô-ma dường như rất khổ sở. Trong khi những người bạn của ông tụm lại với nhau trong sự sợ hãi thì Thô-ma đã không ngồi đó với họ, vào Chúa Nhật phục sinh, khi Chúa Jêsus hiện ra với các môn đệ, Thô-ma biến mất không một dấu vết.
Thô-ma xuất hiện từ chỗ ẩn núp của mình và thấy các bạn mình đang đứng đó và vui mừng reo lên: “Chúng tôi đã thấy Chúa”, Thô-ma không tin điều đó và nói rằng: “Nếu ta không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, Nếu ta không đặt ngón tay vào chỗ dấu đinh, và nếu ta không đặt bàn nay nơi sườn Ngài thì ta không tin” ( Giăng 20:25). Điều này nghe có vẻ ông khá cứng lòng nhưng không phải vậy. Chúng ta biết điều này vì chỉ một vài ngày sau đó, khi Chúa Jêsus ân cần hiện ra cùng Thô-ma và Thô-ma đã quỳ xuống và ăn năn: ”Lạy Chúa tôi, và Đức Chúa Trời tôi” ( Giăng 20:28).
“Cách tám ngày, các môn đồ lại nhóm nhau trong nhà, có Thô-ma ở với. Khi cửa đang đóng, Đức Chúa Jêsus đến, đứng chính giữa môn đồ mà phán rằng: Bình an cho các ngươi! Đoạn, Ngài phán cùng Thô-ma rằng: Hãy đặt ngón tay ngươi vào đây, và xem bàn tay ta; cũng hãy giơ bàn tay ngươi ra và đặt vào sườn ta, chớ cứng lòng, song hãy tin! Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! ( Giăng 20:26-28)
Sự hoài nghi, cố chấp nói rằng: ”Tôi hạnh phúc với nơi tôi đang ở, và không có một bằng chứng nào có thể thay đổi suy nghĩ của tôi”. Sự nghi ngờ chân thành nói rằng: “tôi muốn tin lắm nhưng mà tôi đang đấu tranh, tôi cần một chút sự giúp đỡ”.
Vậy Thô-m có nghi ngờ không? Một tuần của sự yếu đuối sẽ không nói lên được toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của Thô-ma – hoặc cuộc đời của một ai đó. Theo lịch sử, cho rằng Thô-ma sau đó đã lên thuyền sang Ấn độ để rao giảng Phúc Âm, và đã chết vì Đấng đã sống lại, Chúa Jêsus đã làm phục hồi lại đức tin đang suy yếu của Thô-ma. Nghe giống như Thô-ma người trung tín hơn.
Bạn có phải là người có xu hướng nghi ngờ trước khi tin không? Nếu sự nghi ngờ của bạn dẫn đến những câu hỏi, và những câu hỏi này dẫn đến câu trả lời thì nó đã phục vụ một mục đích tốt nhất. Hãy để sự nghi ngờ của bạn làm tăng thêm đức tin của bạn khi bạn tìm hiểu và tìm kiếm câu trả lời mà bạn cần.
Trích từ NIV Lucado Encouraging Word Bible
Dịch: Dịu Hạnh
(Nguồn: thenivbible.com)
bình luận