Những mất mát, đau buồn không bao giờ là vô nghĩa

Dưỡng linh
10:36 08/02/2021

Oneway.vn - Hơn bao giờ hết, tôi đã nghĩ rất nhiều về những đau buồn trong năm qua. Tất cả chúng ta - cá nhân, tập thể và ở các mức độ khác nhau đều trải qua những mất mát không thể quên trong cuộc đời.

Sự mất mát là lý do tại sao chúng ta mong mỏi để nói lời tạm biệt năm 2020. Với thành công về vắc-xin và trở lại cuộc sống ‘bình thường’, chúng ta hy vọng rất nhiều vào năm 2021. Nhưng tôi tự hỏi, liệu với háo hức mong cho qua nhanh những mất mát của mình, chúng ta có đang bỏ lỡ điều gì đó mang giá trị vĩnh cửu hay không?!

Chúng ta có thể nhớ đến hình ảnh Chúa Jêsus Christ và công việc của Ngài, bởi vì trong Vương quốc của Chúa, những người được phước là người có tấm lòng than khóc (Mat 5:4). Năm 2020 là “nhà tang chế” đối với chúng ta, và chúng ta đã trở nên những người có lòng khôn ngoan khi ở trong ngôi nhà đó (Truyền-đạo 7:3-4).

Đau buồn kéo dài và xoay vòng

Năm 2007, khi đang là sinh viên năm hai tại Virginia Tech, có một sinh viên nọ đã bắn chết 32 người trong khuôn viên trường của chúng tôi. Đó vẫn luôn là một trong những vụ án ám ảnh nhất trong cuộc đời tôi. Là một mất mát chưa thể nguôi ngoai, nó hơn những gì tôi trải qua hiện tại.

Sau cái chết của vợ, CS Lewis đã ghi lại nỗi đau của mình “Đau buồn giống như một thung lũng dài, một thung lũng quanh co, nơi bất kỳ khúc cua nào cũng có thể tiết lộ một cảnh quan hoàn toàn mới”.

Đau buồn không phải là tuyến tính đơn. Chúng ta muốn nó được ngăn nắp và nhanh kết thúc, nhưng không bao giờ là như vậy. Thật bất tiện - ai có quyền chọn lựa để nó không xảy ra? Thật là phi lý - chúng ta nói và nghĩ những điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày là không đúng sự thật (“Tôi chỉ có một mình”, “Không ai hiểu hoặc thậm chí quan tâm”, “Chúa ghét bỏ tôi”). Điều đó thật phản trực giác - đặc biệt đối với người lớn, chúng ta nghĩ rằng mình chỉ nên “vượt qua” mất mát của mình. 

Phước cho những người than khóc

Khi Chúa Jêsus nói, “Phước cho những ai than khóc, vì sẽ được an ủi”, theo một nghĩa nào đó, Ngài đang mời gọi chúng ta thành thật. Sự bại hoại không chỉ đơn giản là một phạm trù mà là thực tế có hệ thống về sự tồn tại của chúng ta. Nếu chúng ta cảm nhận được sức tàn phá lan tràn của tội lỗi, nó sẽ lấy đi của bạn rất nhiều nước mắt.

Nhưng những giọt nước mắt tuôn ra từ sự đau buồn của Đức Chúa Trời là cách chúng ta bước vào và trải nghiệm sự thoải mái trong vương quốc của Ngài - điều này đúng cả trong tội lỗi và nỗi đau của chúng ta. Khi đau buồn về tội lỗi, nỗi đau của mình và người khác, chúng ta đau đớn, cảm thương và sự dịu dàng và lòng nhân từ của Đấng Christ được bày tỏ.

Trong bài giảng về các phước lành, Chúa Jêsus tiết lộ một sự thật đơn giản về Vương quốc của Ngài: những ai than khóc trong vòng tay của Cha trên trời sẽ nhận được sự an ủi của Ngài. Nếu tấm lòng chúng ta chai cứng, hoặc kìm nén sự thật, hay cố gắng "vượt qua nó”, quá bận rộn để chú ý, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ sự thoải mái mà A-ba muốn tuôn đổ trên chúng ta. Sự an ủi cho những người than khóc là điều mà được cam kết, và đó là điều mà cuộc đời của Đấng Christ đã chứng minh.

An ủi trong Đấng Christ

Khi đối diện với cái chết của người bạn La-xa-rơ, Chúa Jêsus đã khóc. Khi đối mặt với sự không ăn năn của Giê-ru-sa-lem, Chúa Jêsus đã khóc. Khi nhìn thấy với sự thống khổ của thập tự giá, Chúa Jêsus đã khóc.

Đó là những nỗi buồn của Ngài vì chúng ta (Ê-sai 53). Khi Đấng Christ nhận chúng ta làm ‘cô dâu’ yêu dấu của Ngài, có một kết nối sâu sắc giữa chúng ta và Ngài, đến nỗi tội lỗi, sự chết, sự đau buồn và đau đớn của chúng ta sẽ là của Ngài, và sự công bình, sự sống, niềm vui và sự thoải mái của Ngài sẽ là của chúng ta.

Ru-tơ mang hình ảnh chân chính và tốt lành của Ngài khi nàng đến nói với Na-ô-mi đang đau buồn rằng: “Mẹ đi đâu con sẽ đi theo đó; Mẹ ở nơi nào con sẽ ở nơi đó. Dân tộc của mẹ là dân tộc của con; Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của con”( Ru-tơ 1:16). Chúng ta có thể nói thêm, “Nơi con đau buồn Ta sẽ đau buồn, nơi con khóc Ta sẽ khóc. Nước mắt của con cũng chính là nước mắt của Ta".

Trong các Phước lành, Chúa Jêsus đã cam kết sự an ủi của Ngài .Thời gian sống trên đất và bước vào sự chết vì loài người, Chúa Jêsus đã bày tỏ một tấm lòng của sự yên ủi. Và khi tuôn đổ Thánh Linh, Chúa Jêsus đem đến nguồn yên ủi. Đức Thánh Linh xác chứng trong lòng chúng ta rằng Chúa Jêsus không chỉ khóc cho con người nói chung, nhưng Ngài khóc cho mỗi cá nhân.

Như JI Packer đã viết trong cuốn sách Know God/Chúa Biết, rằng: “nỗi đau, nỗi buồn và sự đau khổ của chúng ta được gánh vác bởi Đấng chịu hình và Ngài sẽ bằng mọi cách để đưa chúng ta lên Thiên đàng”.

Chúa mời gọi chúng ta trung thực về năm 2020 (và tất cả các năm khác). Và sự thật là thân thể chúng ta đã chết vì tội lỗi; rằng chúng ta đi qua thung lũng của bóng tối của sự chết; rằng chúng ta đang sống trong một thời đại xấu xa; và cuộc sống đó, như chúng ta biết, đang qua đi.

Nhưng Ngài cũng mời gọi chúng ta có mối liên hệ chân thật với chính Ngài: tội lỗi của chúng ta được chạm đến chân thập giá, nỗi đau thực sự của chúng ta được hòa với nước mắt của Ngài, và cái chết của chúng ta thực sự được đáp ứng với sự phục sinh.

Hãy tiếp tục vững tin, mọi đau buồn, mất mát sẽ sớm qua đi. Và rồi chúng ta sẽ thực sự được vui mừng trong niềm an ủi vĩnh hằng của Đấng Christ. Hãy sắp xếp thời gian để riêng tư với Chúa trong lời cầu nguyện. Hãy đến với Đấng Christ để được than thở. Hãy tìm kiếm lời khuyên và chia sẻ nỗi đau của chúng ta với bạn bè và người lãnh đạo thuộc linh. Đừng cố nén nỗi buồn hay chìm đắm trong sự thiếu tin tưởng, nhưng hãy thật lòng trút mọi nặng lòng của mình lên Đức Chúa Trời, vì Ngài đã cam kết, chứng minh và đã ban Đức Thánh Linh - Nguồn yên ủi cho linh hồn mỗi chúng ta.

Bài: Todd Murden; dịch: Sara Doan

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này