Sứ mệnh của Đức Chúa Trời để giải cứu một người nữ mại dâm

Dưỡng linh
01:14 09/08/2020

Oneway.vn - Nhiều người trong chúng ta đã học về chiến tích đánh bại thành Giê-ri-cô từ khi còn ngồi trong lớp trường Chúa nhật thiếu nhi.

Quân đội của tướng Giô-suê đi đánh trận bằng cách diễu hành vòng quanh thành trong bảy ngày. Kết thúc cuộc diễu hành vào ngày thứ bảy, họ đồng thanh “reo hò vang dội và tường thành liền đổ sập”. Đức Chúa Trời đánh bại kẻ thù trong khi Giô-suê và đạo quân của ông chỉ việc đứng nhìn và trầm trồ kinh ngạc.

Khi xem xét những yếu tố siêu phàm mà Chúa đã dùng để đánh bại thành Giê-ri-cô – không chiến lược quân sự – một câu hỏi đặt ra là: Tại sao các trinh thám lại được sai đi vào thành trước đó? Chắc chắn, trong vai trò là nhà cầm quân của quân đội Y-sơ-ra-ên, Giô-suê được yêu cầu phải làm phần của ông để đảm bảo chiến thắng; thật vậy, đời sống đức tin là một lời kêu gọi hành động. Nhưng tại sao ông cần phải sai phái các trinh thám?

Các nhà giải kinh không nhất trí với nhau về việc liệu Đức Chúa Trời có phán bảo Giô-suê gửi trinh thám đi hay không. Nhưng, nếu chỉ vì Kinh Thánh không chép thì không có nghĩa là Chúa không bao giờ bảo Giô-suê làm thế. Theo James Boice, rất có thể Chúa đã ra lệnh cho họ làm việc ấy, không chỉ bởi vì Ngài từng truyền lệnh rõ ràng cho Môi-se sai 12 trinh thám đi thăm dò xứ Ca-na-an 40 năm trước đó (Dân 13:2). Boice viết: “Hoàn toàn có lý do khi cho rằng các trinh thám đã được sai đi để cứu Ra-háp chứ không chỉ đơn thuần là dò thám thông tin. Giô-suê không cần có thông tin về Giê-ri-cô; điều ông cần là thu xếp những gì cần thiết để cứu Ra-háp và gia đình nàng”.

Giô-suê không cần một chiến lược để đánh bại Giê-ri-cô, Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông một kế hoạch phi thường để đánh chiếm thành. Trong khi đó, Chúa điều hành việc gửi các trinh thám là để cứu Ra-háp và gia đình nàng.

Sứ mệnh giải cứu

Khi các trinh thám xâm nhập vào Giê-ri-cô và gặp Ra-háp, nàng nói với họ những gì nàng đã nghe về dân Y-sơ-ra-ên – các phép lạ giải phóng vĩ đại và những chiến thắng:

“Khi chúng tôi nghe điều đó thì lòng chúng tôi tan nát, chẳng ai trong chúng tôi còn can đảm trước mặt các ông nữa, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia và ở dưới đất thấp nầy. Vậy bây giờ, hãy chỉ Đức Giê-hô-va mà thề với tôi rằng vì tôi đã đối xử nhân từ với hai ông, thì hai ông cũng phải đối xử nhân từ với nhà cha tôi và cho tôi một dấu hiệu bảo đảm rằng các ông sẽ để cho cha mẹ, anh em, chị em tôi cùng tất cả người thân của họ được sống, và cứu chúng tôi khỏi chết”. (Giô-suê 2:11–13)

Giô-suê không cần một chiến lược để đánh bại Giê-ri-cô, Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông một kế hoạch phi thường để đánh chiếm thành. Trong khi đó, Chúa điều hành việc gửi các trinh thám là để cứu Ra-háp và gia đình nàng.

Các phép lạ đã khiến Ra-háp tin rằng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên là “Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia và ở dưới đất thấp nầy”, và đối với nàng, chúng là hương thơm của sự sống dẫn đến sự sống, nhưng đối với những người còn lại trong thành, chúng là mùi của sự chết dẫn đến sự chết (II Cô 2:15–16). Không có kiểu đáp ứng trung dung với Đức Chúa Trời. Nỗi kinh sợ trước Đức Chúa Trời hoặc sẽ làm cho tội nhân càng cứng lòng và vô tín hơn, hoặc ân điển thúc giục họ tin nơi Ngài. Mọi người trong thành Giê-ri-cô đều sợ hãi, nhưng nỗi sợ của Ra-háp đã khiến nàng dâng mình cho Chúa.

Ra-háp tin rằng sự hủy diệt sắp xảy ra và lối thoát duy nhất dành cho nàng là chạy khỏi Giê-ri-cô để đến với dân Đức Chúa Trời. Nàng đã mạo hiểm chính mạng sống mình để bảo vệ các trinh thám Y-sơ-ra-ên.

Đây không chỉ là một quyết định trước hoàn cảnh thực tế. Ra-háp không chỉ trốn khỏi Giê-ri-cô mà còn gia nhập với Y-sơ-ra-ên và rồi kết hôn với người của bộ tộc Giu-đa. Nàng đã bỏ lại tất cả những gì nàng biết để thừa hưởng sự sống vĩnh cửu (Ma-thi-ơ 19:29). Đức Chúa Trời ban phước cho nàng qua việc không chỉ đưa nàng vào dòng dõi các vua của Y-sơ-ra-ên, mà còn dòng dõi của Vua trên muôn vua – Đức Chúa Jêsus Christ (Ma-thi-ơ 1:5).

Di sản của đức tin của Ra-háp không chỉ dừng lại ở Giô-suê 2. Thật đáng ngạc nhiên, Kinh Thánh liên tục hướng sự chú ý của chúng ta đến nàng.

Đức tin chân thật

Hê-bơ-rơ 11 thuật lại chi tiết về các vị anh hùng đức tin như A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Giô-sép, Môi-se, và trong đó có cả kỹ nữ Ra-háp. Tất cả những vị ấy đều bám chặt lấy đức tin “là sự xác quyết về những điều mình đang hi vọng, là bằng chứng của những điều mình chẳng xem thấy … nhờ đức tin mà người xưa đã được lời chứng” (Hê-bơ-rơ 11:1–2). Câu 16 cho chúng ta biết rằng “Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ”.

Ngay ở giữa “Hội trường đức tin” này, chúng ta đọc thấy: “Bởi đức tin, kỹ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã tiếp rước các thám tử một cách hòa nhã”. (Hê-bơ-rơ 11:31).

Hầu như mỗi lần được nhắc đến trong Kinh thánh, Ra-háp vẫn gắn liền với cái tên “kỹ nữ”, điều này chỉ là để nhấn mạnh đến ân điển dành cho sự cứu rỗi của nàng. Cho dù nàng là một kỹ nữ, Đức Chúa Trời vẫn tẩy sạch sự xấu hổ của nàng bằng ân điển vinh quang tuôn tràn. Ngài không hề hổ thẹn khi xưng mình là Đức Chúa Trời của nàng.

Hầu như mỗi lần được nhắc đến trong Kinh thánh, Ra-háp vẫn gắn liền với cái tên “kỹ nữ”, điều này chỉ là để nhấn mạnh đến ân điển dành cho sự cứu rỗi của nàng.

Chúng ta cũng thấy Ra-háp được nhắc đến trong sách Gia-cơ như một tấm gương về đức tin chân thật: “Cũng vậy,chẳng phải kỹ nữ Ra-háp đã được xưng công chính bởi hành động, khi bà tiếp rước các sứ giả và đưa họ đi bằng một con đường khác sao?” (Gia-cơ 2:25). Việc trước giả Gia-cơ đề cập đến Ra-háp ở đây là để cho thấy sự cần thiết của những việc làm tốt lành trong đời sống người tin Chúa, những việc làm chứng minh đức tin ấy là thật.

Chiến tích của ân điển

Bạn thân mến, bạn có đang mang gánh nặng về một quá khứ tăm tối và đáng xấu hổ không? Bạn có đang để cho những tội lỗi trước đây dằn vặt, chế nhạo rằng bạn chỉ là một công dân hạng hai trong vương quốc của Đức Chúa Trời không? Bạn có chần chừ trong việc chia sẻ lời chứng của mình, hoặc sử dụng những ân tứ Chúa ban để khích lệ và gây dựng hội thánh không?

Sự vĩ đại của Phúc Âm đó là: Tất cả chúng ta đều là những tội nhân cùng khốn và được cứu bởi ân điển diệu kỳ của Đức Chúa Trời! Ngài đã phái đặc công giải cứu của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ để chuộc bạn ra khỏi tội lỗi và sự phán xét. Ngài không hổ thẹn khi xưng Ngài là Đức Chúa Trời của bạn. Bởi tình yêu vô lượng vô biên mà Ngài dành cho bạn, bạn chính là một chiến tích về ân điển vinh quang của Ngài.

Ngài đã phái đặc công giải cứu của Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ để chuộc bạn ra khỏi tội lỗi và sự phán xét.

Suốt trong lịch sử, Đức Chúa Trời đã và đang thực hiện các mục đích của Ngài trong và qua những người Ngài chọn. Ngài chọn sử dụng những anh hùng bất đắc dĩ, những con người thất bại thảm hại và những tội nhân chìm sâu trong tội lỗi. Đức Chúa Trời đã gọi một dân nô lệ cứng lòng ra khỏi Ai Cập và suốt 40 năm lang thang trong hoang mạc sau đó, Ngài loại bỏ dần những người không đặt lòng tin cậy nơi Ngài, để rồi đến Giô-suê 2, họ có thể đứng trước biên giới của miền đất hứa.

Nhưng trước hết, bởi lòng thương xót vô hạn, Ngài phải cứu nàng kỹ nữ Ra-háp, một người nữ kính sợ Đức Chúa Trời.

 

Tác giả: Barbaranne Kelly là một người mẹ của năm người con (ba người đã có gia đình) và là bà của hai người cháu. Bà và chồng, Jim, là thành viên của hội thánh Christ Presbyterian Church ở New Braunfels, Texas, nơi bà phụ trách chương trình học Kinh Thánh dành cho phụ nữ. Barbaranne có trang blog riêng của mình, “Grateful”, và góp phần trong mục vụ enCourage, một trang blog mục vụ phụ nữ của PCA.

 

Tác giả: Barbaranne Kelly; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này