Sự Thương khó: "Đừng khóc về Ta, hãy khóc vì chính mình"

Dưỡng linh
08:45 08/04/2020

Oneway.vn - Lễ Thương khó, chúng ta kỷ niệm ngày buồn nhất trong lịch sử.

Từng giọt máu chảy xuống mặt Ngài. Những ngọn gai nhọn hoắt đớn đau trên đầu chính Đấng tạo hóa. Tiếng rên rỉ đau đớn phát ra từ môi miệng Ngài, Đấng đã dùng tiếng phán tạo nên cả thế gian. Bọn lính đánh Ngài, tra tấn Ngài tàn nhẫn.

Khi Ngài lê bước qua đường phố Jerusalem, cây thập tự khổng lồ đè nặng trên tấm lưng rướm máu. Nhiều người rùng mình nhìn Ngài. Khuôn mặt Chúa, khuôn mặt vinh hiển mà Môi-se không thể nào nhìn trực diện, vậy mà giờ đây trầy trụa đau đớn đến mức trông không còn giống con người (Ê-sai 52:14).

Những người mẹ che mặt con mình để không thấy con người bê bết máu đáng kinh ấy. Người dân chế nhạo Ngài. Bọn lính tra tấn Ngài. Thiên sứ trên trời thét lên kinh hoàng.

Mọi lời tiên tri về nỗi thống khổ của Ngài đã được làm trọn. Họ phán xét bất công và áp bức Ngài. Bầy chiên của Ngài phân tán khi kẻ thù hại Ngài. Một sứ đồ đã bán Ngài và phản bội Ngài bằng một nụ hôn. Người ta không ngừng đánh đập, nhổ nước bọt vào Ngài và chế nhạo Ngài suốt đêm. Buổi sáng, Ngài đưa lưng ra cho người ta đánh, đưa má ra cho người ta nhổ nước bọt vào.

Ngài lê bước lên Đồi Gô-gô-tha như con chiên bị đem đến hàng làm thịt.

Bộ phim về cuộc khổ nạn của Ngài bị xếp hạng “bạo lực”

Tôi nhớ lần đầu tiên xem “The Passion of the Christ/Cuộc khổ nạn của Đấng Christ” cách đây mười bốn năm. Cảnh tượng những người lính La Mã đâm sâu ngọn giáo vào hông Ngài dường như thấu qua lòng tôi, tựa như Ma-ri (Lu-ca 2:35). Máu. Những tiếng thét. Nỗi thống khổ. Tôi không bao giờ có thể một lần nữa nói với người khác rằng Đấng Christ đã chết cho họ - một cách vô tâm! 

Tôi hiếm khi khóc, nhưng khi tôi nhìn thấy cảnh Chúa Jêsus đổ máu khắp chốn hành hình thành La Mã, tôi không thể nào nén nước mắt tuôn rơi. Khi họ đóng những chiếc đinh khổng lồ đau đớn lên tay và chân Ngài - mẹ Ngài đang đứng nhìn Ngài - từng nhát búa cũng như đâm vào tim tôi. Chỉ có những kẻ vô tâm mới có thể xem cảnh này cách vô cảm! Chưa bao giờ có một cảnh nào bi thảm hơn!

Tôi đã không nhìn xem vết thương của Ngài đủ rõ. Tôi đã không khóc vì nỗi thống khổ của Ngài nhiều như tôi nên khóc. Nhưng Chúa Jêsus đã nói gì với tôi, và những người đã dành ngày ngày Thương khó để khóc thương cho nỗi đau không thể chịu đựng của Ngài?

Hai ngàn năm trước Ngài đã nói với những người khóc vì Ngài ngày hôm đó: “Đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi”.

Sự im lặng

Trong nhiều nỗi kinh hoàng trên Đồi Sọ, điều đặc biệt đau đớn chính là sự sỉ nhục (Hê-bơ-rơ 12: 2). Chúa Jêsus bị hành hình công khai. Những người bị đóng đinh thường trần truồng. Lời tiên tri phán: “Hễ kẻ nào thấy tôi đều nhạo cười tôi. Trề môi, lắc đầu” (Thi-thiên 22:7). Đó là điều kinh khủng nhất: bị chế giễu, sỉ nhục trước cả một quốc gia.

Nhưng những tiếng nhạo báng không phải là âm thanh duy nhất. Nhiều phụ nữ đi theo sau lưng Ngài, khóc than. Họ đi theo từng giọt máu rơi của Chúa Jesus với dòng nước mắt chứa chan.

Nhưng khi nghe tiếng nức nở của họ, Chúa Jêsus - bị đánh đập và tan vỡ - quay mặt về phía họ và nói những lời đầy ân điển nhưng cũng gây bàng hoàng: “Hỡi con gái thành Giê-ru-sa-lem, đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi” (Lu-ca 23:28).

Vào ngày Thương khó ấy, Chúa Jêsus quay sang những người đồng cảm duy nhất còn lại của Ngài, những người không chửi rủa, chế giễu Ngài, nhưng khóc cho Ngài, và bảo họ im lặng. Ngài ra lệnh để họ đừng tiếp tục hộ tống Ngài bằng nước mắt. Ngài tiếp tục tiến bước vào nỗi đau mà không cần sự thương tiếc của họ.

“Đừng khóc về ta”

Hai thiên niên kỷ trước, Chúa Jêsus không cần nước mắt của họ, và Ngài cũng không cần nước mắt của chúng ta hôm nay. Sự thật này giúp chúng ta nhìn cuộc khổ nạn của Ngài qua con mắt đức tin.

Khi nói “Đừng khóc về ta”, Chúa Jêsus muốn nhắn nhủ:

Ta đang cứu dân ta. Ta đã cầu nguyện, với linh hồn dịu dàng và biết rằng “ta há chẳng uống chén mà Cha đã ban cho ta uống sao?” (Giăng 18:11)? Ta sẵn sàng vác thập tự giá này vì “đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài” (Giăng 4:32-34). Và ý muốn Cha thật vinh quang: Ngài đã đưa ta đến thế gian để phục vụ và trao sự sống ta làm giá chuộc cho dân ta. Cơ thể ta tan vỡ và huyết ta đổ ra cho con (Lu-ca 22: 19-20). Tình yêu vĩ đại hơn tất cả, khi ta nằm xuống vì bạn bè mình. Đừng khóc, vì nỗi đau này sẽ sinh ra sự cứu rỗi và niềm vui không thể lay chuyển! (Giăng 16: 20-22).

Ta không phải là một nạn nhân bất lực. Ta là vua chiến binh với hàng ngàn thiên sứ phía sau (Ma-thi-ơ 26:53). Chỉ cần một lời phán của ta và nỗi kinh hoàng này sẽ kết thúc, Rô-ma sẽ bị phá hủy, tất cả loài người sẽ bị kết án vĩnh viễn. Nhưng ta được sai đi để cứu, không phải để kết án thế gian (Giăng 3:17). Hãy tin rằng không một con người nào, hoặc quân đội nào, có thể đánh cắp sự sống của ta. Ta buông sự sống mình theo ý muốn ta và ta sẽ lại sống một lần nữa (Giăng 10: 11-18).

Ta đang chinh phục vũ trụ. Con thấy gót chân ta bầm tím rướm máu và con than khóc, nhưng nếu nhìn bằng con mắt đức tin, con sẽ thấy ta đang giẫm đạp lên đầu con rắn (Sáng thế ký 3:15). Mặc dù ta lê bước như Chiên Con, ta lại đang chinh phục cả vũ trụ như Sư tử - kẻ săn mồi, chứ không phải một con mồi bị hành hình trên thập tự giá (Khải huyền 5: 5-6). Ta là vị vua cai trị vũ trụ. Khi được cất lên, ta sẽ đặt kẻ thù nghịch làm bệ chân (Thi thiên 110:1). Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa! Tại sao con lại khóc trong thì giờ vinh hiển của ta (Giăng 12: 27-28)?

Ngày Chúa nhật Phục sinh đang đến. Ta đã nói nhiều lần rằng sau ba ngày ta sẽ sống lại (Ma-thi-ơ 16:21; 17:22-23; 20: 18-19). Mặc dù ngày hôm nay đầy dẫy bóng tối, nỗi đau, nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng, ngày Chúa nhật ấy vẫn đang đến. Cha lánh mặt khỏi ta, những kẻ ác giết ta, các môn đồ chạy trốn khỏi ta, nhưng thực sự ta nói với con, Chúa nhật Phục sinh đang đến. Niềm vui được đặt trước mắt ta và cho ta sức mạnh để chịu đựng. Mão triều thiên vinh hiển, một kỷ nguyên bất diệt đang chờ ta. Những người được chuộc bởi dòng huyết này đang chờ ta. Vinh quang đời đời đang chờ ta. Cha đang chờ ta. Vậy nên đừng khóc cho ta.

Khóc về chính mình

Chúa Jêsus không ngăn dòng nước mắt của họ mà Ngài chuyển hướng họ: “Đừng khóc về ta, song khóc về chính mình các ngươi và về con cái các ngươi” (Lu-ca 23:28). Cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời sẽ sớm ập xuống con người nơi đây vì tội lỗi họ. Nên khóc thương cho quốc gia đã từ chối Đấng Mê-si, chứ đừng khóc thương cho Chúa Jêsus.

“Vì nầy, ngày hầu đến, người ta sẽ nói rằng: Phước cho đàn bà son, phước cho dạ không sanh đẻ và vú không cho con bú! Bấy giờ, người ta sẽ nói với núi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta! Với gò rằng: Hãy che chúng ta!” ((23: 29-30)

Khi nói “khóc về chính mình”, Chúa Jêsus muốn nói rằng:

Ta có thể chịu đựng chén đắng này, nhưng con thì không. Rô-ma này sẽ giết con cái con trước mắt con. Con thú mà con thỏa hiệp ngày hôm nay sẽ quay lại tấn công con vào ngày mai. Nỗi thống khổ của con sẽ khủng khiếp đến mức, con nên chứa những giọt nước mắt này vào chai để dành cho ngày đáng sợ đó.

Những đau khổ của ta sẽ kết thúc khi ta trút hơi; nhưng con thì không. Nhiều người trong các con sẽ khóc lóc cầu xin những ngọn núi che chở mình, nhưng điều đó chỉ có thể giúp con thoát khỏi sự phán xét của Rô-ma, chứ không thể giúp con được tha khỏi sự phán xét của Chúa. Công lý Ngài không dừng lại khi con chết. Ngài là Đức Chúa Trời của cả kẻ sống và kẻ chết (Công vụ 10:42). Sự trả thù thuộc về Ngài; Ngài sẽ báo ứng (Hê-bơ-rơ 10:30). Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay! (Hê-bơ-rơ 10:31).

Hãy khóc cho tội lỗi con. Hỡi những người con gái hiền lành, những giọt nước mắt rơi vì ta thật vô ích, vì ta đau khổ nhưng không bao giờ gục ngã trước tội lỗi. Nhiều người khóc vì sự đau khổ ta, nhưng không phải tội lỗi ta gây ra nỗi đau ấy. Nỗi kinh hoàng con nhìn thấy trước mắt là do ta đã trở nên tội lỗi vì con, và gánh lấy cơn thịnh nộ mà con đáng phải nhận, hầu cho con được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời (2 Cô-rinh-tô 5:21). Nếu con khóc, hãy khóc vì những tội lỗi xấu xa của con đã khiến dấu đinh ta càng sâu nghiến hơn, khóc vì lời nói dối con đã chĩa vào trán ta những cái gai sắc nhọn, sự hèn nhát con đã đâm một nhát chí mạng vào hông ta, và hãy khóc vì sự kiêu ngạo con đã ép ta phải vác thập hình lê bước đau đớn trên con đường lên đồi Gô-gô-tha.

Vì tội tôi

Tôi đã xem “Cuộc khổ nạn của Đấng Christ” trong suốt bốn năm, và lần nào cũng rơi nước mắt, nhưng tôi vẫn không thực sự được tái sinh. Tôi nghĩ mình thật tốt đẹp khi khóc vì Ngài, như thể tội lỗi tôi sẽ được bỏ qua nếu có những giọt nước mắt vương trên cửa nhà mình. Nhưng sự thật, không cần một tấm lòng tái sinh để khóc vì nỗi thống khổ của Chúa Jêsus: thế giới này đầy những người không tin khóc vì những điều đáng buồn; nhưng cần cả một tấm lòng được tái sinh để khóc vì những gì tôi hiếm khi thật sự quan tâm và đau đớn: vì tội tôi (Gia-cơ 4: 8-10).

Những người chứng kiến ​​Chúa Jêsus bị hành hình hai ngàn năm trước đã không nhìn thấy tội lỗi họ nơi thập tự giá: “Bởi sự ức hiếp và xử đoán, nên người đã bị cất lấy; trong những kẻ đồng thời với người có ai suy xét rằng người đã bị dứt khỏi đất người sống, là vì cớ tội lỗi dân ta đáng chịu đánh phạt?” (Ê-sai 53:8). Nỗi kinh hoàng dường như ở lại “trên đồi”, và họ vẫn là “những người ngoài cuộc vô tội”. Họ đã bỏ lỡ ý nghĩa và vẻ đẹp của thập tự giá. Họ khóc, nhưng không yêu thương. Nếu chúng ta vẫn chưa thực sự có thể lớn tiếng nói rằng: “Vì tội tôi Ngài phải treo trên đồi, cho đến khi công việc Ngài được trọn”, thì những giọt nước mắt này hoàn toàn là vô ích.

Chúng ta nên khóc dưới chân thập tự giá, nhưng không phải với những giọt nước mắt xót thương. Phải khóc với đức tin. Những giọt nước mắt ấy không được khô đi vào thứ Hai sau lễ Phục sinh. Chúng ta phải khóc thương vì tội lỗi chúng ta đã đóng đinh Ngài ở đó. Chúng ta phải khóc để ca ngợi Ngài là vị Vua vĩ đại của chúng ta. Và chúng ta phải khóc để kỷ niệm sự Thương khó Ngài, không phải chỉ trong một đêm, mà là mãi mãi cho đến khi Ngài Tái lâm.

 

Bài: Greg Morse; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này