Thế nào là một Cơ Đốc nhân “khoẻ mạnh”?
Oneway.vn - "Trong số 100 người, một người sẽ đọc Kinh Thánh, nhưng 99 người còn lại sẽ nhìn các Cơ Đốc nhân".
Một người tự xưng là Cơ Đốc nhân không có nghĩa họ là đại diện chân chính của Chúa Jêsus, rằng họ là một Cơ Đốc nhân “khỏe mạnh”. Thực tế, những người tự gọi mình là Cơ Đốc nhân đều có nhiều sai sót trong việc đại diện cho tình yêu, ân điển và sự thánh khiết tuyệt vời của Chúa Jêsus.
Thế gian thường xuyên tạc và hiểu sai về Cơ Đốc giáo. Điều này là hiển nhiên, bởi vì có rất nhiều người tự gọi mình là “Cơ Đốc nhân”, nhưng bản chất lại không phải. Mục tiêu của mọi Cơ Đốc nhân là bước đi theo những đặc tính mà Đấng Christ kêu gọi trong cuộc sống mình.
D.L.Moody tuyên bố: "Trong số 100 người, một người sẽ đọc Kinh Thánh, nhưng 99 người còn lại sẽ nhìn các Cơ Đốc nhân". Chúng ta là những người đại diện cho Chúa Jêsus trong thế giới, và ngay cả với gia đình chúng ta.
Mục đích cao nhất của chúng ta là trở thành một Cơ Đốc nhân chân chính và đại diện tốt nhất cho Chúa Jêsus.
Vậy một Cơ Đốc nhân “khỏe mạnh” trông như thế nào? Không phải sức khỏe thể chất, chúng ta đang nói đến một người đại diện chân chính và tốt lành cho Chúa Jêsus.
Dưới đây là chín đặc điểm của một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh, một người đại diện chân chính cho Chúa Jêsus:
1. Bình an và đầy lòng thương xót
Một số Cơ Đốc nhân cho rằng Chúa sẽ hài lòng khi chúng ta hiểu biết và theo kịp văn hóa đương thời. Nhưng Kinh Thánh cho biết: “Nhưng sự khôn ngoan từ thiên thượng thì trước hết là thanh sạch, rồi hiếu hòa, dịu dàng, nhường nhịn, đầy lòng thương xót và bông trái tốt lành, không chút thành kiến hay giả dối” (Gia-cơ 3:17). Một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh có thể hiểu biết về văn hóa, nhưng họ không dành toàn bộ thời gian để làm điều này. Họ tập trung vào việc trở thành sứ giả bình an và phát triển lòng thương xót.
2. Sống trong cộng đồng Cơ Đốc
Một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh thích sống và phát triển cùng các Cơ Đốc nhân khác. Nếu một Cơ Đốc nhân không thể hòa hợp với những người khác, thì họ chưa trưởng thành trong đức tin nơi Đấng Christ. (Kinh Thánh nhiều lần nói về sự trưởng thành thuộc linh, và việc một số tín đồ Đấng Christ chưa trưởng thành)
“Nếu có ai nói: “Tôi yêu thương Đức Chúa Trời” mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối. Vì người nào không yêu thương anh em mình thấy thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mà mình không thấy được” (1 Giăng 4:20).
3. Sống vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời
Một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh sống vì một mục đích duy nhất. Họ quan tâm nhất đến việc hạ mình xuống, để tôn Chúa Jêsus lên cao hơn và đặt Ngài làm trọng tâm của mọi hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.
“Ngài phải được tôn cao, còn tôi phải hạ xuống” (Giăng 3:30).
4. Bạn của tội nhân
Chúa Jêsus là bạn của tội nhân. Một Cơ Đốc nhân lành mạnh không chỉ giao lưu với các Cơ Đốc nhân khác, họ còn kết bạn và mở rộng lòng thương xót Chúa cho những người chưa tin.
“Con Người đến, ăn và uống thì họ lại nói: ‘Kìa, một người ham ăn, mê uống; làm bạn với người thu thuế và kẻ tội lỗi!’ Tuy nhiên, sự khôn ngoan được biện minh bằng những hành động của nó” (Ma-thi-ơ 11:19).
5. Gia tăng lòng nhân từ
Bạn có thể nhận ra một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh khi nhìn thấy trái của Thánh Linh trong đời sống họ. Họ đang lớn lên trong yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ.
“Nhưng trái của Thánh Linh là: Yêu thương, vui mừng, bình an,nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, khiêm nhu, tiết độ. Không có luật pháp nào cấm các điều đó” (Ga-la-ti 5:22-23).
6. Tiếp thu Lời Chúa
Cố lãnh đạo Cơ Đốc D.L.Moody đã chia sẻ nhiều minh họa về tầm quan trọng của Kinh Thánh để gây dựng một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh. Ông từng nói: "Nếu mọi người không tiếp xúc gần gũi hơn với Lời Chúa, thì mọi buổi nhóm họp sẽ trở nên vô ích sau một thời gian". Cho đến khi chúng ta học cách áp dụng Lời Chúa trong đời sống cá nhân hàng ngày, chúng ta sẽ không bao giờ trở thành một Cơ Đốc nhân trưởng thành mà Chúa luôn mong muốn (xem Thi Thiên 1:1-3).
7. Cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa
Một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh sẽ thường xuyên cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong đời sống họ. Họ muốn hiểu biết Chúa cách cá nhân, và Ngài tuôn đổ sức mạnh cho họ trong sự hiện diện yêu thương của Đức Thánh Linh.
“và hi vọng không làm chúng ta hổ thẹn, vì tình thương của Đức Chúa Trời tuôn đổ vào lòng chúng ta bởi Đức Thánh Linh là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Rô-ma 5:5).
8. Niềm vui bắt nguồn từ Phúc âm
Một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh biết rằng họ được cứu rỗi hoàn toàn nhờ công việc của Đức Chúa Trời qua Chúa Jêsus trên thập tự giá, chứ không phải nhờ những nỗ lực yếu ớt của họ. Họ không truyền bá chủ nghĩa đạo đức đơn thuần. Họ truyền bá Phúc âm, tập trung vào việc tin nhận Đấng Christ bằng đức tin, và bước theo Ngài.
“Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều nầy không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào” (Ê-phê-sô 2:8-9).
9. Trung thành chịu đựng đau khổ
Một Cơ Đốc nhân khỏe mạnh biết rằng cuộc sống này không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Họ có một mục tiêu đời đời, và biết cuộc sống này chỉ là tạm thời. Họ tin cậy vào những lời hứa của Chúa giữa nỗi đau của thế gian này.
“Hai ông làm vững lòng các môn đồ, khích lệ họ giữ vững đức tin, và bảo rằng: ‘Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi gian lao mới vào được vương quốc Đức Chúa Trời’.” (Công-vụ các Sứ-đồ 14:22).
Bài: Matt Brown; dịch: Jennie
(Nguồn: churchleaders.com)
bình luận