Về Tết, nhen lại trong gia đình ngọn lửa niềm tin đã nguội lạnh

Dưỡng linh
05:23 23/01/2023

Oneway.vn - Đã bao giờ bạn cảm thấy mình không đủ khả năng để giúp đỡ gia đình - đặc biệt là khi bạn cảm thấy đời sống ở nhà của mình thật tệ hại?

Bạn không cô đơn đâu!

Đây là một vài cách hữu hiệu để chúng ta gỡ bỏ mặt nạ xuống và xây dựng mối quan hệ chân thật với những người thân yêu. 

Bạn có nghĩ việc chia sẻ về Chúa với ai đó trong gia đình hay người lạ là điều dễ dàng không? 

Tôi đã gặp nhiều Cơ Đốc nhân cảm thấy khó khăn khi nói về Chúa Jêsus với gia đình hoặc họ hàng của họ; một số người thậm chí còn cho rằng đưa sách phúc âm cho người lạ vào những buổi đi ra còn dễ dàng hơn. 

Việc này thậm chí còn thử thách khi bạn cố gắng chăm sóc cho ai đó trong gia đình khi họ đã từ bỏ đức tin, thường là vì những lý do sau đây: 

  1. Tôi không hiểu tại sao mọi người không sống theo những gì được dạy dỗ. Tôi không thấy đạo Cơ Đốc mà bạn nói dù ở nhà thờ hay ở nhà riêng! Tôi thà đi theo đạo khác còn hơn. 
  1. Tôi không muốn tin theo chỉ vì mọi người nói với tôi rằng nó tốt và đúng. Tôi đã nghĩ về điều đó và không muốn tin theo. 
  1. Bạn tôi không tin Chúa Jêsus nhưng họ vẫn sống tốt, vậy tại sao tôi phải tin Ngài? 
  1. Những người có thẩm quyền đáng tôn trọng trong trường học của tôi cho rằng tin Chúa Jêsus là việc làm “ngu xuẩn”, vậy tại sao tôi phải tin? 
  1. Tôi chỉ không hiểu. Tại sao mọi người không thấy khó khăn để tin như tôi? 

Nếu bạn đang đọc những điều này và phải thốt lên rằng: “Đó chính xác là những điều mà thành viên gia đình tôi đã rời bỏ niềm tin! Tôi nên làm gì đây?”, 

Tôi mời bạn đọc Kinh Thánh và cầu nguyện cho Lời Chúa và sự khôn ngoan của Ngài sẽ dẫn dắt chúng ta. 

Sống với sự bất hòa trong nhận thức

Thường thì, người mà chúng ta càng thân thiết càng khó để tiếp cận. 

Việc quen với những thói quen xấu, nhìn thấy những thất bại của nhau, đặc biệt khi ở gần nhau thời gian dài thường khiến chúng ta cảm thấy chùn bước. 

Chúng ta đang đối diện khó khăn - sự khác biệt giữa những điều chúng ta biết và nên làm với những điều chúng ta thực sự phải làm - được gọi là bất hòa trong nhận thức. 

Các Cơ Đốc nhân thường cảm thấy nản lòng vì không thực sự hoàn hảo. Chúng ta cảm thấy bất lực nên tìm lý do lảng tránh những điều mới mẻ có thể giúp mình thay đổi. 

Với những thất bại của mình, chúng ta cảm thấy không đủ khả năng để nâng đỡ gia đình, những người mà chúng ta đã làm tổn thương khi bản thân liên tục thất bại trong lời nói. 

Giờ đây, khi một người nhận thấy sự bất hòa nhận thức trong gia đình mình và tìm kiếm những con người chân thật ở bên ngoài, họ sẽ thấy ít nhất thế giới này mang lại “sự chân thật”, mặc dù những điều chúng ta thấy hiện tại là sai, được chấp nhận, không bị kiểm soát.

Có lẽ nguyên nhân tất cả những điều này là vì chúng ta không thú nhận với nhau về tội lỗi, đặc biệt là trong gia đình. Chúng ta cảm thấy không an toàn khi thừa nhận mình không thể làm những gì mình nói. 

Bằng cách này, chúng ta tiếp thêm sức mạnh cho tội lỗi và hạ thấp cái giá mà Chúa đã trả trên thập tự, tự biến mối quan hệ giữa con cái Chúa ở trong sự tàn phá của tội lỗi chứ không phải trong ân điển của Ngài. 

Chúng ta cần làm gì để cứu người nhà mình khỏi sự việc này? 

Căn bếp mở

Một điều mà tôi thấy thú vị về các nhà hàng có bếp mở là cách chúng ta có thể chứng kiến các nguyên liệu thô được biến thành những món ăn tuyệt vời. 

Chúng ta có thể xem thức ăn được chế biến minh bạch, mặc dù những sai sót cũng được đưa ra ánh sáng. Khi một đầu bếp nấu quá chín một món gì đó trước mặt chúng ta, dù rất xấu hổ, anh ta lại có cơ hội làm điều mà trong một căn bếp kín không làm được: Anh ta sẽ nhận lỗi lầm của mình và tiếp tục phục vụ khách hàng. 

Tôi tin rằng những Cơ Đốc nhân - là những con người yếu đuối cũng nên làm như vậy. Đời sống thuộc linh của chúng ta không nên được nung nấu trong những căn bếp đóng kín cửa, nhưng trong một cộng đồng chia sẻ cởi mở, nơi những lỗi lầm của chúng ta được nhìn thấy dưới ánh sáng của tình yêu. Với cách làm này, mọi người trong gia đình đều là người cho và người nhận ân điển của Chúa.

Như Lời Chúa Jêsus dạy dỗ trong Ma-thi-ơ 5:14-16: “Các con là ánh sáng cho thế gian. Một cái thành xây trên núi thì không thể bị che khuất được. Không ai thắp đèn mà lại đặt dưới cái thùng, nhưng đặt trên chân đèn để nó soi sáng mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu sáng trước mặt mọi người, để họ thấy những việc làm tốt đẹp của các con và ca ngợi Cha các con ở trên trời”.

Tôi tin rằng đây là cách mà chúng ta nên sống bởi vì Chúa đã biến đổi chúng ta từ con người tội lỗi sang con người được phục hồi vinh quang - một kỳ công đáng được chú ý! 

Thật vậy, điều đó mang lại ích lợi cho những người nhìn thấy chúng ta thay đổi từ đau khổ đến vinh quang.

Chúng ta cần gỡ bỏ mặt nạ để gia đình mình có thể thấy được những khó khăn mình đang đối diện. 

Điều này có nghĩa là chúng ta cho phép bản thân và người khác được ngạc nhiên, tức giận với những điều khiến chúng ta không hiểu hoặc khó chấp nhận. 

Niềm tin đã nguội lạnh bao lâu?

Tiếp theo là tìm hiểu sự thật mỗi người đã rời xa ân điển của Chúa bao xa. 

Là một giáo sĩ, tôi nhớ thực tập sinh ở nhà thờ của chúng tôi đã nói với tôi rằng điều có tác động lớn nhất đối với anh ấy trong quá trình làm việc với tôi không phải là khi khả năng làm việc, mà là khi sự khiêm nhường do Thánh Linh ban cho giúp tôi thừa nhận lỗi lầm của mình và mong sự tha thứ.

Chúng ta biết ơn Chúa vì được tha thứ và sự chữa lành trong Ngài vượt qua sự xấu hổ khi thú nhận tội lỗi. 

Hãy để ân điển Chúa bao phủ nỗi xấu hổ của chúng ta, Chúa biết con người chúng ta và đợi chờ để phục hồi khi chúng ta ăn năn (I Giăng 1:9-10). Được bao phủ trong ân điển là điều cần thiết để sống thành thật. 

Đừng để bản thân sa ngã vào lời nói dối rằng đạo Cơ Đốc tập trung vào Cơ Đốc nhân chứ không phải Đấng Christ. 

Đấng Christ - Ngài là Đấng toàn hảo, không bị nhận định bởi loài người, vì vậy hãy tin cậy nơi Chúa, Ngài sẽ thay đổi chúng ta từ bên trong đến bên ngoài để làm nhân chứng trong gia đình. 

Không một ai trên thế giới này Chúa tạo dựng thân thiết với chúng ta bằng gia đình. 

Những ai đang có thành viên trong gia đình bị sa ngã - chúng ta hãy tự hỏi xem mình đã cầu nguyện cho họ nhiều hay không? 

Có một cảnh trong bộ phim Finding Dory minh họa cho một cách tiếp cận mà tôi muốn đề xuất. Dory, cô mắc chứng mất trí nhớ, đã rất khó khăn khi trở về nhà khi còn nhỏ. Vì vậy, cha mẹ của Dory luôn đặt vỏ sò trên cát để dẫn cô trở về nhà.

Sau một tai nạn, Dory bị chia cắt khỏi cha mẹ. Họ không biết khi nào Dory sẽ trở về nên tiếp tục đặt vỏ sò từ nhà của họ ra bên ngoài, với hy vọng một ngày nào đó Dory có thể thấy một trong những hàng dài vỏ sò này và tìm đường quay trở về nhà. 

Cũng vậy, chúng ta phải đặt những vỏ sò trong cuộc sống của mình hướng về Chúa là ngôi nhà thực sự của chúng ta, để thế hệ tiếp theo, dù có hay không mắc chứng mất trí nhớ thuộc linh, cũng có thể được hướng dẫn trở lại với Chúa Jêsus vào đúng thời điểm.

Vậy chúng ta sẽ đặt vỏ sò như thế nào? 

Trung tín noi theo Đấng Christ, và bày tỏ tình yêu thương của Ngài trong mọi việc làm. 

Khi chúng ta tiếp tục làm như vậy và kiên trì cầu nguyện, chúng ta sẽ giống như người cha của đứa con trai hoang đàng trong câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Jêsus, thể hiện tình yêu thương, chứ không phải sự căm ghét hay phán xét, chờ đón những người thân yêu của chúng ta trở về. 

Mỗi người trong gia đình là món quà của Chúa dành cho chúng ta - dù là cha mẹ khó tính hay con cái nổi loạn.

Khi học cách nhìn nhau không theo những thành tích hay thất bại mà là anh chị em được cứu chuộc, thì lẽ thật của Đấng Christ sẽ thực sự liên kết chúng ta trong một tình yêu sâu sắc hơn – không sinh ra từ công việc hay ý chí của chúng ta, nhưng từ công giá của Đấng Christ trên thập tự giá. 

Tôi cầu xin tình yêu của Chúa thắng hơn hậu quả của tội lỗi, ban cho chúng ta lòng can đảm để tha thứ và hòa giải – vì những gì đã mất nay tìm lại được, đã chết mà nay lại sống (Lu-ca 15:11-32). 

Cho phép tôi kết thúc điều này bằng lời cầu nguyện cho anh chị em và gia đình của chúng ta: Lạy Cha của chúng con, cảm ơn Ngài đã ban cho chúng con ân sủng được sống trong gia đình. Dù chúng con đấu tranh và làm tổn thương nhau, xin ban cho chúng con sức mạnh để tha thứ. 

Xin giúp chúng con nhìn lên Chúa chứ không nhìn nhau trong khi tìm kiếm chân lý. 

Xin tha thứ cho chúng con khi chúng con hướng về bản thân mình nhiều hơn về Ngài; khi chúng con quyết định nói nhiều hơn lắng nghe, áp đặt nhiều hơn phản ánh về Ngài. 

Chúng con cầu nguyện cho những người đã đóng cửa trái tim mình với mọi người vì những nỗi đau. 

Xin chữa lành chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để phục hồi các mối quan hệ và bày tỏ tình yêu và ánh sáng của Ngài. 

Xin ban cho chúng con sức mạnh để cùng nhau tìm kiếm Ngài và cùng nhau tìm thấy Ngài. Xin kết chúng con lại với nhau trong tình yêu của Ngài, Chúa ơi.

Trong Danh Chúa Jêsus chúng con cầu nguyện, Amen!”.

 

Bài: Kevin Ngan; dịch: Quỳnh Hương
(Nguồn: thirst.sg)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này