Ý nghĩa của sự ăn năn thật (P.2)

Dưỡng linh
03:39 19/04/2024

Oneway.vn – Sự ăn năn chân chính của Cơ Đốc nhân bao gồm sự xác tín chân thành về tội lỗi, ăn năn về sự xúc phạm đến Đức Chúa Trời, từ bỏ lối sống tội lỗi và hướng đến lối sống tôn vinh Chúa.

Sự ăn năn không chỉ là một cảm giác. Cảm xúc có thể thoáng qua, trong khi sự ăn năn thực sự mang lại kết quả. Điều này chỉ ra sự khác biệt giữa “sự hối hận” và “lòng thống hối”. Sự hối hận là sự hối tiếc về tội lỗi do lo sợ cho bản thân: “Ồ, không. Tôi bị bắt. Điều gì sẽ xảy ra với tôi?”. Lòng thống hối, ngược lại, là sự hối tiếc về sự phạm tội chống lại tình yêu của Chúa và đau đớn vì đã làm tổn thương Thánh Linh. Nói cách khác, “ăn năn” vì sợ trừng phạt, thay vì từ sự căm ghét của tội lỗi.

Sự ăn năn của người Cô-rinh-tô

Sự ăn năn theo Kinh Thánh cũng phải được phân biệt với sự ăn năn theo thế gian hoặc xác thịt. Không ở đâu sự khác biệt này được thấy rõ hơn trong lời của Phao-lô tại 2 Cô-rinh-tô 7:8–12. Phao-lô đã viết bức thư “nghiêm khắc” cho người Cô-rinh-tô. Chính vì “quá nhiều đau đớn, thống khổ trong lòng và nhiều nước mắt” nên ông đã viết bức thư này (2 Cô-rinh-tô 2:4). Rõ ràng là ông đã nói một cách mạnh mẽ và dứt khoát về bản chất tội lỗi của họ và sự cần thiết của việc ăn năn. Khi làm như vậy, có nguy cơ sẽ khiến nhiều tín hữu xa lánh và chấm dứt mọi kết nối trong tương lai. Dù vậy, Phao-lô không ngại nói lên sự thật, nhưng là nói ra sự thật trong tình yêu thương.

“8 Nếu bức thư của tôi có làm cho anh em đau buồn thì tôi cũng không hối tiếc. Mà nếu trước đó tôi có hối tiếc — vì tôi thấy bức thư ấy đã làm cho anh em đau buồn, dù chỉ trong ít lâu — 9 thì bây giờ tôi lại vui mừng. Tôi vui không phải vì anh em đã đau buồn, mà vì sự đau buồn của anh em đã đem lại sự ăn năn. Thật, anh em đã đau buồn theo ý Đức Chúa Trời; như thế, chúng tôi không gây thiệt hại gì cho anh em cả. 10 Vì sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời sinh ra sự ăn năn để được cứu rỗi; điều nầy không có gì phải hối tiếc; nhưng sự đau buồn theo thế gian thì dẫn đến sự chết. 11 Vậy, anh em hãy xem, sự đau buồn theo ý Đức Chúa Trời đã sinh ra trong anh em lòng nhiệt thành như thế nào! Không những thế mà cả sự cố gắng thanh minh, phẫn nộ, sợ sệt, mong đợi, sốt sắng, sửa phạt nữa! Anh em đã chứng tỏ cho mọi người rằng mình không có lỗi trong việc đó. 12 Thật vậy, nếu tôi đã viết thư cho anh em, đó không phải vì kẻ làm sai trái, cũng không phải vì người bị đối xử sai trái, nhưng để lòng nhiệt thành của anh em đối với chúng tôi được bày tỏ cho anh em trước mặt Đức Chúa Trời”. (2 Cô-rinh-tô 7:8-12) 

Bức thư đã tác động lớn tới những tín hữu tại Cô-rinh-tô một nỗi đau buồn về tội lỗi “theo ý Đức Chúa Trời” (7:9, 10, 11). Điều Phao-lô muốn nói đến ở đây là nỗi đau vì tội lỗi, đúng với ý muốn của Chúa hoặc do nhận biết rằng tội lỗi của mình đã làm tổn thương Đức Chúa Trời nhiều ra sao. Điều này đối lập với “sự đau buồn theo thế gian” mà câu 10 nói đến, một nỗi đau sục sôi không phải vì sự thống hối do vi phạm một Đức Chúa Trời chí cao và thánh khiết, mà chỉ đơn giản là vì bị bắt ép phải công nhận mình là kẻ có tội. Nếu như sự đau buồn theo thế gian chủ yếu là sự tự ti vì tội lỗi đã bị phơi bày và bản thân không còn nhận được sự tôn trọng, ái mộ trong mắt con người. Thì sự đau buồn theo ý Chúa xảy ra khi ai đó hiểu rằng tội lỗi họ mắc phải thực sự đã xúc phạm đến Đức Chúa Trời thiêng liêng và công chính.

Nếu trước đây, người Cô-rinh-tô đã thờ ơ trong việc đáp ứng với lời kêu gọi của các sứ đồ, thì bây giờ họ rất “nhiệt thành” (7:11a) trong việc làm điều đúng đắn. Nếu trước đây họ đã phủ nhận sự dối trá của mình thì hiện tại họ rất muốn “thanh minh” cho chính bản thân mình (7:11b), không muốn những sự sai trái của mình gây ảnh hưởng xấu đến Đấng Christ và Phúc Âm. Lá thư của Phao-lô, qua Thánh Linh, đã làm bùng lên một sự “phẫn nộ” (7:11c) đối với chính họ vì đã không bảo vệ Phao-lô và đã để cho tình thế vượt quá tầm kiểm soát. Tóm lại, ban đầu đó là một trải nghiệm khó chịu đối với tất cả những người có liên quan. Nhưng cuối cùng, nó mang lại mùa gặt là sự ăn năn, sự phục hồi và mừng vui. 

Ăn năn thật là từ bỏ mọi tội lỗi và thực hiện các bước thay đổi để có thế tránh khỏi những cám dỗ khiến mình vấp ngã (Công vụ 19:18–19). Ăn năn là có một quyết tâm quay lưng và tránh xa mọi dấu hiệu hoặc mùi hương đầy mê hoặc của tội lỗi (Thi Thiên 139:23; Rô-ma 13:14). Nếu trong cái gọi là “sự ăn năn”, chúng ta không từ bỏ môi trường mà tội lỗi có thể được gieo mầm và phát triển, thì sự ăn năn của chúng ta cần phải được xem xét lại. Phải có sự đổi mới từ tận đáy lòng, nghĩa là quyết tâm công khai theo đuổi sự thánh sạch, làm những điều đẹp lòng Đức Chúa Trời (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9).

Tại sao chúng ta không ăn năn?

Có nhiều lý do khiến người ta thấy khó ăn năn. Ví dụ, Sa-tan và hệ thống thế gian đã khiến chúng ta tin vào lời dối trá rằng giá trị con người của chúng ta phụ thuộc vào điều gì đó khác hơn là những gì Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Nếu một người tin rằng có một ai khác nắm quyền quyết định giá trị của mình, thì người đó sẽ luôn miễn cưỡng tiết lộ về đời sống nội tâm của mình để có thể làm giảm đánh giá của người khác về bản thân mình. 

Do đó, việc không ăn năn giống như một hình thức thờ thần tượng. Từ chối ăn năn là để tôn cao bản thân lên trên vinh quang của Đức Chúa Trời. Đó là để nói, “Sự an toàn và địa vị của tôi trong cộng đồng của tôi có giá trị hơn danh dự và sự uy nghi của Đức Chúa Trời. Tôi không ăn năn vì tôi trân trọng hình ảnh của bản thân hơn là danh của Chúa”.

Tóm lại, con người không ăn năn vì khát khao bảo vệ “danh dự”. Chúng ta sợ bị lộ ra điểm yếu, sợ bị từ chối, chế nhạo và lãng quên. Và những thực tế này chỉ là những thực tế đáng sợ đối với những người chưa đủ nhận biết rằng họ được chấp nhận, được tôn trọng và có giá trị trong mắt Đức Chúa Trời.

Theo đuổi chân thành và trung thành trong sự ăn năn sẽ dẫn chúng ta đến phước hạnh lớn nhất: sự tha thứ! Như trong Thi Thiên 32:1 có chép: “Phước cho người nào được tha sự vi phạm mình. Được khoả lấp tội lỗi mình”. Tội lỗi của Đa-vít giống như một gánh nặng mà ông mong thoát khỏi. Và sự tha thứ cất đi gánh nặng khỏi đôi vai ông. Đa-vít không có ý ám chỉ rằng tội lỗi của ông chỉ đơn thuần bị che giấu nhưng bằng cách nào đó vẫn hiện diện để lên án và đánh bại ông. Đa-vít đã tự cố gắng che đậy nó. Nhưng vấn đề là Đức Chúa Trời không còn “nhìn thấy” nó nữa. Cuối cùng, phước thay, người nam hay người nữ, già hay trẻ, tội lỗi của chúng ta được Chúa không “kết tội” hay “xét đoán” (32:2). Không có hồ sơ tội lỗi nào được lưu giữ. Đức Chúa Trời không phải là người ghi điểm về mặt tinh thần cho những ai tìm kiếm ân huệ tha thứ của Ngài.

Tại sao chúng ta phải ăn năn?

Sự miễn cưỡng của chúng ta trong việc ăn năn thường dẫn đến sự trừng phạt từ Thiên Chúa. Khi Đa-vít suy tư về tội lỗi của mình và bước vào thời kỳ ông im lặng, ông miêu tả tác động của tội lỗi đến mình:

“Khi con nín lặng, các xương cốt con hao mòn
Và con rên xiết trọn ngày. Vì ngày và đêm tay Chúa đè nặng trên con;
Sức con tiêu hao như bởi cơn hạn mùa hè”. (Thi Thiên 32:3)

Vấn đề không chỉ là tội lỗi mà ông đã phạm mà còn là việc ông không ăn năn. Ông giữ im lặng về tội lỗi của mình. Ông dập tắt nó. Đa-vít chôn sâu bên trong, nghĩ rằng nó đã biến mất mãi mãi. Ông phớt lờ sự giằng xé trong lòng. Ông phủ nhận những quặn thắt trong lương tâm của mình. Ông làm tê liệt linh hồn của mình trước những cơn đau dai dẳng của sự thuyết phục.

Có phải Đa-vít chỉ dùng những triệu chứng thể chất để mô tả nỗi thống khổ về mặt tinh thần của mình không? Trong khi điều đó có thể xảy ra, tôi nghi ngờ rằng Đa-vít cũng đang cảm thấy gánh nặng tội lỗi trong cơ thể mình. Những gì chúng ta thấy ở đây là một quy luật sự sống trong thế giới của Chúa. Nếu bạn kìm nén tội lỗi trong tâm hồn, cuối cùng nó sẽ rỉ ra như axit và ăn mòn xương cốt bạn. Tội lỗi không được xưng nhận, không ăn năn, sẽ giống như một vết loét đang mưng mủ. Bạn có thể bỏ qua nó trong một thời gian, nhưng không phải là mãi mãi.

Những tác động về thể chất của những lựa chọn tinh thần của Đa-vít rõ ràng đến mức đau đớn. Có sự tiêu tan: “xương cốt con hao mòn” (Thi thiên 6:2). Có nỗi đau khổ: “con rên xiết trọn ngày.” Và Đa-vít đã kiệt sức: “Sức con tiêu hao như bởi cơn hạn mùa hè”. Giống như một cái cây khô héo dưới cái nắng sa mạc nóng nực, Đa-vít cũng khô héo và kiệt sức vì kìm nén tội lỗi của mình. Nói cách khác, ông thực sự bị bệnh vì đã từ chối “làm sạch” với Chúa. Thân thể ông đau nhức vì tâm hồn ông đang nổi loạn. Những quyết định về tinh thần thường có những hậu quả về thể chất. Đơn giản là Chúa sẽ không để con cái mình phạm tội mà không bị trừng phạt. Thực ra chính bàn tay của Chúa đã đè nặng lên tấm lòng của Đa-vít. Phạm tội mà không cảm nhận được sự trừng phạt từ bàn tay kỷ luật của Chúa là dấu hiệu của sự phi công chính.

Sự giao hòa trải nghiệm của chúng ta với Chúa Jêsus luôn phụ thuộc vào sự ăn năn chân thành về những tội lỗi đã vi phạm của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn an toàn và bảo đảm trong mối liên kết vĩnh cửu của mình với Chúa, do toàn bộ là nhờ vào ân sủng lớn lao của Đức Chúa Trời. Nhưng để tận hưởng thành quả của mối liên kết đó, để cảm nhận tất cả những điều mà mối liên kết ấy đem lại, thì điều quan trọng đó là sự thức tỉnh của chúng ta trong việc tôn trọng và tuân theo ý muốn của Đức Chúa Trời mà đã được chỉ dẫn qua Kinh Thánh.

Lời kêu gọi của Chúa về lợi ích của sự ăn năn

Trong Khải huyền, Chúa Jêsus kêu gọi bảy Hội Thánh tại A-si-a phải ăn năn. Đối với nhà thờ ở Pẹt-găm, Chúa Jêsus tuyên bố: “Vậy, hãy ăn năn đi” (Khải Huyền 2:16a). Và đối với nhà thờ ở Sạt-đe, Ngài nói: “Hãy nhớ lại con đã nhận và nghe thế nào; hãy giữ lấy và ăn năn đi” (Khải Huyền 3:2). Và đối với nhà thờ ở Lao-đi-xê: “Những người Ta yêu thì Ta quở trách, sửa phạt; vậy, hãy sốt sắng và ăn năn đi!” (Khải Huyền 3:19). Lời của Chúa cho nhà thờ ở Ê-phê-sô đặc biệt hữu ích

“Nhưng điều Ta trách con, ấy là con đã bỏ lòng kính mến ban đầu. Vậy, hãy nhớ lại con đã sa sút từ đâu! Hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu. Nếu không ăn năn, Ta sẽ đến với con và truất bỏ chân đèn của con khỏi chỗ nó” (Khải huyền 2:4-5)

Sự ăn năn mà Chúa Jêsus gọi các hội thánh thực hiện bao gồm việc từ bỏ một số điều và chấp nhận làm một số điều khác. Chớ bỏ lòng kính mến ban đầu và “làm lại những công việc ban đầu”. Đó là sự ăn năn chân thật. Nhanh chóng ăn năn không có nghĩa là chấp nhận một cuộc sống bị ý thức về việc bản thân đã bị tội lỗi thống trị. Nhưng chúng ta phải ý thức rõ ràng về tội lỗi của mình để được tha thứ, đổi mới và biến hoá của ân sủng của Cứu Chúa, Đấng có thể kiểm soát, tiếp thêm năng lực và ban quyền sống cho mỗi chúng ta.

Bài: Sam Storms; dịch: Ngan Nguyen
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này