7 lời cuối cùng của Chúa Jêsus trên cây thập tự

Dưỡng linh
10:44 18/03/2024

Oneway.vn – Khi Chúa Jêsus bị treo trên thập tự nơi Đồi Gô-gô-tha, Ngài đã thốt ra 7 lời nói cuối cùng của Ngài trên đất. Mỗi lời nói, Ngài bày tỏ một khía cạnh của bản tính thiên thượng và con người của Ngài.

Lời Thương Xót (Lu-ca 23:34) – Lời đầu tiên Chúa Jêsus cất tiếng đang khi chịu đau đớn tại nơi thập tự là với Cha Ngài. Ngài cầu nguyện xin sự tha thứ cho kẻ đã giết Ngài, “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ”. Trong nỗi đau tột cùng, Chúa Jêsus vẫn nghĩ cho người khác trước hết. Ngài tỏ lòng thương xót với tội nhân. 

J. C. Ryle viết về những lời Chúa đã thốt lên đang khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá như thế này: “Thân thể đau đớn khi bị treo lên cũng không khiến Ngài quên người khác. Một trong 7 lời Ngài nói đang khi trên thập giá là lời cầu nguyện cho linh hồn của những kẻ tìm cách giết Ngài. Chức tiên tri của Ngài được tỏ ra qua một lời tiên tri thật đặc biệt. Chức nhà vua của Ngài đã được tỏ ra ngay khi cánh cửa thiên đàng được mở ra cho tên cướp bên cạnh Ngài. Chức tế lễ của Ngài được tỏ ra khi Ngài cầu thay cho những người đóng đinh Ngài”. Chúa Jêsus không đe dọa kẻ thù Ngài. Ngài không kết án hay định tội chết cho họ. Nhưng Ngài cầu nguyện cho họ. Ngài sống như chính lời Ngài dạy: “Nhưng Ta bảo các con: Hãy thương yêu kẻ thù nghịch và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con” (Ma-thi-ơ 5:44).

Lời Ân Điển (Lu-ca 23:43)“Hôm nay con sẽ được ở với Ta trong Pa-ra-đi”. Lời ân điển này dành cho một tội phạm cứng lòng. Theo Phúc Âm Ma-thi-ơ, người này cũng trong nhóm người mắng nhiếc Chúa (27:44). Tên cướp ăn năn này không xứng đáng với ân điển của Chúa, bạn và tôi cũng vậy. Rô-ma 5:6-8 tỏ rõ rằng, “Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta”.

Lời Thấu Hiểu (Giăng 19:26-27) – Dù trong lúc cần được giúp đỡ nhất, Chúa Jêsus vẫn quan tâm đến nhu cầu của người khác. Khi này, người đó chính là người mẹ trên đất này của Ngài. Ngài nói, “Thưa bà”, khi Ngài căn dặn môn đồ Giăng thân yêu săn sóc cho bà. Ma-ri đã có cuộc đời khó khăn khi là mẹ của Đấng Cứu Thế. Bà chịu đựng sỉ nhục Ngài nhận, như khi những người Pha-ri-si gọi Ngài là con ngoại tình (Giăng 8:41). Nếu họ gọi Chúa Jêsus là con ngoại tình, thì ý họ muốn nói gì về bà? Bà đã đau đớn dường nào khi tận mắt thấy con trai mình bị giết? Chúa Jêsus thấu hiểu nỗi đau của bà khi Ngài thốt ra lời đó.

Lời Đau Khổ (Ma-thi-ơ 27:45-46) – “Đức Chúa Trời của con! Đức Chúa Trời của con! Sao Ngài lìa bỏ con?” Trên thập giá, Chúa Jêsus phải hy sinh mối tương giao ngọt ngào với Cha, mối tương giao mà Ngài luôn vui hưởng. Martin Luther hỏi, “Chúa bị Chúa lìa bỏ. Ai có thể hiểu được điều này?” Sự rời bỏ mà Chúa Jêsus kinh nghiệm trong ba giờ đồng hồ tăm tối đó cho thấy bản chất của hỏa ngục là sự chia cắt với Chúa…đời đời. Chúa Jêsus đã kinh nghiệm sự chia cắt đó để bởi đức tin mà những người đến với Ngài không còn là thù địch, nhưng được hòa giải với Đức Chúa Cha (2 Cô 5:17-21).

Lời Nhu Cầu (Giăng 19:28-29) – Bản tính con người của Đấng Christ được tỏ rõ khi Ngài nói, “Ta khát.”  Câu này đã được tiên tri trong Thi Thiên 22:14-15, “Con bị đổ ra như nước, xương cốt con đều rã rời; Trái tim con như sáp; Tan chảy trong mình con.

Sức lực con khô như miếng gốm, và lưỡi con dính nơi cổ họng; Chúa đặt con nằm trong bụi tro của sự chết. Những lời này nhắc chúng ta nhớ rằng Chúa vừa là Đức Chúa Trời cũng vừa là con người. Đây là sự mầu nhiệm trong sự nhập thể của Ngài. Chúa Jêsus đã có thể từ bỏ nỗi đau mang thập hình, nhưng Ngài đã không làm vậy. Ngài đối diện và chịu đựng chúng. Vì Chúa Jêsus là con người và đã gánh lấy mọi điều đó để chúng ta có thể vững lòng đến gần ngôi ân điển, để nhận được sự thương xót và tìm được ân điển giúp đỡ chúng ta kịp thời như lời của Hê-bơ-rơ 4:16.

Lời Đắc Thắng (Giăng 19:30) – “Mọi việc đã hoàn tất” là âm vang của sự đắc thắng! “Đã trả xong” là lối dịch sát nghĩa của từ được sử dụng ở đây. Sự hi sinh của Đấng Christ trên thập giá là giá chuộc cho tội nhân, nợ tội của chúng ta đã được trả thay. Sứ đồ Phao-lô nghĩ đến điều này khi ông viết thư gửi Hội thánh Cô-lô-se: “Khi trước anh em đã chết bởi tội lỗi và xác thịt không cắt bì thì Đức Chúa Trời đã khiến anh em cùng sống với Đấng Christ, vì đã tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta. Ngài đã hủy bỏ giấy nợ chống lại chúng ta với những luật lệ ràng buộc chúng ta. Ngài loại bỏ bằng cách đóng đinh nó vào thập tự giá” (2:13-14).

Lời Vững Tin (Lu-ca 23:44-46) – “Lạy Cha, Con xin giao linh hồn lại trong tay Cha!” là những lời cuối cùng của Đấng Cứu Thế chúng ta. Chỉ vài giờ trước đó, Chúa Jêsus đã cầu xin Đức Chúa Cha một cách khác để hoàn tất kế hoạch cứu chuộc này. “Cha ơi! Nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi con! Dù vậy, không theo ý con, mà theo ý Cha” (Ma-thi-ơ 26:39). Chiên Con đã bị giết từ buổi sáng thế (Khải 13:8). Con Đức Chúa Trời đã thuận phục theo ý muốn Cha. Tại sao vậy? Bởi tình yêu lớn lao cho những tội nhân như bạn và tôi. Để bởi đức tin chúng ta được hiệp nhất với Đấng Christ, lòng vững tin của Ngài nơi Cha trở thành lòng vững tin của chúng ta và dâng mình vào tay Cha.

Bạn đã làm điều này chưa? Bạn có hướng lòng mình về Đấng Cứu Chuộc chưa? Bạn có đến với Chúa trong đức tin Ngài đã làm trọn công tác chuộc tội chưa? Nếu chưa, thì hôm nay là lúc để bạn đến với Chúa qua món quà của Con Ngài, là Đấng Christ Jêsus là Đấng đã tuôn huyết vì bạn.

Bài: Paul Tautges; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này