9 phương cách để yêu người lân cận trong cơn đại dịch

Coronavirus
01:20 28/03/2020

Oneway.vn - Vào ngày 17/08/2017, những đoàn xe hơi kẹt cứng giữa các tiểu bang quanh Houston khi mọi người tranh nhau di tản. Cơn bão Harvey tiến vào, hàng triệu người đổ xô đi lánh nạn.

Sáng hôm sau, một bức ảnh được truyền đi nhanh chóng. Đó là bức ảnh về một hàng xe tải kéo theo những chiếc thuyền. Những chiếc xe này cũng nhích từng chút một, nối đuôi nhau trên xa lộ. Nhưng điều mà mọi người dần nhận ra đó là những chiếc xe tải này không đi ra mà đang đi ngược vào nơi sắp có bão.

Khi nghe thấy lệnh di tản, những người này đã chạy vào ngay giữa cơn bão để giúp đỡ.

Kể từ thời điểm đó, tôi luôn mang trong mình một câu hỏi: Liệu đây có phải là hình ảnh của Hội thánh? Chúng ta có đang là Hội thánh giống như Cứu Chúa mà chúng ta rao giảng không (Mat. 14:25)? Chúng ta là người tiến vào tâm bão, hay khi bão đến, chúng ta cũng thâu vén và lánh chạy? 

Ơn cứu rỗi khiến chúng ta hướng ra

Một trong những tâm thế nền tảng của Cơ Đốc nhân là hướng ra. Ơn cứu rỗi mà chúng ta nhận được đã hủy phá lời nguyền của tội lỗi khiến chúng ta tập chú vào bản thân để giờ đây, chúng ta được tự do để hướng ra bên ngoài – để yêu Chúa và yêu người lân cận (Ga. 5:1). Giống như Áp-ra-ham, chúng ta được phước để là một sự chúc phước cho người khác (Sáng 22:17–18).

Từ những cơn bệnh dịch trong thời Đế chế La Mã cho đến trận dịch tả ở London thế kỷ XIX, Hội thánh luôn có nhiều tấm gương về việc thắng hơn nỗi sợ hãi và yêu thương người lân cận, ngay cả khi phải hy sinh và mạo hiểm.

Ơn cứu rỗi mà chúng ta nhận được đã hủy phá lời nguyền của tội lỗi khiến chúng ta tập chú vào bản thân để giờ đây, chúng ta được tự do để hướng ra bên ngoài – để yêu Chúa và yêu người lân cận.

Từ sợ hãi đến yêu thương

Đây là thời điểm Hội thánh cần đứng lên theo đúng với sự kêu gọi của mình. Chúng ta đang đối diện với một cơn khủng hoảng. Cho dù không biết tình hình có thể xấu đi như thế nào, chúng ta biết chắc rằng nỗi sợ hãi còn lan nhanh hơn vi-rút.

Tất nhiên, chúng ta phải tự nhắc bản thân rằng không cần phải sợ hãi (Phục 31:8; Mat. 14:27), nhưng một điều quan trọng khác cần nhớ đó là ta không thể dẹp tan nỗi sợ bằng cách cầu cho nó biến đi – nỗi sợ chỉ biến mất bằng hành động yêu thương. Tình yêu khỏa lấp nỗi sợ hãi (I Giăng 4:18), và tình yêu luôn hướng ra bên ngoài: đến với Chúa và người khác.

Như vậy, chúng ta phải đi vào cơn bão này. Chúng ta phải biết rằng bởi đức tin nơi Chúa Jêsus, chúng ta đã được trang bị để có những “chiếc xe” và “con thuyền” cần thiết cho việc cứu người (Êph. 2:10; II Tim. 3:17).

Sau đây là chín cách Cơ Đốc nhân có thể yêu người lân cận một cách thực tế trong thời điểm khủng hoảng hiện nay:

1. Tôn kính Chúa bằng cách vâng phục nhà cầm quyền

Một trong những cách cơ bản mà người dân có thể giúp ngăn chặn sự lan truyền của vi-rút là chấp hành các khuyến nghị của chính quyền (Rô. 13:1–5). Hãy nhớ rằng chúng ta làm điều này không phải vì sợ hãi hay vì lợi ích của bản thân nhưng vì yêu thương những người có thể có nguy cơ cao với căn bệnh. Phần lớn những sự chấp hành này có thể được biến thành hành động thờ phượng. Chẳng hạn như mỗi khi rửa tay trong 20 giây, hãy nói một lời cầu nguyện cho hàng xóm của bạn: “Lạy Chúa, xin hãy bảo vệ những người yếu đuối khỏi con vi-rút này”. Thay vì bắt tay, ôm nhau, có thể thay bằng một cách huých vai hay khủy tay, kèm với lời chúc bình an cho nhau. 

Tất nhiên, chúng ta biết đây là những điều cần nên làm, nhưng có lẽ chúng ta không nhận ra rằng những hành động dè giữ bình thường cũng là hàng động bày tỏ tình yêu thương đối với người lân cận và nên được xem là can đảm và quan trọng về mặt thuộc linh. Trong vài tháng tới, cuộc sống chúng ta sẽ phải đối diện với rất nhiều điều không thoải mái – như phải hủy bỏ những sự kiện yêu thích – nhưng tình yêu hy sinh không bao giờ thoải mái cả.  

2. Chăm sóc các nhu cầu thiết yếu cho người già và người bị suy giảm miễn dịch

Con vi-rút này có vẻ thiên vị trẻ em hơn là người cao tuổi. Hơn nữa, người khỏe mạnh có thể không quá lo ngại, trong khi người bị suy giảm miễn dịch hoặc người có bệnh mãn tính lại có nguy cơ cao hơn nhiều. Nếu bạn không nằm trong nhóm có nguy cơ cao thì hãy cộng tác với Hội thánh hoặc cộng đồng để tổ chức những phương án cách ly an toàn cho người có nguy cơ cao và chu cấp những thứ họ cần.

Trong vài tháng tới, cuộc sống chúng ta sẽ phải đối diện với rất nhiều điều không thoải mái – như phải hủy bỏ những sự kiện yêu thích – nhưng tình yêu hy sinh không bao giờ thoải mái cả.

Nếu Hội thánh đã có những hoạt động giúp đỡ bữa ăn cho gia đình có con nhỏ, đau ốm hoặc tang chế, thì lúc này có thể áp dụng cách đó cho người có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Tôi là một người trẻ, và đây là cơ hội tuyệt vời để thế hệ của chúng tôi phục vụ. Những ai còn độc thân hoặc vợ chồng chưa có con nhỏ cũng rất thích hợp cho công tác này.

3. Thừa nhận cơn khủng hoảng, nhưng đừng hoảng sợ

Những nhà lãnh đạo giỏi nhất không nói dối hay che đậy thực tại, cũng không hốt hoảng. Họ nói đúng sự thật và lãnh đạo bằng lòng can đảm. Một trong những điều độc đáo khi sống ở một quốc gia phi độc tài là các lãnh đạo địa phương có thể có ảnh hưởng đáng kinh ngạc trong những thời điểm như thế này.

Các mục sư, doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng nên hiểu rằng dù muốn hay không, họ đang đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Chúng ta cũng vậy khi họp chung tiếng nói lại với nhau – giữa các gia đình, nhà trường, mạng xã hội. Hội thánh có thể giúp ích cho cộng đồng, không phải bằng cách lảng tránh một cơn đại dịch chắc chắn sẽ giết chết thêm nhiều người nữa, nhưng bằng cách đối thoại hướng đến những hoạt động phục vụ xã hội bên ngoài chứ không phải chỉ bảo vệ tập thể của mình bên trong.  

4. Chỉ chia sẻ những thông tin ích lợi

Đây không phải là lúc chúng ta cần thật nhiều nhà dịch tễ học sách vở chia sẻ quan điểm của họ về các số liệu thống kê. Đây là thời điểm chúng ta cần dành sự tôn trọng cho các chuyên gia và quan trọng hơn là không gây thêm hoang mang bằng những thông tin sai lệch (Châm 15:2). Hãy yêu người lân cận bằng cách chia sẻ những thông tin thật sự quan trọng, đừng làm hại họ bằng những chia sẻ thiếu khôn ngoan. Sẽ hữu ích khi chia sẻ và chú thích những nguồn thông tin đáng tin cậy; việc truyền tai nhau các thông tin không rõ nguồn gốc sẽ chỉ gây hại (Êph. 4:29). Trước khi chia sẻ điều gì đó trên mạng xã hội, hãy yêu người lân cận bằng cách dành thời gian đọc toàn bộ bài viết, càng tốt hơn nữa khi xác minh nó đến từ nguồn có uy tín. 

Trước khi chia sẻ điều gì đó trên mạng xã hội, hãy yêu người lân cận bằng cách dành thời gian đọc toàn bộ bài viết, càng tốt hơn nữa khi xác minh nó đến từ nguồn có uy tín.

5. Phục vụ các nhân viên y tế

Trong một cơn đại dịch, chúng ta nên nghĩ đến những nhân viên y tế là người phải ứng phó đầu tiên. Họ là những người phải mạo hiểm tính mạng của bản thân để bảo vệ người khác. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, hỗ trợ họ, đem thức ăn, giúp họ chăm sóc con nhỏ, hoặc bất cứ hình thức nào có thể. Họ đang bước vào nơi nước sôi lửa bỏng để làm điều chúng ta không thể làm, vậy nên hãy phục vụ họ bằng những gì chúng ta có thể.

6. Sử dụng tiền bạc như một hành động yêu thương

Một trong những ảnh hưởng to lớn của dịch bệnh là tài chính bị đóng băng. Một chủ doanh nghiệp nhỏ có thể không mắc bệnh, nhưng việc kinh doanh của người ấy có thể chết đi nếu không còn khách hàng. Chúng ta phải vâng phục nhà cầm quyền, nhưng trong những giới hạn cho phép, chúng ta phải xem việc tiêu tiền của mình như một hành động thiện nguyện (gốc từ trong tiếng La-tinh của từ “thiện nguyện” hay “từ thiện” [charity] là caritas, nghĩa là yêu thương). Nước Hoa Kỳ dựa trên những doanh nghiệp nhỏ — đây không phải là một khẩu hiệu chính trị, mà là một thực tế rõ ràng. 

Việc đẩy mạnh kinh tế địa phương thật sự góp phần làm nên sự an thịnh (shalom). Rất dễ để cho nỗi sợ hãi khiến chúng ta thu mình lại, nhưng đây thật sự là cơ hội để chúng ta tiêu nhiều tiền hơn cho các cửa hàng địa phương thay vì ở những nơi khác, miễn là ở trong giới hạn cho phép của chính quyền.

Nếu không thể đi đến cửa hàng địa phương, chúng ta có thể mua phiếu mua hàng của họ trên mạng để sử dụng sau này. Suy nghĩ việc mua thức ăn đem về nếu bạn thường xuyên ăn ngoài, thay vì tích trữ nhu yếu phẩm. Hãy tiêu tiền có chủ đích thông qua việc giúp duy trì nền kinh tế như một cách để yêu người khác.

Hãy tiêu tiền có chủ đích thông qua việc giúp duy trì nền kinh tế như một cách để yêu người khác.

7. Chăm sóc, trông giữ con cho nhau khi trường học bị đóng cửa

Một trong những điều khó khăn nhất của việc đóng cửa trường học là các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ phải hứng chịu nhiều nhất. 

Nhiều trẻ em dựa vào trường học để có được bữa ăn. Nhiều phụ huynh không thể đi làm nếu con họ không đến trường. Ai trong chúng ta có thể làm việc ở nhà thì việc này có thể xoay trở được, vợ chồng có thể thay nhau chăm sóc con, tranh thủ làm việc khi con đã đi ngủ. Nhưng nhiều người không thể làm việc ở nhà hoặc để con ở nhà một mình để đi làm.

Các Hội thánh ở quê nhà của tôi đang phối hợp với các trường học và chính quyền địa phương để cung cấp thức ăn và tình nguyện viên chăm sóc trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Sẽ tuyệt vời biết bao khi trong cơn khủng hoảng này, chúng ta tạo nên một ký ức tốt đẹp về hội thánh chung tay với địa phương để phục vụ những đối tượng dễ bị tổn thương.

8. Làm mới lại gia đình bằng nếp sống thuộc linh

Gia đình chúng ta đang ở trong thời điểm vô cùng đặc biệt. Những gì vẫn biết là chân lý giờ đây đột nhiên được minh chứng rõ ràng hơn—chúng ta đang sống trong một thế giới đầy hiểm nguy, và gia đình của chúng ta hiện diện là để thực hiện sứ mạng bày tỏ tình yêu thương trong nơi nguy hiểm đó.

Trong lúc mà mọi người đều phải cách ly, dù tự nguyện hay bắt buộc, mọi thói quen sinh hoạt bình thường đều bị xáo trộn. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang có cơ hội tuyệt vời để hình thành những nếp sinh hoạt mới giúp ta nhờ cậy quyền năng Đức Chúa Trời nhiều hơn trước sự bất lực của con người (đọc Kinh Thánh cùng nhau). 

Hãy nắm bắt cơ hội này để cơ cấu lại thời gian biểu của gia đình mình và thực hành những thói quen giúp chúng ta vững lòng trong khi bao nhiêu người đang hoang mang sợ hãi (thì giờ cầu nguyện của gia đình).

Hãy hình thành những nếp sinh hoạt giúp bạn có sự tập trung và chuyên tâm, tránh bị chi phối bởi quá nhiều thông tin và cảnh báo (chẳng hạn như giới hạn việc kiểm tra tin tức chỉ hai lần/ngày). Trên hết, hãy bám vào những kỷ luật thuộc linh giúp chúng ta tạo nên một gia đình gắn kết bởi tình yêu, thay vì phân tán bởi sợ hãi (thời gian trò chuyện chất lượng với nhau).  

9. Đừng ngưng những cuộc gặp gỡ nhỏ, ít rủi ro

Thời gian, cũng như lịch sử, đã chứng minh rằng cơ thể chúng ta không chỉ cần sức khỏe mà linh hồn chúng ta cũng cần niềm hy vọng nữa.

Khả năng chịu đựng của con người trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất rất đáng kinh ngạc, miễn là còn có hy vọng. Cơ Đốc nhân chúng ta hãy luôn nhắc mình rằng Chúa Jêsus là hy vọng duy nhất trong sự sống và sự chết, đồng thời, sự thờ phượng cùng nhau là trọng tâm để giữ niềm hy vọng này. 

Cộng đồng Cơ Đốc là nơi chính yếu để chúng ta xem xét lại những sự lo lắng của mình và giảng Phúc Âm của Chúa Jêsus cho nhau. 

Mặc dù đây là lúc chúng ta phải thay đổi phương thức gặp gỡ nhưng chúng ta không thể bỏ qua những buổi gặp nhỏ và an toàn, ngay cả khi phải kết nối bằng phương tiện điện tử.

Cơ thể chúng ta không chỉ cần sức khỏe mà linh hồn chúng ta cũng cần niềm hy vọng . . . Hãy nghe theo các nhà cầm quyền để giữ an toàn, nhưng hãy đấu tranh để giữ cho cộng đồng Cơ Đốc được sống.

Hãy xem đây là khoảng thời gian tuyệt vời để kinh nghiệm và được nhắc nhớ về một chân lý: Hội thánh không phải là một tòa nhà mà là những con người họp lại với nhau trong Danh Đức Chúa Trời. 

Hãy xem đây là cơ hội để trải nghiệm chung với Hội thánh bị bắt bớ trên toàn cầu, những nơi luôn phải nhóm lại trong nhà riêng. Trên hết, hãy xem việc duy trì những hình thức nhóm nhỏ và an toàn là chúng ta đang chống lại sự cô lập như một hành động hy vọng.

Có rất nhiều nguồn bổ ích giúp chúng ta suy ngẫm cách để làm điều này một cách khôn ngoan và an toàn. Xin hiểu rằng tâm hồn chúng ta cần có mối quan hệ, giống như phổi cần có không khí. Tâm linh chúng ta cần có tập thể hơn nhiều so với ngôi nhà cần đồ dự trữ. Hãy vâng phục nhà cầm quyền để giữ an toàn, nhưng hãy đấu tranh để giữ cho cộng đồng Cơ Đốc được sống. Những điều này không mâu thuẫn hay loại trừ nhau đâu; chúng ta có thể và chúng ta phải tìm cách để nhóm lại với nhau.

Bước vào cơn bão

Nguyện xin Đức Chúa Trời dẫn dắt Hội thánh đi đến sự trưởng thành, để chúng ta luôn ghi nhớ danh phận cốt lõi của mình: Một thân thể của những tín hữu được phước để trở thành một sự chúc phước.

Vậy thì, hãy sống như Đấng Cứu rỗi mà chúng ta luôn rao giảng: Hãy bước vào cơn bão!

 

Bài: JustinWhitmel ; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này