Chúa muốn người nghiện biết gì về Ân điển?

Dưỡng linh
04:23 19/11/2019

Oneway.vn - Đối với người nghiện, thường rất khó nhận ra mọi việc Chúa làm đều là tốt lành, khi cuộc sống trở nên tồi tệ hơn. Thật khó khăn để trải nghiệm ân điển Ngài khi cảm thấy như mình đang ở giữa một cuộc đấu tranh lặp đi lặp lại.

Nhưng có một thông điệp hy vọng tôi muốn bạn nắm lấy, ngay cả khi bạn đang chiến đấu với cơn nghiện: Chúa phán với bạn (và tôi), như Ngài phán với Phao-lô: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối (2 Cô-rinh-tô 12: 9a).

Khi bạn cảm thấy yếu đuối và mệt mỏi, bước trên con đường khó khăn gập ghềnh, hãy tự khuyến khích bản thân bằng 5 lẽ thật về ân điển Chúa:

1. Đau đớn là món quà từ Chúa.

Bạn tự hỏi tại sao Chúa cho chúng ta trải nghiệm đau đớn. Những người được Chúa sử dụng trong Kinh Thánh đều phải chịu đựng đau khổ. Chúa dùng nỗi đau để định hình chúng ta như hình ảnh Con Người cũng từng trải qua đau khổ.

Trong “The Root of the Righteous/Cội nguồn lẽ thật”, A.W. Tozer đã viết: “Thật nghi ngờ, không biết liệu Chúa có thể ban phước dư dật cho một người khi Ngài chưa làm anh ta tổn thương sâu sắc”. Nhận định này có thể khiến chúng ta bối rối. Nên ông giải thích để làm rõ ý mình:

“Thường rất khó tìm thấy một người khao khát thoát khỏi mọi điều không lành mạnh và trở nên giống Đấng Christ bằng bất cứ giá nào. Chúng ta hy vọng được vào vương quốc đời đời của Cha; vâng, nhờ ân điển Chúa, có lẽ chúng ta sẽ được. Nhưng đối với hầu hết chúng ta, bước đầu thường là những trải nghiệm đáng xấu hổ. Những anh hùng đã từng chiến đấu và giành chiến thắng chắc chắn phải mang những vết sẹo để chứng minh rằng họ từng có mặt trong trận chiến”.

Sau tai nạn xe hơi dẫn đến nghiện ma túy, cuộc sống tôi vượt khỏi tầm kiểm soát. Ăn cắp đồ của cha mẹ, đời sống không có gas, điện, nước làm tôi bẽ mặt. Nhưng khi chúng ta không còn gì, Chúa lại nâng chúng ta lên. Một khoảng thời gian tỉnh táo đã mang lại hy vọng cho tôi, nhưng rồi cơn tái phát đã đẩy tôi rơi xuống mặt đất một lần nữa.

Tại sao điều này xảy ra với tôi? Liệu tôi có bao giờ thoát ra khỏi mớ hỗn độn này không?

Ít ra tôi biết, Chúa đã giúp tôi thoát khỏi sự phụ thuộc vào bản ngã chính mình. Khoảnh khắc tôi từ bỏ quyền kiểm soát cuộc sống của mình một lần và mãi mãi, Ngài đã bước vào và cứu tôi.

Chúa sẽ không lãng phí một tổn thương nào trong cuộc sống bạn. Không có gì là ngẫu nhiên trong kế hoạch Chúa, và Ngài có toàn quyền kiểm soát mọi việc xảy ra.

2. Bạn là một công trình đang được xây dựng.

Tưởng tượng Chúa là thợ xây dựng, thì chúng ta - những người Ngài tạo ra theo hình ảnh của Ngài - đang liên tục được xây dựng. Chúa luôn làm việc trên chúng ta. Phao-lô nhấn mạnh điểm này trong Phi-líp 1: 6: Tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Jêsus Christ.

Hãy lắng nghe niềm hy vọng chứa đựng trong những lời này. Cho dù bây giờ mọi chuyện có tốt đến đâu, hay khủng khiếp đến mức nào, dù bạn cảm thấy mình tệ hại đến đâu, thì chương cuối cuộc đời bạn vẫn chưa được viết xong.

Bất kể bạn đã làm gì sai, Chúa vẫn có thể tha thứ cho bạn và cứu bạn. 

Ân điển Ngài lớn hơn mọi tội lỗi chúng ta.

Chúa vẫn đang làm việc trên đời sống bạn, và điều tốt đẹp nhất sẽ đến vào ngày của Đấng Christ.

3. Chúa không bao giờ vội vàng.

Chúa đã viết câu chuyện cuộc đời bạn trong quá khứ và đang tiếp tục viết cho tương lai đời đời. Chúng ta không thể xem sản phẩm hoàn chỉnh của Chúa ngay bây giờ được.

Chúng ta thường thiếu kiên nhẫn với Chúa, muốn được hài lòng và kết quả ngay lập tức. Nhưng Ngài không làm việc theo cách đó.

Chúa không bao giờ vội vàng. Lần duy nhất chúng ta thấy Ngài vội vàng là trong Lu-ca 15. Khi đứa con hoang đàng trở về, người cha (tức là Chúa) vội vàng chạy đến ôm lấy đứa con trai biết ăn năn.

Bạn sẽ khó tìm thấy một thời điểm mà Chúa tỏ ra vội vàng. Phải mất 13 năm để Giô-sép được nâng lên làm cánh tay phải của Pha-ra-ôn. Nếu ông được ra tù như quan tửu chánh đã hứa, có khả năng ông sẽ bị bán cho một người Ai Cập hoặc các thương nhân.

Nếu không biết toàn bộ câu chuyện cuộc đời Giô-sép, người ta sẽ đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của Chúa. Nhưng Chúa đã phải nhào nặn và định hình Giô-sép trong suốt 13 năm cho đến khi ông đủ can đảm và mạnh mẽ để trị vì bên cạnh Pha-ra-ôn.

Thời điểm của Chúa là tốt nhất. Sự kiên nhẫn và sức chịu đựng chỉ có thể học được qua thời gian chờ đợi Chúa dành cho bạn.

Chúa dùng mọi áp lực, hoàn cảnh để định hình và uốn nắn bạn thành người mà Ngài mong muốn. Biện pháp Ngài chọn là nỗi đau.

Chính trong nghịch cảnh mà nhân cách của chúng ta được rèn giũa.

4. Bạn không thể tự cứu mình; chỉ Chúa Jesus mới có thể cứu bạn.

Không ý chí hay quyết tâm nào có thể cứu bạn khỏi tội lỗi.

Chúa Jesus là Đấng duy nhất có thể cứu rỗi bạn.

Có thể bạn chưa bao giờ vật lộn với rượu hoặc ma túy, có thể có nhưng không đến mức nghiện như tôi, hoặc có thể bạn nghiện phim ảnh khiêu dâm, cờ bạc...

Bất kể thế nào, TẤT CẢ chúng ta đều có cùng một vấn đề tội lỗi và không thể khắc phục bằng cách làm việc lành hay bằng công đức. Mỗi chúng ta cần Đấng Cứu Rỗi để giải phóng và khiến chúng ta trở nên toàn vẹn.

Đối với những người nghiện, nhu cầu đó thậm chí còn lớn hơn vì sự phụ thuộc vào thuốc, nội dung khiêu dâm hay bất cứ thứ gì để lấp đầy những khát khao mà chỉ duy Chúa có thể thỏa mãn cho bạn.

Nếu bạn không hoàn toàn đầu phục cuộc đời mình cho Chúa Jesus, hãy làm điều đó ngay bây giờ. Niềm vui, sự bình yên, thỏa mãn và hài lòng bạn đã tìm kiếm chỉ có nơi một mình Ngài.

Khi nhận ra rằng bạn không thể tự cứu mình và Chúa Jesus là Đấng duy nhất có thể, bạn sẽ trải nghiệm cuộc sống mới trong Đấng Christ.

Đôi khi chúng ta phải xuống đến chốn thấp nhất, để nơi duy nhất chúng ta có thể nhìn lên chính là Chúa.

5. Ân điển Chúa cho bạn năng lực để chết đi bản ngã mình mỗi ngày.

Ân điển Chúa trang bị cho bạn năng lực để làm điều Ngài muốn (vâng lời): Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài (Phi-líp 2: 13).

Chúa Jesus không hứa hẹn một cuộc sống dễ dàng cho Cơ đốc nhân. Bởi vì chúng ta vẫn đang trong một trận chiến hàng ngày với thế gian, những ham muốn xác thịt và ma quỷ của chúng ta, nên đôi khi sẽ rất khó khăn để bước đi với Chúa.

Chúa phán hãy nương dựa vào Ngài để tiếp tục bước đi. Mỗi ngày chúng ta phải chết đi chính bản thân mình, ý muốn, khao khát và dục vọng của chúng ta, để tìm kiếm Chúa.

Ân điển Chúa cho chúng ta năng lực để làm điều đó.

Chúa Jesus phán: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta (Lu-ca 9:23).

Chúng ta không thể chống lại cơn nghiện bằng sức mạnh của riêng mình, mà là nhờ Chúa. Nhiều năm trước, bạn tôi - Tim - đã nhắc nhở tôi: Cuộc sống Cơ Đốc nhân một là dễ dàng, hai là không thể. Không thể nếu bạn làm mọi thứ bằng sức mạnh của bạn. Nhưng lại dễ dàng khi bạn để Đấng Christ hành động trong bạn, làm việc thông qua bạn”.

Bạn hữu ích trong Vương quốc Chúa.

Đối với tôi, mỗi buổi sáng vừa là đám tang, vừa là lễ đăng quang. Tôi chết đi bản thân mình và nhận Chúa Jesus là Vua của đời tôi.

Tỉnh táo mỗi ngày là một bước để hướng đến sự hữu ích trong vương quốc Chúa. Có thể bạn cảm thấy mình đã bỏ lỡ rất nhiều vì lãng phí quá nhiều năm, nhưng đừng nản chí.

Nắm lấy ân điển Chúa, đầu phục Chúa Jesus mỗi ngày, nương dựa vào quyền năng Ngài và xem cách Ngài làm việc qua cuộc đời bạn.

 

Bài: Robby Gallaty; dịch: Jennie 

(Nguồn: crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này