Cơ Đốc nhân và sống thử: Những điều cần biết
Oneway.vn - Chúng ta phải hiểu mục đích của hôn nhân. Hôn nhân phản ánh mối quan hệ Chúa và Hội thánh (Ê-phê-sô 5:25-27). Hội thánh không phải để bạn thử rồi mua.
Thế giới ngày nay khuyến khích ý tưởng sống thử, sống chung trước khi kết hôn. “Logic” đằng sau điều này là: trong khi sống cùng nhau, chúng ta có thể tìm hiểu mọi thứ cả tốt lẫn xấu về người kia, và xác định xem liệu họ có thật sự thích hợp với mình hay không trước khi quyết định kết ước.
Giờ đây, sống thử đã trở thành như một bước chuyển cần có giữa hẹn hò và hôn nhân.
Cơ Đốc nhân có nên thực hiện bước này không? Sống thử trước hôn nhân liệu có ổn không? Hãy cùng đi sâu vào những gì Kinh Thánh nói về sống thử. Chúng ta cũng sẽ nghiên cứu những lầm tưởng liên quan đến việc sống thử và cách Kinh Thánh phân tích những quan điểm sai trật đó.
Kinh Thánh nói gì về việc sống thử?
Kinh Thánh thường không đề cập rõ ràng về các chuẩn mực văn hóa liên quan đến hẹn hò và chung sống, vì những vấn đề này không thực sự tồn tại trong Cựu ước và Tân ước.
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn vào các chuẩn mực văn hóa thời Kinh Thánh để hiểu rằng: sống chung chính là hôn nhân, trong tâm trí con người ngày xưa. Không có chuyện sống chung trước hôn nhân.
Trong Kinh Thánh, sau khi một người đàn ông hỏi cưới cô dâu của mình, anh ta sẽ ngay lập tức bắt tay vào việc xây dựng một căn nhà gần bên nhà cha mình. Sau khi anh ta xây xong, chỉ có cha anh ta mới có thẩm quyền tuyên bố căn nhà đã hoàn thành.
Cô dâu sẽ đợi cho đến khi chú rể của mình trở lại, có thể là bất cứ lúc nào dù ngày hay đêm. Ngay sau khi ngôi nhà được hoàn thành, chàng trai sẽ đưa cô đến ngôi nhà mới mà anh ta đã xây dựng cho cuộc sống mới của họ. Lễ cưới sẽ bắt đầu ngay sau khi kết thúc dự án quan trọng này, và không được phép diễn ra trước đó.
Thực tế, khi Chúa Jêsus nói với các môn đồ rằng Ngài “chuẩn bị chỗ cho các con” (Giăng 14:3), thì Ngài đang dùng ngôn ngữ của hôn nhân. Đó cũng là lý do Chúa Jêsus tuyên bố về thời điểm chúng ta lên thiên đàng “Còn về ngày và giờ đó thì không ai biết được, cả thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, chỉ một mình Cha biết mà thôi” (Ma-thi-ơ 24:36).
Điều này cho thấy rằng việc chung sống là một bước rất quan trọng đối với dân sự Đức Chúa Trời, và chỉ được thực hiện bước này khi đã kết hôn.
Ngoài ra, Kinh Thánh cũng nói rất nhiều về việc quan hệ tình dục trước hôn nhân. Việc sống thử là nói về quan hệ tình dục. Không phải luôn luôn, nhưng sống thử thường được ngụ ý như vậy. Chúng ta sẽ bàn về những cặp đôi sống thử mà không quan hệ tình dục sau.
Kinh Thánh đưa ra những câu chống lại việc quan hệ tình dục trước hôn nhân sau đây:
“Mọi người phải tôn trọng hôn nhân, đừng làm ô uế chốn loan phòng; vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ gian dâm và ngoại tình” (Hê-bơ-rơ 13:4).
“Tôi nói với những người còn độc thân và những quả phụ rằng, nếu ở được như tôi thì tốt. Nhưng nếu họ không thể tự chế được thì nên lập gia đình, vì thà lập gia đình còn hơn bị dục tình un đốt” (1 Cô-rinh-tô 7:8-9).
“Vì Đức Chúa Trời không gọi chúng ta đến sự ô uế đâu, nhưng đến sự thánh hóa” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:7)
“Còn sự gian dâm và mọi điều bất khiết, hoặc tham lam, thì không được nói đến giữa anh em; như vậy mới xứng đáng là các thánh đồ” (Ê-phê-sô 5:3).
Đức Chúa Trời cấm quan hệ tình dục trước hôn nhân vì hai người sẽ trở thành một khi họ quan hệ tình dục (Mác 10:8). Nếu hai người quan hệ tình dục nhưng cuối cùng lại không ở bên nhau trọn đời, thì sự chia ly sẽ gây ra một vết thương và đau đớn không thể tưởng.
Nếu không quan hệ tình dục, liệu bạn có được phép sống chung?
Đối với những cặp đôi chọn sống chung nhưng không quan hệ tình dục, Kinh Thánh nói gì? Vì họ đã chọn tránh tội lỗi tình dục, liệu việc sống chung có trở nên hợp lý?
Phải ghi nhớ rằng chúng ta không nên cho ma quỷ bất cứ cơ hội nào (Ê-phê-sô 4:27). Nếu chúng ta sống gần gũi với người yêu của mình, ngủ cùng giường, v.v., chúng ta sẽ phải đối mặt với những cám dỗ quan hệ tình dục trước hôn nhân, hay nói cách khác là vượt rào.
Ngay cả khi ngủ trong phòng riêng, chúng ta vẫn gần như không thể giữ cho mình thánh khiết về mặt tâm linh, ngay cả khi vẫn còn thánh khiết về thể chất. Nếu chưa lập giao ước trước mặt Chúa, chúng ta vẫn chưa kết hôn. Nhưng mỗi sáng thức dậy và nhìn thấy người mình yêu, ăn uống với họ, thư giãn cùng họ, có quá nhiều thời gian để chia sẻ tâm hồn và những gì sâu sắc nhất... chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy như mình đã kết hôn, ngay cả khi sự thật không phải như vậy.
Để tránh đặt mình vào tình thế nhận định sai lệch về tâm lý tình cảm, hoặc để ma quỷ cám dỗ, chúng ta không nên sống chung với nhau cho đến khi thật sự kết hôn.
Bằng cách đó, chúng ta có thể tránh được cám dỗ rơi vào tội lỗi, ngay cả khi chúng ta vô cùng tự tin vào khả năng chống trả cám dỗ của mình.
Hãy xem tấm gương của Giô-sép, người theo đuổi sự thánh khiết theo đúng nghĩa đen. Ông đã trốn khỏi tội lỗi khi vợ Phô-ti-pha muốn ngủ với ông. Ông không hề chần chừ chút nào: thực tế là ông đã cố chạy nhanh đến mức làm rơi áo choàng của mình!
Những quan niệm sai lầm về sống thử
Trong các thế hệ Cơ Đốc nhân trẻ tuổi, có vẻ như ý tưởng sống thử trước hôn nhân đã lan tràn trong tâm trí của nhiều người.
Đặc biệt là do những quan niệm sai lầm được các phương tiện truyền thông đại chúng truyền tụng rộng rãi, chúng ta đã trở thành con mồi và tin rằng: sống thử không chỉ giúp mình dễ dàng tiến tới hôn nhân, mà còn làm cho cuộc hôn nhân của mình hạnh phúc hơn về lâu dài.
Kiểu như, nếu bạn biết trước những thói quen và cả những điều kỳ quặc của người yêu của mình trước khi kết hôn, bạn có thể xác định trước những trở ngại mình sẽ phải đối mặt một khi đã bước vào hôn nhân, thay vì phải ngạc nhiên và hối hận sau này.
Nhưng “kịch bản” trên cũng không đúng với những hệ quả thực tế thường gặp của việc sống thử. Hãy tìm hiểu 3 lầm tưởng phổ biến nhất về sống thử và giải pháp tốt hơn cho từng quan điểm.
Lầm tưởng số 1: Sống thử đảm bảo một cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn
Điều này giống như “hãy thử đồ nó trước khi bạn quyết định mua”. Những lập luận tương tự được đưa ra như lý do tại sao Cơ Đốc nhân nên quan hệ tình dục trước hôn nhân. “Làm thế nào bạn biết bạn thích gì vào đêm tân hôn, nếu bạn chưa từng quan hệ tình dục trước đây?”
Đầu tiên, chúng ta phải hiểu mục đích của hôn nhân. Hôn nhân phản ánh mối quan hệ Chúa và Hội thánh (Ê-phê-sô 5:25-27). Hội thánh không phải để bạn thử rồi mua. Bạn không thể thử xem Cơ Đốc giáo là như thế nào. Thực tế, Kinh Thánh đã lên tiếng chống lại đức tin hâm hẩm (Khải huyền 3:16).
Cơ Đốc giáo (hôn nhân của Chúa và Hội thánh) là một giao ước “tất cả trong một”. Và hôn nhân của con người cũng hoạt động theo cách tương tự.
Ngoài ra, những cặp đôi sống thử trước hôn nhân có xu hướng bất đồng về các vấn đề như tài chính và hơn nữa. Trên thực tế, các cặp vợ chồng sống thử có tỷ lệ ly hôn cao hơn.
Chỉ vì bạn đã “thử” điều gì đó, không có nghĩa là thứ gì đó không có vấn đề hoặc không có điểm nào cần cải thiện.
Phương án tốt hơn?
Hẹn hò với một Cơ Đốc nhân mà bạn muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài. Trong thời gian này, bạn có thể tìm hiểu rõ hơn về người ấy, đồng thời tránh những tình huống mà cả hai có thể không chịu nổi sự cám dỗ.
Nếu bạn đã hẹn hò một thời gian, nhìn thấy được viễn cảnh tương lai, và cầu hỏi ý muốn Chúa, hãy kết hôn. Hôn nhân hoàn toàn không dễ dàng và chắc chắn sẽ xảy ra xung đột. Nhưng vợ chồng hãy cùng nhau giải quyết các vấn đề và phát triển để gần nhau hơn, trong sự an ninh của cam kết trọn đời với nhau.
Lầm tưởng số 2: Sống thử là một giải pháp tạm thời
Nhiều cặp đôi có ý định sống chung một thời gian ngắn để giúp đỡ nhau về tài chính, dành dụm cho đám cưới, hoặc dự định kết hôn ngay sau khi dọn về chung sống.
Thực tế, 60% các cặp đôi sống thử sẽ không tiến tới hôn nhân. Họ chia tay nhau hoặc ở mãi trong mối quan hệ chung sống, không có cam kết hôn nhân.
Điều này có vấn đề gì? Nếu không có giao ước, một trong hai có thể dễ dàng chia rẽ mối quan hệ mà không có bất kỳ ràng buộc nào. Điều này khiến người còn lại bị tổn thương rất nhiều, để lại nỗi đau dai dẳng. Khi ở trong mối quan hệ chung sống, bạn chưa bao giờ cam kết trước mặt Chúa rằng sẽ tôn trọng người phối ngẫu của mình trên tất cả những người khác, và kiên trì cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn.
Phương án tốt hơn?
Một cuộc hôn nhân đòi hỏi cam kết trọn đời. Mặc dù đúng là các cặp vợ chồng vẫn ly hôn, nhưng hôn nhân là một giao ước giữa chúng ta và một người khác, người sẽ cùng chúng ta gây dựng nhau để đến gần hơn với Đức Chúa Jêsus Christ trong suốt cuộc đời.
Vâng, hôn nhân đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ đơn thuần chuyển đến sống chung với ai đó. Và hôn nhân ngăn cản chúng ta chạy trốn khỏi người kia vào thời điểm khó khăn.
Lầm tưởng số 3: Hôn nhân gây ra bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em hơn sống thử
Một số người chọn sống thử vì đây có vẻ là lựa chọn an toàn hơn. Bởi vì nếu người kia có dấu hiệu bạo lực hoặc lạm dụng họ hoặc con cái, thì họ sẽ dễ dàng thoát khỏi mối quan hệ đó hơn.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy các mối quan hệ sống thử có xu hướng lạm dụng trẻ em và bạo lực gia đình nhiều hơn.
Sống thử không thể giảm bớt tình trạng bạo lực gia đình và ngược đãi trẻ em thường xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng. Vấn nạn này vẫn còn tràn lan, ngay cả trong các gia đình tin Chúa.
Chúng ta phải chú ý đến nguy cơ này. Các cặp đôi sống thử thường có nguy cơ bạo hành nhiều hơn các cặp vợ chồng kết hôn.
Phương án tốt hơn?
Mặc dù cần có giải pháp sẵn sàng cho những Cơ Đốc nhân bị lạm dụng trong mối quan hệ (nơi trú ẩn an toàn, tiền bạc, địa điểm mà họ có thể đến nương náu và tin tưởng), nhưng chúng ta cũng cần ghi nhớ các nguy cơ đã nói trên.
Hôn nhân thường có tỷ lệ bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em thấp hơn so với sống thử.
Nguyên nhân là hành vi lạm dụng được thực hiện dễ dàng hơn khi bạn sống thử. Nếu làm tổn thương người yêu, kẻ lạm dụng có thể dễ dàng bỏ người đó lại trong nỗi đau mà không phải chịu hậu quả gì.
Mặc dù nền văn hóa ngày nay đề cao việc sống thử, nhưng chuyện đó sẽ không đưa bạn vào một câu chuyện cổ tích với kết thúc có hậu.
Các cặp đôi chung sống thường bị tổn thương nghiêm trọng do mối quan hệ rạn nứt, hoặc đối mặt với nhiều vấn đề của cặp vợ chồng đã kết hôn mà không có sự bảo vệ của cam kết hôn nhân.
Cơ Đốc nhân phải tránh xu hướng văn hóa này và theo đuổi một cuộc hôn nhân tin kính.
Bài: Hope Bolinger; dịch: Jennie
(Nguồn: crosswalk.com)
Bài viết có liên quan: Tình dục ngoài hôn nhân, đừng "Yes" khi Chúa "No"
bình luận