Có sai không khi ép con đến nhà thờ?

Dưỡng linh
09:15 24/01/2022

Oneway.vn - Ảnh hưởng văn hóa đối với giới trẻ của chúng ta rất mạnh mẽ, và các bậc cha mẹ phải đưa ra những quyết định khó khăn để bảo vệ con cái và phát triển đức tin của chúng.

Khi việc xa cách hội thánh trở nên phổ biến, các bậc cha mẹ tự hỏi liệu họ có nên ép buộc con cái đến nhà thờ hay không? Ảnh hưởng văn hóa đối với giới trẻ của chúng ta rất mạnh mẽ, và các bậc cha mẹ phải đưa ra những quyết định khó khăn để bảo vệ con cái và phát triển đức tin của chúng.

Vậy việc ép buộc con tôi đến nhà thờ có sai không?

Lúc ban đầu, lý do nào khiến chúng ta đến nhà thờ? 

Chúng ta cần nhắc nhở bản thân tại sao chúng ta đi nhà thờ từ lúc ban đầu. Mục đích của việc đến hội thánh là gì?

Chúng ta đến hội thánh để thờ phượng Chúa. Là một tín đồ, bổn phận của chúng ta là thờ phượng Đức Chúa Trời. Chúng ta ở đó để tạ ơn, thờ phượng chung và ngợi khen Chúa. Đến hội thánh không phải là về chúng ta; đó là về Chúa. Là con người tội lỗi, cám dỗ xác thịt của chúng ta làm cho mọi thứ trở nên tự tập trung vào bản thân. Tham dự với hội thánh là cách chúng ta thừa nhận sự thật: Chúa Jêsus là trung tâm, là Đấng Cứu Rỗi, không phải chúng ta. 

Kinh Thánh Tân Ước chứa đầy những ví dụ về việc các sứ đồ giảng dạy trong các hội đường. Tại sao họ làm điều này? Để truyền bá Phúc âm, giúp mọi người hiểu những gì Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta và giúp người khác hiểu biết sâu hơn về Chúa Jêsus Christ. “Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn”. (Cô-lô-se 3:16)

Chúng ta có bổn phận thờ phượng Đức Chúa Trời trong cộng đồng với các tín hữu khác để ngợi khen, cầu nguyện, tham gia các thánh lễ và hát mừng vinh quang Ngài. “Các tín hữu chuyên tâm giữ lời dạy của các sứ đồ, mối thông công với anh em, lễ bẻ bánh, và sự cầu nguyện” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:42). Việc nghe giảng Kinh Thánh hàng tuần như một sự tái định hướng về lẽ thật của Chúa Jêsus là Cứu Chúa của chúng ta là điều đúng đắn và tốt lành. Điều đó là thích hợp để được phát triển trong đức tin và hiểu biết của chúng ta; tham dự vào hội thánh và thờ phượng là một số cách chúng ta làm điều này. Điều răn đầu tiên cho chúng ta biết phải hết lòng, hết linh hồn, hết tâm trí mà kính mến Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 22:37). Thờ phượng Đức Chúa Trời trong nhà thờ cùng với các tín đồ khác là một cách để thể hiện tình yêu của chúng ta với Ngài.

Tính nhất quán là chìa khóa

Khi nói đến việc nuôi dạy con cái, sự nhất quán là chìa khóa. Điều quan trọng nữa là bạn phải làm mẫu cho những hành vi lành mạnh và truyền đạt những kỳ vọng rõ ràng với con. Hãy cho các con biết gia đình bạn đi nhà thờ vào Chúa nhật hàng tuần và nói rõ cho chúng biết chúng cần sẵn sàng vào thời gian nào. Nếu bạn không nhất quán với nề nếp này, nó sẽ mở ra cơ hội cho việc trì hoãn. Việc mô hình hóa các hành vi lành mạnh liên tục có tác động trong từng lĩnh vực của cuộc sống. Hầu hết các hành động của chúng ta có tác động nhiều hơn lời nói. Chúng ta có thể nói với con mình: “Hãy làm như ba/mẹ  nói, không phải như ba/mẹ làm”. Điều đó thường không hiệu quả với trẻ em cũng như người lớn. Nếu bạn định yêu cầu con làm điều gì đó, hãy đảm bảo rằng chúng thấy bạn làm mẫu hành vi này.

Chúng tôi đã tham gia vào hội thánh khi còn là một đứa trẻ. Tôi không chắc mình đã học được nhiều ở đó, nhưng tôi đã học được thói quen đến hội thánh vào mỗi Chúa nhật. Nó đã ăn sâu vào đâu đó trong tôi. Sáng Chúa nhật chúng tôi đến nhà thờ, từ thứ Hai đến thứ Sáu tôi đi học, và tối thứ Sáu là đêm ăn pizza. Tôi biết nhịp sống trong tuần của mình, và nó mang lại trật tự cho cuộc sống của tôi.

Aristotle đã nói: “Tóm lại, những thói quen mà chúng ta hình thành từ thời thơ ấu tạo ra sự khác biệt không hề nhỏ, nhưng đúng hơn là chúng tạo nên mọi khác biệt”. 

Những thói quen mà chúng ta dạy cho con cái trong thời thơ ấu là vô cùng quan trọng. Nếu bạn vẫn nhất quán với việc đến nhà thờ của mình, hy vọng rằng con bạn sẽ từ bỏ việc hỏi: “Con có phải đi nhà thờ không?” Chúng sẽ nhận ra chúng ta đi nhà thờ vào mỗi Chúa nhật. Đừng né tránh những câu hỏi tại sao. Hãy thoải mái thu hút sự tò mò của chúng và thảo luận về lý do tại sao gia đình bạn đến hội thánh.

Bạn chịu trách nhiệm với con mình

Đức Chúa Trời đặt con cái bạn dưới thẩm quyền của bạn. Đức Chúa Trời là Đấng tể trị trên tất cả, kể cả những đứa trẻ Ngài đã đặt trong gia đình bạn. Ngài đã đặt chúng dưới sự chăm sóc của bạn và giao cho bạn nhiệm vụ để dạy dỗ chúng đi theo đường lối của Ngài (Châm ngôn 22: 6).

Bạn chịu trách nhiệm về việc giáo dục con mình, dạy chúng cách cư xử và cuối cùng chuẩn bị chúng sống tự lập. Dạy chúng đi nhà thờ vào Chúa nhật là một phần của việc rèn luyện đó. Có phải con bạn luôn muốn đi nhà thờ không? Hoàn toàn không (và đôi khi chúng ta cũng vậy). Chúng có luôn muốn đi học, đánh răng, hay dọn dẹp phòng riêng không? Không. Bạn cũng không nên làm cho chúng xấu hổ vì có những cảm xúc tự nhiên này. Điều này tạo cơ hội để nói về việc chúng ta phải chiến đấu chống lại những ham muốn xác thịt hàng ngày của mình như thế nào. Ham muốn xác thịt thể hiện bản chất sa ngã của thế giới hiện tại, thế giới mà chúng ta tìm hiểu vào những ngày Chúa  nhật.

Việc đến hội thánh không chỉ dạy con những thói quen tốt, nuôi dưỡng tâm hồn chúng bằng lẽ thật, mà còn giúp các con có cơ hội kết nối tốt hơn trong cộng đồng Cơ Đốc của mình. Cho con bạn tham gia vào lớp trường Chúa nhật, nhóm thanh niên, và các cơ hội để giúp phục vụ trong hội thánh.

Tất cả chúng ta đều cảm thấy cam kết hơn khi có trách nhiệm. Yêu cầu con phát tờ chương trình, chào hỏi mọi người, giúp đỡ trong nhà trẻ, hỗ trợ trong các lớp trường Chúa nhật nhỏ tuổi hơn, hoặc làm thức ăn cho một thành viên khác trong hội thánh. Nếu các con có trách nhiệm, chúng sẽ hiểu rõ hơn một phần lý do tại sao chúng ta đến nhà thờ. Khi chúng ta để các con thành một phần của hội thánh, chúng sẽ tận mắt nhìn thấy mọi người phải tham gia như thế nào để hội thánh hoạt động. Các con cần sự lãnh đạo của bạn để đưa chúng đến đó; khi đó, Chúa có thể mở ra cơ hội cho chúng.

Đưa con bạn đến nhà thờ.

Cũng giống như bạn dạy hoặc cho con đi học để chúng biết đọc và viết. Là cha mẹ Cơ Đốc, nhiệm vụ của chúng ta là dạy con cái về Đức Chúa Trời. Trên thực tế, tôi cho rằng đó là công việc quan trọng nhất của chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể làm điều đó một cách hiệu quả nếu chúng không đến nhà thờ?

Con trẻ của chúng ta đang bị tấn công bởi những tác động của thế giới. Chúng ta cần sự dạy dỗ trong Kinh Thánh để đưa chúng ta trở lại với lẽ thật mỗi tuần. Chúng ta cần nhắc nhở bản thân rằng chúng ta ở đây để tôn vinh Đức Chúa Trời, không phải chính mình. Chúng ta cần được cung cấp sự thật về sự hy sinh mà Chúa Jêsus đã làm cho chúng ta. Chúng ta cần mục sư để nói những lẽ thật  Kinh thánh vào đầu chúng ta mỗi tuần. Kinh thánh là lẽ thật duy nhất mà chúng ta hoàn toàn có thể tin cậy. Thế giới đang thay đổi xung quanh chúng ta với tốc độ cực nhanh; chỉ Chúa là Đấng bất biến. Thông điệp của Kinh Thánh không bao giờ thay đổi. Điều này có thể giúp chúng ta và con cái giải quyết nhiều câu hỏi và quyết định phức tạp.

Trường học có thể là thách thức đối với con trẻ theo nhiều cách. Nhà thờ phải là một nơi an toàn để đưa con bạn đến nơi những người khác quan tâm đến chúng và nói lẽ thật vào cuộc sống của chúng. Cộng đồng hội thánh có thể là hình mẫu cho việc quan tâm đến nhau, chăm sóc lẫn nhau và quy trách nhiệm cho nhau. Nếu con bạn không bao giờ thấy ý nghĩa của việc trở thành một phần của hội thánh, nếu chúng không bao giờ chứng kiến ​​tận mắt cách thức hoạt động của hội thánh, thì tại sao chúng lại muốn trở thành một phần của hội thánh?

Bộ não của con trẻ chưa được hình thành đầy đủ cho đến khi chúng ở độ tuổi những năm đầu hai mươi. Đó không phải là một lời phê phán mà là sự thật. Chúa đặt trẻ em dưới sự chăm sóc của người lớn vì chúng cần được giúp đỡ để đưa ra quyết định. Bộ não của các con đang phát triển, và cơ thể của chúng đang thay đổi nhanh chóng. Các con cần sự lãnh đạo và hướng dẫn. Nhiệm vụ của chúng ta là cung cấp điều này cho con. Trẻ em không phải lúc nào cũng nhìn thấy bức tranh lớn. Trách nhiệm của chúng ta với tư cách cha mẹ là phải ghi nhớ cái nhìn lâu dài và không ngừng phát triển hiểu biết của chúng, trước hết và trên hết trong Đấng Christ. Tham dự vào hội thánh có giảng dạy Kinh Thánh vững chắc hàng tuần là điều quan trọng để phát triển đức tin của con. Và ai có thể biết được, các con sẽ ở trên thiên đàng đời đời, và bạn sẽ được nghe Chúa khen là đầy tớ tốt lành và trung tín. Hãy giữ lấy điều đó hỡi các ông bố bà mẹ. Đôi khi có thể khó khăn, nhưng vì con rất đáng để bạn cố gắng.

Bài: Katie T. Kennedy; dịch: Abby
(Nguồn: crosswalk.com )

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này