Coronavirus: Đừng hỏi "Tại sao?", nhưng hãy hỏi "Chúa đang muốn bày tỏ điều gì?"

Coronavirus
11:40 04/04/2020

Oneway.vn - Trong giây phút thử thách, chúng ta dễ lắm bị cám dỗ để thốt lên: “Chúa ơi, tại sao?” 

Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Vì rốt cuộc, chúng ta cũng chỉ là con người.

Là Cơ Đốc nhân, chúng ta biết rằng Chúa có chủ quyền. Ngài không bao giờ bất ngờ trước những sự việc diễn ra trong vũ trụ, vì thực tế Ngài đã trực tiếp kiểm soát mọi vấn đề trong suốt lịch sử loài người.

Vậy nên, câu hỏi thích hợp hơn là: “Chúa ơi, ý muốn Ngài là gì?”

Tôi không bày tỏ điều này “thay mặt” Chúa; nhưng tôi chỉ đưa ra một số suy nghĩ cá nhân:

Khủng hoảng mang đến những điều tốt nhất và tồi tệ nhất cho con người, đó vừa là thách thức vừa là cơ hội cho chúng ta.

Thay vì hiện tượng “dọn sạch” các siêu thị trên khắp đất nước Singapore, giờ đây có nhiều câu chuyện đáng khích lệ hơn về Hội thánh và Cơ Đốc nhân là nguồn phước hạnh cho mọi người bởi hành động của họ.

Ví dụ, một nhóm tín đồ gom góp vài ngàn đô la để mua cà phê cho nhân viên y tế.

Nhiều nhóm tín đồ ở Singapore cũng đang viết lời cảm ơn cho những nhân viên y tế ở tuyến đầu hiện đang làm việc ngoài giờ, khen ngợi sự hy sinh của họ.

Tuy nhiên, các Hội thánh và mục vụ Cơ Đốc cũng bị ảnh hưởng xấu bởi tình trạng hiện tại. Do lo ngại về nguy cơ lây nhiễm khi tụ họp đông người, các tín đồ có thể ở nhà thay vì tham dự thờ phượng Chúa nhật.

Các buổi thuyết giáo sẽ bị hủy bỏ hoặc thay đổi hình thức. Và ít nhất đã có hai nhà thờ có nguy cơ trở thành “tâm dịch” coronavirus. Một lần nữa, từ quan điểm xác thịt của con người, rất khó để thấy có bất cứ điều gì tốt lành ra từ việc này.

Tuy nhiên, Rô-ma 8: 28-29 là nền tảng vững chắc cho hy vọng của chúng ta.

“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.” (Rô-ma 8: 28-29)

Liệu có điều gì tốt lành sinh ra từ cuộc khủng hoảng này? 

Đầu tiên, dấy lên làn sóng cầu nguyện.

Không chỉ cho tình hình ở Singapore, mà còn ở Trung Quốc và cả thế giới. Một Hội thánh đã tổ chức chuỗi cầu nguyện 24 giờ, kéo dài cho đến khi đại dịch kết thúc. Nhiều Hội thánh khác cũng đang hiệp nhau trong lời cầu nguyện.

Có thể do những lo ngại về sức khỏe, chúng ta mới tìm kiếm Chúa mãnh liệt. Nhưng Đức Chúa Trời, trong ân điển Ngài, vẫn có thể sử dụng những động cơ không trọn vẹn ấy để thu hút sự chú ý của chúng ta, để chúng ta có thể nghe thấy tấm lòng Ngài, cảm nhận được sự cấp bách của thời đại và nhìn lại nếp sống bình thường của mình.

Thứ hai, cuộc sống có nhịp độ quá nhanh, chúng ta hầu như không có thời gian để dừng lại và suy ngẫm về sự sống (và cái chết).

Chúng ta quá bận rộn để kiếm sống hoặc nuôi gia đình đến nỗi hiếm khi có thời gian nhìn lại và cân nhắc mỗi ngày.

Virus này là cú hích - một lần nữa nhắc nhở rằng chúng ta là phàm nhân, một ngày nào đó sẽ phải đứng trước mặt Đấng tạo hóa để nói về cuộc đời chúng ta đã sống. Và ngày đó có lẽ sắp đến rồi.

Với thế giới đang nghi ngờ, rúng động, lo lắng và sợ hãi, chúng ta có Tin Lành để công bố cho họ!

Sự cứu rỗi linh hồn, tha thứ tội lỗi, hòa giải với Đức Chúa Trời, cứu chuộc thân xác hay hư nát của chúng ta, mọi sự sáng tạo, sự sống đời đời trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời ở trời mới đất mới, nơi mọi bệnh tật, đau khổ chấm dứt - tất cả những điều này đều nhờ công việc của Cứu Chúa của chúng ta, Đức chúa Jêsus Christ!

Đây là những gì Cơ Đốc nhân phải mang đến cho thế giới.

Thứ ba, chúng ta nên nhớ rằng Chúa không đứng ngoài những đấu tranh và đau khổ của chúng ta.

Ma-thi-ơ 1:23: “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.”

Chúa ở cùng chúng ta suốt trên hành trình cuộc sống. Ngài bước vào cuộc đời chúng ta, ân cần ban cho sức mạnh và sự khôn ngoan chúng ta cần để giải quyết những thách thức trên đất. Ngài đã hứa sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta.

Vô số Cơ Đốc nhân trong suốt lịch sử đã làm chứng rằng: họ chưa bao giờ cảm thấy sự hiện diện của Chúa gần gũi như khi đang trải qua thử thách.

Ý muốn Chúa là gì giữa đại dịch COVID-19 này? Tôi không thể trả lời cho bạn. Nhưng nếu chúng ta nghiêng mình để lắng nghe giọng nói Chúa, chúng ta sẽ hiểu ý Ngài.

Cũng hãy nhớ mạng lệnh cuối cùng mà Chúa Jêsus để lại cho chúng ta:

“Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta. Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” (Ma-thi-ơ 28: 18-20)

Hãy ghi lấy lời kêu gọi của Chúa và hành động!

 

Bài: Aaron Ho; dịch: Hồng Nhạn

(nguồn: thir.st)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này