Giá trị của thiên chức làm cha

Dưỡng linh
11:15 02/06/2020

Oneway.vn - Thực tại tối thượng ở các tầng trời không phải là một không gian trống rỗng, tối tăm và lạnh lẽo. 

Thực tại tối thượng là Đức Chúa Cha đang vươn ra để đem tội nhân trở về và trở thành con cái yêu dấu của Ngài thông qua ân điển của Đức Chúa Con Jêsus.

Một ân điển mà Cha Thiên Thượng ban cho loài người đó là chia sẻ công tác làm cha tuyệt vời của Ngài với chúng ta. Chính vì thế, làm cha là một đặc ân thánh và là một sự kêu gọi cao cả. Đó là một thiên chức!

Chỉ Kinh Thánh mới cung cấp cái nhìn về một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi—Đức Chúa Cha vui mừng, Đức Chúa Con vâng phục, Đức Thánh Linh yêu thương như là Sự hiện diện giữa Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Thật tuyệt diệu, nhưng không ngạc nhiên, khi Ba Ngôi Đức Chúa Trời tạo nên chúng ta là những người cha trên đất để là hiện thân cho tình phụ tử vinh quang trên trời.

Bất kỳ lúc nào

Kinh Thánh nói gì về Đức Chúa Trời như Cha của chúng ta? Điều ngạc nhiên là Cựu Ước rất ít đề cập đến. Mặc dù có nhắc đến một vài lần rằng Đức Chúa Trời là “Cha” (Vd: Ê-sai 63:16; 64:8; Giê 3:19; Mal 2:10), nhưng các trước giả Cựu Ước nhấn mạnh hơn đến khoảng cách giữa con người với Đức Chúa Trời và sự dè chừng mà chúng ta nên cảm thấy khi đối diện với Ngài. Đức Chúa Trời được mô tả như xa cách và vượt quá tầm với của con người, ít gần gũi và mật thiết với con người hơn.

Cái nhìn này của Cựu Ước về Đức Chúa Trời là đúng và nên làm chúng ta hạ mình trước Ngài. Chúng ta phải nhanh chóng cúi mình trước Đấng Tạo Hóa quyền năng và Vua Tối Thượng của chúng ta.

Thế nhưng, trong Tân Ước, mặc dù cái nhìn về Đức Chúa Trời vẫn uy nghi và thánh khiết, nhưng Chúa Jêsus đã nhấn mạnh rất rõ ràng về Đức Chúa Trời như một người Cha—Cha của Chúa Jêsus và Cha của chúng ta (Giăng 20:17). Chính Chúa Jêsus gọi Đức Chúa Trời là “A-ba, lạy Cha” (Mác 14:36) và dạy chúng ta cầu nguyện với Ngài như Cha (Mat 6:9), còn Đức Thánh Linh dẫn dắt chúng ta bước vào trong sự mật thiết với Đức Chúa Trời như A-ba, Cha của chúng ta (Ga 4:6). Giờ đây, chúng ta biết rằng Cha Trời luôn chăm sóc và chu cấp cho chúng ta (Mat 6:2–34). Vì Ngài là Cha nên Ngài lắng nghe và đáp lời cầu nguyện (Mat 7:7–11). Vì là Cha nên Ngài kỷ luật chúng ta (Hê 12:3–11), tiếp nhận, tha thứ và vui mừng khi chúng ta ăn năn tội để trở về với Ngài (Lu-ca 15:11–32). Việc Đức Chúa Trời bày tỏ Ngài như Cha cho thấy Ngài rất cá nhân, tình cảm và thậm chí hy sinh vì chúng ta.

Chính vì thế, vinh quang lớn nhất của Đức Chúa Trời không phải là việc Ngài xa cách và tách biệt khỏi chúng ta, mà là: Đấng khác biệt và vượt quá tầm với của con người, Đấng ở trên nơi rất cao và được tôn cao, Đấng sáng tạo nên mọi sự vật và không cần bất cứ thứ gì—chính Đấng vinh quang ấy đã chọn trở thành Cha chúng ta, nhận chúng ta làm con nuôi yêu thương của Ngài cho đến đời đời (I Giăng 3:1). Mục sư Tim Keller giúp chúng ta nhận thức được sự tuyệt diệu của việc có Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta như sau: “Người duy nhất dám đánh thức một vị vua lúc 3 giờ sáng để đòi uống nước là con của vị vua ấy. Và chúng ta có được đặc quyền đó.”

Đặc quyền đáng kinh ngạc của việc được bước vào trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời này không hề bị xem nhẹ mà là trọng tâm của sứ điệp Phúc Âm. Nhà thần học J. I. Packer nhận xét: “Đối với những ai ở trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời chí thánh là Cha Yêu Thương của họ. Họ thuôc về gia đình Ngài, có thể đến với Ngài không cần sợ hãi và luôn được đảm bảo về sự quan tâm và chăm sóc Ngài dành cho họ. Đây chính là trọng tâm của sứ điệp Tân Ước”.

Thất bại của những người cha trên đất

Thế thì, Kinh Thánh nói gì về những người cha trên đất như chúng ta? Nhiều điều thấm thía, cả vẻ vang lẫn bi thảm. Dựa theo Kinh Thánh, sự nuôi dạy của người cha định hình nên tính cách và nhận thức về bản thân của một người, cả tốt lẫn xấu. Công tác làm cha có thể truyền lại một di sản thuộc linh lớn, làm gắn kết tấm lòng chúng ta với Đức Chúa Trời (Xuất 15:2; Phục 32:7; Thi 44:1; 78:1–4), nhưng cũng có thể để lại một lịch sử thất bại mà chúng ta không được phép phủ nhận (Nê 1:6; 9:2). Việc làm cha cho thấy cách dưỡng dục và chỉ dạy khôn ngoan có ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo (Châm 3:11–12; 4:1–4). Thực tế, Đức Chúa Trời đã phạt Hê-li vì đã không ngăn cản những người con trai ngu dại của ông (I Sa 3:11–13). Nếu nhìn sâu hơn vào tội của Hê-li thì ông đã phạm tội xem trọng con cái hơn cả Đức Chúa Trời (I Sa 2:27–30).

Kinh Thánh thuật lại nhiều sự yếu kém của những người làm cha. Thí dụ, ông Lót đã làm hại gia đình mình bằng sự quan ngại nửa vời về ảnh hưởng băng hoại của thành Sô-đôm (Sáng 19:15–16, 30–38). Gia-cốp đã thiên vị Giô-sép so với các con trai khác của ông (Sáng 37:3–4). Cha của Sam-sôn đã nhượng bộ cho phéo con trai cưới một người phụ nữ không thuộc dân giao ước (Các Quan 14:1–3). Vua Đa-vít đã gây ra một cuộc khủng hoảng trong gia đình bởi việc không nhận ra mối đe dọa đối với con gái Ta-ma, cũng không kỷ luật hai con trai Am-nôn và Áp-sa-lôm một cách chính đáng và hiệu quả (II Sa 13).

Kinh Thánh cũng mô tả về một người cha khôn ngoan, đó là người cha khi kỷ luật con mình sẽ cẩn trọng để không khiến con cái cảm thấy phẫn uất (Ê-phê-sô 6:4). Ngoài ra, một người cha tin kính sẽ nhận được sự tôn trọng cùng với nhân phẩm và danh dự, cũng như có sự ảnh hưởng lâu dài (Thi 127:3–5). Việc dẫn dắt gia đình trở nên hạnh phúc và hiệp một trong Chúa là trải nghiệm tuyệt đẹp đối với một người cha (Thi 128). Một người cha trung tín sẽ không lười biếng hay thờ ơ, nhưng có trách nhiệm với đời sống thuộc linh của con cái (Gióp 1:4–5). Người ấy sẽ mạnh mẽ công bố dâng gia đình mình cho Chúa (Giô-suê 24:14–15), sẽ dẫn dắt gia đình trải qua cuộc sống bằng cam kết thuộc linh không sai lệch (Phục 6:4–9), sẽ bền bỉ cầu nguyện cho gia đình (Giăng 4:46–53), sẽ chu cấp những điều tốt đẹp trên đất dựa theo nhu cầu chính đáng của gia đình (I Tim 5:8), sẽ đáp ứng cho gia đình bằng những món quà tốt lành (Lu-ca 11:11–13), sẽ nhìn về tương lai và lên kế hoạch những điều mình sẽ để lại cho con cháu (Châm 13:22). Trong mọi việc, cả thất bại lẫn thành công, một người cha Cơ Đốc cảm thấy vững tin bởi nhận thức rằng Cha Thiên Thượng luôn yêu thương và chấp thuận mình vì Chúa Jêsus (Rô-ma 8:15–17; Ê-phê-sô 5:1).

Điều đáng buồn nhất và điều vui mừng nhất

Điều đáng buồn nhất khi trở thành một người cha là nhận thức về thứ mà các nhà thần học gọi là “nguyên tội” bị truyền lại cho mỗi thế hệ tiếp theo thông qua những người cha trên đất (Sáng 5:3; Rô-ma 5:12–21). Tội lỗi nguyên thủy là một năng lượng tiêu cực có trong tất cả chúng ta, làm ta chống lại Đức Chúa Trời để trêu chọc Ngài. Đó là một phản xạ tự nhiên mong muốn nổi loạn và làm chuyện rồ dại, không quan tâm đến tác động chết chóc, sẵn sàng mạo hiểm để chọn lấy đau khổ và địa ngục hơn là đầu phục Đức Chúa Trời. Cái kiểu sống mà như chết ấy chỉ có Chúa mới có thể cứu chữa (Ê-phê-sô 2:1–10). Và khi những người làm cha như chúng ta nhìn thấy con cái mình hành xử thể hiện ra nguyên tội ấy, chúng ta buộc phải buồn bã thừa nhận tội lỗi của bản thân đã bị truyền sang cho những người chúng ta yêu thương nhất.

Dù vậy, điều hạnh phúc nhất khi làm cha là nhìn thấy ân điển thiêng liêng được thể hiện trên con cái chúng ta, khi Cha Thiên Thượng thực hiện phép lạ của sự tái sinh để con cái chúng ta được sống với Ngài (Giăng 3:1–8). Chúa có thể ban cho con cái chúng ta một tấm lòng mới – một bản chất con người mới – để có thể yêu Chúa, yêu các tín hữu khác và trân quý Phúc Âm (I Giăng 3:9; 4:7; 5:1–4). Chúng ta, những người làm cha, có trách nhiệm trong sự sinh lại siêu nhiên này của con mình, bằng cách cầu nguyện cho con và nuôi dạy con theo đúng đường lối của Chúa (Ê-phê-sô 6:4).

Cuối cùng, Kinh Thánh nói rõ rằng tín hữu sẽ trở thành cha thuộc linh của ai đó khi đưa dắt người ấy đến với đức tin nơi Đấng Christ (Phi-lê-môn 10). Tân Ước đề cao lý tưởng là một lãnh đạo Cơ Đốc phải chấp nhận trách nhiệm của người làm cha đối với sự phát triển tâm linh của người khác (I Tê 2:11–12). Khi một người thể hiện sự quan tâm nhẹ nhàng như vậy đối với những người mình đang chăm sóc, người ấy có thể nhận thấy sự ảnh hưởng to lớn của mình trên đời sống của họ (I Cô 4:14–17).

Nguyện chúng ta là những người làm cha trung tín trong từng giây phút để theo đuổi sự kêu gọi cao cả dành cho mình, bởi ân điển và vì vinh quang của Đức Chúa Trời, cũng vì hạnh phúc vĩnh cửu của con cái chúng ta.

Tác giả:

Ray Ortlund (ThM, Viện Thần học Dallas; MA, Đại học California, Berkeley; PhD, Đại học Aberdeen, Scotland) là chủ tịch của Renewal Ministries và là thành viên trong Hội đồng của The Gospel Coalition. Ông mở ra hội thánh Immanuel Church tại Nashville, Tennessee và hiện đang làm công tác chăm sóc các mục sư. Ray là tác giả của một số cuốn sách như: The Gospel: How The Church Portrays The Beauty of Christ (tạm dịch: Phúc Âm: Cách Hội thánh thể hiện nên Vẻ đẹp của Đấng Christ), Marriage and the Mystery of the Gospel (tạm dịch: Hôn nhân và Sự huyền nhiệm của Phúc Âm). Ông và vợ, Jani, có bốn người con.

 

Bài: Ray Ortlund; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này