Khi bạn biết về quá khứ tình dục của người ấy

Dưỡng linh
11:14 27/06/2020

Oneway.vn - Khi người yêu thú nhận với bạn tội liên quan đến tình dục trong quá khứ của người ấy, bạn cần phải giải quyết năm tư tưởng thường gặp sau đây.

Một lần nọ, tôi và một người bạn đang ngồi trò chuyện trong ký túc xá, bạn tôi chia sẻ về cuộc đấu tranh tư tưởng của cô ấy về người bạn trai mới quen. Anh là Cơ Đốc nhân, nhưng… “Anh ấy đã từng ngủ với người khác”, bạn tôi nói, “anh không làm điều đó nữa, nhưng mình không biết nên cảm thấy thế nào về việc này. Mình sợ nếu bố mẹ mình biết chuyện thì sẽ không thích anh ấy”.

Ngày càng có nhiều thanh niên Cơ Đốc phải đối diện với những hoàn cảnh tương tự. Tội tính dục đang ảnh hưởng đến cuộc sống con người hơn bao giờ hết.

Là Cơ Đốc nhân, hầu hết chúng ta đều được dạy rằng tình dục trước hôn nhân là điều sai trái. Có lẽ nó nằm trong số 5 điều cấm kỵ hàng đầu. Thế nhưng, mặc dù thông điệp “Giữ tình dục cho hôn nhân” hoàn toàn đúng với Kinh Thánh, nó chỉ giải quyết được phần nào trong số rất nhiều những vấn đề phức tạp khác. Ngày nay, các cuộc nói chuyện về sự tinh sạch của Cơ Đốc nhân không thể giải quyết những tranh chiến và đổ vỡ muôn hình vạn trạng mà chúng ta phải đối diện, cũng không hướng dẫn chúng ta cách để trao đổi về những vấn đề liên quan đến tình dục trong quá khứ với người có thể trở thành bạn đời của mình, hoặc cách chúng ta nên đón nhận tin tức này.

Có lẽ đó là lý do Stephanie Wilson, người dẫn chương trình podcast Cơ Đốc, đã có một cuộc chia tay đau đớn với bạn trai của mình nhiều năm trước, khi cô kể với anh về quá khứ quan hệ của mình. Phản ứng đầu tiên của anh là bật khóc trước mặt cô. Những ước mơ lý tưởng của anh sụp đổ; anh bị tổn thương và không biết cách để phản ứng bằng ân điển. Phản ứng của anh làm Stephanie sợ hãi và khiến cô vô cùng lo lắng khi mở lòng với người bạn trai tiếp theo sau này.

Tất cả chúng ta đều biết vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân đang lan tràn ngày nay. Việc xem nó là tội lỗi và giúp những người còn độc thân chống lại các cám dỗ là hoàn toàn đúng đắn, nhưng việc nói về ân điển dành cho những tội lỗi này và sự chữa lành cho các mối quan hệ trong tương lai cũng là điều rất cần thiết. Chúng ta hãy xem xét năm suy nghĩ thường gặp khi một người phát hiện ra người yêu của mình đã có quá khứ quan hệ tình dục. Những điều sau đây được xếp theo thứ tự ngẫu nhiên và áp dụng như nhau cho cả nam lẫn nữ:

1. “Cảm thấy tổn thương về chuyện này thì thật là nhỏ nhen và ích kỷ!”

Trái với suy nghĩ đó, hoàn toàn không có gì sai khi cảm thấy thất vọng, buồn rầu hay tổn thương khi khám phá ra người yêu của mình đã đánh mất sự trong trắng. Thực tế, bạn nên cho bản thân có thời gian để khóc với Chúa về điều này (Truyền Đạo 3:4; II Cô-rinh-tô 7:10). Cảm giác đau buồn và thất vọng sẽ có hại cho hôn nhân của bạn sau này nếu bây giờ bạn không giải quyết chúng.

Nhưng, hãy cẩn trọng về phản ứng của bạn trước mặt người kia khi họ thú nhận với bạn. Người ấy đã cảm thấy tội lỗi và ân hận sâu sắc khi làm bạn thất vọng rồi. Bạn cần bày tỏ sự tôn trọng trước lòng can đảm và chân thật của người ấy bằng cách không phản ứng giận dữ, xấu hổ hay kiểm soát, nhưng bằng một thái độ lắng nghe và tinh thần khiêm nhường.

Những cảm xúc của bạn đáng được công nhận, cũng như, hy vọng rằng người kia nhận thức được đã làm bạn tổn thương như thế nào và chân thành xin bạn tha thứ. Nhưng người ấy không thể giúp bạn vượt qua những cảm xúc đó để đạt đến sự tha thứ thật sự. Đó là điều chỉ một mình bạn mới có thể làm với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh, cùng với những người bạn tâm giao trưởng thành và cố vấn thuộc linh đáng tin cậy.

2. “Tôi không biết nên vượt qua chuyện này như thế nào!”

Rốt cuộc, bạn vẫn phải quyết định xem tội lỗi tính dục của người kia có là điều làm chấm dứt mối quan hệ của bạn với người ấy hay không. Hãy xem xét nếp sống và hành vi của người ấy trong hiện tại — có dấu hiệu nào của sự ăn năn thật và sự thay đổi hay không? Chuyện đó đã xảy ra bao lâu rồi, người ấy đã có đủ thời gian để ăn năn, được chữa lành và thay đổi không?

Nếu bạn nhìn thấy những lĩnh vực trong đời sống người ấy trái với sự ăn năn và thay đổi hành vi thật, thì việc chia tay là điều khôn ngoan.

Nhưng nếu mọi điều bạn biết về người ấy, kể cả hành vi trong mối quan hệ với bạn, đều thể hiện sự ăn năn và thay đổi thật sự, thì quyết định là ở bạn, tùy vào cảm nhận cá nhân và niềm tin của bạn với người ấy. Trước khi quyết định, hãy tìm kiếm sự khôn ngoan từ Chúa và người khác.

Nếu bạn quyết định tội lỗi đó không phải là điều chấm dứt mối quan hệ, bạn cần chủ động có những bước tiến. Sau khi đã dành thời gian suy xét kĩ càng những cảm giác và nỗi sợ hãi của bản thân, hãy chia sẻ với người ấy – chia sẻ tất cả những cảm nghĩ, mối quan ngại, các câu hỏi và chú tâm lắng nghe câu trả lời. 

Một khi đã giải quyết xong qua những cuộc nói chuyện đó, đừng tiếp tục khơi chúng trở lại; hãy quyết định xem bạn có tin những câu trả lời đó hay không, và rồi tiến về phía trước (Châm Ngôn 17:9). Nếu những sự thay đổi trong nếp sống và hành vi rất rõ ràng, hãy tin câu trả lời của người đó. Nếu bạn không tin người ấy đã thay đổi hay cảm thấy không thể hoàn toàn tin như lúc trước, bạn cần đánh giá lại mối quan hệ, xem xét có nên tiếp tục hay không. Bởi vì, để bất cứ mối quan hệ nào có thể phát triển, nó phải được xây dựng trên lòng tin.

Đến một thời điểm nào đó, nếu bạn chọn tiếp tục mối quan hệ, bạn phải tha thứ. Để có thể tiến về phía trước, bạn phải lựa chọn hoàn toàn tin nơi người ấy và bỏ đi những lời trách móc, bất mãn của mình, cho dù bạn đã từng thất vọng (Cô-lô-se 3:13; I Cô-rinh-tô 13:7).

Hãy chuyển những nguồn năng lượng của bạn từ nghi ngờ và tổn thương sang tin cậy và hy vọng. Trong suốt quá trình này, bạn sẽ kinh nghiệm được niềm vui và sự tự do không gì sánh được khi gạt đi lỗi lầm của người khác để yêu thương vô điều kiện.

3. “Tôi có thể cưới người tốt hơn.”

Cho dù ai nói bạn có thể chọn người tốt hơn, suy nghĩ đó là ích kỷ và sai lầm. Chúng ta không “xứng đáng” có được người tinh sạch hơn về mặt tính dục, cho dù bản thân chúng ta có giữ mình cho hôn nhân hay không. Việc giữ trinh tiết không cho chúng ta có đặc quyền được hưởng hạnh phúc và tình yêu hơn bất cứ ai. 

Món quà sự trong trắng không nên bị xem như một phần thưởng hay một giải thưởng mà bạn có thể đạt được. Bởi vì nó đi ngược lại định nghĩa của quà tặng. Giống như sự tha thứ của Đức Chúa Trời được ban tặng vô điều kiện cho loài người bất xứng thì món quà trinh tiết của bạn cũng nên được ban tặng vô điều kiện và bằng tình yêu thương cho người bạn đời của mình, bất kể người đó có thể đền đáp cho bạn hay không.  

Tôi từng nghe có người nói rằng một người giữ gìn trinh tiết cho hôn nhân có “một chiếc rương đầy những kho báu để trao tặng” và là “một người toàn vẹn, không tì vết, có thể trao tặng chính mình trọn vẹn”. Minh họa này có ý rằng khi một người như vậy kết hôn với một người không còn trong trắng, nó như thể người ấy đang đem những báu vật và trái tim lành lặn, trọn vẹn của mình để đổi lấy một chiếc rương đã mất hết của báu và một trái tim mang sẹo, sứt mẻ.

Vâng, những ai quan hệ trước hôn nhân chắc chắn đã để mất đi một món quà quý giá. Nhưng điều tôi cảm thấy không thoải mái với hình ảnh so sánh ở trên đó là: Chính Chúa Jêsus đã chấp nhận sự trao đổi như vậy vì chúng ta. Ngài đã đổi sự công chính tuyệt đối của Ngài để lấy sự ô uế tội lỗi của chúng ta trên thập tự giá (II Cô-rinh-tô 5:21). Ngài trao cho chúng ta một tấm lòng trong sạch đầy tình yêu thương và sự tha thứ, trong khi tất cả chúng ta trao cho Ngài một trái tim nổi loạn và lầm lạc.

Tôi không có ý nói rằng bạn nên duy trì mối quan hệ với người ấy vì Chúa Jêsus đã không bỏ bạn. Như đã nói ở trên, bạn nên xem xét việc chia tay nếu không tin rằng người kia đã thật sự ăn năn, được chữa lành và thay đổi. Nhưng, bạn không nên từ bỏ mối quan hệ vì quan niệm sai lầm rằng bạn xứng đáng có được điều tốt hơn — bởi vì Chúa Jêsus không bao giờ đối xử với bạn như thế, cho dù Ngài có tư cách để làm điều đó hơn bất cứ ai.

4. “Bây giờ tôi phải chạy theo những kinh nghiệm trong quá khứ của người ấy.”

Một trong những suy nghĩ phổ biến nhất do quá khứ của người kia tạo ra cho bạn có thể là nỗi sợ rằng bạn sẽ bị so sánh với những người trước của người ấy, bạn sẽ không bằng hoặc “kém cỏi” hơn vì sự thiếu kinh nghiệm của mình.

Nhưng, như cố diễn viên nổi tiếng Paul Maxwell đã có nói:

Việc khẳng định giá trị của chúng ta là người giỏi nhất về mọi thứ trong cuộc sống của người phối ngẫu tương lai là điều ngớ ngẩn. Nếu đang có ý định tiến tới hôn nhân và bạn phát hiện ra quá khứ tình dục của người ấy, hãy nhận thức rằng bạn không theo đuổi người ấy để rồi trở thành người giỏi nhất trên giường, hay giỏi nhất trong bất cứ điều gì.

Hôn nhân là để trao tặng, yêu thương và phục vụ người khác — không phải để thu nhận, chứng tỏ hoặc phục vụ bản thân.

Ông Maxwell nói thêm: “Nếu người phối ngẫu của bạn nói: ‘Anh không nghĩ về người trước của anh’, rất có thể anh ấy đang nói thật. Sẽ là một điều rất thô bạo nếu cho phép tội lỗi trong quá khứ của ai đó có quyền lực ảnh hưởng trên người ấy trong khi trước đó chưa từng như vậy”. Khi bạn cứ để cho mình bị ám ảnh về quá khứ của người phối ngẫu, bạn đang để cho những tội lỗi của người ấy có quyền trên bạn, trên đời sống tình yêu, hạnh phúc và sự viên mãn của bạn.

Vấn đề chốt lại ở sự lựa chọn của bạn: bạn có niềm tin hay không? Chỉ có bạn mới có quyền giải phóng bản thân khỏi sự ganh tị và sợ hãi của mình. Nếu không vượt qua được, bạn sẽ là người hủy hoại mối quan hệ của mình chứ không phải người kia. Hãy tự cởi trói bản thân khỏi tư tưởng phải bằng được với người khác. Nếu người phối ngẫu của bạn cưới bạn, đó là vì người ấy yêu con người của bạn chứ không phải khả năng trên giường của bạn.

Hơn nữa, tình dục trong hôn nhân không chỉ là trải nghiệm về thể xác, mà còn nhằm đem đến sự mật thiết về cảm xúc và tâm linh, giúp gắn chặt và củng cố hôn nhân.

5. “Hôn nhân và đời sống tình dục của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng.”

Chúng ta thường nghe người Cơ Đốc nói về sự tưởng thưởng khi cả hai người đều giữ mình cho hôn nhân. Chắc chắn điều đó đúng; một hôn nhân giữa hai người còn trinh tiết sẽ có những lợi thế duy nhất của nó. Tuy nhiên, quan niệm này dần dần bị diễn giải sai lệch một cách nguy hiểm. Như nhà tâm lý học Juli Slattery nhận định, thông điệp về sự trong trắng ngày nay hàm chứa một “lời hứa hẹn nào đó rằng nếu bạn không quan hệ lúc này thì một ngày nào đó, Chúa sẽ mang đến cho bạn một người bạn đời tuyệt vời và bạn sẽ có được trải nghiệm tình dục thỏa mãn, không phải mặc cảm tội lỗi”.

Nhưng thực tế không phải vậy. Một hôn nhân hạnh phúc và đời sống tình dục lành mạnh không đơn giản được ban cho bạn vào ngày kết hôn, nhưng phải được chú tâm vun đắp từng ngày trên nền tảng là lòng tin, tình yêu vô điều kiện và lòng vị tha như Đấng Christ. Một nhà văn Cơ Đốc từng nói: “Hôn nhân và hạnh phúc bền lâu không phải là ‘phần thưởng’ cho sự chờ đợi”. Một tương lai hạnh phúc viên mãn là điều mà cả hai con người phải cùng nhau xây dựng.

Những hành động của người mà bạn yêu có tạo lòng tin cho bạn không? Mối quan hệ của bạn có đặt Đấng Christ làm trung tâm không? Bạn đang chọn giữ lại những tổn thương và thất vọng của mình hay buông bỏ chúng? Một đời sống hạnh phúc và hôn nhân viên mãn tùy thuộc vào những lựa chọn của cả hai bạn trong hiện tại hơn là những lựa chọn của người ấy trong quá khứ.

Chúng ta được an ủi khi biết rằng Cha Thiên Thượng của chúng ta luôn đến gần những tấm lòng tan vỡ (Thi Thiên 34:18), Ngài có thể làm cho mọi sự hiệp lại trở nên ích lợi cho những ai yêu mến Ngài (Rô-ma 8:28) và chuộc lấy những thất bại của chúng ta (Ê-sai 43:18-19). Chúng ta cũng biết rằng Chúa có thể thiết lập và bảo vệ hôn nhân của chúng ta.

Chúng ta không thể khép lại chủ đề này mà không nhìn vào tiêu chuẩn tối cao nhất: Chính Đức Chúa Trời. Ngài phản ứng thế nào với những người phạm tội về tình dục?

Ngài đưa Ra-háp, một kỵ nữ, vào trong phả hệ của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 1:5). Ngài không bỏ vua Đa-vít khi vua phạm tội ngoại tình nhưng vẫn sử dụng vua (II Sa-mu-ên 11:1-4). Chúa Jêsus không tránh né người đàn bà Sa-ma-ri đang sống với một người không phải là chồng bà; Ngài cho bà cơ hội để tin Ngài và đưa nhiều người khác đến với Ngài (Giăng 4:7-30, 39-42). Lời của Chúa Jêsus với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình chứng minh niềm tin của Ngài vào cơ hội thứ hai và khả năng người phụ nữ ấy sẽ thay đổi: “hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:3-11).

Trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, mọi người đều có giá trị và quan trọng, cả trước và sau khi họ phạm tội về tính dục, và họ vẫn có khả năng làm điều đúng đắn.

Chỉ có bạn mới có thể quyết định xem người kia đã từ bỏ quá khứ của mình đủ chắc chắn chưa, để cả hai cùng xây dựng một mối quan hệ lành mạnh và đặt Đấng Christ làm trung tâm. Và chỉ có bạn mới có thể quyết định xem bạn có sẵn sàng bỏ qua hết những lỗi lầm trước đó của người ấy hay không.

Nếu sau khi đã lượng giá mối quan hệ dựa theo tất cả những điều chúng ta đã nói đến ở trên và tin rằng lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp để tiếp tục mối quan hệ, hãy từ bỏ nó.

Nhưng đừng dứt bỏ mối quan hệ chỉ vì những suy nghĩ chủ quan, những nỗi sợ tự áp đặt, hoặc sức ép tự tưởng tượng từ những người xung quanh. Đó không phải là những lý do đúng đắn để từ bỏ một mối quan hệ có thể được sắp đặt bởi Đức Chúa Trời. Nên nhớ rằng Ngài có thể làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp trong thời điểm của Ngài, ngay cả một quá khứ vấp ngã ảnh hưởng đến tương lai bạn.

 

Tác giả: Jessica Swanda; Dịch: Blessie

(Nguồn: boundless.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này