Khi lời cầu nguyện chỉ là những tiếng thở than

Dưỡng linh
08:59 02/07/2022

Oneway.vn - Khi trưởng thành theo năm tháng, chúng ta cũng than thở nhiều hơn.Tôi khao khát sự cứu chuộc, sự trọn vẹn. Nói đúng ra thì tôi đã không cầu nguyện. Tôi chỉ than thở mà thôi - những tiếng than không thành lời trước mặt Cha. Tuy nhiên, trong bàn tay yêu thương Ngài, tôi tin rằng than thở chính là lời cầu nguyện thành tâm nhất của mình.


Tiếng than thở của tôi

Càng lớn tuổi, tôi càng than thở nhiều hơn. Không chỉ than thở vì đau khớp gối và đau lưng, tâm linh tôi cũng rên xiết khi tôi cố chống lại tính ương ngạnh của mình, hoặc khi tôi phạm tội với vợ con mình. Những tiếng than không thành lời khi tôi nhìn con mình đấu tranh với nỗi xấu hổ, nỗi đau hoặc cảm giác bị từ chối. Tôi đau đớn thở than khi bị phản bội, gặp bi kịch hoặc đối diện một căn bệnh ngặt nghèo.

Những ngày này, tiếng than thở ngày càng vang vọng, và tôi nghĩ rằng mình không cô đơn. Phao-lô nói rằng trong khi chờ ngày Chúa trở lại, Cơ Đốc nhân than thở là chuyện bình thường: “Lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng” (Rô-ma 8:23).

Than thở là một phần bình thường trong đời sống Cơ Đốc nhân. Đó cũng là một món quà.

Trong Rô-ma 8, lời than thở lôi cuốn chúng ta vào câu chuyện cứu chuộc của Đấng Christ. Chúng ta khám phá ra rằng than thở là một phương tiện, mà qua đó các con cái Chúa nhận ra rằng mình đang dự phần trọn vẹn trong vinh quang Đấng Christ.


Than thở vì vinh quang

Chúng ta được tạo ra vì vinh quang Chúa. Lẽ thật này là trọng tâm của Phúc Âm mà Phao-lô gửi gắm trong sách Rô-ma. Đối với Phao-lô, vinh hiển Đức Chúa Trời là đặc tính và bản chất của Ngài được bày tỏ cho và thông qua những người mang hình ảnh Ngài. 

Những người nam và người nữ được tạo ra để thưởng thức và dự phần trong vinh quang, sự sống, vẻ đẹp và niềm vui của Đức Chúa Trời. Mặc dù nhân loại đã đánh mất sự vinh hiển Đức Chúa Trời (1:23; 3:23), những người được hiệp nhất với Đấng Christ bởi đức tin có niềm hy vọng chắc chắn, rằng họ sẽ được dự phần trong vinh quang ấy một lần nữa (5:2).

Trong Rô-ma 8:17–30, vinh quang đánh dấu sự cứu chuộc trọn vẹn dành cho chúng ta trong Đấng Christ. Những người tin Chúa sẽ được tôn vinh cùng với Đấng Christ (câu 17). Vinh hiển sẽ được bày tỏ trong chúng ta (câu 18). Và mọi tạo vật sẽ được chung hưởng sự tự do trong vinh quang của con cái Đức Chúa Trời (câu 21).

Phao-lô dùng ba tiếng than thở để mô tả về vinh quang trong tương lai của chúng ta: tạo vật than thở (câu 22), con cái Đức Chúa Trời than thở (câu 23), và chính Thánh Linh cũng “dùng những sự thở than không thể diễn tả bằng lời mà cầu thay cho chúng ta” (câu 26). Tất cả tiếng than thở này đưa chúng ta đến kết luận của Phao-lô trong câu 30: “những người Ngài đã xưng công chính thì Ngài cũng đã làm cho vinh quang”. Theo đó, theo quan điểm của Phao-lô, tiếng than thở của mọi tạo vật, của Thánh Linh và của chúng ta chính là là tiếng than thở vì vinh quang.

Chúng ta than thở khi gặp tội lỗi và đổ vỡ. Chúng ta than thở khi đối mặt với bệnh tật, yếu đuối và cái chết. Chúng ta than thở khi các mối quan hệ căng thẳng, tan vỡ, hoặc khi chúng ta chứng kiến những người mình yêu thương gặp khó khăn. Chúng ta mong ngóng nỗi đau kết thúc. Chúng ta muốn được giải phóng và thỏa lòng. Chúng ta than thở chờ đợi ngày được chứng kiến, dự phần và tỏa sáng trong vinh quang Đức Chúa Trời như Ngài đã định.


Từ than thở đến vinh quang

Chúng ta đi từ than thở đến vinh quang như thế nào? Câu trả lời của Phao-lô là Đức Thánh Linh.

Phao-lô viết: “Cũng vậy, Thánh Linh giúp đỡ sự yếu đuối của chúng ta, vì chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì cho đúng” (8:26). “Sự yếu đuối” Phao-lô muốn nói đến ở đây là cuộc đấu tranh mà ông đã mô tả trong suốt Rô-ma 7 và 8. Chúng ta là những con người sống dưới thời ân điển, được Đấng Christ chăm sóc và được nhận làm con Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta cũng phải chịu sự sa ngã và sống dưới ảnh hưởng xác thịt. Chúng ta đang bị giằng xé giữa hai thế giới. Đã được cứu chuộc, nhưng vẫn đang chờ đợi sự cứu rỗi trọn vẹn của chúng ta.

Sự yếu đuối này là lý do chúng ta than thở. Chúng ta không biết làm sao để đi từ sự yếu đuối và đau khổ hiện tại đến với cơ nghiệp vinh quang của mình. Chúng ta không biết phải cầu nguyện điều gì, nhưng Đức Thánh Linh biết. Ngài là trái đầu mùa, đảm bảo cho vinh quang sẽ đến (câu 23). Ngài cũng cầu thay cho chúng ta với “những sự thở than không thể diễn tả bằng lời” (câu 26).

Chúng ta không biết những điều tốt đẹp sẽ đến trong nỗi đau của mình. Nhưng Thánh Linh biết. Ngài biết cách cầu thay sao cho phù hợp đặc tính, bản chất và mục đích của Đức Chúa Trời. Sau đó, Ngài làm việc để mang vinh quang đến cho chúng ta. 


Khiến mọi sự trở thành vinh quang

Ngay sau khi nói về cách Thánh Linh cầu thay cho chúng ta, Phao-lô bày tỏ lời hứa tuyệt vời trong Rô-ma 8:28: “Chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho những người được gọi theo ý định của Ngài”.

Lời cầu thay của Đức Thánh Linh đang hoạt động hiệu quả. Ngài tiếp nhận “mọi sự” mà chúng ta trải qua - ngay cả những vết thương lòng, những thất vọng, thất bại và trở ngại của chúng ta. Trong tay Ngài, mọi sự trở thành công cụ để hoàn thành kế hoạch tốt đẹp, đầy tình yêu thương Đức Chúa Trời. Chúa sử dụng những thử thách để khiến chúng ta ngày càng giống với hình ảnh Đức Chúa Con (câu 29), đưa chúng ta đến vinh quang, sự sống và niềm vui vĩnh hằng (câu 30).

Khi trưởng thành theo năm tháng, chúng ta cũng than thở nhiều hơn. Nhưng song hành với những tiếng thở than ấy chính là hy vọng. Hy vọng vì Đức Chúa Trời khẳng định chúng ta được dự phần trong vinh quang Ngài. Hy vọng vì Đức Thánh Linh đang làm việc trong cuộc sống chúng ta. Ngài nghe thấy mọi tiếng than thở vì vinh quang, và biến mỗi tiếng than thở ấy trở thành lời cầu thay tích cực, hiệu quả - những lời cầu nguyện tốt nhất của chúng ta.


Bài: Donnier Berry; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này