Khi người chăn bầy cô đơn trong đồng vắng

Dưỡng linh
11:12 10/04/2021

Oneway.vn - Một số người cho rằng các Hội thánh đang bị tấn công.

Tôi thì tin rằng mọi thứ đang bị phơi bày. COVID-19, bất ổn xã hội và đảng phái đang đưa chúng ta đến nơi đồng vắng. Chủ nghĩa tiêu dùng và duy danh đã khiến Hội thánh trở nên hỗn loạn, lo lắng và vận hành theo ý riêng. 

Vào tối thứ bảy gần đây, tôi nói với vợ rằng tôi sẽ từ chức vào sáng mai. Sau 18 năm quản nhiệm Hội thánh. Chỉ vậy thôi. Tôi đã bị đả kích đủ rồi! Nhưng vợ tôi kéo tôi quay lại. Tôi là một mục sư, có nghĩa là tôi phải dẫn dắt Hội Thánh giữa nơi ‘hoang mạc'  này.

Nhưng liệu tôi có thể học hỏi ai để tiếp tục bước đi?

Học hỏi từ Môi-se

Môi-se cảm thấy mệt mỏi vì bị đấu đá, đổ lỗi, nghi ngờ và chống đối. Trong Dân số ký 20, dân Y-sơ-ra-ên một lần nữa chống đối ông vì thiếu nước uống. Lần đầu tiên Đức Chúa Trời làm dịu cơn khát của họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 17), Ngài bảo Môi-se hãy đập vào tảng đá. Nhưng lần thứ hai, Đức Chúa Trời bảo Môi-se chỉ cần nói với tảng đá và nước sẽ chảy. Tuy nhiên, Môi-se lại đập nó hai lần, và la mắng dân chúng vì những gì ông phải gánh chịu.

Một vài tháng trước, trong bài giảng, tôi đã nói rằng tôi sẽ không chấp nhận những lời phàn nàn từ Hội Thánh nữa. Tôi nói rằng tôi đã vứt bỏ những bức thư chưa mở. Tôi nói về những email thù ghét. Vâng, tôi đang đập vào tảng đá. Trong gần ba thập kỷ trong chức vụ, tôi học được rằng thể hiện sự tức giận kiểu đó sẽ khiến bạn tiếp tục phải trả giá sau khi cơn nóng giận qua.

Qua Môi-se, tôi thấy rằng cần phải lãnh đạo bằng sự ăn năn. Môi-se có xu hướng tự phụ quá nhiều vào bản thân; đó là lý do cơn giận của ông bùng lên. Ông quá “tính toán”. Giống như tôi. Và tôi đã phải viết thư xin lỗi cho Hội Thánh vì đã đả kích họ.

Trong năm vừa qua, tất cả chúng ta đều học được rằng chúng ta chẳng kiểm soát được bất cứ điều gì. Môi-se không thể kiểm soát dân của Đức Chúa Trời. Tôi không thể kiểm soát Hội thánh của Đức Chúa Trời, hoặc đôi khi ngay cả bản thân mình. Ăn năn tội lỗi mình là cách để tôi thoát khỏi áp lực rằng phải kiểm soát những gì người khác nghĩ về mình. Tôi phải phục vụ dân Chúa, chứ không phải điều khiển họ.

Học hỏi từ Đa-vít

Eugene Peterson nhận xét: “Trong câu chuyện về nơi đồng vắng của Đa-vít, ông bị căm ghét và săn đuổi như thú vật, nhân cách ông bị phỉ báng, và ông buộc phải lựa chọn giữa đời sống phạm thượng và đời sống cầu nguyện. Cuối cùng, ông đã chọn cầu nguyện.”

Trong thử thách, khi mọi thứ đều chống lại mình, Đa-vít đã ở với Đức Chúa Trời. Đa-vít mà chúng ta yêu quý nhất — một Đa-vít can đảm, rộng lượng, nhiệt thành với Đức Chúa Trời, đầy dẫy ân điển — được tạo ra từ nơi đau khổ trong đồng vắng. Còn khi Đa-vít sung sướng ở cung điện, ông lại quên mất mình thật sự là ai.

Sau khi Áp-sa-lôm kích động cuộc đảo chính, Đa-vít lại bị đẩy vào đồng vắng, như khi Sau-lơ truy đuổi ông. Nhưng ở trong vùng hoang vu đó, những kỷ luật cũ đã bắt đầu xuất hiện. Ông gần gũi với Đức Chúa Trời nhất khi phải chịu những điều tồi tệ nhất từ người khác.

Các kỷ luật cũ cũng đang trở lại với tôi. Tôi dậy sớm hơn để cầu nguyện. Tôi đang viết nhật ký cầu nguyện một lần nữa, viết ra những lời kêu cầu với Chúa. Tôi ở trong nơi đồng vắng để có thể gần Chúa hơn.

Học hỏi từ Chúa Jêsus

Chúa Jêsus đã “tự cách ly” 40 ngày trong nơi đồng vắng của riêng Ngài. Khi ở đó, trong tâm trí Ngài toàn là Lời Kinh Thánh. Lời Chúa đã ở trong huyết quản của Ngài.

Nếu tôi bị tấn công, tôi muốn Lời Kinh Thánh tuôn ra từ trong tôi. Để biết tôi cần làm gì, nghĩ gì và nói gì, tôi cần nghe Lời Đức Chúa Trời, Đấng yêu thương tôi và đã hiến thân vì tôi. Đó là lý do tôi phải quyết tâm không bật điện thoại lên nếu chưa mở cuốn Kinh Thánh của mình ra. Tôi quá yếu đuối để làm khác đi; điều đó giữ cho tâm trí tôi được sáng suốt.

Nhưng đó không phải là lần đầu tiên Chúa Jêsus ở trong đồng vắng. Ngài đã ở đó với Đa-vít trong sự cô đơn của ông. Các bài Thi thiên của Đa-vít (Thi Thiên 57–60) được viết trong nỗi đau khổ khi bị nghi ngờ và từ chối. Chúa Jêsus cũng đã ở đó giữa sự thất bại của Môi-se: “Tổ phụ chúng ta đều đã ... uống một thứ uống thiêng liêng; vì họ uống nơi một hòn đá thiêng liêng theo mình, và đá ấy tức là Đấng Christ” (1 Cô-rinh-rô 10:4).

Hòn đá thiêng liêng luôn theo sau họ.

Thưa các mục sư, hãy thử quay lại và nhìn xem ai đang theo sau bạn. Không ai trong chúng ta bị bỏ rơi cả. Cho dù chúng ta đã đập vào tảng đá cách thất vọng; cho dù chúng ta không thể tìm thấy sự đồng cảm nơi tất cả mọi người; cho dù bị tấn công bởi chính những người mà ta luôn tin tưởng, nhưng hãy nhớ rằng Chúa Jêsus đang dõi theo chúng ta, để chúng ta không bao giờ khuất khỏi tầm mắt và tình yêu thương Ngài (Thi Thiên 23:6).

Chúng ta dõi theo Ngài. Ngài dõi theo chúng ta. Và chúng ta sẽ vượt qua!

Bài: Cole Huffman; dịch: Nhạn Võ

(Nguồn: thegospelcoaligion.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này