Khi vợ Mục sư muốn từ bỏ chức vụ
Oneway.vn – “Chúa có thể dùng chính Hội Thánh đã khiến bạn tổn thương để chữa lành cho bạn”.
Khi vợ chồng tôi chuyển nhiệm sở đến quản nhiệm một Hội Thánh nhỏ ở vùng quê, vị mục sư đưa chúng tôi đi đã cầu nguyện cho những đau khổ trong chức vụ sắp tới của chúng tôi. Lúc ấy, tôi không hiểu ý nghĩa của lời cầu nguyện đó. Sao ông biết trước chúng tôi sẽ gặp khổ đau? Hội Thánh không phải là nơi bình yên nhất cho gia đình mục sư à?
Đó là chuyện gần hai mươi năm trước, và nếu có thể quay về thời còn trẻ, tôi sẽ nói với bản thân rằng hãy chuẩn bị tinh thần để đối diện với thử thách trăm bề. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng nỗi đau của mình trong chức vụ là hoàn toàn đáng giá.
Người thân nhất gây tổn thương nhiều nhất
Sau mười năm trong chức vụ, vợ chồng tôi đã muốn bỏ cuộc. Hầu việc Chúa là một sứ mệnh gian nan, với những áp lực về cảm xúc và tinh thần không thể tránh khỏi. Tôi khó gần gũi với ai trong Hội Thánh vì tôi không chắc mình có thể tin tưởng ai. Các tín đồ hứa hẹn mãi trung tín cũng đã rời bỏ Hội Thánh. Những chỉ trích về phương pháp giảng dạy luôn hóa thành chuyện công kích cá nhân, và nếu mọi người không hài lòng với chồng tôi, tôi sẽ là người hứng chịu tất cả. Có thể những lời nhận xét và phàn nàn không nhắm vào tôi, nhưng nỗi tổn thương vẫn in hằn.
Tôi bất ngờ trước sự tổn thương sâu sắc trong đời sống chức vụ. Hội Thánh là một gia đình, và những vết thương do anh chị em gây ra đau đớn hơn bất cứ điều gì.
Trong những năm đầu khi Hội Thánh còn rối ren, một nhà truyền giáo đã tình nguyện ở lại hỗ trợ, và chúng tôi đã chia sẻ những khó khăn với ông. “Người thân nhất gây tổn thương nhiều nhất” – ông nói với chúng tôi. Ông đã phải chịu đựng sự ngược đãi từ những người chống đối Phúc Âm, tuy nhiên, ông nói rằng chuyện đó không thể đau đớn bằng những vấn đề trong Hội Thánh của chính ông và các nhà truyền giáo khác.
Là những người được hiệp nhất bởi Phúc Âm, được hòa giải với Đức Chúa Trời và với nhau thông qua Chúa Jêsus, chúng ta không chỉ hòa thuận mà còn phải yêu thương nhau “thân thiết như anh em” (Rô-ma 12:10). Khi chúng ta đấu đá và chống lại nhau, sự hòa giải đó có nguy cơ tan vỡ. Nơi mà lẽ ra chúng ta được an toàn và yêu thương lại trở thành nơi chúng ta sợ hãi nhất. Hội Thánh trở thành nơi đáng sợ đối với tôi, nhưng tôi không thể rời xa thân thể Đấng Christ vì tôi biết Chúa Jêsus yêu thương Hội Thánh. Tôi cũng phải học theo Ngài dù có thế nào đi nữa.
Chúa Jêsus yêu Hội Thánh của Ngài
Trong Tân Ước, Chúa Jêsus được gọi là Chàng Rể, và chúng ta biết rằng một ngày kia Ngài sẽ trình diện Hội Thánh như Nàng Dâu thánh khiết, không tì không vết trước mặt Đức Chúa Cha (Ê-phê-sô 5:27). Phao-lô dùng hình ảnh hôn nhân để giúp chúng ta thấy Hội Thánh quan trọng như thế nào đối với Chúa Jêsus. Ngài đã hy sinh mạng sống mình để làm cho Nàng Dâu của Ngài trở nên mới và được xưng công bình. Chúa Jêsus đã cam kết với Hội Thánh nên chúng ta cũng phải như vậy.
Mặc dù tội lỗi có thể làm tổn thương mối liên hệ, nhưng Hội Thánh là một trong những phương tiện chính mà Chúa đã ban cho chúng ta để được thánh hóa và kiên trì trong đức tin. Đó không phải là nơi chúng ta muốn đến thì đến, muốn đi thì đi (Hê-bơ-rơ 10:25). Đó là món quà Chúa dành cho mỗi chúng ta, những người đã từng xa cách nhưng được dòng huyết của Đấng Christ mang lại gần. Hội Thánh là phương tiện ân điển để chúng ta được thánh hóa, dạy dỗ, kỷ luật và khích lệ.
Sứ đồ Phao-lô viết: “Thưa anh em, xin anh em hãy khuyên nhủ kẻ lười biếng, khích lệ người ngã lòng, nâng đỡ kẻ yếu đuối, kiên nhẫn với mọi người” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Thân thể Đấng Christ phải bảo vệ những người chống đối, an ủi những người đau buồn, chu cấp cho người nghèo khổ và giảng dạy cho mọi người. Giăng nhiều lần kêu gọi các tín đồ thể hiện sự vâng phục bằng việc yêu thương lẫn nhau, nhấn mạnh rằng chính tình yêu này sẽ phân biệt con cái Chúa với thế gian (Giăng 13:35; 1 Giăng 4:20–21; 5:1).
Yêu thương có nghĩa là thể hiện sự tha thứ và lòng nhân từ với nhau như Đấng Christ đã làm cho chúng ta. Yêu thương chính là bày tỏ lòng bao dung, lãnh đạo trong sự khiêm nhường và chịu đựng những người chống đối. Sự vâng phục chính là giải pháp khi chúng ta học cách yêu thương Hội Thánh.
Hội Thánh gây tổn thương – nhưng cũng chữa lành
Nhờ lòng nhân từ của Chúa, Hội Thánh của chúng tôi đã vượt qua được một thập kỷ rối ren và bắt đầu hàn gắn những bất đồng. Vào khoảng thời gian đó, tôi tham dự một buổi bồi linh phụ nữ. Khi thảo luận về sự tổn thương trong Hội Thánh, tôi rưng rưng nước mắt khi nghe diễn giả nói: “Chúa có thể dùng chính Hội Thánh đã khiến bạn tổn thương để chữa lành cho bạn”.
Liệu tôi có thể được chữa lành bởi chính Hội Thánh đã khiến tôi tổn thương sâu sắc không? Tôi tin là có. Tôi trở về nhà với tấm lòng nhiệt thành tươi mới, để yêu thương thân thể mà Chúa đã hiệp nhất. Khi gia đình Hội Thánh của tôi ngày càng thân thiết hơn và học cách tin tưởng lẫn nhau, tôi bắt đầu xây dựng những mối liên hệ đáng quý mà tôi vẫn giữ gìn cho đến ngày nay.
“Chúa có thể dùng chính Hội Thánh đã khiến bạn tổn thương để chữa lành cho bạn”.
Vợ chồng tôi sắp kỷ niệm 19 năm gắn bó với gia đình Hội Thánh của mình, và chúng tôi là nhân chứng sống cho thấy Chúa có kế hoạch tốt đẹp cho con dân Ngài. Ngài có thể kêu gọi chúng ta chịu khổ trong chức vụ, và dạy chúng ta những bài học khó khăn về lòng trung thành chịu đựng – nhưng tôi có thể đảm bảo rằng mọi thử thách là hoàn toàn xứng đáng. Niềm vui khi được yêu thương gia đình Hội Thánh của tôi lớn hơn nỗi buồn gấp nhiều lần. Tuy không ai hoàn hảo, nhưng chúng ta có thể vững vàng tin cậy nơi lời hứa của Đấng Christ, rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ trở nên thánh khiết và không tì vết trước mặt Đức Chúa Cha.
Bài: Glenna Marshall; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
bình luận