Làm thế nào để khiêm tốn bản thân

Dưỡng linh
01:04 02/04/2020

Oneway.vn - Khiêm tốn không phải là thành tựu mà chúng ta có thể đơn giản giành lấy.

Bạn nghĩ rằng khiêm tốn là chuyện đương nhiên? Bạn có thể làm được. Chỉ cần chủ động. Thực hiện bước đầu. Đối diện thử thách và khiêm tốn.

Nói cách khác, tự mình nỗ lực để khiêm nhường.

Nhưng nếu chúng ta đến với Lời Chúa bằng suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ thấy mình đang không theo đúng Kinh Thánh. Sự khiêm nhường đích thực, như với đức tin thực sự, không phải tự chúng ta có được hay nhờ vào mẹo của cuộc sống, mà là một phản ứng với sự dẫn dắt và giúp đỡ Thiên Thượng.

Chúa phản đối sự kiêu ngạo

Đừng nhầm lẫn, chúng ta vẫn cần hành động để sống khiêm nhường. Khiêm tốn không chỉ là một hiệu ứng mà là một mệnh lệnh. Cụ thể, có hai sứ đồ bảo chúng ta khiêm nhường. Và cả hai đều làm như vậy theo những cách tương tự đáng kinh ngạc, với lời hứa rằng Chúa sẽ đưa chúng ta lên:

“Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên.” (Gia-cơ 4:10)

“Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài nhắc anh em lên.” (1 Phi-e-rơ 5:6)

Khi thử thách đến, chúng ta sẽ kiêu ngạo, hay cúi đầu trong sự khiêm nhường?

Theo nhận định của tôi, Gia-cơ và Phi-e-rơ không lấy cảm hứng cùng nhau ở điểm này, nhưng được truyền cảm hứng từ Cựu Ước. Trong bối cảnh là hướng dẫn chúng ta cách hạ mình xuống, cả hai đều trích dẫn bản dịch từ tiếng Hy Lạp của Châm Ngôn 3:34 (“Quả thật Ngài nhạo báng kẻ hay nhạo báng; Nhưng Ngài ban ơn cho người khiêm nhường”, Gia-cơ 4: 6; 1 Phi-e-rơ 5: 5).

Nhưng trước khi chúng ta học theo để tự tìm ra cách khiêm nhường, chúng ta nên xem xét bối cảnh trong cả hai đoạn văn.

Hạ mình từ bên trong

Đối với mục đích của chúng ta ở đây, chúng ta quan sát được rằng cả hai đều kêu gọi tự hạ mình trước thử thách. Gia-cơ đề cập đến những cuộc cãi vã và tranh đấu trong Hội Thánh:

“Những điều chiến đấu tranh cạnh trong anh em bởi đâu mà đến? Há chẳng phải từ tình dục anh em vẫn hay tranh chiến trong quan thể mình sao? Anh em tham muốn mà chẳng được chi; anh em giết người và ghen ghét mà chẳng được việc gì hết; anh em có sự tranh cạnh và chiến đấu; anh em chẳng được chi, vì không cầu xin.” (Gia-cơ 4:1-2)

Xung đột giữa những người xưng danh Chúa làm hạ thấp giá trị Hội Thánh. Điều đó như một phép thử giữa sự tự cao và hạ mình.

Gia-cơ nhắc nhở rằng họ không chỉ là tội nhân, những người dễ bị xao động, mà ông còn nhắc họ nhớ Châm Ngôn 3:34. Ông muốn Hội Thánh đầu phục Chúa, chống lại cái xấu và đến gần với Chúa (Gia-cơ 4:7-8).

Nói cách khác, hãy hạ mình xuống trước Chúa. Hội Thánh đang bị hạ thấp từ trong chính nội bộ. Bây giờ, họ có hạ mình để đáp lại ý muốn Chúa trong khi xung đột? Họ sẽ hạ mình khiêm nhường chứ?

Hạ mình từ bên ngoài

Trong 1 Phi-e-rơ, Hội Thánh đang chịu áp lực. Xã hội đang truyền miệng những lời lăng mạ và bôi nhọ những Cơ Đốc nhân đầu tiên. Họ đang chịu đựng những tổn thương về mặt xã hội và cảm xúc, chưa kể thể chất. Họ đang bị đe dọa, và nỗi lo sợ cuốn lấy. Và tại thời điểm bị hạ thấp này, Phi-e-rơ liên hệ Châm Ngôn 3:34 và khuyên nhủ họ: “Hết thảy đối đãi với nhau phải trang sức bằng khiêm nhường; vì Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, mà ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (1 Phi-e-rơ 5:5)

Sự khiêm nhường, cũng giống như đức tin, không phải là một thành tựu.

Ở đây, sự hạ mình của Hội Thánh đến từ bên ngoài. Bây giờ, họ sẽ phản ứng thế nào khi Chúa muốn họ hạ mình trước những lời lăng mạ? Họ sẽ ngẩng cao đầu, phản ứng với niềm kiêu hãnh và tự cao tự đại, hay họ sẽ cúi đầu, hạ mình xuống trước đôi tay nhân từ và thời điểm tuyệt vời từ Chúa của họ?

Câu trả lời là tự hạ mình xuống

Hết lần này đến lần khác trong Kinh Thánh, tự hạ mình không phải là thứ chúng ta khởi xướng mà là thứ chúng ta nhận được, thậm chí là nắm lấy - hay là chào đón - khi Chúa ban cho chúng ta một cách trực tiếp hay gián tiếp. Lời kêu gọi hạ mình không tự nhiên mà đến, nhưng đến từ lúc chúng ta bắt đầu khiêm nhường.

Khiêm tốn, giống như đức tin - và như một biểu hiện của đức tin - không phải là một thành tựu. Khiêm tốn về cơ bản không phải là một sáng kiến ​​của con người, mà là một phản ứng đúng đắn, do chính Chúa ban cho chúng ta để chúng ta hạ mình trước Chúa, trước vinh quang và mục đích của Ngài.

Chúng ta không dạy mình phải khiêm tốn. Không lên kế hoạch năm bước để trở nên khiêm tốn hơn trong tuần tới hoặc tháng tiếp theo. Nói về biện pháp, chúng ta có thể sử dụng một vài cách để bắt đầu nuôi dưỡng sự khiêm tốn cho chính mình, nhưng thử thách (và cơ hội) thực sự chỉ đến khi chúng ta đối diện cám dỗ, bất ổn và dồn dập, trong những khoảnh khắc khi những sự phòng bị biến mất và chúng ta bất ngờ trước một thế giới sụp đổ. Và câu hỏi ập đến:

Bạn sẽ cư xử thế nào trong những tình cảnh bị hạ thấp? Bạn có tự hạ mình xuống không?

Vui mừng đón nhận mọi sự bất tiện 

Đối với Cơ Đốc nhân, khiêm nhường là phản ứng chính. Đó không phải là điều mà chúng ta chỉ nhìn và làm theo. Chúng ta không khởi xướng sự khiêm nhường, chúng ta không được trao quyền tác giả cho điều đó. Đó không phải là thụ động hơn, không phải là ít khó khăn hơn, nhưng là đáp lại Đức Chúa Trời, đáp lại Lời Ngài, và đáp lại những gì Ngài làm trên thế giới này, đặc biệt là những khi chúng ta chịu đựng sự bất tiện, nỗi đau hay thất vọng trong cuộc sống. Tự hạ mình xuống về bản chất nghĩa là vui vẻ đón nhận những người, những từ ngữ, những hành động mà Chúa mang đến - dù cho không hề dễ dàng hay dễ chịu. 

Đầu tiên là những lời nói hay hoàn cảnh gây rối, trong tay và kế hoạch của Chúa, làm cho chúng ta phải hạ mình - như đã xảy ra với Vua Ê-xê-chia 7 thế kỷ trước công nguyên. Chúa đã chữa lành ông khỏi cõi chết, nhưng “Ê-xê-chia chẳng báo đáp lại ơn Chúa mà người đã lãnh, vì lòng người tự cao; bèn có cơn thạnh nộ của Chúa nổi lên cùng người, cùng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem.” (2 Sử ký 32:25)

Rồi đến câu hỏi gây áp lực đối với linh hồn của chúng ta, như đã xảy ra với vị vua: Tôi sẽ chấp nhận hạ mình trước Chúa hay chống lại điều đó? Tôi sẽ cố gắng thanh minh, kháng cự, hay thật sự ăn năn? Và nếu tôi không hạ mình xuống, thì cũng đến lúc tôi phải khuất phục trước Chúa. Chúa muốn tôi hạ mình trước khi những việc khác xảy đến buộc tôi phải đầu phục.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta sẽ tự hạ mình hay đợi đến khi điều khác xảy đến (và thường nghiêm trọng hơn) mới khiến chúng ta đầu phục Chúa?

Đối với Ê-xê-chia, ông nhận biết cơn thịnh nộ của Chúa là bởi lòng kiêu ngạo của ông, và “Ê-xê-chia hạ sự tự cao trong lòng mình xuống, người và dân cư Giê-ru-sa-lem cũng vậy, nên trong đời Ê-xê-chia, cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va không giáng trên chúng.” (2 Sử ký 32:26).

Khi Chúa muốn con dân Ngài hạ mình

Thật ra mà nói, chúng ta vẫn có những gương mẫu để học theo và những phương cách để theo đuổi . Đó là hàng ngày hạ mình xuống trước Lời Chúa, hạ mình bằng cách vâng theo Lời Ngài, và hạ mình bằng cách khẩn thiết trong sự kiêng ăn cầu nguyện - tất cả đều là cách để chúng ta tập tành hạ mình trước Đấng Tạo Hóa. Nhưng trước hết, chúng ta cần phản ứng đầu tiên với Đức Chúa Trời chính là khiêm nhường hạ mình.

Ngài là Đấng đã tạo ra thế giới từ hư vô bằng sức mạnh của lời phán (Hê-bơ-rơ 11:3). 

Ngài là Đấng đã tạo nên người nam đầu tiên từ bụi đất (Sáng thế Ký 2:7) và tạo nên người nữ từ sườn của người nam (Sáng thế Ký 2:21-22).

Ngài là Đấng đã bày tỏ chính Ngài cho chúng ta, phán với chúng ta thông qua các tiên tri và sứ đồ của Ngài, để chúng ta biết Ngài và Con Một của Ngài, cùng kế hoạch cứu chuộc cho chúng ta.

Và Chúa là Đấng bằng sự dịu dàng, lòng thương xót và sự quan phòng, hết lần này đến lần khác khiến cho Hội Thánh đầu phục Ngài, từ bên trong lẫn bên ngoài, và trong sự đầu phục Chúa, Ngài đưa chúng ta đến ngã ba đường: Bây giờ, con sẽ phản ứng thế nào trước mục đích của ta qua thử thách này? Con sẽ hạ mình xuống chứ?

Khi thử thách tiếp theo đến, bạn sẽ ngẩng đầu với niềm kiêu hãnh, hay cúi đầu trong sự khiêm nhường? Chúa có một lời hứa đặc biệt cho bạn: Thần của mọi quyền lực sẽ nâng những người khiêm nhường hạ mình lên, vào đúng thời điểm của Ngài.

 

Bài: David Mathis, dịch: Janebie

(Nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này