Lắng nghe lời khuyên

Dưỡng linh
01:46 17/05/2022

Oneway.vn - Lòng kiêu ngạo khiến chúng ta chỉ muốn nghe lời khuyên mà mình ưa thích.

Học hỏi từ một tấm gương thảm hại 

Trong 2 Sử ký 10, Vua Sa-lô-môn vừa qua đời. Con trai ông là Rô-bô-am đang chuẩn bị lên kế vị ngai vàng Y-sơ-ra-ên. Tất cả người dân Y-sơ-ra-ên tập trung lại để dự lễ đăng quang của ông. Nhưng trước khi cam kết trung thành với ông, họ yêu cầu Rô-bô-am “giảm nhẹ khổ dịch và ách nặng nề” mà họ phải chịu đựng dưới thời Sa-lô-môn. Nếu ông đồng ý điều này, họ cam kết: “chúng tôi sẽ phục vụ bệ hạ” (2 Sử ký 10:4). Trước khi đưa ra câu trả lời của mình, Rô-bô-am muốn tìm kiếm lời khuyên. Điều này trông có vẻ khôn ngoan.

Đây là thời điểm quyết định người thừa kế ngai vàng. Rô-bô-am sắp trở thành ví dụ điển hình cho lẽ thật trong Châm ngôn 12:15.

Đầu tiên, ông tập hợp các trưởng lão đã từng cố vấn cho cha mình. Họ là những người có kiến ​​thức dày dặn với nhiều năm kinh nghiệm, và ông cần lời khuyên của họ. Họ khuyên ông: “Nếu bệ hạ đối đãi tốt với dân nầy, làm vui lòng họ, và dùng lời tử tế nói với họ thì họ sẽ làm đầy tớ bệ hạ mãi mãi” (2 Sử-ký 10:7).

Tuy nhiên, Rô-bô-am “loại bỏ ý kiến của các trưởng lão đã đưa ra, lại đi hỏi ý kiến các người trẻ là những người cùng trang lứa với vua và đang phục vụ vua” (2 Sử ký 10:8). 

Các cố vấn trẻ tuổi đưa ra cho Rô-bô-am lời khuyên: dùng vương quyền để khuất phục dân chúng bằng vũ lực tàn bạo (2 Sử ký 10:11). Đây chính xác là những gì ông đã làm, và điều đó dẫn đến một thảm họa hoàng gia. Khi thông báo với dân chúng rằng ông sẽ “làm cho ách các ngươi nặng hơn nữa”, mọi người dân Y-sơ-ra-ên từ bỏ lòng trung thành với Rô-bô-am và chọn vị vua của riêng họ, chia đôi đất nước.

Chúng ta cần học hỏi từ tấm gương thảm hại của Rô-bô-am, vì ai cũng có lòng kiêu ngạo tội lỗi ẩn náu trong lòng. Tất cả chúng ta đều có lúc giống như kẻ ngốc, tin rằng mình luôn đúng. Câu chuyện này phơi bày 3 cách lòng kiêu ngạo tội lỗi cám dỗ chúng ta ngu muội, quay lưng với những lời khuyên hữu ích (Châm ngôn 12:15) và khước từ sự cứu rỗi cũng như những lợi ích Chúa hứa ban cho những ai bước đi trong sự khôn ngoan (Châm ngôn 28:26).

1. Đánh giá thấp sự thiếu hiểu biết của bản thân 

Lòng kiêu ngạo cám dỗ, khiến chúng ta đánh giá thấp sự thiếu hiểu biết của mình. Chúng ta mù quáng đặt niềm tin vô căn cứ vào thứ mình không hề biết. Chúng ta thấy điều này nơi Rô-bô-am. Bất kể các trưởng lão có kinh nghiệm thực tế bao nhiêu thập kỷ, và lời cảnh báo của họ rằng lòng tin của người dân đang giảm sút, vị vua mới và những người đồng trang lứa với ông tin rằng họ “hiểu biết” hơn.

Chúng ta thấy rõ sự dại dột khi đọc câu chuyện này. Nhưng chẳng phải chính chúng ta cũng từng đưa ra những quyết định kém cỏi và kế hoạch sai lầm, bỏ qua hoặc phớt lờ những lời khuyên, tất cả chỉ vì cái tôi thiếu hiểu biết của chúng ta quá lớn hay sao? Lòng kiêu ngạo lúc này trở nên nguy hiểm: chúng ta thường không nhận ra tội lỗi mình cho đến khi quá muộn. Do đó, người đàn ông khôn ngoan sẽ lắng nghe lời khuyên, ngay cả khi anh ta nghĩ rằng mình biết điều gì là tốt nhất.

2. Che đậy điểm yếu của mình 

Thứ hai, lòng kiêu ngạo cám dỗ khiến chúng ta che đậy sự yếu đuối của mình. Ở thời Cận Đông cổ đại, những vị vua thành công, được kính trọng nhất thường mạnh mẽ và tàn nhẫn. Nhà cai trị không cho phép người dân đặt ra bất cứ điều khoản gì. Rô-bô-am biết nói gì với quốc gia và thế giới nếu ông chấp nhận yêu cầu của người dân?

Có thể ông sợ hãi, vì những vị vua yếu ớt là mục tiêu cho các cuộc đảo chính. Do đó, Rô-bô-am đưa ra quyết định không phải vì tin cậy vào quyền năng Đức Chúa Trời, cũng không vì dân tộc mình, mà chủ yếu vì danh tiếng mà ông ta mong muốn.

Chúng ta, giống như Rô-bô-am, có xu hướng bị ảnh hưởng thứ nhất bởi cách các đồng nghiệp và nền văn hóa của chúng tôi xác định sức mạnh và điểm yếu. Sự miễn cưỡng kiêu hãnh của chúng ta khi bị coi là yếu kém có thể dễ dàng làm sai lệch các quyết định và kế hoạch của chúng ta. Vì vậy, người khôn ngoan tìm kiếm và lắng nghe những lời khuyên giúp anh ta kính sợ Chúa hơn là sợ mình tỏ ra yếu đuối (Châm ngôn 1:7), và yêu người hơn yêu danh tiếng của mình.

3. Chỉ lắng nghe lời khuyên mình ưa thích

Thứ ba, lòng kiêu ngạo khiến chúng ta chỉ muốn nghe lời khuyên mà mình ưa thích. Câu chuyện của Rô-bô-am cho thấy ông vốn đã xác định điều mình muốn làm trước khi tìm kiếm bất kỳ lời khuyên nào. Có lẽ ông không hề cẩn thận lắng nghe cả hai nhóm cố vấn, cân nhắc kinh nghiệm của họ, cân nhắc thận trọng từng lời khuyên trong bối cảnh hiện tại của người dân, nên mới đi đến kết luận sai lầm.

Sự dại dột của ông không thể đổ lỗi cho tuổi trẻ, vì lúc đó Rô-bô-am đã 41 tuổi (1 Các Vua 14:21). Ông vốn đã biết quan điểm của những cố vấn trẻ tuổi, vì họ “đang phục vụ vua” (2 Sử ký 10:8) - họ là đội ngũ cố vấn của ông. Có khả năng những vị cố vấn này đang nói với Rô-bô-am những gì ông muốn nghe. Ông không thực sự tìm kiếm lời khuyên; ông chỉ cần một lời xác nhận chính thức cho kế hoạch mình vốn đã định trước.

Đây là một kiểu lừa dối tinh vi, cho cả chúng ta và các cố vấn của mình. Không chỉ tìm kiếm những cố vấn đồng ý với quan điểm của mình, chúng ta còn thuyết phục những cố vấn khách quan hơn chiều theo những gì mình mong muốn. Chúng ta tỏ ra khôn ngoan trong khi dại dột theo đuổi những gì mình thích. Một người thông minh không “hối lộ” bồi thẩm đoàn hoặc cố làm giả bằng chứng, mà phải lắng nghe lời khuyên của những cố vấn trung thực từ nhiều khía cạnh.

Lời hứa quý giá cho sự khôn ngoan

Câu Châm ngôn rút ra bài học từ những thất bại của Rô-bô-am:

“Kẻ nào tin cậy nơi lòng mình là kẻ ngu muội; còn ai ăn ở cách khôn ngoan sẽ được cứu rỗi” (Châm ngôn 28:26).

Câu Kinh Thánh này chứa đựng lời hứa quý giá nếu chúng ta tránh được những quyết định tai hại. Ví dụ về Rô-bô-am cho thấy hậu quả tàn khốc do hành động với lòng kiêu ngạo. 

Bạn phải hạ mình để bước đi trong sự khôn ngoan, tìm kiếm những cố vấn khôn ngoan và lắng nghe cẩn thận lời khuyên của họ. Bạn phải tiếp nhận những điều bạn không muốn nghe. Tuy nhiên, con đường khôn ngoan này giống như “tất cả đường lối của Đức Giê-hô-va đều là nhân từ và chân thật” (Thi Thiên 25:10), dẫn đến niềm vui và cứu rỗi chúng ta khỏi những tai họa tự chuốc lấy. Chúa Jêsus phán: “Còn cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống” (Ma-thi-ơ 7:14), và “bất cứ ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất” (Ma-thi-ơ 16:25). Con đường dẫn đến niềm vui là con đường kiềm giữ bản thân, còn con đường dẫn đến khốn khổ chính là nuông chiều bản thân.

Đó là lý do khi nói đến những quyết định quan trọng, chỉ có kẻ ngốc mới tin vào lý trí của mình, còn người khôn ngoan sẽ lắng nghe những lời khuyên đúng đắn.


Bài: Jon Bloom; dịch: Jennie
(Nguồn: desiringgod.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này