Liệu thế hệ kế cận có kế thừa di sản tình yêu thương?

Dưỡng linh
01:38 18/05/2022

Oneway.vn - Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa độc hại, nơi những lời đàm tiếu và thù ghét có thể lan truyền dễ dàng qua mạng xã hội. Và thật đáng buồn, chúng ta lại mang những điều này vào Hội Thánh của mình.

Tôi phát hiện một người bạn thân gần 5 năm nói xấu sau lưng tôi. Những điều cô ấy nói hoàn toàn là bịa đặt. Tôi cảm thấy như bị vu oan và phán xét bất công.

Kể từ khi quen biết nhau, tôi luôn luôn ngưỡng mộ cô ấy. Chúng tôi có những kỷ niệm đẹp bên nhau nên tôi rất tin tưởng tâm sự với cô ấy.

Lương tâm tôi trong sáng và không hề làm điều gì sai trái, vậy những lời lẽ xuyên tạc, phán xét của cô ấy từ đâu mà ra? Như xát thêm muối vào vết thương, cô ấy đối xử với tôi như chưa hề xảy ra chuyện gì, và còn nhờ tôi giúp đỡ.

Sự việc này thật nhỏ bé so với những gì Chúa Jêsus đã trải qua. Nhưng nó cũng cho tôi thoáng hiểu cảm giác bị phản bội là như thế nào.

Mục sư David Wong nói: “Thiếu tình yêu thương sẽ khiến các Hội Thánh tan rã”.

Khi giảng về Giăng 13:34-35, Mục sư Đa-vít nói rằng ba môn đồ Thô-ma, Phi-e-rơ, và Giu-đa không yêu Chúa Jêsus theo cách đáng ra họ phải yêu.

Thô-ma thiếu đức tin và đa nghi, Phi-e-rơ chối Chúa Jêsus, và Giu-đa là kẻ phản bội Ngài. Tôi đặc biệt cảm động trước tình yêu cao vời Chúa Jêsus dành cho Giu-đa, bất chấp sau này ông đối xử với Ngài tệ ra sao.

Vào cái đêm Chúa Jêsus bị phản bội, Ngài không chỉ cho phép Giu-đa ngồi bên cạnh mà còn đưa cho ông một mẩu bánh - một cử chỉ tôn trọng. Có lẽ, Chúa Jêsus đang cho Giu-đa cơ hội cuối cùng để xoay chuyển tình thế. Đáng buồn thay, Giu-đa đã nhận lấy bánh nhưng lại từ chối Đấng Christ. Chỉ với cái giá 30 nén bạc.

“Nhưng Đức Chúa Jêsus nói với nó rằng: “Nầy bạn, bạn định làm gì thì cứ làm đi!” (Ma-thi-ơ 26:50).

“Ta ban cho các con một điều răn mới, ấy là các con phải yêu thương nhau. Như Ta đã yêu thương các con thể nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau thể ấy. Nếu các con yêu thương nhau, thì bởi đó, mọi người sẽ nhận biết các con là môn đồ Ta" (Giăng 13:34-35)

Đoạn Kinh Thánh này quen thuộc với những người lớn lên trong Hội Thánh, nhưng có lẽ vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Đức Thánh Linh mở đôi mắt thuộc linh của tôi, và tôi đã hạ mình trước tình yêu cao sâu của Đấng Christ.

Tôi được nhắc nhở về lần bị bạn mình phản bội.

Mỗi khi nghe đến tên cô ấy, lòng tôi lại rộn lên một niềm uất hận. Mỗi khi lướt mạng xã hội, những bài đăng của cô ấy khiến tôi phát cáu.

Tôi đã quen biết và tin tưởng cô ấy trong suốt nhiều năm, để rồi cuối cùng lại bị lạm dùng lòng tin. Làm sao tôi có thể yêu thương một người như vậy?

Điều răn mới này dường như không thể thực hiện được. Thật sự tôi phải làm vậy sao? Cảm giác thật bất công.

"Hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu các con"

Câu Kinh Thánh này nghe có vẻ hay và nên thơ đấy, nhưng thực tế có một sức nặng to lớn trong Lời Đấng Christ nói ở đây. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng xem xét bối cảnh phân đoạn này.

Trước đó, Chúa Jêsus nói về việc Giu-đa bỏ Tiệc Thánh để chuẩn bị phản bội Chúa Jêsus. Sau đó, Chúa Jêsus báo trước về việc Phi-e-rơ sẽ chối Ngài.

Giữa lúc bị bạn bè quay lưng khi Chúa Jêsus cần họ nhất, Ngài vẫn tiếp tục yêu thương những người làm tổn thương mình. Điều này nâng khái niệm “yêu thương nhau” lên một tầm cao mới.

Nếu con cái bạn không đến dự sinh nhật của bạn vì chúng không ưa nhau, ắt hẳn bạn sẽ rất buồn. Tương tự, lòng Đức Chúa Trời cũng tan vỡ khi con cái Ngài đấu đá với nhau.

Yêu thương chưa phải là kết thúc. Chúng ta yêu thương nhau để mang lại niềm vui cho Cha chúng ta, và làm chứng cho cả thế giới rằng chúng ta thực sự là môn đồ Ngài.

Khi còn trẻ, tôi không chấp nhận điều đó. Tôi thừa nhận rằng mình đã không yêu thương một số anh chị em trong Đấng Christ như đáng phải yêu. Thực tế, có lẽ tôi đã khuấy động nhiều xích mích trong Hội Thánh.

Rất may, Chúa đã thay đổi tôi. Như mục sư David giải thích, “môn đồ” có nghĩa là “người học hỏi”.

Đức Chúa Trời thường cho phép thử thách xảy ra để nhào nặn chúng ta. Nỗi đau giúp chúng ta học hỏi và trưởng thành.

Khi người khác thử thách khả năng yêu thương của chúng ta, hãy nhìn lên và hỏi Chúa: "Ngài đang muốn dạy con điều gì?"

Và sau đó tra xét lại tấm lòng: Nếu đã gọi mình là môn đồ, liệu chúng ta có từ bỏ chính mình chưa? Nếu chưa, làm sao chúng ta có thể gọi mình là một môn đồ?

Tôi đã trải qua nhiều “trận chiến” với các anh chị em trong Hội Thánh.

Nhưng chính qua những sự việc đó, Đức Chúa Trời giúp tôi hiểu sâu sắc hơn về tình yêu Ngài, và nhắc nhở tôi phải luôn cánh cùng nhau giữa tình trạng mất đoàn kết và chia rẽ.

Đức Chúa Trời cũng đã thành tín khôi phục và cứu các mối quan hệ của tôi.


Bài: Joanne Chua; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thirst.sg)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này