Lucifer đã sụp đổ và trở thành Satan như thế nào?

Dưỡng linh
01:20 19/11/2019

Oneway.vn - Lucifer ấn tượng bởi vẻ ngoài, tài trí, sức mạnh và vị trí của hắn, đến nỗi hắn khao khát danh dự và vinh quang vốn chỉ thuộc về Chúa. Niềm kiêu hãnh này đại diện cho khởi đầu của tội lỗi trong vũ trụ, trước khi Adam và Eva phạm tội.Câu chuyện về sự sa ngã Lucifer được mô tả trong 2 chương chính của Cựu Ước là Ê-xê-chi-ên 28 và Ê-sai 14. Hãy cùng xem lại 2 đoạn này.

Dường như từ bối cảnh của Ê-xê-chi-ên 28, 10 câu đầu tiên của chương này nói về một lãnh đạo loài người (vua Ty-rơ). Sau đó, bắt đầu từ câu 11 trở đi cho đến câu 19, Lucifer là trọng tâm của cuộc thảo luận.

Sự sa ngã của Lucifer trong Kinh thánh

Dựa vào đâu để nói những câu sau đề cập đến sự sụp đổ của Lucifer? Trong khi 10 câu đầu tiên trong chương này nói về kẻ cai trị Ty-rơ - người bị kết án vì tự xưng là một vị thần mặc dù ông chỉ là một con người. Nhiều học giả tin rằng có một thế lực cai trị Ty-rơ, vua thực sự của Ty-rơ là Satan, vì chính hắn là người chống Chúa đến cùng và chính hắn hành động thông qua vua thành phố Ty-rơ.

Một số người cho rằng những câu này thực sự đang nói với một vị vua loài người, người được Satan trao quyền. Có lẽ vị vua lịch sử của Ty-rơ là một công cụ của Satan, thậm chí là đã bị hắn mê hoặc. Khi mô tả về vị vua này, Ê-xê-chi-ên cũng cho chúng ta thoáng nhìn về sinh vật siêu phàm - Satan, kẻ đang điều khiển hoặc dụ dỗ vua Ty-rơ.

Có những sự thật về vị “vua” này, mà không thể hiện ở một vị vua loài người. Chẳng hạn, nhà vua được miêu tả là có bản chất khác với con người (“Chê-ru-bim”, câu 14); hắn có một vị trí khác với con người (“Đường-lối ngươi trọn-vẹn từ ngày ngươi được dựng nên”, câu 15); hắn ở một cõi khác với con người (câu 13,14); hắn lãnh một bản án khác với con người (hắn bị ném ra khỏi núi Chúa và bị ném xuống đất, câu 16); và hắn được mô tả là “tốt đẹp trọn vẹn” - dường như không phù hợp với một người bình thường (câu 12).

Lucifer là ai, tại sao hắn lại phản nghịch?

Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng vị vua này là một tạo vật do chính bàn tay Đấng Sáng Tạo tạo nên trong một trạng thái hoàn hảo (Ê-xê-chi-ên 28: 12,15). Và hắn vẫn hoàn hảo cho đến khi sự gian ác được tìm thấy trong hắn (câu 15b). Sự gian ác này là gì? Hãy đọc tiếp trong câu 17 “Lòng ngươi đã kiêu-ngạo vì sự đẹp ngươi, và sự vinh-hiển của ngươi làm cho ngươi làm hư khôn-ngoan mình”. Rõ ràng Lucifer đã rất ấn tượng với vẻ đẹp, trí thông minh, sức mạnh và vị trí của hắn và bắt đầu mong muốn vinh dự và vinh quang thuộc về một mình Thiên Chúa. Tội lỗi làm Lucifer sa ngã bắt nguồn từ lòng kiêu hãnh.

Rõ ràng, điều này đại diện cho sự khởi đầu thực sự của tội lỗi trong vũ trụ, trước khi Adam phạm tội. Tội lỗi bắt nguồn từ ý chí tự do của Lucifer. Hắn hiểu rõ về các vấn đề liên quan đến lựa chọn chống lại Đấng Tạo Hóa. 

“Thiên thần hùng mạnh” này đã được Chúa phán xét một cách nghiêm minh:”Ta đã xô ngươi xuống đất” (Ê-xê-chi-ên 28:18). Điều này không có nghĩa là Sa-tan không có quyền tiếp cận thiên đàng, vì các câu Kinh thánh khác chỉ rõ rằng Sa-tan có quyền này ngay cả sau khi sa ngã (Gióp 1: 6-12; Xa-cha-ri 3: 1,2). Tuy nhiên, Ê-xê-chi-ên 28:18 chỉ ra rằng Sa-tan hoàn toàn bị đuổi khỏi thiên đàng và vương quyền của Đức Chúa Trời (Lu-ca 10:18).

Ê-sai 14: 12-17 có thể là một đoạn khác trong Cựu Ước nói đến sự sụp đổ của Lucifer. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng một số học giả Kinh Thánh không thấy tài liệu tham khảo nào về Lucifer trong đoạn này. Có ý kiến ​​cho rằng câu này đề cập đến một con người (Ê-sai 14:16); được so sánh với các vị vua khác trên trái đất (câu 18); và những từ ngữ ”sao ngươi từ trời sa xuống” (câu 12) được cho là đề cập đến một sự sụp đổ từ tầm cao chính trị.

Có những học giả khác giải thích đoạn văn này chỉ đề cập đến sự sụp đổ của Lucifer, không liên quan gì đến một vị vua loài người. Họ lập luận rằng Kinh Thánh mô tả về sự tồn tại này vượt quá sự khiêm tốn của loài người, do đó không thể đề cập đến một người trần tục.

Có một quan điểm mà tôi nghĩ là thích hợp hơn với 2 quan điểm trên. Quan điểm này cho thấy Ê-sai 14: 12-17 có một tham chiếu kép. Có thể là câu 4 đến 11 nói về một vị vua thực sự của Babylon. Sau đó, trong các câu từ 12 đến 17, chúng ta tìm thấy một tài liệu tham khảo bao gồm không chỉ là vua Babylon mà còn là một mô tả chính xác về Lucifer.

Nếu đoạn văn này có liên quan đến sự sụp đổ của Lucifer, thì kiểu mẫu của đoạn văn này dường như phù hợp với Ê-xê-chi-ên 28: đầu tiên mô tả một lãnh đạo loài người, và sau đó tham chiếu kép cho một lãnh đạo loài người và cả Sa-tan.

Điều quan trọng là ngôn ngữ được sử dụng để mô tả điều này phù hợp với các đoạn khác trong Kinh thánh nói về Satan. Ví dụ, Ê-sai 14 dùng “Ta sẽ” chỉ ra một yếu tố của lòng tự cao, điều này cũng được chứng minh trong Ê-xê-chi-ên 28:17 (xem 1 Ti-mô-thê 3: 6 về bản án của kiêu ngạo).

Đối với Đức Chúa Trời, hậu quả của tội lỗi ghê tởm này là Lucifer bị trục xuất khỏi thiên đàng (Ê-sai 14:12). Hắn trở nên bại hoại, và tên đã đổi từ Lucifer (Ngôi sao buổi sáng) thành Satan (kẻ thù đối nghịch). Sức mạnh hắn dùng cho mục đích sai lạc (Ê-sai 14: 12,16,17). Và số phận của Sa-tan, sau khi Chúa tái lâm, là bị niêm phong dưới vực trong vương quốc ngàn năm mà Chúa cai trị (Khải Huyền 20: 3).

Và cuối cùng hắn sẽ bị ném xuống hồ lửa đời đời (Ma-thi-ơ 25 : 41).

Đừng đọc suông, cầu nguyện xin Chúa hướng dẫn và dùng Kinh Thánh đối chiếu để hiểu nội dung bài viết thật rõ ràng

 

Bài: Dr. Ron Rhodes, dịch: Linh Ân

(Nguồn: christianity.com)

 

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này