Môn đồ hóa muôn dân
Oneway.vn - Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con; phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu” (1 Ti-mô-thê 4:16).
Môn đồ hóa trong Kinh Thánh
Đại Mạng Lệnh Chúa giao cho Hội Thánh là hãy đi và môn đồ hóa muôn dân, đặc biệt là những nơi thiếu cơ hội tiếp cận với Phúc Âm. Nếu việc môn đồ hóa là mạng lệnh của chúng ta, hãy cùng xem xét khuôn mẫu nhất quán của nhiệm vụ này trong Kinh Thánh.
Đầu tiên, hãy xem cách Chúa Jêsus đầu tư vào 12 môn đồ. Họ lắng nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến cuộc sống của Ngài, nhận lãnh cả lời sửa trị lẫn khen ngợi của Ngài trong suốt những năm chức vụ của Chúa Jêsus.
Kinh Thánh Tân Ước cũng cho thấy một khuôn mẫu tương tự về việc môn đồ hóa giữa các sứ đồ. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ mở đầu với Hội Thánh đầu tiên khi mới thành lập đã dành thời gian nhóm lại, cùng nhau suy ngẫm lời dạy dỗ của các sứ đồ. Khi những sứ đồ ra đi, họ mong muốn tín hữu mới tiếp tục giảng dạy và đầu tư vào việc gây dựng đời sống thuộc linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:3, 28; 15:33,41; 18:11,18; 19:10,22).
Trong các thư của Phao-lô, chúng ta thấy bằng chứng về quá trình môn đồ hóa của ông qua cách giảng dạy và làm gương. Chẳng hạn, Phao-lô khuyên các tín hữu ở Cô-rinh-tô hãy bắt chước ông để theo Cứu Chúa Jêsus Christ (1 Cô-rinh-tô 4:16; 11:1).
Trong các thư gửi cho Ti-mô-thê và Tít, Phao-lô luôn kêu gọi họ giữ gìn giáo lý và đạo đức của mình. Cụ thể nhất, ông khuyên Ti-mô-thê rằng: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con; phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu” (1 Ti-mô-thê 4:16).
Do đó, môn đồ hóa bao gồm cả việc định hình, dạy dỗ và uốn nắn. Việc dạy dỗ có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau, nhưng việc định hình, uốn nắn đòi hỏi chúng ta phải hiện diện và đầu tư thời gian.
Phương pháp bắt-thả
Hiện nay, chúng ta thường tranh luận về phương pháp truyền giáo, bất đồng về mức độ và phương tiện giảng dạy. Mọi khuôn mẫu môn đồ hóa từ mạnh đến nhẹ đều được thực hiện theo mô hình bắt-thả. Chúng ta nhóm các học viên lại, truyền đạt thông tin, sau đó “thả” họ ra để đưa bài học vào thực tế.
Cả hai cách trên đều xác định mức độ thành công dựa trên việc hoàn thành chương trình học, hoặc việc tuân thủ để tiếp tục dạy bài học đó cho người khác. Kết quả là, cả hai đều quá tập trung vào việc trau dồi các buổi giảng dạy và đào tạo, đến mức quên đầu tư vào cuộc sống của những người mình đang giảng dạy.
Một số người cho rằng bối cảnh lớp học hoặc mục vụ truyền thống là môi trường tự nhiên để giảng dạy. Một số người lại cho rằng để môn đồ hóa nhanh chóng nhất, chúng ta cần phải đề xuất việc học Kinh Thánh tại nhà. Cả Hội Thánh và gia đình đều có thể mang đến những khía cạnh khác nhau trong một mục vụ giảng dạy lành mạnh. Nhưng nếu chúng ta đổ dồn mọi chú ý cho phương pháp và cơ hội giảng dạy, thì nhiệm vụ môn đồ hóa vẫn chưa hoàn thành.
Tập trung vào nhiệm vụ định hình nhân cách
Song song với việc giảng dạy, chúng ta phải tập trung có chủ đích vào việc định hình nhân cách. Điều này hiếm khi xảy ra trong lớp học, mà đến từ việc quan sát và điều chỉnh nhân cách thực tế. Điều này xảy ra khi chúng ta đi cùng nhau trên linh trình dài và gian nan. Điều này xảy ra khi các môn đồ mới quan sát cố vấn của họ đối diện với sự từ chối và bắt bớ. Điều này xuất phát từ việc ngồi xuống, cầu nguyện và lắng nghe những trải lòng của một tín đồ đang trên giường bệnh. Điều này xuất phát từ việc cùng dùng bữa với các cặp vợ chồng lớn tuổi, lắng nghe họ nói về cuộc sống hôn nhân và nuôi dạy con cái qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời.
Môn đồ hóa đòi hỏi không gian và thời gian, để các giảng viên nêu gương và bắt chước tính cách Đấng Christ trong mọi tương tác hàng ngày. Không chỉ trong lớp học Kinh Thánh, chúng ta phải nắm bắt cơ hội sửa chữa, khiển trách, khích lệ và định hướng các môn đồ mới mọi lúc mọi nơi.
Chúng ta được kêu gọi để môn đồ hóa khắp các quốc gia. Việc truyền đạt thông tin là cần thiết, nhưng không thể làm trọn nhiệm vụ truyền giáo. Chúng ta phải thực hiện sứ mệnh khó khăn này: nuôi dưỡng và phát triển những người chúng ta đang môn đồ hóa, để họ trở nên giống như Đấng Christ. Để làm được điều này, trước hết chính các nhà truyền giáo phải có tính cách giống Chúa Jêsus để người khác có thể nhìn thấy và học đòi theo. Điều này cũng đòi hỏi thời gian dài đầu tư cho các môn đồ ở khắp nơi, cũng như thực hành trong cuộc sống hàng ngày.
Bài: Matthew Bennett; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)
bình luận