Phải làm sao khi mọi thứ đều bị huỷ bởi cơn đại dịch?

Coronavirus
10:45 30/03/2020

Oneway.vn - Thật đau buồn vì những mất mát mà coronavirus đã gây ra trên toàn thế giới.

Vô số các cuộc họp bị hủy bỏ, đám cưới phải hoãn lại, sinh viên không được tốt nghiệp, vận động viên mất cơ hội thi đấu, học sinh phải dừng học tập, kỳ nghỉ gia đình bị hủy bỏ, người hâm mộ không được nhìn thấy nghệ sĩ họ yêu thích, thiếu nhi không thể cùng ăn bánh kem với bạn bè vào ngày sinh nhật. 

Một số việc có thể để dành làm sau, nhưng cũng có những thứ mà chúng ta vĩnh viễn không còn cơ hội nữa.

Không dễ để đối diện với nỗi thất vọng và sự mất mát. Nhưng cuộc sống trong thế giới sa ngã chắc chắn sẽ đầy dẫy đau khổ, và đại dịch là một điều tất yếu phải xảy ra.

Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta 4 điều khi phải đối diện với nỗi thất vọng.

1. Nhìn lên 

Thay vì trút nỗi đau của mình lên người khác hoặc xa cách Chúa trong sự thất vọng, chúng ta có thể đến gần Đấng Cứu Rỗi, Đấng đã chịu đau khổ rất nhiều để chúng ta có thể “trút bầu tâm sự” của mình trước ngôi ơn phước Ngài (Hê-bơ-rơ 4:16). 

Hãy thành thật trong lời cầu nguyện. “Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi. Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi, Quen biết các đường lối tôi. Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi, Kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi” (Thi thiên 139: 2-4). Ngài hoàn toàn biết rõ về chúng ta và cách mà đại dịch này ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào.

Chúa cũng biết rõ vì Ngài đã trải nghiệm nỗi đau của thế gian này qua cuộc đời của Con Người - Chúa Jêsus (Ê-sai 53:3). “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta” (Hê-bơ-rơ 4:15). Khi chăm nhìn Chúa Jêsus, chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa yêu chúng ta và đang hành động vì lợi ích của chúng ta (Rô-ma 8:28; 1 ​​Giăng 4:10).

Thập tự giá của Đấng Christ là lời tuyên bố mạnh mẽ rằng: Chúa không chỉ nhìn thấy bạn mà Ngài còn đang ở cùng bạn. Hãy dâng cảm giác thất vọng và cô đơn lên Ngài, từ đó học biết thêm về sự chăm sóc, quan tâm và yêu thương Ngài dành cho bạn.

2. Nhìn vào bên trong

Đề phòng là không sai, thất vọng và đau buồn cũng vậy. Sự thất vọng khi đối phó với những hậu quả của đại dịch COVID-19 sẽ cho chúng ta biết rất nhiều sâu bên trong tấm lòng mình.

Những điều khiến chúng ta buồn khi đánh mất sẽ cho biết điều chúng ta yêu thích (ví dụ: tiệc tùng, gia đình, sự kiện, trải nghiệm, thi đua, học tập, v.v.). Nhưng mức độ của nỗi buồn và thất vọng sẽ tiết lộ ham muốn quá đáng hoặc “phát cuồng”, vạch trần điều mà chúng ta yêu thích hoặc khao khát nhiều hơn chính Chúa.

Khi cầu nguyện về nỗi thất vọng, Chúa thường dịu dàng bày tỏ cho chúng ta biết tội lỗi mình. Nhờ ơn Đức Chúa Trời, trong Đấng Christ, chúng ta được ban cho cả sự tha thứ khi đặt ham muốn ở sai chỗ, và cả sự giúp đỡ của Thánh Linh để chúng ta sắp xếp lại tấm lòng mình (1 Giăng 1:9). Và nhờ ân điển Ngài, khi sắp xếp lại tấm lòng, chúng ta sẽ như sứ đồ Phao-lô, học được bí quyết để thỏa lòng trong mọi hoàn cảnh (Phi-líp 4:11-13).

3. Nhìn xung quanh

Kinh Thánh bày tỏ rõ ràng mục đích của nỗi đau chúng ta phải chịu: nhờ những đau đớn ấy, Chúa giúp chúng ta có khả năng an ủi người khác. Khi bạn đến gần và nhận được sự an ủi từ Chúa thay cho ngồi đó mà thất vọng, bạn sẽ có khả năng yên ủi nỗi đau của người khác tốt hơn (1 Cô-rinh-tô 3: 1-7). Khi Chúa khiến bạn yêu Ngài càng hơn theo điều răn lớn thứ nhất, thì bạn càng có nhiều khả năng thực hiện điều răn thứ hai: yêu người lân cận như chính mình (Ma-thi-ơ 22: 36-40).

Vì thế, giữa sự thất vọng, hãy nhìn những người xung quanh bạn. Hãy tìm cách để trở nên nguồn phước giữa họ. Như một cô chủ tiệm hoa bị hủy bỏ mọi đơn hàng đã quyết định tặng hoa của mình cho các viện dưỡng lão, nơi những người già cô đơn không được người thân đến thăm. 

Người lân cận của bạn là ai? Có ai đang bệnh tật, cô đơn hay sợ hãi? Họ đã được biết lẽ thật Phúc âm chưa? Hãy chăm lo cho sự thất vọng của người khác, và cầu hỏi Chúa xem Ngài đã đặt để những công việc tốt lành nào cho bạn thực hiện trong thời gian khó khăn này (Ê-phê-sô 2:10). Bày tỏ cho mọi người biết rằng bạn nhìn thấy Chúa, để họ cũng có thể nhìn thấy Ngài.

4. Nhìn về phía trước

Bất kỳ thất vọng nào chúng ta trải qua trong cuộc sống này đều là lời nhắc nhở về một lời hứa. Mặc dù niềm hy vọng dường như tắt đi làm cho tấm lòng nao sờn, nhưng lời hứa Chúa là cây sự sống và mọi lời hứa trong Đức Chúa Jêsus Christ đều sẽ được làm trọn (Châm ngôn 13:12; 2 Cô-rinh-tô 1:20).

Mặc dù cần phải tỉnh táo để đối diện với những khó khăn hôm nay, chúng ta vẫn phải nhìn xa hơn về phía trước, vượt qua sự thất vọng sâu sắc, nhìn vào cõi đời đời, tại đó sẽ không còn nỗi buồn, thất vọng và bệnh tật đe dọa những người thân yêu của chúng ta nữa.

Đây chính là cớ để chúng ta vui mừng, thậm chí ngay giữa những nỗi đau. “Chúng ta giữ điều trông cậy nầy như cái neo của linh hồn, vững vàng bền chặt” (Hê-bơ-rơ 6:19). “Sự trông cậy không làm cho hổ thẹn” (Rô-ma 5:5).

Khi chúng ta đến với Đấng Cứu Rỗi thành tín, dâng lên những thất vọng sâu thẳm trong lòng, Ngài sẽ lau nước mắt, khiến chúng ta tỉnh thức trước tội lỗi mù quáng, giúp chúng ta nhìn thấy những tổn thương và nhu cầu của người khác, cũng như nhìn ngắm Ngài hành động trong thời điểm này để mang lại sự cứu chuộc cho mọi người.

Tiệc cưới Chiên Con là một bữa tiệc không bao giờ bị trì hoãn và sẽ không bị hủy bỏ vì bất cứ lý do gì. Kế hoạch của Chúa luôn luôn hoàn hảo và không gì có thể cản đường Ngài.

 

Bài: Abbey Wedgeworth; dịch: Nhạn Võ

(nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này