Tôi là một người mẹ không tốt

Dưỡng linh
10:23 01/06/2020

Oneway.vn - Nuôi dạy con không hề dễ dàng. Dù là xử lý những cơn tức giận của trẻ đang tập đi hay chứng thất thường của thiếu niên, chúng ta đều cần sự động viên, khích lệ cho những tình huống như thế.

Nhưng đôi khi, thay vì càng bám vào niềm hy vọng trong Đấng Christ, chúng ta lại cố gắng động viên bản thân bằng cách tránh né tội lỗi của mình. Chúng ta nhìn lại một ngày với đầy những lời nói thiếu kiên nhẫn, những động cơ ích kỷ, những phản ứng nóng giận, sự lãng phí thời gian… và rồi tự nhủ: Không sao! Chẳng có cha mẹ nào hoàn hảo. Mình đã làm hết sức có thể rồi!

Thật khó để thừa nhận bản chất thật của những thất bại. Tôi muốn trở thành một người mẹ mẫu mực. Tôi yêu con và muốn chúng cảm thấy được yêu thương. Tôi cũng muốn làm hết sức mình để trở thành người mẹ tốt hơn, càng ngày càng nhờ cậy Đức Thánh Linh để học theo tình yêu và lòng kiên nhẫn của Đức Chúa Trời.  

Thế nhưng, sự thật là không phải lúc nào tôi cũng làm hết sức. Không ai trong chúng ta làm được như vậy. Đôi khi, tôi la mắng con, làm con phải cảm thấy xấu hổ về hành động của chúng. Tôi đối xử với con như thể chúng là gánh nặng làm tôi mệt mỏi, phiền toái. Tôi không lắng nghe con. Tôi tỏ thái độ bực bội khi con cần đến mình. Tôi chậm tha thứ cho con. Tôi nuôi dưỡng sự cay đắng. Tôi cằn nhằn, cau có, hành động mạnh bạo. Động cơ kỷ luật con của tôi giống như một sự trừng phạt chứ không phải nhằm cứu chuộc con khỏi sự sai phạm.

Có những ngày, tôi đơn giản là một người mẹ không tốt. Những lúc ấy, tôi không cần một sự yên ủi giả tạo là tôi đã làm hết sức rồi, bởi vì điều đó không đúng. Cái tôi cần là niềm hy vọng rằng Chúa Jêsus có thể tẩy sạch tôi khỏi những điều không công chính của mình.

1. Thừa nhận tội lỗi của bản thân

Tận sâu trong tâm khảm, chúng ta biết vấn đề của chúng ta không chỉ là sự yếu đuối, mà là bản chất gian ác của mình. Sự tự an ủi bản thân hay những lời bào chữa nông cạn không giúp gì cho con người yếu đuối của chúng ta. Chúng ta phải bỏ đi cái vẻ ngoài là “mình lúc nào cũng làm hết sức” và thừa nhận rằng có những khi chúng ta không như vậy. Khi giảm nhẹ tội lỗi, chúng ta cũng đang khước từ ân điển đi kèm với sự ăn năn.

Mặc dù việc thừa nhận tội lỗi có vẻ như không phải là cách để tìm thấy sự bình an, nhưng Kinh Thánh khẳng định: “Nếu chúng ta nói mình không có tội thì chúng ta tự lừa dối mình, và chân lý không ở trong chúng ta. Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta và tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính” (I Giăng 1:8-9).

Nếu muốn được tự do thật, là sự tự do tẩy sạch chúng ta khỏi mọi điều bất chính, chúng ta phải thành thật thừa nhận những sai trật của mình. Khi chúng ta lười biếng trong trách nhiệm làm cha mẹ, không thể nói là “Vì tôi đang mệt”. Khi chúng ta có những lời nói cay nghiệt, hà khắc với con, không thể nói là “Tôi đang kỷ luật con”. Khi chúng ta ích kỷ, không thể nói là “Tôi cần phải chăm sóc bản thân”.

Đức Chúa Trời kêu gọi chúng ta trở thành người làm cha, làm mẹ tốt hơn — không phải kiểu tốt hơn như “Tôi còn khá hơn phụ huynh kia”, hay “tốt hơn” theo những định hướng của xã hội, hay thậm chí “tốt hơn” ngày hôm qua — nhưng là một sự “tốt hơn” phản ánh ân điển biến đổi của Đức Chúa Trời trên đời sống chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ nhận được ân điển đó — càng không thể vui mừng trong nó — cho đến khi bỏ đi sự tự nâng mình lên mà thành thật nhìn nhận bản thân.

2. Xưng tội với Chúa

Chúa nhìn thấu mọi tội lỗi trong chúng ta — Ngài đã giáng toàn bộ sự đoán phạt dành cho những tội đó trên Con của Ngài. Ngài biết rõ mọi động cơ sai trật ẩn trong những lời nói và hành động khắc nghiệt, thao túng, ích kỷ mà chúng ta làm với con cái mình. Việc cố gắng tạo nên vẻ bề ngoài sạch sẽ không che đậy được bản chất sa ngã của con người bề trong. Chúa không quan tâm đến việc kiểm soát tội lỗi của chúng ta — Ngài hiện diện để triệt tiêu nó.

Chúa không quan tâm đến việc kiểm soát tội lỗi của chúng ta — Ngài hiện diện để triệt tiêu nó.

Chúa đã giải phóng chúng ta khỏi sự thống trị của tội lỗi, ban Thánh Linh Ngài để hướng dẫn và thêm năng lực, tuôn đổ ân điển Ngài để giúp chúng ta chiến thắng cám dỗ. Đối với những người mà Ngài đã chuộc bằng huyết của Con Ngài, luôn có một lối thoát cho họ (I Cô 10:13). Khi chúng ta đối diện trước sự ương bướng, mè nheo, hỗn xược của con cái, Chúa đã ban mọi điều chúng ta cần để vượt qua cơn thịnh nộ nổi lên trong lòng chúng ta.

Tuy nhiên, nếu chúng ta dại dột chiều theo tội lỗi thay vì nhờ cậy Đức Thánh Linh—để rồi sau đó dằn vặt vì thất bại của mình—chúng ta luôn có thể chạy đến ngôi ân điển để xưng ra với Chúa. Quả thật, “Ngài là thành tín, công chính sẽ tha tội cho chúng ta” (I Giăng 1:9), và việc kinh nghiệm được sự tha thứ dư dật của Ngài đem đến niềm vui mừng.

3. Xưng tội với con cái

Tôi không nhớ chi tiết cách cha mẹ tôi làm sai đối với tôi, mà chỉ ấn tượng nhất việc họ quay lại xin lỗi tôi. Thay vì đổ lỗi hoặc tìm cách khỏa lấp, che đậy tội lỗi, họ thể hiện sự hành động của Đức Thánh Linh trong đời sống mình, cáo trách và thêm năng lực để họ thay đổi.

Tôi không nhớ chi tiết cách cha mẹ tôi làm sai đối với tôi, mà chỉ ấn tượng nhất việc họ quay lại xin lỗi tôi.

Mỗi lần chúng ta thú nhận tội lỗi của mình với con cái, chúng ta đang minh chứng cho quyền năng biến đổi của Phúc Âm mà miệng chúng ta vẫn tuyên rao. Qua việc tìm kiếm sự tha thứ—thừa nhận bản chất tội lỗi thay vì giảm thiểu nó—chúng ta thể hiện rằng khi ở trong Đấng Christ, chúng ta không cần phải che giấu tội lỗi hoặc sống trong sự xấu hổ. Chúng ta có thể đối diện với những lời nói và hành động thiếu tôn kính Chúa của mình một cách trần trụi nhất, bởi vì thập tự giá đã bao phủ chúng ta. Những thất bại của chúng ta không nhất thiết phải khiến cho con cái vấp phạm, nhưng ngược lại, chúng càng thể hiện quyền năng của Phúc Âm Chúa Jêsus trong đời sống chúng ta.

4. Xưng tội với anh chị em trong Chúa

Tội lỗi sẽ phát triển khi chúng ta che đậy nó. Một trong những phước hạnh của việc có mối thông công với các tín hữu khác là nó giúp phơi bày tội lỗi của chúng ta. Sau khi đã xưng tội với Chúa và với con cái, việc xưng tội với anh chị em trong Đấng Christ là một hành động khiêm nhường sẽ được Chúa ban phước.

Tôi không thích kể chi tiết sự nóng giận của mình với các chị em trong Hội thánh. Tôi muốn là một tấm gương về tình mẫu tử tin kính, có những lời khuyên khôn ngoan cho người khác. Cho dù có xưng tội, tôi rất dễ nói giảm, nói tránh tính nghiêm trọng của vấn đề. Sẽ dễ chịu hơn nhiều nếu chỉ cần biện bạch là tôi có một ngày vất vả, sau đó nhanh chóng tập trung kể tội con mình. Giống như A-đam và Ê-va, tôi cũng chỉ tay sang con cái.

Mỗi khi bị cám dỗ làm điều đó, chúng ta cần hạ cái tôi của mình xuống. Con đường dẫn đến lòng thương xót là phải chết đi tính kiêu ngạo. Châm Ngôn 28:13 nhắc nhở chúng ta: “Người nào giấu tội lỗi mình sẽ không được may mắn, nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó thì sẽ được thương xót”. Những anh chị em trong Chúa có thể giúp chúng ta từ bỏ các sai phạm của mình; đôi khi phải chấp nhận vị đắng của việc xưng tội trước mặt người khác, để rồi cảm nhận được vị ngọt của lòng thương xót từ Cha Thiên Thượng.

Để những phụ huynh dễ nóng giận, ích kỷ, bảo thủ, cay đắng, lo lắng, kiểm soát… như chúng ta có hy vọng trở nên kiên nhẫn, rộng lượng, nhân từ, chịu đựng, chúng ta cần nhiều hơn là những lời khích lệ suông. Chúng ta cần mở lòng với sự cáo trách và sửa dạy của Đức Thánh Linh để thành thật thừa nhậnthú nhận tội lỗi mình. Chỉ khi đó, chúng ta mới kinh nghiệm được niềm vui của sự tha thứ, là điều đem đến niềm hy vọng và sự bình an lớn hơn nhiều so với việc tự xoa dịu bản thân rằng chúng ta đã làm hết sức.

 

Bài: Amy DiMarcangelo; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

Tác giả: Amy DiMarcangelo sống ở New Jersey, là một người vợ và là mẹ của ba con. Cô đang đồng dẫn dắt mục vụ thương xót của Hội thánh Sovereign Grace Church ở thành phố Marlton, đồng thời làm việc bán thời gian trong công tác giáo dục trẻ tự kỷ.  Bạn có thể tìm đọc các bài viết của cô trên blog cá nhân hoặc theo dõi trên Facebook.

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này