7 bài học quý giá từ Anh-rê

Dưỡng linh
09:07 13/05/2022

Oneway.vn - Khuôn mẫu trong tính cách của Anh-rê chính là tấm lòng sẵn sàng được Chúa Jêsus sử dụng.

Câu chuyện của Anh-rê trong các sách Phúc Âm

Sách Giăng ghi lại ba câu chuyện đặc biệt chỉ nhắc đến một mình Anh-rê. Khi tổng hợp ba câu chuyện này, chúng ta khám phá ra một khuôn mẫu trong tính cách của Anh-rê. 

Anh-rê đưa anh trai đến gặp Chúa Jêsus

Câu chuyện đầu tiên kể về việc Anh-rê tìm đến và nói với anh mình về Chúa Jêsus (Giăng 1:35-42).

Từ các sách Phúc Âm, chúng ta biết rằng Phi-e-rơ vốn là người bộc trực và bốc đồng. Ông muốn mình được chú ý, lúc nào cũng nổi bật, và cũng là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Chúa Jêsus đang tìm cách mài giũa nhiều khía cạnh trong tính cách của Phi-e-rơ.

Có thể thấy rằng Anh-rê hầu như luôn sống sau cái bóng của anh trai mình.

Tuy nhiên, nơi Anh-rê không có nỗi oán giận hay cay đắng thường thấy. Thay vào đó, Anh-rê lập tức đi tìm anh trai và chia sẻ tin mừng. Sau đó ông đưa Phi-e-rơ đến gặp Đấng Mê-si.

Anh-rê dẫn cậu bé có 5 cái bánh và 2 con cá đến với Chúa Jêsus

Trong câu chuyện Chúa Jêsus hóa bánh cho năm ngàn người ăn (Giăng 6:1-14), cái tên Anh-rê cũng được nhắc đến.

Khi đám đông tụ tập để nghe Chúa Jêsus giảng dạy, Ngài hỏi Phi-líp: “Chúng ta phải mua bánh ở đâu để cho những người nầy ăn?” (Giăng 6:5)

Phi-líp trả lời: “Hai trăm đơ-ni-ê bánh cũng không đủ cho mỗi người một ít” (Giăng 6:7). Thực tế, Phi-líp nói đúng. Các môn đồ không có đủ tiền bạc và thức ăn đủ một đám đông lớn như vậy.

Tuy nhiên, Anh-rê bước tới và đề xuất: “Có một cậu bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng đông người như thế nầy thì ngần ấy có thấm vào đâu?” (Giăng 6:9)

Anh-rê không ngốc. Ông biết năm cái bánh và hai con cá không bao giờ đủ để cho đám đông ăn. Nhưng ông vẫn đưa cậu bé với những của lễ nhỏ trao cho Chúa Jêsus.

Anh-rê đưa nhóm người Hy Lạp tò mò đến gặp Chúa Jêsus

Vào dịp khác, một nhóm người Hy Lạp tò mò muốn gặp gỡ Chúa Jêsus (Giăng 12:20-26). Phi-líp không biết nên làm gì, bèn nói với Anh-rê, và Anh-rê ngay lập tức thưa với Chúa Jêsus.

John MacArthur kết luận: “Anh-rê không bối rối khi có người muốn gặp Chúa Jêsus. Ông chỉ đơn giản đưa họ đến với Ngài. Ông hiểu rằng Chúa Jêsus luôn sẵn lòng gặp bất cứ ai tìm đến Ngài”.

Qua đó, khuôn mẫu trong tính cách của Anh-rê chính là tấm lòng sẵn sàng được Chúa Jêsus sử dụng, bất kể nhiệm vụ nhỏ như thế nào, và mong muốn đưa mọi người đến với Chúa Jêsus, không hề do dự. 

7 điều Cơ Đốc nhân ngày nay cần học hỏi từ Anh-rê

Chúng ta có thể học được nhiều điều từ tính cách của các môn đồ Chúa Jêsus, cả điều tốt và điều xấu, đặc biệt là những tính cách mà Đấng Christ đã biến đổi vì sự vinh hiển Ngài. Anh-rê cũng không ngoại lệ.

1. Đấng Christ không kêu gọi những người “đủ điều kiện”

Các môn đồ là những con người hết sức bình thường, làm những công việc cực kỳ dân dã. Tuy nhiên, Chúa Jêsus không kêu gọi các môn đồ vì nghề nghiệp, tầm ảnh hưởng, hoặc trình độ chuyên môn của họ. Nhờ ân điển, Ngài đã gọi những người bình thường, để trang bị cho họ mọi điều kiện để phục vụ Phúc Âm. Điều đó chứng tỏ rằng: “Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những điều dại dột ở thế gian để làm hổ thẹn những người khôn ngoan; Đức Chúa Trời đã chọn những gì yếu đuối ở thế gian để làm hổ thẹn những người mạnh mẽ" (1 Cô-rinh-tô 1:27).

2. Mỗi cá nhân thường được biết đến Đấng Christ qua người khác

Chúng ta thường mong đợi những diễn giả tài năng, các nhà truyền giáo và các mục sư lỗi lạc sẽ dẫn dắt những người khác đến với Đấng Christ từ bục giảng. Nhưng qua tấm gương Anh-rê, chúng ta thấy rằng các cá nhân thường được đưa đến với Chúa Jêsus qua những người họ quen biết. Có thể nói, sự biến đổi cá nhân và sức mạnh của mối quan hệ đôi khi còn hiệu quả hơn bất kỳ bài giảng hay lời kêu gọi hùng hồn nào.

Điều đó không có nghĩa là không cần phải giảng dạy hoặc truyền giảng công khai. Tuy nhiên, đây không phải là ân tứ hay lời kêu gọi dành cho Anh-rê. Kinh Thánh không đề cập đến việc Anh-rê từng giảng dạy trước đám đông lớn, hoặc viết thư, hoặc thành lập bất kỳ Hội Thánh nào như Phi-e-rơ đã làm. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Anh-rê có một vai trò riêng trong vương quốc Đức Chúa Trời, và Ngài đã đổ đầy Đức Thánh Linh cho Anh-rê để đưa nhiều cá nhân đến với Đấng Christ.

3. Không có ân tứ nào là quá nhỏ đến mức Chúa không thể sử dụng

Trong sự kiện Chúa Jêsus hóa bánh cho năm nghìn người ăn, các môn đồ chỉ tập trung vào điều không thể. Họ nhìn thấy năm nghìn miệng ăn và nguồn tài chính hạn chế. Nhưng Anh-rê lại nhìn thấy Chúa Jêsus và một cơ hội cho phép lạ. Trong khi mọi người chỉ nhìn thấy một đám đông lớn, Anh-rê lại phát hiện một cậu bé với món quà nhỏ có thể hóa vĩ đại nhờ năng quyền Chúa Jêsus. Vì vậy, không có món quà nào là quá nhỏ, và Đấng Christ có thể sử dụng mọi điều cho vinh hiển Ngài.

4. Ngay cả các môn đồ cũng cần được tha thứ

Mặc dù các sách Phúc Âm chủ yếu đề cập đến Anh-rê dưới góc nhìn tích cực. Nhưng cũng như anh mình và các môn đồ còn lại, Anh-rê đã bỏ Chúa Jêsus vào đêm Ngài bị nộp và chịu đóng đinh trên thập tự giá. Tuy nhiên, không có tội lỗi hay sự phản bội nào là quá lớn đến nỗi Đấng Christ không thể tha thứ. Điều này cũng đúng với các môn đồ Đấng Christ ngày nay.

5. Tin Lành cần phải được chia sẻ

Mặc dù Anh-rê là người đầu tiên gặp Chúa Jêsus, nhưng tin mừng về Đấng Christ quá tuyệt vời nên Anh-rê không thể giữ cho riêng mình. Ông phải ngay lập tức nói về Chúa Jêsus với những người ông yêu quý, cụ thể là anh trai ông.

Việc đưa người khác đến với Chúa Jêsus là đặc điểm thường thấy của Anh-rê. Như sứ đồ Phao-lô viết: “Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào? Nếu chẳng có ai được sai đi thì làm sao rao giảng? Như có lời chép: “Bàn chân của những người truyền rao Tin Lành thật xinh đẹp biết bao!”(Rô-ma 10:14-15)

Anh-rê dường như đã hiểu điều này ngay trước khi nhận được Đại Mạng Lệnh của Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 28:16-20).

6. Phải trả giá khi đi theo Chúa Jêsus 

Trong chức vụ, Chúa Jêsus đã cảnh báo các môn đồ Ngài rằng: “Nếu ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Ta” (Lu-ca 9:23)

Giống như các môn đồ khác, Anh-rê đã chấp nhận cái giá phải trả của việc theo Chúa, và đã chịu đựng rất nhiều vì Phúc Âm.

Sau khi Chúa Jêsus thăng thiên, Anh-rê tiếp tục với chức vụ lãnh đạo Hội Thánh đầu tiên cùng với anh mình và các sứ đồ khác. Lịch sử cho biết ông đã mang Phúc Âm đến các vùng đất Hy Lạp và Tiểu Á. Eusebius, sử gia thế kỷ thứ 7 cũng ghi chép rằng Anh-rê đã du hành xa về phía bắc tới Scythia, phía bắc Biển Đen.

Người ta tin rằng Anh-rê đã tử vì đạo ở Achaia, bị đóng đinh trên thập tự giá hình chữ X.

7. Sự nổi bật không quan trọng bằng lòng trung thành

Các sứ đồ như Phi-e-rơ và sau này là Phao-lô có một chức vụ nổi bật và công khai. Đây là ơn gọi của họ. Họ sẽ giảng dạy trước đám đông và đưa hàng ngàn người đến với Đấng Christ. Tuy nhiên, nhiều người đã truyền bá Phúc Âm trong thầm lặng, và chắc chắn sẽ nhận được mão triều thiên vì lòng trung thành của họ. Anh-rê là một trong những môn đồ như vậy.

Cái tên Anh-rê có thể không được nhiều người biết đến. Không có nhiều câu chuyện viết về ông. Nhưng khi phục vụ mà không màn đến danh tiếng, khi dẫn dắt các cá nhân (chứ không phải cả đám đông) đến với Đấng Christ, và khi để Chúa sử dụng ân tứ mình theo ý muốn Ngài, Anh-rê đã thể hiện lòng khiêm nhường, tình yêu và niềm tin nơi Đấng Christ. Đó là phẩm chất mà Cơ Đốc nhân ngày nay cần noi theo.


Bài: Joel Ryan; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: crosswalk.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này