Hãy luôn sẵn sàng cho sự trở lại Chúa Jêsus! (Phần1)

Dưỡng linh
01:36 24/02/2023

Oneway.vn - Tháng 10 năm 1993, một ngày mới bắt đầu như mọi ngày. Tôi hai mươi ba tuổi, học ở trường thần học.

Tôi đang hẹn hò với Amanda-Sue Forder, và chúng tôi sắp kết hôn. 

Chính xác là ngày 19 tháng 10, vào tối thứ Hai khi tôi đang làm việc, học tập, nghe bài giảng và sau đó trở về căn nhà chung ở Subiaco như thường lệ, anh tôi gọi điện cho tôi.

“Cam, ông nội mất rồi. Ông qua đời cách đây một giờ”.

Tôi vẫn chưa mất một người thân nào. Ông nội là một người tốt bụng và rộng lượng, là người luôn truyền cảm hứng cho tôi trong cuộc sống. Không có dấu hiệu nào cho thấy ông không khỏe. Nhưng sau bữa tối hôm đó, động mạch chủ của ông bị vỡ: đột ngột, thảm khốc và hoàn toàn bất ngờ.

Thế giới của tôi, và của gia đình tôi, thay đổi hoàn toàn sau một ngày thứ Hai tưởng như bình thường và điều này làm tôi liên tưởng:

Chúa Jêsus sẽ trở lại vào một ngày bình thường.

Trong Ma-thi-ơ 24:37-44, Chúa Jêsus cho biết Ngài sẽ trở lại vào một ngày bình thường tương tự. Bạn có nghĩ về điều đó không? Liệu điều đó thay đổi cách bạn nhìn cuộc sống không? Có ảnh hưởng đến hành vi của bạn không? Bạn có mong chờ ngày ấy không?

Như chúng ta sẽ thấy, điều đó sẽ ảnh hưởng đến mọi thứ. Tất cả mọi thứ.

“Như trong thời Nô-ê thể nào thì lúc Con Người đến cũng thể ấy. Trong những ngày trước nạn lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu; họ không biết gì hết cho đến lúc nước lụt đến và cuốn đi tất cả. Khi Con Người đến cũng sẽ như vậy. Lúc ấy, có hai người nam đang ở ngoài đồng: một người được đem đi, một người bị bỏ lại; có hai người nữ đang xay cối: một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (Ma-thi-ơ 24:37-41).

Điều này là trọng tâm của “bài giảng trên núi Ô-liu” trong Ma-thi-ơ 24-25, khi Chúa Jêsus dạy về sự trở lại hữu hình sắp tới của Ngài. 

Ngài khích lệ chúng ta suy ngẫm về thế giới thời Nô-ê, để thấy một hình bóng quan trọng về những gì sắp xảy ra. Mọi người xem Nô-ê là một kẻ ngớ ngẩn - một trò cười - vì ông đang đóng một chiếc thuyền vĩ đại ở nơi không có biển.

Khi nào không làm việc, Nô-ê sẽ rao giảng (2 Phi-e-rơ 2:5), cảnh báo mọi người về trận lụt sắp đến, thúc giục họ ăn năn và tìm kiếm ân điển của Đức Chúa Trời. Không còn nghi ngờ gì nữa, mọi người đã chế nhạo lời rao giảng của ông y như chế nhạo chiếc thuyền của ông. Tôi nghĩ rằng chính tôi cũng sẽ làm vậy!

Khi biết những điều sẽ xảy ra, chúng ta sẽ lên kế hoạch tương lai dựa vào điều đó. Ví dụ, nếu sắp có em bé, bạn không nên lên kế hoạch cho chuyến đi truyền giáo kéo dài ba tháng tới một nơi xa xôi vào đúng ngày sinh nở. Nếu có kỳ thi vào tháng 6, thì bạn sẽ không đi chơi suốt tháng 5.

Giống như con người ngày nay không tin những lời Chúa Jêsus cảnh báo về sự phán xét sắp tới của Đức Chúa Trời, con người thời đó cũng không tin những lời cảnh báo của Nô-ê.

Nhưng mọi người đều phớt lờ Nô-ê và tiếp tục cuộc sống của họ. Họ đã ăn và uống. Họ đã cưới gả. Họ sắp xếp hôn nhân cho con cái họ. Họ phớt lờ cơn lũ và lên kế hoạch tận hưởng những ngày tháng phía trước. Họ xem những lời rao giảng của Nô-ê là điên loạn, vô nghĩa.

Chúa Jêsus nói rằng điều tương tự cũng sẽ xảy ra liên quan đến sự trở lại của Ngài. “Như trong thời Nô-ê thể nào thì lúc Con Người đến cũng thể ấy.

“Đến” là parousia (παρουσια), một từ ngữ quan trọng nhất trong Tân Ước. Các nhà văn cổ đại thường sử dụng từ này theo nghĩa tôn giáo, để mô tả “sự xuất hiện của một vị thần bí ẩn, Đấng khiến cho con người cảm nhận được sự hiện diện của Ngài bằng sự mặc khải về quyền năng Ngài”. Từ này cũng được sử dụng để mô tả chuyến viếng thăm của một quan chức cấp cao, nhà vua hoặc hoàng đế. Điều này làm cho từ Parousia trở thành một thuật ngữ lý tưởng trong Tân Ước để mô tả sự trở lại của Chúa Jêsus (xem Ma-thi-ơ 24:3, 27, 37, 39; 1 Cô-rinh-tô 1:8; 15:23; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:19, 3:13, 4:15, 5:23; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 8; Gia-cơ 5:7; 2 Phi-e-rơ 1:16, 3:4, 12). 

Chúng ta cũng phải lưu ý rằng, khi Chúa Jêsus đề cập rằng “lúc Con Người đến”, Ngài cũng đặt nền tảng cho sự tái lâm của Ngài trong câu chuyện Đa-ni-ên 7:13-14, về sự quang lâm của Đấng Mê-si-a trên mọi quốc gia muôn đời của Đức Chúa Trời:

 

“Trong những khải tượng ban đêm

Tôi lại nhìn thấy một vị giống như con người

Đến với những đám mây trời.

Vị ấy đến gần

Và được đưa đến trước mặt Đấng Thượng Cổ.

Đấng Thượng cổ ban cho vị ấy quyền thống trị,

Vinh quang và vương quốc.

Mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi ngôn ngữ

Đều phục vụ vị ấy.

Quyền thống trị Ngài là quyền đời đời,

Chẳng hề mai một,

Và vương quốc Ngài

Không bao giờ suy vong.”

Tuy nhiên, Chúa Jêsus liên kết sự tái lâm của Ngài với câu chuyện Nô-ê như thế nào? Giống như thế hệ của Nô-ê đã không chuẩn bị cho trận lụt sắp tới, thế giới cũng sẽ không chuẩn bị cho sự tái lâm của Đấng Christ. Thế hệ của Nô-ê đã không tin vào những lời cảnh báo của ông, và từ chối thay đổi cuộc đời họ, “cho đến ngày Nô-ê vào tàu; họ không biết gì hết cho đến lúc nước lụt đến và cuốn đi tất cả”. Bên ngoài con tàu, tất cả đều bị cuốn đi. Không có ngoại lệ, không có trường hợp đặc biệt.

Thế hệ của Nô-ê biết về Đức Chúa Trời và nhu cầu ăn năn của họ, vì Nô-ê đã rao giảng cho họ.

Trong khi thế hệ của Nô-ê không tin trận lụt sắp tới, họ vẫn biết về Đức Chúa Trời: ý muốn của Đức Chúa Trời cho cuộc đời họ, sự thánh khiết và công bình của Đức Chúa Trời, nhu cầu ăn năn, ân điển của Đức Chúa Trời và khả năng tìm thấy lòng thương xót, sự phán xét chắc chắn sắp đến, và nhu cầu cấp thiết tìm kiếm sự an toàn trong tàu, nơi trú ẩn duy nhất mà Chúa đã cung cấp. Đức Chúa Trời, qua Nô-ê, “người truyền giảng về sự công chính” (2 Phi-e-rơ 2:5) đã nói với mọi người về những điều này. Sự thiếu hiểu biết của họ là cố ý và đáng trách. Họ không muốn biết.

Chúa Jêsus đưa ra bài học bằng cách lặp lại cụm từ mạnh mẽ đó: “lúc Con Người đến cũng thể ấy”. Hãy dừng lại, suy ngẫm về bi kịch cũng như ân điển không thể kể xiết trong Sáng Thế Ký 6-9. Đó chính là hình bóng sự tái lâm của Con Trời.

Những lời Chúa Jêsus nói đã phá hủy mọi ý niệm mơ hồ rằng trận lụt trong Sáng thế ký 6-9 chỉ là thần thoại hoặc “phi lịch sử”, không phải bản tường thuật trung thực về một sự kiện có thật. 

Nhưng nếu không có câu chuyện lịch sử về Nô-ê, người đã đóng con tàu như một nơi trú ẩn vĩ đại và cảnh báo về trận lụt sắp tới; và nếu không có một trận lụt thực sự càn quét tất cả mọi người trên trái đất, chỉ duy nhất gia đình Nô-ê được cứu, thì phép loại suy mà Chúa Jêsus rút ra giữa Nô-ê và sự tái lâm của chính Ngài sẽ không còn ý nghĩa gì nữa. 

Phép loại suy này hoàn toàn chắc chắn và chân thật, bởi vì mọi người trong thời đại Sáng Thế Ký 6-9 đã không hoạch định cuộc sống hàng ngày của họ với tinh thần chuẩn bị đón nhận trận nước lụt sắp xảy đến, nên sau đó đã bị dòng nước cuốn trôi vào chỗ chết. Và điều tương tự sẽ xảy ra khi Chúa Jêsus trở lại.

(Còn nữa…)

 

Bài: Campbell Markham; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: beautifulchristianlife)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này