Hãy yêu người lân cận như chính mình

Dưỡng linh
03:23 20/02/2020

Oneway.vn - Chúa Jesus khi còn tại thế, chủ đề trọng tâm trong mọi lời giảng của Ngài là tình yêu thương. 

Ngày nọ, một giáo sư Do-thái đến chất vấn Chúa Jesus rằng: “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết? Đức Chúa Jesus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:36-40).

Trong bữa ăn tối cuối cùng, trước khi bị người ta bắt, hạch tội, đánh đập, xử án và rồi đóng đinh Ngài trên thập tự giá, Chúa Jesus ân cần dặn dò các môn đệ rằng: ”Hỡi các con trẻ ta, ta còn tạm ở với các ngươi; các ngươi sẽ tìm ta, và như ta đã nói với người Giu-đa rằng: Các ngươi không thể đến nơi ta đi, thì bây giờ ta cũng nói với các ngươi như vậy. Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.”(Giăng 13:33-35).

Tình yêu thương vô cùng quan trọng, vì đó là:

Dấu hiệu chúng ta được Chúa cứu, được sanh lại bởi Đức Chúa Trời (I Giăng 4:7).

Dấu hiệu Đức Chúa Trời ngự trong lòng chúng ta, chúng ta trở thành môn đồ của Ngài (I Giăng 4:12).

Dấu hiệu chúng ta yêu Chúa (I Giăng 4:20-21).

Trong quyển “The Rise of Christianity”, nhà xã hội học Rodney Stark trình bày lý do khiến phong trào Cơ Đốc giáo trong giai đoạn đầu phát triển một cách nhanh chóng. Từ độ vài ngàn Cơ Đốc nhân, lên đến khoảng 30 triệu người, tức là khoảng một nửa dân số của đế quốc La-mã, chỉ trong vòng 300 năm.

Và ông cho biết trong những thế kỷ đầu tiên sau khi Cơ Đốc giáo được hình thành, có hai trận dịch rất lớn, cướp đi mạng sống của khoảng 1/3 dân số thuộc đế quốc La-mã.

Trong tình trạng kinh hoàng này, những nhà lãnh đạo chính trị và các tôn giáo khác đã bỏ chạy khỏi các thành phố đang bị cơn dịch hoành hành. Hệ thống cứu tế xã hội duy nhất còn sót lại trong các thành phố là do những Cơ Đốc nhân đảm trách, đã cung cấp các dịch vụ chăm sóc bệnh nhân, cho tín đồ và cả những người không phải là tín đồ. Mọi người, kể cả những người không mấy thiện cảm với Cơ Đốc giáo. 

Cơ-Đốc nhân đã bày tỏ tình thương với mọi người chung quanh, đối xử với họ như là người thân trong gia đình vậy. Điều này làm thay đổi toàn bộ quan niệm của chính quyền La-mã đối với Cơ Đốc giáo, không phải do sức ép hay ảnh hưởng chính trị, nhưng bằng chính đời sống yêu thương của các tín đồ theo Chúa Jesus.

Thần Học Gia Millard J. Erickson nói, “Nhận thức về Đức Chúa Trời ảnh hưởng trực tiếp đến lối sống và cách thức phục vụ của mỗi chúng ta.”

Thật vậy, nhận biết tường tận về Chúa Yêu thương là khởi điểm để dấn thân vào hành trình phục vụ của chúng ta, sống và tận hiến cho Chúa, như Sứ đồ Phao lô đã nói: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jesus Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.” (Phi líp 3:8).

Chúa Jesus cũng khẳng định với các môn đồ rằng, dấu hiệu để mọi người nhận ra họ là những người theo Ngài không phải vì được trang bị lời Chúa nhiều, hay có nhiều ân tứ mà bởi đời sống và cách cư xử của họ trong tình yêu thương. (Giăng 13:35).

Vì vậy, người yêu kính Chúa sẽ sống yêu thương người khác bằng hành động cụ thể, để Chúa đẹp lòng và Danh Chúa được tôn cao.  

Qua đời sống người Cơ Đốc, những người xung quanh sẽ có cơ hội hiểu về Tin Lành, về Đạo Yêu Thương và trở lại tin nhận Chúa. Hãy để tình yêu Chúa hành động để chúng ta đủ sức sống yêu thương mọi người theo cách Ngài đã yêu chúng ta.

 

Anine Lee

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này