Kinh Thánh: ‘Cách ly xã hội' vì lợi ích

Dưỡng linh
10:38 04/02/2021

Oneway.vn - COVID-19 hay còn gọi "coronavirus mới", nhưng thực sự việc giãn cách xã hội không có gì mới lạ

Xã hội ngày xưa đã sử dụng các biện pháp cách ly để đảm bảo an toàn công cộng. 

Nhưng những gì về lời tiên tri trong Kinh thánh thì sao? Đây có phải là những ngày tận thế? Chúng ta đang trong thời kỳ đại nạn? Có phải Khải Huyền chương 13 đang mở ra trước mắt chúng ta - một thế giới hoảng loạn, bị trao quyền cho một kẻ thống trị thế giới?

Có lẽ là không. Chúng ta tìm thấy đúng chương nhưng dường như sai sách! Thay vì đây là thời điểm của Khải Huyền 13, hãy coi đó là thời điểm của Lê-vi Ký 13, đòi hỏi sự tuân thủ của Rô-ma 13 và được thúc đẩy bởi động lực 1 Cô-rinh-tô 13.

Luật cách ly trong Kinh Thánh

Y-sơ-ra-ên có một lịch sử lâu dài về chính sách tự cô lập, bắt đầu từ thời Xuất-ai-cập. Theo một nghĩa nào đó, Môi-se là quan chức y tế cộng đồng đầu tiên, hướng dẫn người dân các quy trình của Đức Chúa Trời vì hạnh phúc cộng đồng. Mặc dù dân sự của Đức Chúa Trời được tạo dựng để sống gần nhau, nhưng đôi khi vì mục đích sức khỏe hoặc an toàn, cần phải có sự xa cách.

Hàng năm người Do Thái trên khắp thế giới tổ chức Lễ Vượt Qua, là ngày mà dân sự biệt riêng tại nhà theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời. Chúa đã cách ly người Hê-bơ-rơ trong nhà của họ khi cái chết ập đến (Xuất 12:23). Sự tuân phục quốc gia giúp họ chuẩn bị để sẵn sàng rời Ai Cập, đi đến quê hương mới của mình.

Trên đường đi, Đức Chúa Trời đã ban cho Y-sơ-ra-ên những luật lệ để quản lý, hỗ trợ nhau, có cả những yêu cầu cá nhân để đảm bảo an toàn cộng đồng - tất cả đều vì một mục đích là yêu thương người lân cận như chính mình (Lê-vi Ký 19:18). 

Lê-vi Ký 13:1-8 đưa ra luật liên quan đến bệnh phung (một nhóm lớn các bệnh ngoài da truyền nhiễm với mức độ nghiêm trọng khác nhau). Phải cách ly 14 ngày, chia làm 2 đợt, sau 7 ngày sẽ kiểm tra một lần để xác định xem bệnh có phải là mối đe dọa cho cộng đồng hay không. Nếu ai đó có kết quả xét nghiệm dương tính, người đó phải công khai mình không trong sạch. Nghe có vẻ quen thuộc một cách kỳ lạ, phải không?

Y-sơ-ra-ên ngày xưa, các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng có trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đánh giá mức độ đe dọa của bệnh tật đối với cộng đồng (một chính sách khá tiến bộ vào năm 1500 TCN). Ngay cả Vua Ô-xia cũng phải sống những ngày cô lập sau khi được xác nhận mắc bệnh phung (2 Sử ký 26:21).

Đức Chúa Trời bắt buộc những luật này trước khi khoa học y tế có thể giải thích lý do đằng sau chúng - cách ly và khi nào thì cách ly, cách xác nhận các trường hợp dương tính cũng như cách thức, thời điểm công bố ai đó trong sạch và tái hòa nhập xã hội.

Ngay cả trong Tân Ước, những người phung cũng phải thực hiện “cách ly xã hội”. Một nhóm mười người “đứng từ xa” (Lu-ca 17:12) khi Chúa Jêsus đến gần làng của họ và làm sạch họ. Không thể trao nhau những cái hôn thánh (Rô-ma 16:16), cái ôm hoặc vỗ vai (ngoại trừ Ma-thi-ơ 8). Tuy nhiên, cách tiếp cận của Chúa Jêsus đã làm cho căn bệnh truyền nhiễm giảm bớt theo cách nào đó. Ngài cảm thương những người đang đau khổ và nhấn mạnh rằng họ phải trải qua hệ thống kiểm tra sức khỏe tư tế đã được thiết lập như được nêu trong Lê-vi Ký 13.

Đây là điều mà 1 Cô-rinh-tô 13 đã nói đến "Tình yêu thương hay nhịn nhục, tình yêu thương hay nhân từ; tình yêu thương không ghen tị, không khoe mình, không kiêu ngạo, không cư xử trái lẽ, không kiếm tư lợi, không nhạy giận, không nuôi dưỡng điều dữ”. (1 Cô 13:4–5). Tình yêu thương được thể hiện ở sự kiên nhẫn, nhân từ, nhịn nhục, khiêm tốn, lịch sự, vị tha, cảm thông và kiên trì. Nó có nghĩa là từ bỏ một số quyền tự do tạm thời để đảm bảo những người khác có thể an toàn, phát triển. Thay vì đây là thời điểm của Khải Huyền 13, hãy coi đó là thời điểm của Lê-vi Ký 13, đòi hỏi sự tuân thủ của Rô-ma 13 và được thúc đẩy bởi động lực 1 Cô-rinh-tô 13.

Hơn nữa, chúng ta có một chương thứ 13 khác để hướng dẫn. Trong Rô-ma 13 cho biết, “các nhà cầm quyền hiện có đều do Đức Chúa Trời chỉ định” (câu 1b). Một trong những trách nhiệm chính của chính phủ là bảo vệ người dân. Mặc dù các chính phủ đôi khi vượt quá giới hạn của họ, nhưng chúng ta với tư cách công dân là: "phải phục tùng nhà cầm quyền” (câu 1a). Một Cơ Đốc nhân tốt phải là một công dân tốt, ngoại trừ một công dân tốt có thể là một Cơ Đốc nhân xấu. Đức Chúa Trời được tôn cao khi những người đại diện trên đất của Ngài được xem như những người gìn giữ hòa bình (Mat 5:9).

Với Coronavirus, một phương trình đơn giản được áp dụng: Tỷ lệ nhiễm virus càng cao, số người chết càng ít. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể phản đối các biện pháp hà khắc của chính phủ, cũng không có nghĩa là chúng ta sẽ không tuân theo những luật lệ bất chính do những nhà lãnh đạo bất chính áp đặt. Nhưng “Nếu có thể được, hãy hết sức sống hòa thuận với mọi người”. (Rô-ma 12:18)

Cách ly cũng có lợi

Riêng tư và có nhiều thời gian không phải là một điều xấu. Tại sao chúng ta không coi đó là phước lành? Truyền thống giáo hội từ lâu đã khuyến khích việc thực hành các kỷ luật thuộc linh - cầu nguyện, học tập và phục vụ - hay các kỷ luật về kiêng cữ như sự kiêng ăn, cuộc sống thánh khiết, thời gian riêng tư với Chúa. Nhiều người đã quen với sự bon chen cuộc sống hàng ngày, thậm chí có thể nghiện, nên sự đơn độc sẽ là một thử thách, nặng nề. Nhưng nó đang rất cần. 

Dallas Willard đã nói điều trong cuốn sách The Spirit of the Disciplines: “Trong tất cả các kỷ luật kiêng cữ, cô độc nói chung là điều cơ bản nhất trong giai đoạn đầu của đời sống tinh thần, và nó phải được quay lại nhiều lần khi đời sống đó phát triển”.

Cô đơn là nền tảng của “thời kỳ yên lặng”, những khoảng thời gian chúng ta ở một mình với Đức Chúa Trời để nghe tiếng phán và kết nối tâm linh với Ngài trọn vẹn. Có thể bạn đã khao khát khoảng thời gian như vậy, nhưng lịch trình bận rộn đã cản trở. Vâng, bây giờ là cơ hội. 

Tuy nhiên, ở một mình với Chúa có thể buộc bạn phải tự đánh giá bản thân một cách khắc nghiệt. Louis Bouyer viết trong cuốn The Spirituality of the New Testament and the Fathers: “Cô đơn là một thử thách khủng khiếp, vì nó giúp mở ra và phá vỡ lớp vỏ bề ngoài của chúng ta. Nó mở ra cho chúng ta vực thẳm sâu xa mà tất cả chúng ta đều mang trong mình”.

Có nhiều lợi ích khi được cách ly hoặc trú ẩn tại chỗ:

Phục hồi thể chất: Khi ngừng hoạt động, chúng ta được đổi mới (Mác 6). Đôi khi ‘Đức Chúa Trời khiến chúng ta yên nghỉ' (Thi 23:2).

Gây dựng tinh thần: Khi ở trong cô độc, chúng ta có thể vui thích sự hiện diện của Đức Chúa Trời nhiều hơn, vâng lời Ngài càng hơn (Thi 46:10; Mác 1:35).

Tự đánh giá bản thân: Khi yên lặng trước mặt Chúa, chúng ta để Ngài soi xét mình mà không bị người khác phân tâm hoặc cạnh tranh (Hê 4:13; Thi 139:1-3, 23-24; Lu-ca 6:12-13).

Sự an ủi bên trong: Bạn có thể đang đau buồn khi mất một người bạn hoặc người thân do virus coronavirus. Có lẽ bạn là một trong hàng triệu người thất nghiệp. Khi ở một mình, bạn có thể đối mặt với đau buồn ở mức độ sâu sắc nhất (Ma-thi-ơ 14:12-13, Lu-ca 22:39-43).

Cuộc sống cách ly có những thách thức của nó. Nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng trong mọi nghịch cảnh đều có một cơ hội, một hạt giống bị chôn vùi chờ đợi nước sống và ánh sáng để lớn lên và kết quả. Hãy sẵn sàng đón nhận Chúa và xem việc Ngài sẽ hành động trong thời điểm kỳ lạ nhưng đầy tiềm năng này.

Bài: Skip Heitzig; Dịch: Sara Doan

(Nguồn: Christianitytoday.com)






bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này