Làm thế nào để tôi yêu Chúa?

Dưỡng linh
12:35 09/03/2020

Oneway.vn - Khi tôi chia sẻ điều này, một nhà lãnh đạo đã chân thành hỏi tôi: “Làm thế nào để yêu Chúa?”

Trong chuyến công tác gần đây ở Ấn Độ, tôi đã chia sẻ với một nhóm các nhà lãnh đạo trong Giăng 14:15, lời Chúa Jesus phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta”. Tôi đã nói về cách để giữ các điều răn của Chúa và vượt qua những cám dỗ.

Trong nhiều năm, tôi cố gắng hết sức để giữ các điều răn của Chúa như bằng chứng  tình yêu tôi dành cho Ngài. Đó là cách tôi diễn giải câu Kinh Thánh đó. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng thật khó để duy trì hành trình này.

Có những lúc tôi cảm thấy chiến thắng trước cám dỗ, nhưng cũng có lúc tôi thấy bị đánh bại hoàn toàn, như tôi đã làm Chúa thất vọng. Thật buồn bực và chán nản với tình trạng “tín đồ yô-yô” - vừa tiến triển lại tiếp tục vấp ngã. Tôi cố gắng để giữ các điều răn của Chúa bằng sức riêng.

Rồi một ngày, Đức Thánh Linh chỉ cho tôi biết ý nghĩa thật sự của Giăng 14:15: đừng tập trung vào việc giữ điều răn, hãy tập trung vào yêu kính Chúa. Sự bày tỏ này đã thay đổi toàn bộ quan điểm của tôi! Khi bạn yêu ai đó, bạn làm tất cả những gì có thể để bảo vệ mối quan hệ và không làm họ tổn thương.

Khi bạn yêu Chúa nhiều hơn mỗi ngày, việc vâng lời và tuân giữ các điều răn của Ngài trở thành bản chất thứ hai của bạn. Bạn sẽ xem Lời Chúa là “điều muốn làm” chứ không phải “điều phải làm”. Và tình yêu bạn dành cho Chúa trở nên mạnh mẽ trước xu hướng chịu thua cám dỗ.

Tôi thích cách dịch khác của bản “Passion Translation”: “Lòng yêu kính Chúa thêm sức để bạn vâng mạng lệnh Ngài”.

Khi bạn yêu ai đó, bạn làm tất cả những gì có thể để bảo vệ mối quan hệ và không làm người đó tổn thương .

Khi tôi chia sẻ điều này, một nhà lãnh đạo đã chân thành hỏi tôi: “Làm thế nào để yêu Chúa?”. Tôi giật mình vì câu hỏi của anh ta có vẻ rất cơ bản đến nỗi chúng ta thường cho rằng mọi Cơ Đốc nhân đều biết cách yêu Chúa. 

Tuy nhiên, khi suy ngẫm sâu xa hơn, đó là một câu hỏi quan trọng mà chúng ta không thường tự hỏi mình vì chúng ta cho rằng mình yêu Chúa, nhưng những quyết định và hành động của chúng ta lại chứng minh điều ngược lại.

Điều này đặc biệt rõ ràng khi chúng ta trả lời những vấn đề trong các mối quan hệ dưới quan điểm tôn giáo. Chúng ta thường đưa ra những câu trả lời “giáo khoa” bởi vì chúng ta chưa có kinh nghiệm hoặc chưa tấn tới trong hành trình theo Chúa. Thay vì sống đời sống thờ phượng, chúng ta chỉ hành động mà quên đặt Chúa là trên hết. 

Chúng ta cần biết rằng Chúa không yêu chúng ta nhiều hơn hay ít hơn dựa trên biểu hiện của chúng ta, hay dựa trên những gì chúng ta làm hay không làm. Chúng ta đều biết điều này, nhưng rất ít người thật sự thấu hiểu. Chúng ta vẫn thấy mọi người đấu tranh và cố gắng tìm kiếm sự chấp nhận và đồng thuận từ con người hơn là sống vì lời khen Thiên Thượng.

Sống trong một thế giới thực dụng, vội vàng và đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng không một điều nào làm Chúa yêu bạn nhiều hơn! Vì chính Ngài đã yêu bạn từ trước (1 Giăng 4:9-10)! 

Liệu bây giờ bạn có dành thời gian bất kể ở đâu để lẽ thật này dầm thấm vào lòng bạn?

Người Pha-ri-si nghĩ rằng họ biết cách yêu Chúa bằng cách tuân giữ luật pháp của Ngài, nhưng cuối cùng họ chỉ là người sùng đạo và muốn thống trị. Điều trớ trêu là, khi Chúa Jesus xuất hiện ở giữa họ, họ lại không nhận ra Ngài vì họ quá bận tâm đến việc giữ luật pháp đến nỗi không hiểu được trọng tâm của luật pháp. Điều cần biết nhất, là thiết lập mối quan hệ với Đức Chúa Trời.

Cuối cùng họ tôn thờ luật pháp thay vì Đấng ban luật pháp.

Làm thế nào để yêu Chúa? Tôi tin rằng chìa khóa được tìm thấy trong 1 Giăng 4:19: “Chúng ta yêu, vì Chúa đã yêu chúng ta trước”. Khả năng yêu thương của chúng ta đến từ Thượng Đế. Hãy để tôi diễn giải nó theo cách này: mức độ để Chúa yêu chúng ta là thước đo khả năng chúng ta yêu Chúa và người khác.

Tình yêu đến từ Đức Chúa Trời, vì Chúa là tình yêu (1 Giăng 4:8). Chúng ta cần phục vụ Chúa và những người khác bằng tình yêu đầy dẫy, nếu không mọi nỗ lực cũng tan thành mây khói. Chúng ta phục vụ vì nhận biết Chúa, không phải vì danh lợi bản thân. Chúng ta sẽ bị hụt hẫng khi cố gắng yêu người khác dựa trên sức mạnh và khả năng chính mình.

Tôi muốn chia sẻ một câu nói của nhà truyền giáo quá cố đáng kính Reinhard Bonnke. Tôi tưởng tượng ông ấy nói bằng giọng Đức mạnh mẽ: “Điều huyền diệu nhất trong những điều huyền diệu đó là nhận biết được tình yêu vĩ đại nhất trong tất cả tình yêu. Đó là biết và luôni nhận thức được tình yêu thương trường tồn của Chúa. Một khi bạn biết điều đó, bạn sẽ có câu trả lời cho ý nghĩa của cuộc sống.”

Như Reverend Bonke đã nói: Phúc âm mà không có tình yêu thương là điều trái nghịch - như biển không có nước, mặt trời không có ánh sáng, mật ong không có vị ngọt, và bánh mì không dinh dưỡng. Phúc âm không là gì khác ngoài tình  yêu thương. Đó không phải là Hội thánh chưa được đào tạo truyền giáo, cũng không phải thiếu hướng dẫn hay thông tin.

Sự thật là - nếu bạn không yêu người khác như cách của Chúa thì thế giới sẽ không bao giờ thay đổi. Chúa Jesus đã hy sinh tại Thập giá cho chúng ta, để Ngài có thể trao chính mình cho chúng ta.

Ở năm 2020 này, hãy để Cha Thiên Thượng yêu thương đưa bạn đến một cấp độ khác của tình yêu vô lượng của Ngài. Cách duy nhất để yêu người khác vô điều kiện là khi chúng ta biết chúng ta cũng được Chúa yêu như vậy. Đó là lý do tại sao chúng ta được sinh ra: để yêu và được yêu. Nếu Đức Chúa Trời là tình yêu, và chúng ta là con cái của Ngài, thì chúng ta nên là hiện thân của  tình yêu Ngài bất cứ đâu.

Chúng ta có thể là người mang tình yêu của Chúa cho những người xung quanh và mang lại hy vọng cho những người chúng ta gặp. Khi đó, chúng ta có thể ghi dấu cho những điều chúng ta làm bằng câu: “Đến từ tình yêu thương của Chúa”. 

Bài: Kevin Koh, dịch: Janebie

(Nguồn: thir.st)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này