Mỗi Cơ Đốc nhân hãy là một nhà thần học

Dưỡng linh
02:03 29/06/2020

Oneway.vn - Mỗi Cơ Đốc nhân phải là một nhà thần học. Tôi thường xuyên nói điều này với Hội thánh bằng nhiều cách khác nhau.

Và sự ngạc nhiên của một số tín hữu là bằng chứng cho thấy tôi vẫn chưa truyền đạt đầy đủ cho họ, rằng việc nghiên cứu thần học có mục đích là điều vô cùng quan trọng với tín đồ.

Phản ứng ngạc nhiên của họ đến từ sự hiểu lầm về ý nghĩa của “thần học” trong bối cảnh này. Khi tôi nói “mỗi Cơ Đốc nhân phải là một nhà thần học”, ý tôi không phải là “mỗi Cơ Đốc nhân phải là một học giả” hoặc “chuyên gia” hoặc “phải nghiên cứu chăm chỉ để có thể gây ấn tượng với người khác rằng mình là người biết mọi thứ”. Tất cả chúng ta đều hiểu ý nghĩa của lời cảnh báo trong Kinh Thánh rằng “sự hay biết sanh kiêu căng” (1 Cô-rinh-tô 8:1). Không ai thích một người tỏ ra “tôi-biết-tuốt” cả.

Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta được phép lơ là việc nghiên cứu thần học. Kinh Thánh không dạy tín đồ rằng cứ giao nhiệm vụ nghiên cứu giáo lý cho các mục sư và giáo sư. Do đó, tôi luôn nhắc nhở Hội thánh rằng: nếu bạn là Cơ Đốc nhân, bạn phải biết Chúa. Cơ Đốc nhân là môn đồ Chúa Jêsus; là học trò của Ngài. Càng theo Ngài lâu, chúng ta càng phải tìm hiểu về Ngài nhiều hơn, và nhờ vậy, chúng ta càng hiểu biết sâu sắc hơn về Ngài.

Có ít nhất ba lý do tại sao mọi Cơ Đốc nhân phải là một nhà thần học.

1. Chúa ra lệnh cho chúng ta nghiên cứu thần học về Ngài.

Yêu Chúa bằng cả tâm trí là điều bắt buộc trong điều răn lớn: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi” (Ma-thi-ơ 22:37). Yêu mến Chúa với cả tâm trí đương nhiên bao hàm nhiều thứ hơn chỉ là nghiên cứu thần học, nhưng chắc chắn không thể thiếu đi yếu tố này.

2. Nghiên cứu thần học về Chúa rất quan trọng đối với sự cứu rỗi.

Tất nhiên tôi không có ý nói rằng trí tuệ uyên thâm nghĩa là xứng đáng được cứu rỗi. Chúng ta được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin (Ê-phê-sô 2:8) chớ không bởi việc làm theo luật pháp (Rô-ma 3:28) hay bất kỳ trí tuệ nào mà chúng ta theo đuổi. Đồng thời, đức tin chúng ta nhận được qua công việc trọn vẹn của Đấng Christ và sự công bình Ngài là một đức tin đúng đắn. Niềm tin có thể không giống như lý trí, nhưng không có nghĩa đức tin nơi Chúa là điều phi lý.

Đức tin cứu rỗi là món quà từ Chúa (Ê-phê-sô 2:8; Rô-ma 12:3), nhưng không đơn thuần chỉ là một “khoảng không tâm linh” vô định hình, không có thông tin. Việc thực hành đức tin được xác định dựa trên những thông tin trong lịch sử, Tin Lành về công việc Chúa Jêsus, và việc củng cố đức tin cũng được xây dựng dựa trên thông tin.

Sự phát triển liên tục trong ân điển Chúa, kiên trì bước theo Ngài như các thánh đồ xưa đều có mối liên hệ mật thiết với việc theo đuổi kiến ​​thức về bản tánh Chúa và việc Ngài làm, được mặc khải qua Lời Ngài. Trái ngược với lập luận của những người theo chủ nghĩa hoài nghi, đức tin Cơ Đốc được thiết lập dựa trên lẽ thật. Hê-bơ-rơ 11:1 nhắc nhở rằng đối với Cơ Đốc nhân, đức tin không phải là đâm đầu vào bóng tối. Nhưng đức tin liên kết chặt chẽ với sự biết chắc vững vàng và bằng cớ rõ ràng. Càng học biết về những sự kiện thần học trong Kinh Thánh, chúng ta càng có thêm nhiều sự bảo đảm và xác tín, từ đó đức tin sẽ càng mạnh mẽ.

Phao-lô nói với vị mục sư trẻ tuổi - Ti-mô-thê trẻ rằng: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy dỗ của con; phải bền đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu” (1 Ti-mô-thê 4:16). Ông đang nhắc nhở Ti-mô-thê rằng, sự nên thánh trong quá trình môn đồ hóa phải bao gồm cả việc nghiên cứu Lời Chúa không ngừng nghỉ.

3. Nghiên cứu về Chúa xác thực và “tiếp lửa” cho sự thờ phượng.

Cơ Đốc nhân thật không phải là những người tin vào một Đức Chúa Trời mơ hồ hoặc những lời nói vô căn cứ. Cơ Đốc nhân chân chính là những người tin vào Đức Chúa Trời Ba Ngôi trong Kinh Thánh; và bởi Đức Thánh Linh, chúng ta đặt đức tin nơi Đấng Cứu Thế là Chúa Jêsus, theo như những lời tuyên bố cụ thể và chính xác của Phúc âm lịch sử.

Hiểu biết về Chúa là cách để chúng ta xác thực Cơ Đốc giáo. Khi vô tình nhầm lẫn hoặc không nhất quán về các sự kiện quan trọng trong Kinh Thánh, lời tuyên bố “tôi biết Chúa” của chúng ta sẽ không còn xác thực nữa. Đây là lý do chúng ta phải nghiên cứu thần học, không chỉ trong lời giảng của mục sư mà còn trong thánh nhạc, trong lời cầu nguyện, cả giữa hội chúng lẫn cá nhân.

Nghiên cứu thần học không chỉ xác thực sự thờ phượng đúng đắn bằng lẽ thật và tâm thần, mà còn “tiếp lửa” thúc đẩy sự thờ phượng này. Lời Chúa Jêsus nói với người phụ nữ Sa-ma-ri tại giếng nước:

Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy. Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy”. (Giăng 4: 23-24)

Chúng ta được biến đổi sâu sắc về cả tấm lòng và hành vi khi nghiên cứu những điều thuộc về Chúa bằng cả tâm trí mình. Kinh Thánh chép: “Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2). Sự biến đổi bắt đầu bằng việc làm mới tâm trí mình. Như mục sư John Piper đã nói: “Tâm trí thông hiểu thần học sẽ giúp chúng ta chụm thêm củi vào lò lửa tình yêu dành cho Đấng Christ”.

Nghiên cứu thần học về Chúa một cách có mục đích là biểu hiện của tình yêu dành cho Ngài và ngày càng làm sâu sắc thêm tình yêu ấy. Càng đọc, nghiên cứu, suy ngẫm và cầu nguyện áp dụng Lời Chúa, chúng ta sẽ càng phát triển trong sự kính sợ Chúa. Giống như một con tàu lớn đang tiến về phía đường chân trời, chúng ta càng đến gần, hình ảnh Chúa càng trở nên rõ ràng hơn.

 

Bài: Jared C.wilson; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này