“Nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn” nghĩa là gì?

Dưỡng linh
10:17 27/06/2020

Oneway.vn - Một trong những điều ấn tượng nhất người ta biết về Chúa Jêsus đó là: Ngài là một người kể chuyện kiệt xuất. 

Các câu chuyện ngụ ngôn của Chúa Jêsus có khả năng khơi dậy trí tưởng tượng của con người và thách thức những giả định của họ. Chúa Jêsus không giảng dạy bằng chuyện ngụ ngôn để xác nhận cách hiểu của chúng ta về Đức Chúa Trời, về bản thân và người khác, nhưng để khiến chúng ta phải xem lại những niềm tin mà mình vẫn hằng bám giữ về những vấn đề quan trọng của cõi đời đời. Vì lý do đó, các ngụ ngôn của Chúa thường đảo lộn suy nghĩ hơn là tái đảm bảo.

Ngụ ngôn về tiệc cưới của Chúa Jêsus cũng không ngoại lệ.

Ngụ ngôn về tiệc cưới

Giống như các ngụ ngôn khác, ngụ ngôn này nói về vương quốc thiên đàng (Mat 22:2). Chuyện kể về một vị vua tổ chức một buổi tiệc cưới cho con trai mình (Mat 22:2). Trong Kinh Thánh, tiệc cưới thường mang một ý nghĩa quan trọng. Tiệc cưới sau cùng sẽ là ngày mà Đức Chúa Trời nhóm họp tất cả những người được chuộc của Ngài lại, họ sẽ vui hưởng sự hiện diện của Ngài trong sự thánh khiết và vui mừng trọn vẹn.

Theo lệnh của nhà vua, lời mời tham dự tiệc cưới được rao ra. Vua sai các đầy tớ “đi nhắc những người được mời đến dự tiệc cưới, nhưng họ không đến” (Mat 22:3). Những người được mời đưa ra đủ thứ lý do và thậm chí đối xử tệ với các đầy tớ, vậy nên nhà vua trừng phạt họ (Mat 22:5–7). Sau đó, vua bảo các đầy tớ: “Hãy đi ra các đường chính, hễ gặp bất cứ ai, hãy mời đến dự tiệc cưới” (Mat 22:9).

Ở đây, Chúa Jêsus đang mô tả về lời mời gọi của Phúc Âm, trước hết với người Do Thái, sau với người ngoại. Quốc gia Do Thái đã cự tuyệt lời mời gọi của Đức Chúa Trời thông qua các tiên tri của Ngài. Vì lý do đó, Chúa Jêsus công bố sự đoán phạt mà Đức Chúa Trời sẽ giáng trên họ – sự hủy diệt Giê-ru-sa-lem bởi quân đội La Mã vào năm 70 SC. Nhưng bởi ơn thần hựu của Đức Chúa Trời, sự khước từ của người Do Thái lại là dịp để Phúc Âm được đem đến cho các dân ngoại. Kết quả là “phòng tiệc đầy khách mời” (Mat 22:10).

Nhưng rồi, một điều không mong đợi đã xảy ra.

Nhà vua đến xem buổi tiệc và nhìn thấy “một người không mặc trang phục tiệc cưới” (Mat 22:11). Người đó không đưa ra được lý do nào cho việc mình không mặc đúng trang phục. Như một hành động tượng trưng cho sự đoán xét lúc chung cuộc, nhà vua ra lệnh: “Hãy trói tay chân nó lại và ném ra chỗ bóng tối bên ngoài, nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Mat 22:13). Chúa Jêsus kết thúc câu chuyện của Ngài bằng một câu cách ngôn tóm tắt ý nghĩa của câu chuyện: “Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn” (Mat 22:14).

Những người được gọi

Nếu hiểu được câu kết đầy súc tích này thì mới có thể hiểu được ý nghĩa của toàn bộ ngụ ngôn. Chúa Jêsus có ý gì khi Ngài phán “nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn”? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu ý của Ngài khi dùng từ “gọi” và “chọn”. Từ “gọi” xuất hiện xuyên suốt câu chuyện.  Trong nguyên ngữ Hy Lạp, các đầy tớ được lệnh phải “đi nhắc những người được mời đến dự tiệc cưới” (Mat 22:3). Những khách mời người Do Thái là những người “được gọi” (xem thêm Mat 22:4, 8). Các đầy tớ sau đó được sai đi “gọi” các dân ngoại (22:9). Từ được dịch ra là “gọi” trong câu 14 cũng là từ được dùng trong các câu 3, 4, 8, 9.

Điều này giúp chúng ta hiểu bản chất của chữ “gọi” trong câu chuyện. Đó là những lời triệu tập hay lời mời gọi của Đức Chúa Trời thông qua các đầy tớ của Ngài – các tiên tri trong thời Cựu Ước và những người chăn bầy trong thời Tân Ước. Lời kêu gọi này mời người nghe ăn năn và tin theo Tin tức tốt lành mà những người đầy tớ rao báo. Người nghe có thể từ chối, giống như nhiều người Do Thái đã làm. Chúa Jêsus dạy rằng những ai từ chối lời mời gọi đã mắc tội vì sự khước từ của họ.

Nhưng cũng có trường hợp đáp ứng với lời kêu gọi nhưng không được cứu. Người không mặc trang phục đến dự lễ cưới trong 22:12 có lẽ đã đáp ứng lời mời gọi, nhưng việc không mặc trang phục đúng đắn chứng tỏ anh ta không thuộc về bữa tiệc, và đã bị trục xuất. Thế thì, “trang phục tiệc cưới” là gì? Đó có thể là món quà cứu rỗi miễn phí của Phúc Âm. Chỉ những ai nhận lấy món quà này mới được ngồi trong tiệc cưới của Chiên Con vào thời điểm hoàn tất mọi sự. 

Những người được chọn

Vậy, ai là những người chân thành đáp ứng lời mời gọi và tiếp nhận Đấng Christ bằng đức tin? Chúa Jêsus gọi họ là những “người được chọn”. Đó là những người mà Đức Chúa Cha đã lựa chọn trong Đấng Christ từ trước khi thế giới được tạo dựng để trở nên thánh khiết và không chỗ chê trách trong mắt Ngài (Êph 1:4). Chỉ những người này mới hình thành nên nhóm người được cứu chuộc khi Đấng Christ trở lại trong vinh quang. Sự lựa chọn vĩnh cửu của Đức Chúa Trời đảm bảo họ sẽ đáp ứng thật lòng trước lời kêu gọi.

Những chỗ khác trong Tân Ước đều nói việc “được gọi” và “được chọn” có cùng ý nghĩa với nhau (xem II Tim 1:9; Rô 8:30), nhưng ở đây, Chúa Jêsus có ý gì khi Ngài phán có một số người được gọi nhưng không được chọn?

Câu trả lời tùy thuộc vào khả năng phân biệt cách mà các trước giả Kinh Thánh sử dụng từ “gọi”. Trong ngụ ngôn này, Chúa Jêsus phán về “lời mời gọi” theo nghĩa bên ngoài, nghĩa là lời kêu gọi của Đức Chúa Trời thông qua sứ điệp Phúc Âm. Đó là lời mời gọi con người đến với Đấng Christ bằng cách ăn năn tội và đặt đức tin nơi Ngài.

Nhưng ở những chỗ khác trong Kinh Thánh, các trước giả lại dùng từ “gọi” theo nghĩa bên trong. Thí dụ, trong I Cô-rinh-tô 1:24, sứ đồ Phao-lô nói về sự kêu gọi bên trong này: đó là công tác cứu rỗi hiệu quả của Thánh Linh Đấng Christ trong tấm lòng, phối hợp với lời kêu gọi bên ngoài của Phúc Âm. Lời kêu gọi bên trong đầy năng quyền và hiệu quả này làm cho tội nhân từ bỏ tội mình để đến với Đức Chúa Jêsus Christ. Lời mời gọi bên ngoài được rao ra cho tất cả mọi người, nhưng chỉ những người được chọn, vào đúng thời điểm của Đức Chúa Trời, mới kinh nghiệm được tiếng gọi bên trong. Đối với họ, Phúc Âm thật sự “là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin” (Rô 1:16).

Lời kêu gọi bên ngoài được rao ra cho tất cả mọi người. Nhưng chỉ những người được chọn mới kinh nghiệm tiếng gọi bên trong.

Bài học dành cho chúng ta

Chúa Jêsus muốn dạy chúng ta điều gì qua câu chuyện ngụ ngôn đầy ngạc nhiên và bối rối này?

Trước hết, việc từ chối lời mời gọi của Đức Chúa Trời thông qua các sứ giả của Ngài không phải là chuyện nhỏ. Chúa sẽ khiến những người từ chối đó phải chịu trách nhiệm trong Ngày Phát Xét. Thứ hai, Chúa Jêsus muốn chúng ta nhận ra còn có một cách từ chối lời mời gọi khác tinh vi hơn. Người ta có thể mở miệng đáp ứng trước lời kêu gọi bên ngoài, nhưng không bao giờ thật sự kinh nghiệm Chúa Jêsus đúng theo như lời mời gọi ấy. Vì việc đó, chúng ta cũng sẽ phải chịu sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời.  

Tin xấu đó là chúng ta không có khả năng để thay đổi tấm lòng nổi loạn của chúng ta. Tin tốt là Đức Chúa Trời vui lòng thay đổi tấm lòng nổi loạn đó bằng quyền năng bất khả chiến bại của Thánh Linh Ngài.

Nếu chúng ta đã đáp ứng với lời kêu gọi bên ngoài để ăn năn tội và tin Chúa Jêsus, lý do duy nhất đó là vì Đức Chúa Trời trước hết đã hành động trong chúng ta để hướng chúng ta về Ngài trong Đấng Christ. Sự cứu rỗi quả thật chỉ bởi ân điển Chúa. Chân lý này không dễ chịu, nhưng Chúa Jêsus làm điều đó có lý do. Ngài muốn chúng ta tìm thấy sự cứu rỗi và sự sống chỉ trong Ngài mà thôi, và chỉ bởi ân điển mà thôi. Chỉ trong Đấng Christ, chúng ta mới tìm được nền đá vững chắc đời đời. 

 

Tác giả:

Guy Waters (PhD, Đại học Duke) là giáo sư chuyên về Tân Ước tại Viện Thần học Cải cách ở Jackson, Mississippi. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có: What Is the Bible? (tạm dịch: Kinh Thánh là gì?) (P & R, 2013), A Christian’s Pocket Guide to Justification: Being Made Right with God? (tạm dịch: Hướng dẫn đơn giản để được xưng công chính: Được xét là ngay thẳng trước Chúa?) (Christian Focus, 2010) và How Jesus Runs the Church (tạm dịch: Cách Chúa Jêsus điều hành Hội thánh) (P & R, 2011)

Tác giả: Guy Waters; Dịch: Blessie

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này