Như thế nào là yêu Chúa?

Dưỡng linh
11:14 16/05/2021

Oneway.vn - Cách đúng đắn chúng ta bày tỏ tình yêu với Chúa là gì?

Những món quà to lớn? Cầu nguyện ngắn trước khi ngủ? Làm Báp-têm và đi nhà thờ? Dâng một phần mười? Đọc Kinh Thánh? Đi học Trường Chúa nhật?

Phải làm gì để Chúa thấy chúng ta yêu Ngài?

Kinh Thánh Cựu Ước giải đáp câu hỏi này:

Tiên tri Mi-chê đã vật lộn với chính mình: “Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quì lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao?”.

Nghĩa là: “Dưới đất này, tôi phải làm gì để Chúa trên trời hài lòng?”.

Loài người tội lỗi làm sao có thể làm hài lòng Đấng Tạo Hóa và Chúa tể vũ trụ, Đấng sở hữu tất cả ngay từ đầu?

Mi-chê tự hỏi: “Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm pháp ta, và trái của thân thể ta vì tội lỗi linh hồn ta sao?”.

Chúa coi việc hiến tế con trẻ là đáng ghê tởm nhất trong mọi tội lỗi. Kinh Thánh chép: “Lại xây đắp các nơi cao cho Ba-anh, đặng đốt con trai mình làm của lễ thiêu dâng cho Ba-anh, là điều ta chẳng hề truyền cho, chẳng hề phán đến, là điều ta chẳng hề nghĩ tới trong lòng ta” (Giê-rê-mi 19:5). Một ý tưởng rất tệ!

Sau đó, tiên tri Mi-chê tự trả lời câu hỏi của mình: “Hỡi người! Ngài đã tỏ cho ngươi điều gì là thiện; cái điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công bình, ưa sự nhân từ và bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (Mi-chê 6:6-8).

Hoàn toàn đúng. Đó là một chân lý tuyệt vời trong Kinh Thánh.

Đức Chúa Jêsus cũng giải đáp câu hỏi này:

Chúa biết rõ ý nghĩa của việc yêu Ngài. Như Gary Chapman đã nói trong sách “5 Ngôn ngữ tình yêu”, ngôn ngữ tình yêu không nên bị áp đặt, mà chỉ cần được lắng nghe. Bạn có quyền trên ngôn ngữ tình yêu của mình.

Chúa Jêsus đã trả lời câu hỏi này năm lần. Mỗi lần, Ngài nói cùng một điều với cách diễn đạt khác nhau.

Thứ nhất: "Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta". (Giăng 14:15)

Thứ hai: "Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta". (Giăng 14:21)

Thứ ba: "Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta". (Giăng 14:23)

Thứ tư: "Còn kẻ nào chẳng yêu mến ta, thì không vâng giữ lời ta". (Giăng 14:24)

Thứ năm: "Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta". (Giăng 15:10)

Và điều tương tự, "ví thử các ngươi làm theo điều ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu ta". (Giăng 15:14).


Ba điểm cần làm rõ và nhấn mạnh:


Chúa chấp nhận những giọt nước mắt của tình yêu, khiêm nhường, lòng biết ơn và thành tâm, như trong Lu-ca 7 và Giăng 12. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng mỗi lần chúng ta đứng lên từ vũng bùn tội lỗi, Ngài mong chúng ta sống thay đổi, thành tâm vâng lời Ngài. Cần chấm dứt kiểu tình yêu yếu đuối, khập khiễng, ngưng nói rằng: tôi biết tôi không sống vì Chúa, nhưng Chúa biết tôi yêu Ngài. Không, Chúa không biết đâu. Chúa đã nói: “Còn kẻ nào chẳng yêu mến ta, thì không vâng giữ lời ta”.

Chúa Jêsus nói: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta” không có nghĩa là Mười điều răn, mà là tất cả mọi điều Ngài đã dạy: “và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:20).

Sự vâng lời là mấu chốt

Sứ đồ Phao-lô nói: “Bởi chưng tôi viết thơ cho anh em, cốt để thử anh em xem có vâng lời trong cả mọi sự cùng chăng” (2 Cô-rinh-tô 2:9).

Chúa hỏi: “Sao các ngươi gọi ta: Chúa, Chúa, mà không làm theo lời ta phán?” (Lu-ca 6:46). Nhiều lần trong các sách Phúc âm, Đức Chúa Jêsus nói điều tương tự như “kẻ nào nghe và làm theo lời ta phán đây…” (xem Ma-thi-ơ 7:21-27).


Cảm xúc yêu thương là tốt và đáng để tận hưởng, nhưng không phải là yếu tố đáng tin cậy. Cảm xúc có thể chỉ là nhất thời mà thôi.

Qua thời gian dài theo Chúa, chúng ta sẽ khám phá điều này: khi vâng lời Chúa, chúng ta sẽ yêu mến Ngài càng hơn.


Nhưng cho dù có cảm xúc hay không, Chúa vẫn muốn chúng ta vâng lời Ngài.


Dịch: Hồng Nhạn

(Nguồn: churchleaders.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này