Tại sao trẻ em vô tội phải chịu đau khổ?

Dưỡng linh
01:25 27/09/2020

Oneway.vn - Chỉ Lời Chúa mới đem đến cho chúng ta câu trả lời và sự an ủi đối với đau khổ trên thế giới này.

Thật đau lòng khi nhìn thấy trẻ em phải chịu đau khổ. Những lúc ấy, câu hỏi không thể tránh khỏi hiện lên trong tâm trí của chúng ta: “Tại sao những đứa trẻ vô tội lại phải chịu đau khổ dường ấy?”

Tuy nhiên, khi cho phép Lời Chúa định hình nên tâm trí và cách suy nghĩ, chúng ta sẽ nhìn thấy một bức tranh khác. Mọi trẻ em, hay thực tế mọi con người khi sống trên đất, đều phải chịu khổ ở một mức độ nào đó, bởi vì loài người đang phải chịu sự rủa sả của tội lỗi (Rô-ma 5:12).

Lời Chúa nhấn mạnh rằng mọi người đều đối mặt với án phạt là cái chết: “Theo như đã định cho loài người phải chết một lần, rồi chịu phán xét” (Hê-bơ-rơ 9:27). Một điều quan trọng nữa cần phải hiểu đó là toàn cõi tạo vật đều chịu đau khổ vì tội lỗi của loài người, bắt nguồn từ A-đam: “Vì chúng ta biết rằng tất cả tạo vật đều than thở và quặn thắt cho đến ngày nay” (Rô-ma 8:22).  

Tuy nhiên, một số người phải chịu đau khổ về thể xác, tâm thần, cảm xúc và tâm linh hơn những người khác. Đau khổ của họ có nhất thiết là hậu quả trực tiếp từ một tội lỗi nào đó không? Tất nhiên là không. Trong Lu-ca 13, Chúa Jêsus nói đến 18 người bị đè chết khi một tòa tháp đổ sập trên họ: “Hay là mười tám người kia bị tháp Si-lô-ê ngã xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn mọi người khác cư ngụ ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Ta bảo các ngươi, không phải; nhưng nếu các ngươi chẳng ăn năn thì tất cả sẽ bị hư mất như vậy” (Lu-ca 13:4–5).

18 người đó không chết vì họ tội lỗi hơn người khác, mà là vì đã đến lúc họ phải chết. Chúa Jêsus dùng điều này để nhắc nhở rằng tất cả chúng ta đều bị kết án tử vì tội lỗi, vậy nên tất cả đều đối mặt với cái chết. Đây là lời nhắc nhở thẳng thắn để chúng ta phải theo làm điều mà Chúa phán: “Hãy ăn năn!”

Nói cách khác, hãy đảm bảo rằng bạn đã tiếp nhận món quà miễn phí là sự cứu rỗi của Chúa Jêsus để có thể tin chắc rằng khi qua đời, bạn sẽ được ở với Chúa trong cõi vĩnh hằng. “Nhưng các việc nầy được ghi chép để anh em tin rằng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời, và để khi anh em tin thì nhờ danh Ngài mà được sự sống” (Giăng 20:31).

Đau khổ là tất yếu khi sống trong cõi tạo vật đang kêu than quặn thắt vì tội lỗi và sự nguyền rủa của tội lỗi. Chúng ta biết rằng đau khổ phát sinh là vì tội lỗi của loài người – tất cả chúng ta đều mang tội từ A-đam. Đau khổ không phải do lỗi của Đức Chúa Trời mà là lỗi của con người. Đó là lời nhắc nhở đáng buồn về sự xấu xa của tội lỗi và những gì nó gây ra cho thế giới này. Chúng ta có thể đau buồn khi nhìn thấy hậu quả của tội lỗi mình. Chúng ta cũng được nhắc nhở rằng: vì chúng ta chịu trách nhiệm cho sự rên xiết của cõi tạo vật, chúng ta cũng có trách nhiệm làm bất cứ điều gì có thể để giúp đỡ những ai đang chịu khổ.

Đôi khi, chúng ta có thể nhìn thấy cách Đức Chúa Trời sử dụng đau khổ của một ai đó. Trải nghiệm đau thương của họ có thể là lời chứng cho người khác, những người sẽ lắng nghe Tin Mừng và tiếp nhận món quà cứu rỗi miễn phí. Hãy nghĩ về những người phải trải qua đau khổ, chẳng hạn như bà Joni Eareckson Tada. Dù bị khuyết tật, bà Joni vẫn tạo nên một tác động thuộc linh đến hàng triệu người.

Cũng có lúc, Đức Chúa Trời cho phép xảy ra đau khổ trong cuộc đời của ai đó để đưa họ đến với Đấng Christ. Có những người thỉnh thoảng nhìn lại cuộc đời mình và nhận ra rằng dù đang lúc trải qua đau khổ họ không hiểu lý do, nhưng giờ đây họ có thể nhìn thấy bàn tay quyền năng của Đức Chúa Trời hành động theo những cách thật kỳ diệu thông qua đau khổ đó. Nhiều lúc, chúng ta không hiểu tại sao ai đó phải chịu đau khổ, nhưng một điều chắc chắn là Đức Chúa Trời có những mục đích vượt quá sự hiểu biết của chúng ta trên đất này.

“Ý tưởng Ta không phải là ý tưởng các ngươi, Đường lối các ngươi chẳng phải là đường lối Ta” (Ê-sai 55:8)

Việc sống trải qua sự chịu khổ kinh khiếp, hoặc nhìn thấy người thân yêu phải chịu đau đớn, có thể vô cùng khó khăn. Nhưng sứ đồ Phao-lô đã nói điều này để đem lại an ủi: “Tôi nghĩ rằng những đau khổ hiện tại không đáng so sánh với vinh quang tương lai sẽ được tỏ ra cho chúng ta” (Rô-ma 8:18).

Tại các điểm tham quan của tổ chức Answers in Genesis (tạm dịch: Những Giải đáp từ sách Sáng Thế Ký) — nơi phục dựng con tàu Nô-ê và Bảo tàng về Công cuộc sáng tạo — chúng tôi đang cố gắng hết sức để ngày càng vươn đến những người có hoàn cảnh thiệt thòi (người khiếm thị và khiếm thính, người bị hạn chế khả năng vận động,…) để có thể hỗ trợ họ cả về thể chất lẫn tâm linh. Chúng tôi có các chuyến tham quan đặc biệt dành cho người khiếm thính và những trải nghiệm xúc giác dành cho người khiếm thị. Chúng tôi đã xây dựng các sân chơi theo những chủ đề trong Kinh Thánh cho phép trẻ em ở mọi khả năng sinh hoạt có thể chơi đùa.

Cuộc đời trên đất của chúng ta quá ngắn khi so với cõi đời đời. Thật vậy, chúng ta không so nó với cõi vĩnh cửu được đâu! Tuy nhiên, đúng là chúng ta phải vật lộn với cuộc sống trên đất này và tấm lòng chúng ta hướng đến những người đang phải chịu đựng nhiều hơn người khác. Chúng ta biết rằng những ai đặt lòng tin nơi Đấng Christ đã nhận được một tương lai tốt đẹp để trông đợi – ngày mà Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo nước mắt trên mắt họ. Sẽ không có sự chết, cũng không có tang chế, than khóc, hoặc đau đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi” (Khải Huyền 21:4).

Ngày ấy sẽ tuyệt diệu biết bao!

 

Tác giả: Ken Ham là Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Answers in Genesis – Hoa Kỳ. Ông đã biên tập và là tác giả của nhiều quyển sách nói về thẩm quyền của Lời Chúa và tác động của tư duy tiến hóa đối với nền văn hóa của chúng ta, bao gồm quyển Gospel Reset (tạm dịch: Tin Mừng Tái Thiết Lập) và The Lie (tạm dịch: Lời Nói Dối).

 

Tác giả: Ken Ham; Dịch: Blessie

(Nguồn: answersingenesis.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này