Thương Khó: Ý nghĩa của chiếc mão gai?

Dưỡng linh
11:05 14/04/2022

Oneway.vn - Hơn bất kỳ nỗi đau thể xác nào Ngài đã chịu đựng, chiếc mão gai Chúa Jêsus đội cho thấy sự khiêm nhường tột cùng của Ngài khi chấp nhận đánh đổi mão triều thiên để nhận lấy chiếc mão gai đê hèn, đau đớn và xấu hổ.

“Đoạn, họ đương một cái mão gai mà đội trên đầu, và để một cây sậy trong tay hữu Ngài; rồi quì xuống trước mặt Ngài mà nhạo báng rằng: Lạy Vua của dân Giu-đa!” (Ma-thi-ơ 27:29).

Vượt trên nỗi đau tột cùng khi những chiếc gai dài đâm vào vầng trán rướm máu của Chúa Jêsus, chiếc mão gai Chúa Jêsus đội nhắc nhở về sự khinh miệt và sỉ nhục mà Vua trên muôn vua đã chịu đựng để cứu loài người. Chúa Jêsus đã từ bỏ mão triều thiên vinh quang để đội chiếc mão gai đau đớn và xấu hổ.

Mão gai là gì?

Mão gai là biểu tượng tiêu biểu cho sự thương khó của Đấng Christ. Hơn bất kỳ nỗi đau thể xác nào Ngài đã chịu đựng, chiếc mão gai Chúa Jêsus đội cho thấy sự khiêm nhường tột cùng của Ngài khi chấp nhận đánh đổi mão triều thiên để nhận lấy chiếc mão gai đê hèn, đau đớn và xấu hổ.

Mão gai cũng là hiện thân hoàn hảo cho công việc của Đấng Christ trên thế gian. Qua mão gai và thập tự giá Chúa Jêsus mang, Ngài đã gánh lấy sức nặng của tội lỗi và sự chết, chịu hình phạt thay cho tội lỗi chúng ta, để chúng ta được tha thứ, được giải hòa và cứu chuộc, như tiên tri Ê-sai đã nói trước:

“Nhưng Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết, vì gian ác của chúng ta mà bị thương. Bởi sự trừng phạt Người chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh” (Ê-sai 53:5).

Lính La Mã dùng mão gai để làm “lễ đăng quang” giả cho một tù nhân chính trị thấp kém trong mắt họ. Tuy nhiên, việc người ta từ chối Vua Chúa Jêsus vốn đã xảy ra từ sớm, dưới nhiều hình thức. 

Trước khi bị đóng đinh, Chúa Jêsus phải trải qua hai thử thách: một là tôn giáo và Do Thái, hai là chính trị và La Mã.

Ngay từ đầu, những người Pha-ri-si và các lãnh đạo tôn giáo đã đưa Chúa Jêsus đến trước thầy tế lễ thượng phẩm và Tòa công luận (Ma-thi-ơ 26:57-68; Mác 14:53-65; Lu-ca 22:66-71; Giăng 18:12-24).

Vì họ không tìm được gì sai trái trong lời dạy dỗ hoặc chức vụ của Chúa Jêsus, nên những người Pha-ri-si đã nhờ đến “lời chứng dối” từ những “nhân chứng giả” (Ma-thi-ơ 26:59-60; Mác 14:55-59).

Đó là khi thầy tế lễ thượng phẩm Cai-phe trực tiếp hỏi Chúa Jêsus rằng: “Ngươi có phải là Đấng Christ, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” (Mác 14:61). Chúa Jêsus đáp: “Chính ngươi đã nói thế. Nhưng Ta nói với các ngươi, sau nầy các ngươi sẽ thấy Con Người ngồi bên phải Đấng Quyền năng và ngự trên mây trời mà đến” (Ma-thi-ơ 26:63-64; xin xem thêm Mác 14:62; Lu-ca 22: 67-70).

“Lúc ấy, thầy tế lễ thượng phẩm xé áo mình và nói: “Nó đã nói phạm thượng. Tại sao chúng ta còn cần nhân chứng nữa làm gì? Các ông vừa nghe lời phạm thượng của nó. Các ông nghĩ thế nào?” Họ trả lời: “Nó đáng chết!” (Ma-thi-ơ 26:65-66).

“Rồi chúng khạc nhổ trên mặt Ngài, đánh Ngài. Một vài kẻ tát Ngài” (Ma-thi-ơ 26:67).

Người Pha-ri-si và thầy tế lễ thượng phẩm giao Chúa Jêsus cho thống đốc La Mã, Bôn-xơ Phi-lát (Ma-thi-ơ 27:11-26) và đòi ông phải giết Ngài, vì việc thi hành án tử được giao cho La Mã.

Phi-lát nhận thấy Chúa Jêsus không làm gì đáng phải chết. Tuy nhiên, người Pha-ri-si và đám đông nhất quyết đòi đóng đinh Ngài (Ma-thi-ơ 27:23).

Sau đó, Phi-lát hỏi Chúa Jêsus rằng Ngài có thật sự là “Vua dân Giu-đa” không (Mác 15:2).

Chúa Jêsus đáp: “Chính ngươi đã nói thế” (câu 2).

Để xoa dịu đám đông, Phi-lát cho phép binh lính đánh đập Chúa Jêsus. “Bọn lính đan một chiếc mão gai, đội trên đầu Ngài, và mặc cho Ngài một chiếc áo điều. Họ đến gần Ngài và nói: “Lạy vua dân Do Thái!” Rồi họ tát vào mặt Ngài” (Giăng 19:2-3).

Không giống như những chiếc gai trên nhánh hoa hồng, loại được sử dụng làm mão gai rất có thể gai chà là, rất dày và rất cứng, có thể dài tới 12 inch.

Về mặt y học, gai của cây chà có độc gây đau đớn, viêm nhiễm, bầm dập và tổn thương mô.

Chúa Jêsus phải chịu đựng đánh đập và phỉ báng còn chưa đủ, giờ đây mão gai còn gây thêm nỗi đau khôn tả khi Chúa Jêsus vác thập tự giá nặng nề trên lưng và mão gai trên đầu, lê chân qua đường phố Giê-ru-sa-lem đến tận nơi Ngài bị đóng đinh.

Mão gai tượng trưng cho điều gì?

Vài ngày trước khi bị đóng đinh trên thập tự giá, Chúa Jêsus bước vào thành Giê-ru-sa-lem trước lời tán dương của những người chào đón Ngài: “Hô-sa-na Con của Đa-vít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na trên nơi chí cao!” (Ma-thi-ơ 21:9).

Rất nhiều người trong dân chúng trải áo mình trên đường, một số khác chặt cành cây và rải trên đường” (Ma-thi-ơ 21:8).

Đây là hình thức chào đón dành cho một vị vua, Vua thực sự của Y-sơ-ra-ên!

Trớ trêu thay, hôm Chúa Nhật, những cành cây này được dùng để chào đón Chúa Jêsus như Vua dân Y-sơ-ra-ên vào thành Giê-ru-sa-lem, nhưng đến Thứ Sáu, chúng lại được bện thành chiếc mão gai Chúa Jêsus phải đội khi bị áp giải khỏi thành. Thật đáng kinh ngạc!

Hơn nữa, rất có thể nhiều người từng kêu vang chào đón Chúa Jêsus “Hô-sa-na”, nay cũng hét lên rằng “Hãy đóng đinh hắn!” chỉ vài ngày sau đó.

Không chỉ vậy, trong Vườn Ê-đen, “gai góc và cây tật lê” là dấu hiệu đầu tiên cho sự rủa sả giáng xuống nhân loại vì tội lỗi của A-đam. Nó đại diện cho nỗi đau, những vất vả mà con người phải lao động từ rày về sau (Sáng-thế Ký 3:18).

Trong các phân đoạn Kinh Thánh khác, “gai góc” và “tật lê” được dùng để mô tả con đường của những người chọn tội lỗi thay vì chọn Chúa (Châm-ngôn 22:5).

Lính La Mã không hề biết rằng chiếc mão gai thô kệch và độc ác nhằm chế nhạo Chúa Jêsus, rốt cuộc lại tượng trưng cho sự rủa sả và hình phạt tội lỗi Chúa Jêsus Christ đã mang thay cho chúng ta.

Như sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng không hề biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, để trong Đấng ấy chúng ta được trở nên công chính trước mặt Đức Chúa Trời” (2 Cô-rinh-tô 5:21).

Mão gai đại diện cho mão triều thiên đời đời của Đấng Christ ra sao?

Đấng Mê-si hứa ban là một vị vua thực sự của Y-sơ-ra-ên, thuộc dòng dõi Đa-vít, Ngài sẽ trị vì trên ngai vàng và vương quốc sẽ tồn tại đời đời (Ê-sai 9:7; Giê-rê-mi 30:9; 2 Sa-mu-ên 7:12-13).

Thật không may, nhiều người Y-sơ-ra-ên, cụ thể là người Pha-ri-si và các lãnh đạo tôn giáo không công nhận việc Chúa Jêsus là Đấng Mê-si hứa ban, là “đá góc nhà” (Thi Thiên 118:22). “Ngài đến trong đất nước Ngài mà dân Ngài không tiếp nhận Ngài” (Giăng 1:11).

Vì vậy, “Vua dân Giu-đa” thường là danh hiệu mà người ngoại dùng để gọi Chúa Jêsus trong các sách Phúc Âm.

Ví dụ, ngay sau khi Chúa Jêsus giáng sinh, các bác sĩ từ phương đông đến Giê-ru-sa-lem tìm kiếm Đấng Mê-si, và hỏi Vua Hê-rốt: “Vua dân Giu-đa mới sanh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao Ngài bên đông phương, nên đến đặng thờ lạy Ngài” (Ma-thi-ơ 2:2).

Các sách Phúc Âm cũng kể về người phụ nữ đổ nước hoa đắt tiền lên chân Chúa Jêsus, dùng tóc để lau chân cho Ngài (Ma-thi-ơ 26:6-13; Mác 14:3-9; Lu-ca 7:36- 39).

Hành động này không chỉ thể hiện sự thương khó và mai táng sắp đến của Chúa Jêsus như chính Ngài đã xác nhận, mà còn nói lên rằng Chúa Jêsus là Đấng được xức dầu - là vị Vua được Đức Chúa Trời chọn (Thi Thiên 2:2; 1 Sa-mu-ên 10:1; Thi Thiên 23:5; Thi Thiên 89:10).

Khi Chúa Jêsus đã bị đánh đập đến mức không thể nhận ra, Phi-lát đưa Ngài đến trước mặt người Pha-ri-si và dân chúng, và nói rằng: “Đây là vua của các ngươi!” (Giăng 19:14). Nhưng người Do Thái lại hét lên đòi Phi-lát đóng đinh Ngài!

Phi-lát hỏi: “Ta sẽ đóng đinh vua các ngươi trên cây thập tự sao?” (câu 15).

Dân Do Thái trả lời: “Chúng tôi không có vua nào khác, ngoài Sê-sa” (Giăng 19:15).

Họ đã chối bỏ sự thật Cứu Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời và là Vua, một cách táo tợn và trắng trợn nhất.

Khi Chúa bị đóng đinh, “Phi-lát cũng sai viết một tấm bảng và treo trên thập tự giá.Trên tấm bảng có ghi rằng: JÊSUS NGƯỜI NA-XA-RÉT, VUA DÂN DO THÁI” (Giăng 19:19).

Các lãnh đạo Do Thái yêu cầu Phi-lát gỡ xuống, khẳng định kịch liệt rằng Chúa Jêsus không phải là vua của họ (Giăng 19:21). Nhưng Phi-lát vẫn để tấm bảng ở nguyên vị trí cũ.

Như lời tiên tri, Chúa Jêsus chết giữa những tên trộm tầm thường, bị chế giễu và khinh miệt. Tuy nhiên, qua sự hy sinh này, Chúa Jêsus đã tạo ra con đường dẫn đến sự cứu chuộc và tha thứ tội lỗi.

“Nhưng chúng ta thấy Đức Chúa Jêsus, Đấng bị đặt thấp hơn các thiên sứ trong một thời gian ngắn, bây giờ được đội mão triều vinh quang và tôn trọng vì sự chết mà Ngài đã chịu, để nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, Ngài đã nếm sự chết vì mọi người” (Hê-bơ-rơ 2:9).

Khi làm điều đó, Cứu Chúa Jêsus Christ đã trở thành Vua dân Giu-đa, Vua trên muôn vua, Vua của mọi quốc gia, mọi thời đại (1 Ti-mô-thê 1:17, 6:14-16; Hê-bơ-rơ 1:8; Khải huyền 15:3).

Một ngày nào đó, những người chối bỏ Đức Chúa Trời là Vua và Chúa Jêsus là Đấng Mê-si sẽ biết rằng Đấng Christ là Chúa của các chúa, Vua của các vua (Khải huyền 17:14). Và vào ngày đó, “mọi đầu gối sẽ quỳ trước mặt Ta, và mọi lưỡi sẽ ca ngợi Đức Chúa Trời” (Rô-ma 14:11; Phi-líp 2:10).



Bài: Joel Ryan; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: christianity.com)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này