Vẻ đẹp của thập tự giá

Dưỡng linh
05:09 01/04/2023

Oneway.vn - Suy ngẫm về ý nghĩa của thập giá kéo chúng ta đến với tình yêu tự hy sinh của Chúa Jêsus.

“Không có thần học nào thực sự là Phúc Âm nếu không bắt nguồn và tập trung vào thập tự giá.”

– Martin Luther

Chúng tôi bước ra ngoài trong ánh sáng dịu nhẹ của buổi sớm mai. Cảm giác lành lạnh len lỏi trong không khí, nhắc nhở tôi rằng mùa hạ đã tàn. Mùa thu đã đến. Không còn tiếng dế kêu nữa. Không còn tiếng chim hót nữa.

Con trai tôi mang cặp đến lớp học mẫu giáo. Hôm qua trời nổi gió. Qua một đêm, những cái cây bỗng trơ trụi lá. Những chiếc lá phủ đầy mặt đất với nhiều sắc thái khác nhau, giống như một tấm chăn chắp vá làm bừng sáng không gian ảm đạm. Màu đỏ đậm. Màu xanh lá cây ngọt ngào. Màu vàng tươi. Màu nâu tối. Và nhiều sắc thái khác nữa. Những chiếc lá trên lối đi ẩm ướt vì cơn mưa mát lạnh, trong khi những chiếc lá trú ẩn dưới những tán cây thì khô và giòn rụm. Không có chiếc lá nào là giống hệt nhau.

“Chuyện gì đã xảy ra với tất cả những chiếc lá này vậy ba?” - Con trai tôi hỏi tôi. “Tại sao chúng không còn ở trên cây nữa?”

“Những chiếc lá này đã chết” - Tôi nói với cậu bé. Một cái nhìn bối rối lướt qua khuôn mặt con trai mình. Chết? Nhưng chúng rất đẹp. Làm sao chúng có thể chết được?

Khi ngắm nhìn vẻ đẹp và sắc màu, người ta hiếm khi nghĩ đến cái chết. Tuy nhiên, những chiếc lá này không phải là dấu hiệu của sự sống. Khi chúng đẹp nhất cũng là khi chúng chết đi. Bức tranh mà Đấng Tạo Hóa tô điểm màu sắc mùa thu trên đó thực sự là một cảnh tượng huy hoàng của cái chết.

Đó là một nghịch lý được dệt kỹ vào kết cấu của sự sáng tạo. Đúng vậy, sự chết là kẻ thù với những tạo vật tốt lành của Đức Chúa Trời. Sự chết là kẻ xâm nhập. Là hậu quả của quyết định nổi loạn chống lại Chúa. Con người chúng ta tự cắt đứt cội nguồn sự sống, và cái chết đã gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại của chúng ta kể từ đó. Tuy nhiên, có một cái chết đẹp đẽ, vinh quang, đến nỗi bất chấp sự kinh hoàng và tàn bạo của nó, chúng ta vẫn bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp huy hoàng.

Đối với người không tin, việc các Cơ Đốc nhân kỷ niệm sự chết của Đấng Christ trông có vẻ kỳ quặc. Thánh Ca của chúng ta hát về dòng huyết, cái chết và sự hy sinh (thường là những giai điệu lạc quan và vui vẻ).

Lời bài hát thật khủng khiếp. Nhưng lẽ thật thì đẹp đẽ.

Trong khi những người không tin thấy thập tự giá nhuốm máu trông thật gớm ghiếc, thì Cơ Đốc nhân lại tin quyết vào ý nghĩa của thập tự. Chúng ta chiêm ngưỡng sự đóng đinh của Đấng Christ. Chúng ta suy ngẫm về sự chết của Ngài. Chúng ta ăn mừng vì vinh quang của Ngài. Nghịch lý của cái chết và cái đẹp là trung tâm của Cơ Đốc giáo.

Vẻ đẹp nghiệt ngã qua sự chịu đóng đinh của Đấng Christ

Đóng đinh - phương pháp hành quyết tàn bạo của người La Mã - đã trở thành biểu tượng của đức tin Cơ Đốc. Chắc chắn không có gì hấp dẫn khi phải chết trên thập tự giá:

  • Bị đánh bằng roi tàn nhẫn. Bê bết máu.
  • Gậy đầu nhọn sắt dài đập vào tay chân. 
  • Trần trụi. Công khai. Xấu hổ.
  • Đau đớn. Mỗi cử động nhỏ đều xé nát tay chân.
  • Những tiếng thở hổn hển tuyệt vọng trong kiệt sức khi sự sống dần bị tước đi. 

Người La Mã xem việc đóng đinh như một cảnh tượng công khai, một hình thức tàn bạo dã man nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ đến bất kỳ ai dám thách thức chính quyền La Mã. 

Hầu hết mọi người không thể chịu đựng được sự tàn bạo của việc đóng đinh. Công dân La Mã có thể bị chặt đầu, nhưng không bao giờ bị đóng đinh. Nhà triết học La Mã Cicero tin rằng không bao giờ được đề cập đến việc đóng đinh giữa vòng những người lịch sự. Người Do Thái xem việc đóng đinh như sự rủa sả của Đức Chúa Trời.

Dấu hiệu của cái chết. Xấu xí. Khắc nghiệt. Tàn bạo.

Nhưng có một lần, sự đóng đinh trông thật đẹp đẽ. Giữa cái chết tàn khốc này, chúng ta nhìn thấy chính tấm lòng của Đức Chúa Trời. Trên ngọn đồi đầy đá, lộng gió bên ngoài Giê-ru-sa-lem – điểm xuyết bởi ba cây thập tự – chúng ta nhìn thấy Chúa trong vinh quang rực rỡ thình lình của Ngài. Giống như những chiếc lá mùa thu phủ đầy màu sắc trên mặt đất, một cây thập tự tỏa sáng trong vẻ đẹp rạng ngời.

Martin Lloyd Jones từng nói:

“Bạn sẽ không bao giờ biết Đức Chúa Trời là Cha nếu không thông qua Cứu Chúa Jêsus Christ, và đặc biệt, qua sự chết của Ngài trên thập tự giá… Hãy nhìn vào đó, ngắm nhìn, suy ngẫm, chiêm ngưỡng thập tự giá kỳ diệu. Sau đó, bạn sẽ cảm nghiệm được chính Ngài”.

Suy ngẫm về ý nghĩa của thập giá kéo chúng ta đến với tình yêu tự hy sinh của Chúa Jêsus. Bản thân thập tự giá không hề đẹp. Nhưng đức hy sinh cứu chuộc thật đẹp biết bao, khi chiếu sáng tấm lòng yêu thương của Đức Chúa Trời.

Những gì Đấng Christ đã hoàn thành trên thập tự giá thật rất lớn lao, mở ra một ô cửa vô cùng to lớn để chúng ta nhìn vào tấm lòng của Đức Chúa Trời, lớn đến mức không một lời giải thích hay mô tả nào về sự chuộc tội có thể lột tả hết. Vì sự chuộc tội là trọng tâm của Đức Chúa Trời và mọi điều Ngài đã làm cho chúng ta, nên chúng ta không bao giờ có thể khai thác hết những ý nghĩa phong phú đến từ thập tự giá.

Tuy nhiên, mặc dù chúng ta không có khả năng khai thác tất cả những kho báu thần học được thể hiện nơi thập giá của Đấng Christ, đừng để điều đó ngăn cản chúng ta suy ngẫm về lẽ thật tuyệt vời của sự kiện này. Hãy tận hưởng vẻ đẹp của Đấng Tạo Hóa và Chúa Cứu Thế của chúng ta qua hình ảnh thập tự giá thiêng liêng. 

 

Bài: TREVIN WAX; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này