Chúa yêu tôi bằng cách ban cho tôi một gia đình tan vỡ

Dưỡng linh
09:00 30/09/2024

Oneway.vn – Tình yêu của Đấng Christ thúc đẩy tôi phải bắt chước theo tình yêu hi sinh và vô điều kiện của Ngài đối với gia đình mình

(Ảnh: New Scientist)

Lại là tôi, ngồi một góc nơi cánh cửa Hội Thánh, tránh xa gia đình mình, lau đi những giọt nước mắt.

Lòng tôi nặng trĩu những nan đề.

Giữa dòng nước mắt, tôi cầu xin Chúa cất đi mọi vấn đề trong gia đình và mang đến sự bình an cho những đổ vỡ của chúng tôi.

Ngài không đáp lời.

Viễn cảnh đó đã quá quen thuộc với tôi suốt thời niên thiếu. Tôi lớn lên trong một gia đình có bố mẹ nghiện rượu. Đó là một cuộc chiến mỗi ngày để giữ tôi đến trường, đi làm thêm, bảo vệ các em, tăng trưởng trong mối tương giao với Chúa Jêsusvà – yêu thương gia đình mình.

Không phải lúc nào cũng được như thế. Khi còn nhỏ, bố mẹ luôn ưu tiên việc nhóm lại của gia đình. Họ quan tâm đến mối tương giao của tôi với Chúa Jêsus. Và khi tôi đặt đức tin mình nơi Ngài, họ vui mừng và hướng dẫn tôi đến thánh lễ Báp-têm. Bố mẹ tôi từng là những anh hùng.

Đôi khi, tôi tự hỏi cuộc đời mình sẽ như thế nào khi tội lỗi không phá hoại gia đình tôi tàn khốc như vậy. Tôi vẫn sẽ ngưỡng mộ bố mẹ? Mối quan hệ giữa chúng tôi sẽ khác như thế nào? Kỷ niệm của tôi về họ sẽ ra sao?

Tôi không biết cuộc sống đó sẽ như thế nào bởi đó không phải là điều tôi nhận được. Chúa yêu tôi bằng cách ban cho tôi một gia đình tan vỡ.

Có rất nhiều gia đình tan vỡ trên khắp nơi, và tôi chỉ là một tiếng khóc giữ hàng triệu người đang khóc than với Chúa để cầu xin sự yên ổn và bình an. Nhưng tôi tin rằng chính vì yêu tôi mà Chúa đã không đáp lời cầu xin của tôi. Đây là lý do.

Tôi học cách yêu mến ân điển thánh của Chúa

Ân điển không phải là điều xa lạ với tôi. Sau tất cả, tôi hiểu rằng bởi ân điển và đức tin mà tôi được cứu (Êph 2:8-9; Rô 5:21). Tuy nhiên, quan điểm của tôi về ân điển từng rất hạn hẹp và thiếu sót. Dần dần, tôi hiểu rằng ân điển không chỉ là về sự cứu rỗi; mà còn về sự nên thánh nữa. n điển của Chúa không chỉ có trong khoảnh khắc chúng ta tin Chúa, nhưng nó vẫn luôn hiện hữu, giúp thánh hóa tôi để tôi trọn vẹn hơn trong Ngài.

Sứ đồ Phao-lô cũng viết về ân điển này. Trong 2 Cô-rinh-tô 12:7-8, ông nói về cái dằm trong xác thịt ngăn trở ông. Cái dằm này rất khó chịu đến nỗi ông đã cầu nguyện xin Chúa cất nó đi ba lần. Nhưng thay vì cất đi, Chúa nói với Phao-lô: “Ân điển Ta đầy đủ cho con, vì sức mạnh của Ta trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (câu 9). Phao-lô học biết rằng ân điển Chúa đang thánh hóa ông – nó đủ để bày tỏ cách mà năng quyền của Chúa được tôn cao qua sự yếu đuối của Phao-lô.

Ân điển Chúa cũng đủ cho tôi. n điển Ngài thánh hóa tôi để tôi có thể càng giống như Phao-lô mà “rất vui mừng tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi” (câu 9). Tôi đã học được cách yêu mến ân điển thánh hóa của Chúa.

Tôi đã học được cách yêu thương Hội thánh

(Ảnh: Faith Radio)

Trong vài năm qua, việc chuyển từ Hội thánh sang Hội thánh khác đã trở thành thói quen của gia đình tôi. Vì điều này mà tôi dần chai sạn với việc nhóm lại. Dù tôi là một tín hữu được biến đổi, nhưng vẫn phải nỗ lực để uống sữa thuộc linh (1 Phi 2:2-3). Vậy nên khi đến một Hội thánh mới, tôi vẫn ích kỷ.

Tôi nhanh chóng biết rằng mình đã sai. Khi nhóm lại, các tín hữu trung tín đều háo hức để làm quen với tôi, hướng dẫn tôi dành thời gian với gia đình, và dạy dỗ tôi. Mục sư nhiệm chức dạy tôi giáo lý chân thật và về niềm vui của việc bước đi với Chúa Jêsus. Chúa ban những tình bạn chân thật khích lệ tôi để yêu mến Chúa Jêsus hơn. Giờ đây, chủ yếu bởi điều Chúa Jêsus làm cho cuộc đời tôi qua Hội thánh địa phương, mà tôi đang theo học Thần học viện để sau này có thể phục vụ cho Hội thánh địa phương tôi yêu thương.

Khi không có một gia đình ổn định, Chúa dạy tôi quý trọng những anh chị em trong Đấng Christ hơn (Rô 8:14–17; Ê-phê 1:5–6). Ngài dạy về vệ việc gia đình tôi được mua chuộc bởi huyết của Đấng Christ (1 Phi 1:19). Tôi đã học được cách để yêu thương Hội thánh địa phương của mình.

Tôi học được cách yêu gia đình mình

Từ lâu việc yêu thương gia đình đối với tôi không còn là điều dễ dàng. Nhiều lần tôi đã cố gắng để nói tôi yêu họ. Tôi đã tranh chiến với họ, lên án họ, và nhìn thấy sự kiêu ngạo và ích kỷ của mình làm tổn thương họ. Gia đình tôi đã kinh nghiệm tội lỗi của tôi cũng như tôi kinh nghiệm tội lỗi họ. Nhưng tội lỗi của tôi, và gia đình mình thật nhạt nhòa khi so sánh với tình yêu vô hạn của Chúa tôi, Jêsus (Rô 8:35-39).

Đó là qua quyền năng của Chúa Jêsus mà tình yêu được bày tỏ rõ ràng. Trong Ngài, tình yêu là vô điều kiện, không giống như tình yêu phải tự tìm kiếm của thời nay. Thay vào đó, trong Đấng Christ, đó là tình yêu hi sinh và vô điều kiện. Tình yêu đẹp đẽ nhất là khi nó giống như bản chất của Đấng Christ, mà chính Ngài là tình yêu (1 Giăng 4:8, 16). Và sự bày tỏ vĩ đại nhất của Chúa Jêsus về tình yêu đó là sự chết đau đớn của Ngài trên thập tự giá, nơi Ngài từ bỏ mạng sống mình (Giăng 15:13).

Qua tình yêu đó, tôi học được cách yêu gia đình mình. Tình yêu của Đấng Christ thúc đẩy tôi phải bắt chước theo tình yêu hi sinh và vô điều kiện của Ngài đối với gia đình mình (13:34-35). Tôi không bắt chước cách hoàn hảo, vì tội lỗi vẫn còn trong tôi, nhưng tôi tin rằng Đấng Christ làm mới tôi mỗi ngày, dạy tôi về sự sâu nhiệm của tình yêu Ngài và cách để bày tỏ Ngài rõ hơn trong thế gian. Tôi đã học được cách để yêu gia đình mình.

(Ảnh: Forward in Christ)

Chúa không đơn giản ban cho bất kỳ điều gì chúng ta cầu xin. Thay vào đó, chúng ta cầu nguyện để ý Ngài được nên, để ý muốn chúng ta giống với ý muốn Ngài (Mat 6:10). Tôi vẫn tiếp tục cầu xin để ý Chúa được nên đối với tôi, gia đình tôi, và thế giới này. Và tôi sẽ tiếp tục cầu nguyện theo ý muốn Ngài bởi tôi đã nhìn thấy nó vĩ đại hơn nhiều so với những gì tôi có thể tưởng tượng. Chúa yêu tôi khi không ban cho tôi một gia đình ổn định, và Ngài đã làm điều đó vì vinh quang của Ngài và ích lợi cho tôi.


Bài: Karsten Harrison; dịch: Linh Lưu
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này