Làm cách nào để đối phó với trầm cảm?

Dưỡng linh
03:15 11/06/2024

Oneway.vn – Bạn thân mến, nếu bạn ở trong số những người kêu cầu Chúa và khát khao sự an ủi của Ngài, hãy biết rằng bạn không đơn độc.

Bước đi của bạn trong bóng tối không thể che giấu bạn khỏi ánh sáng của Chúa (Giăng 8:12). Ngay cả khi bạn không thể cảm nhận được sự hiện diện của Ngài, Chúa Jêsus vẫn ở với bạn cho đến ngày tận thế (Ma-thi-ơ 28:20), và không có điều gì – không phải sự xấu hổ, tuyệt vọng hay đau đớn vì chán nản – có thể phá nứt bạn khỏi tình yêu thương của Ngài (Rô-ma 8:38–39).

Mặc dù mỗi giờ có vẻ vô vọng và mỗi ngày là một thử thách đớn đau, nhưng sự chữa lành là có thể. Các hướng dẫn thực tế sau đây có thể giúp bạn dễ dàng hướng tới một nơi trọn vẹn hơn. Hãy nhớ rằng những gợi ý này không thay thế được các tư vấn chuyên nghiệp:

Hãy tâm sự với người mà bạn tin tưởng

Khi chúng ta vật lộn với triệu chứng trầm cảm, chúng ta thường cảm giác bị cô lập và cô đơn. Chúng ta lo sợ người khác sẽ nghi ngờ những cuộc đấu tranh của chúng ta và sẽ lên án chúng ta vì sự bất lực “vươn mình lên bằng nỗ lực của chính mình”. Vì thế, trong khi chúng ta khao khát được bầu bạn, sự xấu hổ khiến chúng ta im lặng.

Nhưng khi vùng vẫy trong bóng tối, chúng ta cần bàn tay hướng dẫn của những mối thông cảm hơn bao giờ hết. Mặc dù nỗi sợ bị từ chối có thể làm bạn cảm thấy bị ám ảnh, hãy xác định những người trong cuộc sống mà bạn tin tưởng và sau đó tâm sự với họ về những cuộc đấu tranh của bạn. Cố vấn Kinh Thánh Ed Welch khuyên,

“Nói với ai đó rằng bạn đang bị trầm cảm là một bước nhỏ nhưng quan trọng và có thể thực hiện được. Nó có thể cảm thấy như bạn đang ra khỏi nơi ẩn náu và thừa nhận điều gì đó ghê tởm hoặc đáng xấu hổ. Nhưng hãy nói với ai đó. Nếu bạn không biết phải nói với ai, hãy nói với Mục sư của bạn. Trong số những người trả lời [cuộc khảo sát của chúng tôi về trầm cảm], có một điệp khúc không bao giờ ngừng hát cùng một điệp khúc: ‘Đừng cô lập. Đừng cô lập'”.

Thành thật chia sẻ những khó khăn của bạn sẽ giúp người khác hiểu bạn hơn và giúp bạn duy trì sự gắn bó. Những người an toàn có thể bao gồm gia đình trực tiếp, một người bạn thân yêu, một người cố vấn, hoặc (và đặc biệt) trong nhà thờ. Thân thể của Đấng Christ được tạo dựng nên để mang gánh nặng cho nhau (Ga-la-ti 6:2), vì vậy hãy kết nối với người lãnh đạo thuộc linh của bạn hoặc các thành viên trong Hội Thánh của bạn, những người có thể khóc cùng bạn (Rô-ma 12:15).

Khi các anh chị em nói lên nỗi đau của mình, hãy mời những người khác cầu nguyện cùng và cho các anh chị em. Lời cầu nguyện riêng tư có thể cảm thấy tốn nhiều công sức, nhưng những lời cầu xin thay cho chúng ta có thể cung cấp một loại dầu thơm cho tâm hồn mệt mỏi. Bất kể bạn mời ai đến tâm sự, hãy thẳng thắn về những điều giúp ích và những điều làm cho ngày tồi tệ hơn. Cho phép người khác có mặt với bạn mà không giả vờ tất cả đều tốt có thể cho bạn sự tự do để chữa lành.

Tìm kiếm (và chấp nhận) sự giúp đỡ

Chứng trầm cảm nghiêm trọng nhiều hơn so với tâm trạng ảm đạm, và bước đầu tiên để rũ bỏ bóng tối và lấy lại niềm vui của bạn là thừa nhận bạn cần được sự giúp đỡ. Bạn không thể vượt qua phiền não này một mình.

Điểm dừng chân đầu tiên khi tìm kiếm sự giúp đỡ cho bệnh trầm cảm là phòng khám bác sĩ chính của bạn, nhưng nó không phải là điểm cuối cùng. Mặc dù bác sĩ xác định liệu thuốc chống trầm cảm có giúp ích hay không, nhưng điều quan trọng theo sau là sự tư vấn.

Bác sĩ của bạn có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ tâm thần hoặc nhà tâm lý học lâm sàng, hoặc bạn có thể tìm kiếm một cố vấn Cơ Đốc thông qua các nguồn trực tuyến khác nhau.

Nếu một bác sĩ khuyên rằng dùng thuốc chống trầm cảm, đừng xem đây là một điều gì thất bại. Những loại thuốc này có thể là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi, đặc biệt là khi được kết hợp với tư vấn. Mặc dù đôi khi ra khỏi cửa để đến một cuộc hẹn có thể cảm thấy không thể, nhưng hãy cố gắng tiếp tục trị liệu một cách tốt nhất có thể.

Nếu bạn không kết nối hoặc phát triển niềm tin vào tham vấn viên đầu tiên bạn gặp, hãy tìm kiếm một người trị liệu khác thay vì từ bỏ hoàn toàn việc điều trị. Chọn một người bạn tin tưởng để giúp bạn nghiên cứu những lựa chọn và đưa bạn đến cũng như về ở những cuộc hẹn. Dựa vào người khác để giảm bớt gánh nặng và giúp bạn có trách nhiệm khi động lực của bạn ở mức thấp nhất.

“Nếu bạn nằm trong số những người kêu cầu Chúa và khao khát sự an ủi của Ngài, hãy biết rằng bạn không đơn độc. Việc bạn bước đi trong bóng tối không thể che giấu bạn khỏi Ánh sáng của Thế giới”.

Tập trung vào những điều cần làm tiếp theo

Cảm giác trầm cảm giống như là một vũng bùn vô nghĩa, nhưng những kết cấu hằng ngày có thể giúp bạn tiến về phía trước ngay cả khi tâm trí và cơ thể bạn muốn đầu hàng. Elisabeth Elliot, một nhà truyền giáo hiểu rõ về đau khổ, đã dựa vào một bài thơ cổ của người Saxon để thúc giục bà “làm điều tiếp theo”:

“Làm điều đó ngay lập tức; làm điều đó với lời cầu nguyện;

Làm điều đó một cách đáng tin cậy; hãy làm điều đó với sự tôn kính,

Hãy tìm kiếm Chúa và đặt nan đề của bạn trong bàn tay Ngài

Vững tin chờ đợi kết quả và làm điều tiếp theo”.

Làm điều tiếp theo có thể làm một sợi dây cứu sinh cho người bị trầm cảm. Điều tiếp theo không cần phải quan trọng. Đó có thể là nhiệm vụ duy nhất mà tâm trí bạn có thể xử lý trong một trường hợp nhất định – ra khỏi giường, nấu bữa trưa, gọi điện cho bạn bè, đi dạo hoặc lái xe đi làm.

Trong cuốn sách về nỗi đau buồn của chính mình, Clarissa Moll đã sắp xếp lại các thói quen hàng ngày “ăn, ngủ, tập thể dục” thành “nuôi dưỡng, nghỉ ngơi, di chuyển”. Những từ này cũng có ý nghĩa tương tự, nhưng lời nói của cô ấy có vẻ ít gây sự nản lòng hơn đối với một trái tim mệt mỏi. Khi những nhiệm vụ đơn giản có vẻ gian nan, đừng tập trung vào những trách nhiệm hiện ra mà chỉ tập trung vào những việc tiếp theo: Nuôi dưỡng, nghỉ ngơi, di chuyển. Lặp lại – càng nhiều càng tốt, kết hợp chúng vào thói quen để bảo toàn năng lượng của bạn và hạn chế gánh nặng của các quyết định hàng ngày.

Dựa nương vào lời cầu nguyện

Trầm cảm làm đục ngầu sự tập trung. Chúng ta có thể khao khát Lời Chúa nhưng thấy mắt chúng ta lướt qua những câu quen thuộc mà không hiểu chúng. Trái tim chúng ta kêu cứu, nhưng chúng ta không thể sắp xếp nỗi thống khổ của mình thành một lời cầu nguyện mạch lạc.

Các bài Thánh Ca vang lên trong lúc này thật ý nghĩa. Khi bạn cảm thấy tâm trạng tốt, hãy bật lên những ca khúc thờ phượng, tôn ngợi Đấng Sáng tạo. Khi bạn đang chìm xuống vực sâu, hãy để cho bài Thánh ca neo chặt lời cầu nguyện của bạn. Đọc thuộc lòng chúng như thể chúng là lời nói của riêng bạn.

Nếu Thánh Linh lay động bạn, hãy thêm ngôn ngữ than thở của riêng bạn, tuôn đổ tai ương của bạn cho Đức Chúa Trời. Hãy nâng cao lời cầu nguyện của bạn ngay cả khi chúng giảm xuống chỉ còn những cụm từ duy nhất – “Lạy Chúa, xin thương xót con”, “Lạy Cha, xin giúp con”. Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của chúng ta (1 Giăng 5:15), và khi lời nói của chúng ta thất bại, Đức Thánh Linh phán thay cho chúng ta “với những sự thở than không thể diễn tả bằng lời” (Rô-ma 8:26).

Lời cầu nguyện của tôi là khi bóng tối buông xuống và cuộc sống dường như không thể chịu đựng nổi, thân thể của Đấng Christ sẽ đưa một cơn nước mát và bạn sẽ tìm thấy hy vọng nơi Đức Chúa Trời – ngay cả khi đó chỉ là thoáng qua lúc đầu. Khi các thành viên trong Hội Thánh củng cố lẫn nhau bằng sứ điệp về ân điển của Đức Chúa Trời, và chúng ta gắn bó với nhau như anh chị em, chúng ta có thể xua đuổi sự cô đơn.

Suy cho cùng, niềm hy vọng không được tìm thấy trong công việc của đôi bàn tay yếu mỏn của chúng ta, nhưng nơi Đấng Christ, qua Ngài mà Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu, lòng thương xót và lẽ thật của Ngài. Và khi chúng ta gặp được tình yêu ấy, những tia ánh sáng sẽ xuyên qua bóng tối.

“Nếu một bác sĩ khuyên rằng dùng thuốc chống trầm cảm, đừng xem đây là một điều gì thất bại. Những loại thuốc này có thể là một phần quan trọng trong quá trình phục hồi, đặc biệt là khi được kết hợp với tư vấn”.

Bài: Kathryn Butler; dịch: Thuỳ Duyên
(Nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này