Ngày Tết, nói chuyện… tuổi

Văn Phẩm
07:39 20/01/2025

Oneway.vn – Tôi có thói quen vào những ngày cận Tết Nguyên Đán, tôi thường vào các trang mạng để xem cảnh người Việt mình chuẩn bị đón Tết ở khắp mọi nơi mà lòng đầy những cảm xúc lâng lâng khó tả.

Có những người chuẩn bị đón Tết thật quá đủ đầy, đủ đầy đến mức mình cũng như phát…ghen với họ. Có những người chuẩn bị Tết thật là đơn sơ, chỉ một chậu hoa, một vài đòn bánh tét, một, hai cân thịt để ăn vui trong ba ngày Tết mà thôi. Có nhiều người thì ngay đến tận chiều ba mươi Tết rồi mà còn đi bán hàng rong để mong kiếm được chừng một vài trăm ngàn đồng để…ăn Tết với người ta và để…lì xì cho con cháu. Còn những gia đình mà cận Tết, bị người ta phá nhà, cướp đất thì chẳng còn mong gì chuyện vui xuân, đón Tết nữa. Những người bị mất nhà, mất đất thì đúng như thi sĩ Chế Lan Viên đã viết:

Tôi có chờ đâu có đợi đâu
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu
Với tôi tất cả như vô nghĩa
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Mất nhà, mất đất một cách oan uổng, phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất thì còn mong mỏi gì là xuân, là Tết phải không bạn?

Nhìn thấy cảnh những người dân lang thang không nhà với một vẻ mặt buồn xa xăm và não nuột vào những ngày cận Tết, khó có ai còn lương tri mà không cảm thấy đau lòng và cảm thương với họ.

Tôi cầu xin Đức Chúa Trời là Đấng công bình dùng “Con mắt của CHÚA ở khắp mọi nơi, Quan sát kẻ ác cũng như người thiện.” (Sách Châm Ngôn, chương 15, câu 3), mà thương xót và binh vực những con người ở trong những hoàn cảnh đáng thương nầy. Và ước mong sự công bình của Ngài sẽ được tỏa rạng trên quê hương của chúng con, đẩy lùi những tham nhũng, bất công đang đầy dẫy trong xã hội.

Xuân về, Tết đến, cũng có nghĩa là mọi người chúng ta đang được hưởng thêm một tuổi nữa với đời với người. Ai đó đã nói “Mỗi năm một tuổi như đuổi xuân đi”. Vâng, cứ mỗi một năm trôi qua là ta được thêm một tuổi.

Năm nay, bạn được bao nhiêu tuổi? “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” (Nguyễn Du). Nếu bạn đang ở tuổi cập kê, có nghĩa là bạn còn trẻ lắm, còn xuân lắm, mới ở tuổi chừng mười lăm mơn mởn xuân thì đó thôi. Ngày nay người ta thường gọi tuổi đó là tuổi teen (nghĩa là từ mười ba đến mười chín, vì trong tiếng Anh từ số mười ba đến số mười chín đều có tiếp vĩ ngữ “teen” theo sau cả.

Nếu bạn đang ở tuổi cập kê, hay tuổi teen, thì hãy lo “chơi xuân kẻo hết xuân đi”, vì “xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân già” (Xuân Diệu). Tuổi xuân qua mau lắm bạn ơi, không chờ, không đợi ai đâu.

Bạn không nhớ có thơ rằng “Mới vừa chị chị anh anh đó/ Nay đã ông ông cụ cụ rồi” đó sao?

Nếu bạn đang bước vào tuổi U 60 như tôi, thì có nghĩa là bạn và tôi đang ở vào tuổi xế chiều của cuộc đời rồi đó.

Không biết từ đâu và từ bao giờ mà người ta có quy định về tuổi thọ như sau:

+ Nếu ai đó sống dưới 60 tuổi, thì chưa gọi là…thọ. Trên mộ bia người chết dưới 60 tuổi, người ta thường hay ghi là hưởng dương, chứ không ghi là…thọ.

+ Nếu ai đó chết từ 60 tuổi trở lên, thì người ta mới ghi trên mộ bia chữ…thọ.

Người ta thường chia tuổi thọ của con người ra…ba cấp:

– Từ 60 tuổi đến 69 tuổi: Hạ thọ.

– Từ 70 tuổi đến 79 tuổi: Trung thọ

– Từ 80 tuổi đến 100 tuổi: Thượng thọ

Theo quan niệm của người Á-đông, một người được cho là thọ thì phải trải qua được ít nhất là một…hoa giáp, tức là trải qua năm chu kỳ của một…hoa giáp. Và người ta gọi là lục thập hoa giáp, nghĩa là được 60 tuổi.

Ở Việt Nam, khi một người bước vào tuổi 60 là người ta có thể gọi là…cụ được rồi, có thể lên…lão làng được rồi. Và ai được gọi là…cụ thì người ta…vui lắm và…hãnh diện lắm, vì được…làm lớn trong bàn dân thiên hạ. Có thể được ngồi ở…chiếu trên, ở…ghế trước trong những cuộc lễ lộc, hội hè, đình đám…

Thế nhưng, ở các nước như Mỹ và phương Tây thì khác. Những người dù đã được 60 tuổi rồi, nhưng họ không bao giờ muốn ai gọi họ là…cụ cả. Không phải họ muốn…cưa sừng làm nghé, mà có lẽ họ không chấp nhận mình…già.

Người Việt ở Mỹ có tổ chức Hội Người Cao Niên, tức Hội dành cho những người từ 60 tuổi trở lên. Cái tên gọi của họ cũng cho thấy họ quyết định…tránh dùng từ…Hội Người Lão Niên, hay Hội Người Già. Lão và Già thì thấy…không có…sức mạnh, nhưng Cao thì thấy…hơn nhiều,…khỏe hơn nhiều. Cũng là một cách hay!

Tôi có được mời tham dự một buổi gặp mặt tất niên của Hội Người Cao Niên nơi thành phố tôi ở. Rất đông những người cao niên đến dự với một không khí rất ấm cúng và vui vẻ. Buổi sinh hoạt rất thấm đậm tình quê hương. Tôi chú ý nhìn thì thấy có khá…ít những mái đầu bạc, mà nhiều những mái đầu tóc còn…đen, và đen đượm một vài sợi tóc bạc thôi. Người ta cho biết là phần nhiều người trong số những người cao niên đó đều…nhuộm tóc cho đen hết đó, chứ không phải tóc họ đen tự nhiên như vậy đâu. Có nghĩa là họ không muốn bị người khác thấy mình…già. Họ muốn hình ảnh mình còn…trẻ trong mắt người khác, để không ai gọi họ bằng…cụ, mà gọi bằng…anh hoặc…ông thôi.

Tôi chú ý đến lời phát biểu mở đầu cho buổi gặp mặt tất niên hôm ấy của ông Chủ tịch Hội. Ông nói có đoạn như sau: “Dù chúng ta không muốn dùng từ già, từ lão trong tên gọi của Hội chúng ta, nhưng chúng ta cũng không thể nào từ chối hay chạy trốn một thực tại là mình đã già, đã yếu phải không quý vị…” Mọi người đều vỗ tay tán thưởng rần rần… Thật hay!

Hầu như ở Mỹ, những người Việt cao niên đều nhuộm tóc cho đen lại chứ không chịu để tóc bạc.

Ở Mỹ mà để tóc bạc là…khó xin việc làm lắm, vì người chủ hãng xưởng, chủ tiệm thường không tuyển chọn người…tóc bạc, bởi họ cho là già, chậm chạp, không đáp ứng được công việc. Cho nên, hầu hết những người trong độ tuổi 50 trở lên thường nhuộm tóc cho đen trở lại để dễ bề…xin việc làm cho mình.

Tóc tôi vốn bạc sớm, nên hồi mới gần năm mươi tóc đã bạc rồi. Khi mới qua Mỹ, nhiều người cứ…dụ tôi là Mục sư nên nhuộm tóc lại cho trẻ, và nếu có đi xin việc gì làm thêm, kiếm thêm ít…dollar bỏ túi mà uống…Starbucks, cũng dễ được nhận hơn, chứ để tóc bạc như ri thì…khó xin việc làm lắm. Nhưng tôi…cứng đầu, không nghe, cứ để tóc bạc tự nhiên như thế cho đến hôm nay, chuẩn bị bước vào tuổi lục thập hoa giáp rồi. Và tóc tôi cứ càng ngày càng bạc theo thời gian năm tháng, …đẹp chi lạ. Tôi đã tự…hứa với lòng mình là tôi sẽ không bao giờ nhuộm tóc cả, cứ để tóc nó đen hay bạc một cách tự nhiên vậy thôi. Tôi quan niệm rằng cái gì ông Trời cho đều là tốt lành hết vậy. Không biết có ai có quan niệm hợp…logic như tôi không nhỉ?

Là người tin Chúa Giê-xu, nên tôi cảm tạ Chúa về tuổi tác Ngài ban cho mình. Và tôi tin rằng cuộc đời tôi, tuổi tác tôi hoàn toàn ở trong tay của Chúa, ở trong sự tể trị khôn sáng của Ngài. Lời Chúa trong sách Gióp chép rằng: “Ngài nắm trong tay sự sống của mọi sinh vật, Và hơi thở của mọi người.” (Sách Gióp, chương 12, câu 10). Một chỗ khác trong Kinh thánh cũng chép: “Ngài ban sự sống, hơi thở và mọi vật cho mọi người. Từ một người, Ngài dựng lên tất cả các dân tộc trong nhân loại cho họ ở khắp mặt địa cầu, định thời gian ấn định và biên giới cho họ cư trú.” (Sách Công vụ, chương 17, câu 25, 26).

Những câu Kinh thánh đó cho chúng ta thấy chính Đức Chúa Trời là Đấng nắm giữ sự sống, hơi thở, ấn định thời gian, tuổi tác cho cuộc đời con người chúng ta trên trần gian nầy.

Là con cái Chúa, tôi rất vui khi được ở trong Ngài, ở trong sự tể trị đời đời của Ngài. Cho nên tôi không có gì phải lo sợ về tương lai cả, vì tương lai tôi ở trong tay của Đức Chúa Trời toàn năng, toàn tri, toàn tại. Ngài là Cha thiêng liêng của tôi. Và Chúa cho tôi sống chừng nào, tôi cảm tạ Chúa chừng nấy, ca ngợi Chúa chừng nấy, như tác giả một bài Thánh Thi đã bày tỏ: “Trọn đời, tôi sẽ ca hát cho CHÚA; Suốt đời, tôi sẽ ca tụng Đức Chúa Trời tôi.” (Sách Thánh Thi, chương 104, câu 33)

Tôi thích bài thơ “Tuổi tác” của thi sĩ Thanh Hữu. Ông viết về tuổi tác thật chí lý như sau:

Khi tính tuổi lấy năm nay làm mốc/ Đem trừ đi sinh nhật đã ra đời/ Anh còn lại hai con số chơi vơi/ Gọi là “tuổi” của cuộc đời trên đất/ Anh và tuổi tưởng như hai mà một/ Anh ra đời tuổi mới được đặt tên/ Cứ mỗi năm khi anh được lớn lên/ Tuổi cũng lớn và cùng thêm một nấc…/Anh và tuổi như tình nhân linh động/ Anh sống còn, tuổi sinh động bên anh/ Anh qua đi, lìa cõi tạm dương trần/ Tuổi chung thủy, thề cùng anh chấm dứt/ Tuổi của anh tính bằng con số chục/ Rất hiếm người đạt đến tuổi hằng trăm/ Khi chết đi vào lòng đất anh nằm/ Tuổi chấm dứt theo thời gian quên lãng/ Anh tin Chúa, khi “tuổi đời” khép lại/ Thì “tuổi trời” tiếp tục được mở ra/ Hồn linh anh như được trở về nhà/ Bên chân Chúa không thời gian xán lạn/ Ân sủng Chúa với tình yêu vô hạn/ Cứu thân hồn thoát biển khổ trần gian/ Ban cho anh hy vọng sống thiên đàng/ Được tiếp nối tuổi đời sau khi chết.

(Tuổi tác – THANH HỮU) (**)

Theo quan niệm của thi sĩ, thì tuổi đời không mấy quan trọng cho lắm, vì “Khi chết đi vào lòng đất anh nằm/ Tuổi chấm dứt theo thời gian quên lãng”. Khi còn sống, dù có làm ông to bà lớn đến mấy đi chăng nữa, có “anh hùng hào kiệt” một thời đi nữa, có “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” đi nữa…thì khi chết đi vào trong lòng đất lạnh, rồi mọi sự đều sẽ… “gởi gió theo mây ngàn bay”, mọi sự đều sẽ theo thời gian trôi vào quên lãng, mọi sự sẽ tan theo mây khói mà thôi.

Theo quan niệm của thi sĩ, thì…tuổi trời mới là quan trọng, vì…tuổi trời sẽ đem lại cho người đó một đời sống vui mừng và hy vọng nơi Thiên đàng bên Chúa Giê-xu. Và chính…tuổi trời đó mới quyết định số phận và nơi ở đời đời của một người khi qua đời. Nếu một người khi còn sống trong tuổi đời mà không tin nhận Chúa Giê-xu, thì khi tuổi đời khép lại, số phận của họ sẽ ở trong hỏa ngục đau khổ đời đời, xa cách mặt Chúa. Nhưng nếu khi còn sống trong tuổi đời, mà người đó biết tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời, thì người đó sẽ có…tuổi trời phước hạnh, tức họ sẽ được sống đời đời với Chúa Giê-xu trong Thiên đàng vĩnh cửu. Tuổi trời được mở ra ngay khi một người bằng lòng tin nhận Chúa Giê-xu.

Không còn phước hạnh nào lớn hơn khi một người có được…tuổi trời vậy!

Tôi không biết đến mùa xuân nầy, bạn được bao nhiêu tuổi? Hai mươi? Bốn mươi? Sáu mươi? Hay hơn nữa???

Hãy cảm tạ Đức Chúa Trời, tức là Ông Trời đã ban cho bạn sống thêm được một tuổi trên đời nầy nữa, vì nếu Ngài không ban cho thì chúng ta không thể sống thêm được đâu, dù chỉ một khắc mà thôi!

Đến mùa xuân nầy, tôi đã được năm mươi chín tuổi đời, và cũng có được chừng đó…tuổi trời, vì tôi sinh ra trong một gia đình có cha mẹ là người tin kính Chúa, nên khi tôi chưa sinh ra, và sau khi tôi đã sinh ra, cha mẹ tôi đã cầu nguyện với Chúa cho tôi và dâng tôi cho Chúa rồi. Tôi ở trong Chúa từ khi lọt lòng mẹ cho đến ngày hôm nay. Tạ ơn sự nhơn từ của Chúa dành cho tôi!

Tôi rất vui khi có được tuổi đời Chúa ban cho và tôi vui hơn nữa là có được…tuổi trời thật phước hạnh. Tôi cảm nhận được sự bình an thật khi còn sống trong cuộc đời nầy, và tôi cảm thấy lòng đầy hy vọng vì biết chắc rằng, một mai khi tôi qua đời nầy, tôi sẽ…bay về ở với Chúa Giê-xu kính yêu của tôi trên Thiên đàng tuyệt diệu đời đời mãi mãi.

Đến mùa xuân nầy, bạn được bao nhiêu tuổi đời? Xin Chúa cho bạn có thêm được một tuổi đời vui vẻ, bình an.

Đến mùa xuân nầy, bạn có được…tuổi trời chưa?

Nếu chưa, tôi trân trọng mời bạn mở lòng ra tin nhận Chúa Giê-xu làm Chúa, làm Chủ cuộc đời ngay mùa xuân nầy để bạn có được…tuổi trời như tôi đã có nhé.

Bạn có thêm được tuổi đời, tôi xin chúc mừng bạn, nhưng đó là lời chúc chưa trọn vẹn.

Nếu bạn có thêm được…tuổi trời nữa, thì tôi thành thật chúc mừng bạn một lời chúc trọn vẹn,viên mãn từ ngay mùa xuân nầy.

Nguyện xin Chúa ban phước cho bạn cũng như Ngài đã ban phước cho tôi vậy! A men!


Bài: Mục sư Nguyễn Đình Liễu

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này