“Nỗi đau càng sâu, Đức Chúa Trời càng gần”: Điều tôi học được sau khi bạn tôi ’44’

Lời chứng
01:49 19/05/2025

Oneway.vn – “Dù đêm có tối, Ngài vẫn có thể chiếu sáng, vì sự chết đã bị đánh bại – Ngài đã chiến thắng rồi!”

CẢNH BÁO NỘI DUNG: Bài viết có đề cập đến việc tự tử. Xin quý độc giả cân nhắc khi đọc.

“Nếu ngay cả cái chết của một Đấng vô tội và hoàn hảo như Chúa Jêsus, Đức Chúa Trời cũng có thể dùng để biến nên ích lợi cho những ai yêu mến Ngài và được gọi theo ý định Ngài, thì cái chết của Crystal – bạn tôi cũng có thể được Chúa dùng cách kỳ diệu.” – Tác giả chia sẻ. Ảnh: Pexels

Tôi mất một người bạn vì tự tử khoảng một năm trước. Khi bạn đang ở độ tuổi giữa 30 – vẫn còn trong nửa đầu cuộc đời – thì sự ra đi của một người bạn đồng trang lứa là cú sốc lớn.

Ở độ tuổi này, lẽ ra tôi phải gặp lại bạn bè trong những đám cưới, chứ không phải ở đám tang. Tôi từng chứng kiến một vài người bạn qua đời quá sớm vì tai nạn hay bệnh tật bất ngờ.

Nhưng khi bạn tôi – tôi xin gọi là Crystal – qua đời vì tự tử, tôi đã nếm trải một nỗi đau mà trước đó chưa từng có.

Ở độ tuổi này, lẽ ra tôi phải gặp lại bạn bè trong những đám cưới, chứ không phải ở đám tang.

Tôi gào khóc – đó là tiếng gào xé lòng mà chính tôi cũng chưa bao giờ nghe từ mình.

Tôi cũng đau đớn cho sự ra đi của một đứa trẻ – vì Crystal đã mang theo cả đứa con sơ sinh của cô – một nỗi đau khó diễn tả.

Khi nhận được tin khủng khiếp ấy, tôi buộc phải đối diện với những sự thật không dễ chấp nhận:

  • Tôi muốn phủ nhận sự thật, nhưng cô ấy đã chết thật. Thời điểm “lần cuối hoạt động” trên WhatsApp trùng khớp với thời gian cô ra đi.
  • Tôi muốn cô ấy hồi phục, nhưng cái chết là điều không thể đảo ngược. Không phương pháp chữa trị nào có thể đưa cô trở lại.
  • Tôi muốn tìm ai đó để trách, nhưng chính cô ấy là người đã chọn kết thúc mạng sống mình – điều khiến tự tử trở nên khác biệt với các cái chết đột ngột khác.

Đây là câu chuyện tang chế của tôi, nhưng tôi không kể ra chỉ để nói về bản thân mình. Tôi hy vọng những gì tôi chia sẻ sẽ là sự nâng đỡ cho những ai từng mất người thân vì tự tử.

Tôi tin rằng Crystal – người có cuộc đời từng sáng rực như tên cô – sẽ ủng hộ việc chia sẻ này, vì cô luôn hào phóng giúp đỡ người khác.


Hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp

Nếu mất người thân đã là điều khó khăn, thì việc mất họ một cách đột ngột lại càng tàn khốc. Mất họ vì tự tử – thì càng là một nỗi đau sâu thẳm hơn nữa.

Tôi biết rằng việc đau buồn vì tự tử không giống như những mất mát khác, nên tôi hiểu rằng cách chữa lành cũng phải khác biệt.

“Đức Chúa Trời cho phép những điều Ngài ghét để hoàn thành điều Ngài yêu.” – Joni Eareckson Tada

Nếu tôi bị bệnh nặng, tôi sẽ không tra Google, tự chữa bằng mẹo dân gian hay dùng thuốc theo lời khuyên từ người thân. Tôi sẽ đến gặp bác sĩ – một chuyên gia y tế.

Cũng vậy, khi đối diện với nỗi đau do tự tử gây ra, tôi đã chọn tìm đến tổ chức SOS (Samaritans of Singapore). Dù tôi không yêu cầu cố vấn Cơ Đốc, nhưng Chúa sắp đặt để tôi được kết nối với một người tin Chúa.

Tôi biết ơn người tư vấn đó, vì chị ấy luôn trấn an rằng tôi không cần chia sẻ gì nếu tôi chưa sẵn sàng. Chính sự nhạy cảm ấy khiến tôi cảm thấy an toàn.


Đừng đổ lỗi cho Đức Chúa Trời

Tôi có kể với vài người bạn trong Hội Thánh về việc Crystal tự tử, nhưng tôi không chia sẻ quá sâu. Tôi không kỳ vọng họ hay lãnh đạo Hội Thánh phải là chuyên gia tư vấn tâm lý – cũng như tôi không kỳ vọng họ trở thành bác sĩ chữa bệnh thể chất.

Tuy vậy, tôi vẫn kể cho họ vì tôi tin rằng thân thể Đấng Christ cần biết những gì quan trọng đang xảy ra với nhau, để cùng nhau gánh vác gánh nặng (Ga-la-ti 6:2).

Tôi cũng nói rằng mình đang gặp cố vấn – để họ biết tôi đang nhận được giúp đỡ – và rằng tìm sự trợ giúp là điều hoàn toàn ổn.

Dù phải vật lộn với đau buồn, tôi chưa bao giờ đổ lỗi cho Đức Chúa Trời.

Tôi không trách Chúa, vì tôi tôn trọng tầm quan trọng của sự lựa chọn con người – từ lựa chọn của Crystal, đến những người từng khiến cô thất vọng, và cả những gì đang sai trật trong thế giới sa ngã này.

Như tác giả Mark Vroegop viết trong quyển Dark Clouds, Deep Mercy:

“Sẽ là sai lầm nếu xem nhẹ mối liên hệ giữa sự sa ngã của thế giới và những nỗi đau… Đằng sau mọi sự đau đớn của con người là thực tại của tội lỗi.”

Tôi không trách Chúa, vì nếu ngay cả cái chết của Đấng vô tội và hoàn hảo như Jêsus mà Đức Chúa Trời còn dùng để làm điều tốt lành cho những ai yêu mến Ngài (Rô-ma 8:28), thì Ngài cũng có thể làm điều tương tự với cái chết của Crystal.

Như Joni Eareckson Tada – người bị liệt tứ chi – từng nói:

“Đức Chúa Trời cho phép những điều Ngài ghét để hoàn thành điều Ngài yêu.”

Ngài đã cho phép sự đau đớn và cái chết của Con yêu dấu Ngài, để ai tin nhận Con ấy thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời (Giăng 3:16).

Tôi không trách Chúa, vì trách cứ Đấng an ủi mọi sự (II Cô-rinh-tô 1:3) hay Đấng đồng cảm với mọi yếu đuối của chúng ta (Hê-bơ-rơ 4:15) thì chẳng mang lại ích lợi gì.


Hãy quay về với Đức Chúa Trời – Đấng yên ủi

Tôi đã thực sự cảm nhận sự yên ủi của Ngài, đúng như lời chép:

“Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau thương” (Thi-thiên 34:18)

Hai quyển sách đặc biệt giúp tôi rất nhiều:

  • Dark Clouds, Deep Mercy (Mây mù tối tăm, Lòng thương xót sâu xa): Dạy tôi cách than khóc theo Kinh Thánh – có cấu trúc rõ ràng giúp tôi trụ vững giữa hỗn độn.
  • A Long-Shadowed Grief (Bóng dài của nỗi buồn): Không có cấu trúc cứng nhắc, nhưng đặc biệt hữu ích cho người đau buồn vì tự tử. Cuốn này có góc nhìn thú vị về Giu-đa – môn đồ đã tự tử.

Đừng để nỗi đau che mờ tình yêu bất biến của Đức Chúa Trời dành cho bạn.

Tôi cũng được nâng đỡ qua bài hát God of Revival với những lời ca:

“Dù đêm có tối, Ngài vẫn có thể chiếu sáng, vì sự chết đã bị đánh bại – Ngài đã chiến thắng rồi!”

Chúa nhẹ nhàng sửa dạy tôi – Ngài dạy tôi tha thứ cho Crystal vì đã mang theo con cô. Sau đó, tôi cũng cảm thấy cần xin cô tha thứ vì tôi đã giận cô khi biết chuyện.


Một thông điệp từ trời

Điều khiến tôi cảm động nhất là một món quà bất ngờ từ Chúa. Trong chuyến du lịch một mình, đúng ngày cuối cùng trước khi ra sân bay, tôi đi ngang một bức tranh tường. Trên đó có một câu trích dẫn từ nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky:

“Đêm càng tối, sao càng sáng. Nỗi đau càng sâu, Đức Chúa Trời càng gần.”

Sao luôn ở đó, nhưng ban ngày quá sáng nên ta không thấy chúng. Đức Chúa Trời cũng luôn ở đó – chỉ cần ta mở mắt và tai thuộc linh để thấy và nghe Ngài.

Nếu bạn đang đau buồn vì người thân tự tử, xin hãy nhớ rằng Chúa chưa bao giờ lìa bỏ bạn. Đừng để nỗi buồn che khuất tình yêu bất biến của Ngài.

Bài: Sandy Tan; dịch: SD
(Nguồn: saltandlight.sg)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này