10 danh xưng của Đức Chúa Trời
Phần Cựu Ước phong phú với những danh xưng ý nghĩa của Đức Chúa Trời. Mỗi cái tên có ý nghĩa đặc biệt và mục đích kèm theo. Chẳng hạn, Chúa đổi tên Abram/Áp-ram, (cha cao quý) thành Abraham/Áp-ra-ham (tổ phụ của nhiều dân tộc) không chỉ cho ông mục đích cuộc đời mà còn nhắc nhở rằng Chúa hứa sẽ biến ông thành cha của nhiều dân tộc.
Dưới đây là 10 danh xưng trong Cựu Ước của Đức Chúa Trời:
Elohim xuất hiện trong những trang đầu tiên của Kinh Thánh - sách Sáng thế ký, là danh xưng đầu tiên của Chúa. Khi Kinh Thánh được dịch từ tiếng Do Thái và tiếng Hy Lạp, danh xưng Elohim được tìm thấy hơn 2.532 lần. Đây là danh xưng đầu tiên cho chúng ta thấy Chúa hữu hình. Danh xưng này thiết lập chủ quyền, quyền năng sáng tạo và sức mạnh Ngài. Ngài là Đấng sáng tạo và là Đức Chúa Trời hằng sống. Elohim cũng được dịch là “Ba ngôi Đức Chúa Trời” để nhắc nhở chúng ta về Ba ngôi: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh.
“Nàng gọi Đức Giê-hô-va mà đã phán cùng mình, danh là “Đức Chúa Trời hay đoái xem,” vì nàng nói rằng: Chính tại đây, tôi há chẳng có thấy được Đấng đoái xem tôi sao?” Sáng thế ký 16:13, xem thêm Thi-thiên 139: 12.
Hagar/A-ga là đầy tớ của Abraham/Áp-ra-ham và Sarah/Sa-ra. Sau khi Sarah/Sa-ra không thể sinh con trai cho Abraham/Áp-ra-ham, họ đã dùng Hagar/A-ga để sinh con, vì không có gì lạ khi sinh người thừa kế cho chủ. Tuy nhiên, sau khi Hagar/A-ga sinh ra Ishmael/Ích-ma-ên, cô đã bị Sarah/Sa-ra khinh miệt đến mức bỏ trốn. Trong sa mạc nơi cô nghĩ mình sẽ chết, thiên sứ của Chúa xuất hiện và nói rằng Chúa đã nghe thấy tiếng khóc tuyệt vọng của cô. Mặc dù Hagar/A-ga chỉ có một mình giữa nơi hoang dã, Chúa vẫn thấy được nỗi đau, suy nghĩ và nhu cầu của cô. Vậy nên, Hagar/A-ga gọi Chúa là El Roi, “Đức Chúa Trời hay đoái xem”.
Trong linh trình theo Chúa, có nhiều nơi khiến chúng ta cảm thấy cô đơn, hoang vắng và vô vọng; dù đó là nhà, nơi làm việc, hay khi chờ đợi người phối ngẫu phù hợp. Dù ở đâu, Chúa luôn nhìn thấy chúng ta, biết nhu cầu của chúng ta. Thật kinh ngạc, Chúa của cả vũ trụ quan tâm đến những gì bạn đang làm ngay lúc này, Ngài đoái xem bạn và đang dõi theo bạn.
“Xin Chúa toàn năng nghe rõ, xin Thượng Đế của Gia-cốp lắng nghe những lời con khẩn thiết kêu cầu” Thi Thiên 84: 8 BHD, Thi thiên 84: 10-12
El Shaddai - tiếng Do Thái - là Đức Chúa Trời toàn năng. Danh xưng này xuất hiện đầu tiên trong Sáng thế ký 17: 1: “Khi Áp-ram được chín mươi chín tuổi, thì Đức Giê-hô-va hiện đến cùng người và phán rằng: Ta là Đức Chúa Trời toàn năng; ngươi hãy đi ở trước mặt ta làm một người trọn vẹn”. Từ đó, danh xưng này được tìm thấy tổng cộng 48 lần trong Kinh Thánh. Trái ngược với vô số các vị thần của loài người, Đức Chúa Trời là Chúa toàn năng trị vì tất cả. Ngài vô cùng quyền năng và không là không thể với Ngài. Không sức mạnh nào trỗi hơn Ngài. Biết Chúa theo cách này khiến chúng ta kính trọng và tôn kính Ngài sâu sắc hơn, đồng thời cho chúng ta niềm hy vọng.
4. Đức Giê-hô-va Rophe (Chúa chữa lành)
Yahweh Rophe trong tiếng Do Thái nghĩa là chữa bệnh, chữa lành và làm cho trọn vẹn hoặc khôi phục. Yahweh Rophe chỉ xuất hiện một lần trong Kinh Thánh, là danh xưng thứ hai Đức Chúa Trời dùng để tỏ mình ra cho dân Ngài trong Xuất 15:26. Chúng ta được nhắc nhở rằng Chúa là vị thầy thuốc vĩ đại có khả năng chữa lành các nhu cầu về thể chất, tinh thần và tâm linh. Ngài là Đấng chữa lành quyền năng của chúng ta.
“Áp-ra-ham gọi chỗ đó là Giê-hô-va Di-rê. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm sẵn” Sáng 22:14. Xem thêm Phục truyền luật lệ ký 15: 4-5.
Trong Cựu Ước, Yahweh Yireh là một chỗ có thật ở vùng đất Moriah. Đó là nơi Chúa sắm sẵn một con chiên trong bụi rậm khi thử thách đức tin của Abraham/Áp-ra-ham bằng cách yêu cầu ông hy sinh con trai Isaac/Y-sác. Chúa là Đức Giê-hô-va sắm sẵn tất cả những gì chúng ta cần khi đúng thời điểm và theo cách của Ngài. Khi phải vật lộn với đống hóa đơn, nhu cầu, sức khỏe, hoặc bất cứ điều gì, chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa - Đấng luôn chu cấp từ câu chuyện này đến câu chuyện trong Kinh Thánh, và chính trong cuộc sống chúng ta kể từ khi còn trong bụng mẹ.
“Châu vi thành sẽ có mười tám ngàn cần; và rày về sau tên thành sẽ là: “Đức Giê-hô-va ở đó!” Ê-xê-chi-ên 48:35.
Yahweh Shammah chỉ xuất hiện một lần trong Kinh Thánh. Đó là tên tượng trưng cho Jerusalem trên đất. Thật ý nghĩa với những người theo Chúa, vì nó nhắc nhở rằng Chúa đã không từ bỏ Jerusalem. Ngài đã không bỏ rơi chúng ta trong thời khắc đen tối nhất của cuộc đời. Rằng Chúa không ngừng bày tỏ chính Ngài cho chúng ta. Ngài luôn ở đó.
7. Đức Giê-hô-va Nissi (Giê-hô-va cờ xí của tôi)
“Môi-se lập lên một bàn thờ, đặt tên là “Giê-hô-va cờ xí của tôi”; và nói rằng: Bởi vì A-ma-léc có giơ tay lên nghịch cùng ngôi Đức Giê-hô-va, nên Đức Giê-hô-va chinh chiến với A-ma-léc từ đời nầy qua đời kia” Xuất 17: 15-16.
Trong một trận chiến lớn, Israel chỉ có lợi thế hơn Amalek khi Moses/Môi-se giơ cao cờ xí của mình. Đó là trận chiến đầu tiên của họ sau khi thoát khỏi Ai Cập. Khi cánh tay
Moses/Môi-se nặng trĩu, anh và chị ông đã giúp ông giữ cờ xí giơ cao. Sau khi đánh bại kẻ thù, Moses/Môi-se lập một bàn thờ và gọi đó là “Giê-hô-va cờ xí của tôi”.
Điều này nhắc nhở về sự lãnh đạo và bảo vệ của Chúa. “Giê-hô-va cờ xí của tôi” là cách người Israel cũng như Cơ Đốc nhân hiện đại tự nhận mình là tín đồ Chúa. Cờ xí cũng có chức năng như một điểm tập hợp, nhắc nhở rằng chúng ta được Chúa giải cứu và xưng là con Ngài.
“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì”. Thi thiên 23: 1.
Danh xưng Yahweh-Raah dịch ra là “Đấng chăn giữ tôi”. Raah hay Rea còn có nghĩa là bạn hoặc lòng nhân từ. Có thể dịch là “Chúa là bạn của tôi”. Danh xưng này nhắc nhở rằng Chúa quan tâm đến chúng ta nhiều như thế nào. Ngài là bạn, người tâm tình, lãnh đạo, người chu cấp và người chăn của chúng ta. Đây có lẽ là một trong những câu Kinh Thánh tuyệt vời nhất vì nó an ủi và nhắc nhở rằng Chúa thực sự là ai với chúng ta.
9. Ish (Chồng)
“Đức Giê-hô-va phán rằng: Trong ngày đó ngươi sẽ gọi ta là: Chồng tôi, và sẽ không gọi ta là: Chủ tôi nữa. Ta sẽ cưới ngươi cho ta đời đời; ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự công bình và chánh trực, nhân từ và thương xót. Phải, ta sẽ cưới ngươi cho ta trong sự thành tín, và ngươi sẽ biết Đức Giê-hô-va” Ô-sê 2:16, Ô-sê 2: 19-20
Trong tiếng Do Thái, Ish được dịch là “Chồng” và được dùng trong các sách Hosea/Ô-sê, Ê-sai và Giê-rê-mi. Cho dù bạn có cuộc hôn nhân tốt đẹp hay đang độc thân, Chúa luôn là người chồng lý tưởng. Danh xưng này phản ánh một cách hoàn hảo tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Chúa là Đấng bảo vệ, người chu cấp, người yêu thương và bạn đồng hành của chúng ta. Danh xưng “Chồng” lần đầu tiên được giới thiệu trong Ô-sê khi Chúa bảo Hosea/Ô-sê kết hôn với một cô gái điếm. Cuộc đời Hosea/Ô-sê trở thành đại diện của Chúa và dân Israel. Dân Israel lang thang xa cách Chúa và ngoại tình: thờ lạy thần tượng. Thay vì quay lưng lại với họ, Chúa đã xoa dịu Israel bằng tình yêu Ngài giống như Hosea/Ô-sê đã làm với vợ ông, Gomer/Gô-me. Chúa hiểu chúng ta một cách sâu sắc và mật thiết; Ngài muốn chúng ta gọi Ngài là “Chồng”.
10. Đức Giê-hô-va Shalom (Chúa bình an)
“Ghê-đê-ôn bèn lập tại đó một cái bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, và đặt tên là Giê-hô-va Sa-lam” (Các quan xét 6:24)
Shalom, nghĩa là bình an, sâu sắc hơn cả việc tránh xung đột hoặc bình tĩnh. Shalom có nghĩa là trọn vẹn trong cuộc sống, hoàn hảo, an toàn và hạnh phúc. Chúa là nguồn gốc của các phước lành. Đức Giê-hô-va Shalom xuất hiện lần đầu tiên trong sách Các quan xét.
Sau cuộc gặp gỡ với thiên sứ của Chúa, Gideon/Ghê-đê-ôn lập một bàn thờ cho Chúa và gọi là “Chúa bình an”. Thiên sứ nói với ông: “Khá yên lòng, chớ sợ chi…”. Câu chuyện về Gideon/Ghê-đê-ôn cũng giống như chúng ta, luôn cảm thấy mình nhỏ bé, tầm thường, điên cuồng và lo lắng trong nhiều trải nghiệm cuộc sống. Danh xưng này nhắc nhở chúng ta rằng Chúa là Đấng ban bình an. Ngài làm dịu cơn bão biển chỉ bằng một tiếng phán. Ngài cũng có thể làm dịu tấm lòng dậy sóng của chúng ta chỉ bằng một tiếng dịu êm.
Tác giả: Heather Riggman, Hồng Nhạn dịch
bình luận