Tại sao nhiều Cơ Đốc nhân vẫn ủng hộ phá thai?

Quốc tế
12:39 27/02/2020

Oneway.vn - Cuộc thăm dò mới của Marist cho thấy phần lớn người Mỹ ủng hộ việc phá thai. Điều đáng lo ngại là một số lượng lớn những người tự xưng là Cơ Đốc nhân trung tín cũng nằm trong số đó.

Hiện tại, khoảng 71% người Mỹ tự nhận mình là Cơ Đốc nhân, nếu chúng ta loại trừ tín đồ Mặc Môn và Chứng Nhân Giê-hô-va thì con số đó giảm xuống còn 68%. Dựa trên cuộc thăm dò của Marist, có thể kết luận rằng khoảng 29% những người theo đạo Cơ Đốc, tức là khoảng ba người sẽ có một người ủng hộ phá thai. Làm sao một số lượng lớn tín đồ có thể ủng hộ điều ác này? Thậm chí một Cơ Đốc nhân trung tín cũng có thể ủng hộ phá thai?

Chúa Jesus phán: Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” (Giăng 14:15) 

Đó không chỉ là một gợi ý, mà đích xác là một mệnh lệnh. Những người yêu mến Chúa Jesus tự khắc sẽ giữ các điều răn Ngài. Hệ quả là những người không giữ điều răn thì không thực sự yêu mến Ngài. Yêu mến Chúa Jesus là tiêu chuẩn tối thiểu để xác định bạn là Cơ Đốc nhân. Nếu bạn không thực sự yêu Ngài, thậm chí không cố gắng giữ các điều răn Ngài thì bạn không nên tự nhận mình là Cơ Đốc nhân. 

Phá thai và điều răn thứ sáu

Tuy nhiên, nhiều người khẳng định mình là tín đồ chân thật nhưng lại bác bỏ điều răn thứ sáu của Chúa Jesus: cấm lấy đi sự sống vô tội. Mệnh lệnh này lần đầu tiên được Đức Chúa Trời ban cho Môi-se trong hai dịp riêng biệt, là một trong Mười Điều răn (Xuất 20:13 và Phục truyền 5:17). 

Trong Tân Ước, điều răn này được Chúa Jesus xác nhận một lần nữa (Ma-thi-ơ 5:21) và được sứ đồ Phao-lô nhắc lại (Rô-ma 13: 9). 

Nhưng liệu điều răn này có áp dụng trong trường hợp phá thai?

Như Kevin DeYoung nhấn mạnh, điều răn thứ sáu không chỉ nghiêm cấm kiểu giết người máu lạnh, có chủ đích. Điều răn này cũng cấm giết người bằng hành động trực tiếp hoặc gián tiếp, làm tổn hại bất kỳ người vô tội nào. Bởi vì phá thai nghĩa là lựa chọn lấy đi mạng sống của một con người không có khả năng phòng vệ, nên Chúa cũng cấm phá thai theo điều răn thứ sáu.

Đây là điều rõ ràng không thể tranh cãi, vì sự thật này đã tồn tại trong Hội thánh đầu tiên cho đến giữa thế kỷ 20. Nhưng tại sao sau đó nhiều Cơ Đốc nhân lại không tuân theo lệnh này, đi ủng hộ phá thai? Những người tin rằng mình có thể vừa là tín đồ Đấng Christ lại vừa ủng hộ phá thai có 3 kiểu:

3 kiểu “tín đồ” ủng hộ phá thai

Thứ nhất, những người thiếu hiểu biết. Họ không biết rằng Kinh Thánh cấm giết người vô tội, hoặc phôi thai cũng là một con người, và họ sẽ thay đổi quan điểm nếu như nhận thức được những sự thật này.

Một ví dụ điển hình về sự thiếu hiểu biết là giáo hội Southern Baptists trước những năm 1980. Cho đến năm 1980, phần lớn các giáo phái đã bắt đầu đưa ra xem xét vấn đề. Khi họ nhận ra tội lỗi mình nhờ những người chống phá thai như Richard Land, họ đã thay đổi quan điểm, cả về cá nhân cũng như cả giáo phái.

Mặc dù vậy, lý do này không còn chính đáng ngày nay. Các nhà hoạt động bảo vệ sự sống đã dành hàng thập kỷ để đưa ra lý do tại sao phá thai là sai về cả mặt đạo đức lẫn Kinh Thánh, dựa trên cả Kinh Thánh (nghĩa là chắc chắn chúng ta phải biết Chúa nói rằng việc giết người như vậy là sai) và khoa học (nghĩa là chúng ta biết phôi thai/thai nhi cũng là một con người thực sự). Tuy nhiên, vẫn có thể còn một số Cơ Đốc nhân vẫn chưa nhận được thông điệp này. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta có nhiệm vụ giáo dục họ về vấn đề này.

Thứ hai, những người đang trên con đường bội đạo. Bạn không thể vừa yêu mến Chúa Jesus vừa lựa chọn ủng hộ phá thai; điều này quá rõ ràng từ luân lý đạo đức cơ bản cho đến Lời Chúa. Thật không may, chúng ta đang sống trong một thời đại mà những sự thật phũ phàng như vậy phải được nêm nếm để thêm phần “ngon miệng”. Một số người sẽ bị sốc và mất tinh thần khi nghe rằng việc ủng hộ phá thai có nghĩa là họ không yêu mến Chúa Jesus. Vì vậy, thay vì khẳng định rõ ràng, tôi chỉ nói rằng những người như vậy đang ở trên bờ vực bội đạo. 

Các ví dụ điển hình là các giáo phái như Giáo hội Tân giáo, Giáo hội Trưởng lão (Hoa Kỳ) và Giáo hội Cơ Đốc giáo. Các giáo phái này đều kết luận rằng phá thai là chấp nhận được về mặt đạo đức, bởi vì trước tiên họ đã từ chối Kinh Thánh là nền tảng thẩm quyền chính. Phá thai giống như một tấm “biển chỉ dẫn” trên quỹ đạo dẫn bạn đến sự bội đạo hoàn toàn.

Trong các giáo phái này, một số thành viên là tín đồ thật và nhiều người khác thì không. Chúng ta sẽ tự hỏi tại sao tín đồ thật lại giữ liên kết với nơi này. Những người chống phá thai có thể nói rằng họ ở lại để thay đổi tấm lòng và tâm trí của những người lầm lạc. Nhưng họ cũng nên coi chừng người bị thay đổi có thể là chính họ. Như tác giả sách Hê-bơ-rơ đã nói: “Hỡi anh em, hãy giữ lấy, kẻo ai trong anh em có lòng dữ và chẳng tin mà trái bỏ Đức Chúa Trời hằng sống chăng” (Hê-bơ-rơ 3:12).

Thứ ba, những người chấp nhận thuyết tương đối đạo đức theo chủ nghĩa hệ quả. Có lẽ hầu hết các Cơ Đốc nhân ủng hộ phá thai đều tin vào thuyết tương đối đạo đức. Trớ trêu thay, quan điểm này cũng được ủng hộ bởi nhiều Cơ Đốc nhân tự coi mình là người bảo vệ sự sống.

Thuyết tương đối đạo đức theo chủ nghĩa hệ quả: trong một số trường hợp hạn chế, chúng ta nhìn nhận và đánh giá tính đạo đức của một hành động không theo cách thức tuyệt đối, mà chỉ là tương đối và phải được đánh giá bởi hệ quả của nó. Điều này khác với chủ nghĩa hệ quả (đạo đức của một hành động chỉ được đánh giá bằng hệ quả của nó) ở chỗ nó không nhất quán và chỉ áp dụng trên từng trường hợp cụ thể. Một người theo chủ nghĩa hệ quả sẽ nói rằng phải luôn luôn đánh giá đạo đức của các hành động dựa trên hệ quả, rằng kết quả sẽ nói lên tất cả. Ngược lại, những người theo thuyết tương đối (CMR) sẽ lựa chọn trường hợp nào nào nên áp dụng chủ nghĩa hệ quả.

Ví dụ, họ có thể chấp nhận rằng thật bất công khi lấy đi mạng sống của một con người không có khả năng phòng vệ, nhưng vẫn cho rằng chúng ta có thể ủng hộ (hoặc ít nhất là nhắm mắt làm ngơ) việc phá thai nếu như điều đó có thể giúp một người phụ nữ tránh những hậu quả tiêu cực. Nghe thật mâu thuẫn, nhưng đó là lời kêu gọi chính của thuyết tương đối đạo đức: không nhất quán. Nếu có ai gọi họ ra, họ chỉ cần nhún vai và nói: “Mọi người khác cũng làm như vậy”.

Tất nhiên điều này thật vô nghĩa. Nhưng một số lượng lớn Cơ Đốc nhân đã chấp nhận thuyết tương đối đạo đức theo chủ nghĩa hệ quả. Tôi đã từng viết một bài báo: “Chúa ghét khi các chính trị gia Cơ Đốc giáo nói dối”. Bài báo đó đã khiến nhiều người tự xưng mình là Cơ Đốc nhân phàn nàn phản đối. Lý luận của họ rặc mùi CMR thuần túy: chúng ta nên để các chính trị gia được miễn trừ khỏi tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối (tức là được phép nói dối) bởi vì điều đó là cần thiết để đạt được một kết quả tích cực (như được bỏ phiếu).

Kết luận bài báo của tôi: “Bởi vì các tiêu chuẩn của Chúa là tuyệt đối, thì thà chúng ta thua trong cuộc bầu cử còn hơn là dung túng cho hành vi có thể khiến người khác mất linh hồn. Các CMR cho rằng các mệnh lệnh của Đấng Christ cần phải “khớp” một cách vô lý với các nhà chính trị. 

Đáng buồn thay, nhiều Cơ Đốc nhân nghĩ rằng đây là quan điểm đúng đắn. Nếu bạn đang ở trong một Hội Thánh mà mục sư lúc nào cũng đưa ra những tuyên bố “tương đối” về mặt đạo đức, hãy chạy trốn nhanh nhất có thể và tìm một Hội thánh hành động chính xác theo Lời Kinh Thánh. Khi những người tự xưng là Cơ Đốc nhân lại áp dụng thuyết tương đối đạo đức theo chủ nghĩa hệ quả để biện minh cho quan điểm của họ, thì không có gì ngạc nhiên khi phe ủng hộ phá thai nghĩ rằng lý luận như vậy là có thể chấp nhận được về mặt đạo đức và Kinh Thánh.

Tất cả đều sai. Mọi Cơ Đốc nhân phải phản đối việc phá thai, và cũng nên phản đối thuyết tương đối đạo đức theo chủ nghĩa hệ quả. Cả hai đều trái với mạng lệnh của Chúa, cuối cùng đều dẫn đến sự bội đạo và cái chết, cả thể xác lẫn tâm linh.

Chúng ta phải rao truyền mạng lệnh Chúa

Nếu muốn mọi Cơ Đốc nhân đều ủng hộ sự sống và chống phá thai, chúng ta cần phải sửa lại sự thiếu hiểu biết, tách khỏi sự bội đạo và loại bỏ thuyết tương đối đạo đức theo chủ nghĩa hệ quả. May mắn thay, Vua đã cho chúng ta cách để thực hiện điều này: “Và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi.” (Ma-thi-ơ 28:20)

Việc dạy những người tự xưng là Cơ Đốc nhân tuân theo mệnh lệnh Chúa có thể không chấm dứt hoàn toàn việc phá thai. Nhưng ít nhất chúng ta có thể chấm dứt việc tín đồ ủng hộ cho những điều xấu xa. Và nếu muốn biến đất nước mình thành một quốc gia chống phá thai, chúng ta phải bắt đầu bằng cách làm cho Hội thánh mình ngập tràn sự sống.

 

Bài: Joe Carter; dịch: Hồng Nhạn

(nguồn: thegospelcoalition.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này