5 trở ngại đang 'hại' hàng triệu người tiếp cận Phúc Âm

Truyền giảng
02:14 21/11/2023

Oneway.vn - Mặc dù nhận biết trách nhiệm trong việc chia sẻ Phúc Âm cho những người khác nhưng dường như có rất nhiều Cơ Đốc nhân đang gặp trở ngại trong điều này.Và nguyên nhân khiến nhiều người không giám mở lời truyền giáo đó là:

1. Tầm nhìn ngắn hạn

“Bởi chúng ta không chú tâm đến những điều thấy được, nhưng chú tâm đến những điều không thấy được. Vì những điều thấy được chỉ là tạm thời, còn những điều không thấy được là vĩnh cửu.” 2 Cô-rinh-tô 4:18

Giữa cuộc sống tấp nập, nhiều Cơ Đốc nhân chỉ tập trung vào những việc “ở đây và ngay lúc này” của thế gian, thay vì những việc “ở kia và sau này” của cõi đời đời. Giữa guồng quay hối hả của công việc, trường học, gia đình, bạn bè và thậm chí cả Hội Thánh, thật dễ dàng để quên đi tầm quan trọng của công tác truyền giáo.

Chúa đã chỉ định rằng rao truyền Phúc Âm là phương tiện chính để cứu mọi người khỏi hỏa ngục - nơi mà họ sắp phải bước vào (Giu-đe 1:23) và địa ngục mà họ đang phải nếm trải khi không có Đấng Christ (Ma-thi-ơ 9:36).

Thiên đàng và địa ngục là có thật. Những ai chết mà không có Đấng Christ sẽ phải ở trong địa ngục đời đời. Những ai đặt niềm tin nơi Chúa Jêsus, nương cậy nơi công việc mà Ngài hoàn tất trên thập tự giá sẽ nhận được sự sống đời đời trên thiên đàng. Mong rằng sự thật này sẽ nhắc nhở chúng ta chú tâm vào những điều không thấy được, và thúc giục chúng ta thực hiện công tác truyền giáo một cách nghiêm túc.

2. Sợ hãi

“Cũng xin cầu nguyện cho tôi, để khi tôi mở miệng, Chúa cho tôi sứ điệp, và tôi dạn dĩ công bố sự mầu nhiệm của Tin Lành; vì Tin Lành ấy, tôi là sứ giả trong xiềng xích. Xin hãy cầu nguyện để tôi có thể dạn dĩ công bố Tin Lành ấy như tôi phải nói.” Ê-phê-sô 6:19-20

Truyền giáo là một công việc đầy thách thức. Chúng ta thường cảm thấy lo lắng mỗi khi mở miệng tuyên bố lẽ thật. Ngay cả sứ đồ vĩ đại Phao-lô cũng lo lắng. Đó là lý do tại sao ông kêu gọi người Ê-phê-sô cầu thay khi ông chia sẻ Phúc Âm!

Tuy nhiên, tôi tin rằng một chút sợ hãi sẽ tốt cho bạn khi truyền giáo, vì nỗi sợ nhắc nhở bạn trông cậy vào Đức Thánh Linh khi bạn chia sẻ về Đấng Christ với mọi người. Đức Thánh Linh ban cho chúng ta quyền năng để truyền bá danh Chúa (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8). Ngài sẽ ban cho chúng ta sự dạn dĩ cần thiết để chia sẻ Phúc Âm với những người xung quanh, vì chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài.

Khi truyền giáo, chúng ta phải đối mặt với nỗi sợ hãi của mình, sẵn sàng trả giá, tin cậy nơi Đức Thánh Linh và sau đó cất tiếng “dạn dĩ công bố Tin Lành” như chúng ta nên làm.

3. Thiếu kiến thức

“Trước hết, tôi đã truyền đạt cho anh em điều chính tôi đã nhận lãnh, ấy là Đấng Christ chịu chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh. Ngài đã bị chôn; đến ngày thứ ba, Ngài đã sống lại theo lời Kinh Thánh.” 1 Cô-rinh-tô 15:3-4

Nhiều Cơ Đốc nhân không chia sẻ Phúc Âm vì họ không biết Phúc Âm là gì. Trong 1 Cô-rinh-tô 15:3-4, Phao-lô đã hướng dẫn các tín đồ Cô-rinh-tô về thông điệp cốt lõi của tín điều Phúc Âm, mà chính ông cũng từng được huấn luyện. Lời dạy này của Phao-lô cũng chính là sứ điệp căn bản của Tin Lành. Phao-lô huấn luyện các tín đồ ở Cô-rinh-tô ghi nhớ sứ điệp ấy. Tôi gọi điều này là “sự thông biết Phúc Âm”.

Khi một người đã nắm vững sứ điệp Phúc Âm, họ sẽ dễ dàng chia sẻ chân lý một cách hiệu quả hơn với những người xung quanh. Hãy xem sáu câu dưới đây giống như sáu hợp âm trên một cây đàn ghi-ta. Chỉ cần nắm vững sáu hợp âm, bạn có thể chơi hầu hết mọi bài hát phổ biến trên ghi-ta. Chỉ cần nắm vững sáu câu này, bạn cũng có thể chia sẻ Phúc Âm một cách rõ ràng và hiệu quả.

Chúa tạo dựng nên chúng ta để chúng ta ở với Ngài.

Tội lỗi của chúng ta làm chúng ta xa cách Chúa.

Tội lỗi không thể được xóa bỏ bằng công đức.

Để trả giá cho tội lỗi chúng ta, Chúa Jêsus đã chịu chết và sống lại.

Ai tin cậy nơi Ngài thì được sự sống đời đời.

Đời sống mới trong Chúa Jêsus bắt đầu từ bây giờ và kéo dài mãi mãi.

Hãy ghi nhớ sáu câu đơn giản này, chúng trình bày rõ ràng toàn bộ câu chuyện về Tin Lành của Chúa Jêsus! Chúng sẽ mang lại cho bạn sự thông biết Phúc Âm, rất cần thiết để việc truyền giáo có hiệu quả bền bỉ.

4. Sai lệch về thần học

“Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Không có người rao giảng thì nghe cách nào?” Rô-ma 10:14

Đại đa số Cơ Đốc nhân tin tưởng và đề cao tầm quan trọng của việc truyền giáo. Nhưng cũng có một tỷ lệ nhỏ đánh giá thấp nhu cầu của việc truyền giáo, bởi vì họ cho rằng những người được chọn rốt cuộc cũng sẽ được cứu dù chúng ta có nỗ lực truyền giáo hay không.

Nhưng có một điều rất thú vị, đó là đang khi sứ đồ Phao-lô công bố quyền năng tối thượng của Đức Chúa Trời trên việc truyền giáo (Rô-ma 8-11), ông vẫn dành thời gian để nhắc nhở tín hữu rằng những người hư mất sẽ không được nghe Phúc Âm trừ khi có người rao giảng cho họ. Ông hỏi: “Không có người rao giảng thì nghe cách nào?” Ý ông là họ sẽ không được nghe Phúc Âm.

Công việc của Chúa là cứu vớt kẻ bị hư mất (Giô-na 2:9). Công việc của chúng ta là chia sẻ Phúc Âm (Ma-thi-ơ 28:19). Còn công việc của người bị hư mất là tin cậy nơi Phúc Âm (Rô-ma 1:20). Trong việc truyền giáo, hãy ngừng tập trung vào công việc của Chúa và hãy tập trung vào công việc của bạn. Trách nhiệm của bạn và của tôi là chia sẻ Tin Lành qua cuộc đời và môi miệng của chúng ta. Đừng lo lắng cho công việc của Chúa. Ngài sẽ tự lo việc của Ngài. Còn bạn thì cứ lo phần của bạn.

5. Thiếu sự gần gũi

“Hãy đi khiến muôn dân trở nên môn đồ Ta.” Ma-thi-ơ 28:19

Nếu chúng ta có một gia đình tin kính, làm việc với nhiều Cơ Đốc nhân, học trường Kinh Thánh và chỉ chơi với bạn bè Cơ Đốc, thì chúng ta có thể đang thiếu “sự gần gũi”. Chúa Jêsus nhiều lần bị buộc tội là “bạn của tội nhân” (Ma-thi-ơ 11:19). Ngài đến dự những bữa tiệc của tội nhân, nói chuyện với những người tội lỗi, giao lưu với những người hèn mọn và hư mất…và đến với nhiều người bằng sứ điệp ân điển lạ lùng của Ngài.

Đó là lý do khiến tôi làm việc nhiều ở quán cà phê. Công việc này giúp tôi có được sự gần gũi với những người chưa được tiếp cận. Đó là lý do khiến tôi bắt chuyện với những người lạ ngẫu nhiên ở sân bay. Đó là lý do tôi hỏi người phục vụ ở nhà hàng xem chúng tôi có thể cầu thay điều gì cho họ. Đó là lý do hàng tháng tôi sẽ cùng nhóm bạn của con gái tôi ra ngoại ô thành phố để rao truyền niềm hy vọng về Đấng Christ.

Bạn cũng phải xây dựng sự gần gũi. Bạn có thể tiếp cận những người chưa được cứu ở đâu, để bắt đầu xây dựng mối liên hệ và chia sẻ niềm hy vọng nơi Chúa Jêsus với họ? Có thể đó là cơ quan nơi bạn làm việc, phòng tập thể dục hoặc quán cà phê. Dù ở đâu, hãy tìm kiếm và bắt đầu chia sẻ Tin Lành.

Những nguyên nhân nào trong số này đã ngăn trở bạn chia sẻ Phúc Âm? Hãy xác định, và sau đó trình dâng cho Chúa.

Chia sẻ Tin Lành dễ dàng hơn bạn nghĩ, và cũng quan trọng hơn bạn nghĩ. Hãy bắt đầu chia sẻ đức tin của bạn ngay hôm nay!

Giáng sinh đang đến gần, bạn sẽ tận dụng những cơ hội nào để chia sẻ Phúc Âm - điều bạn đang tin, đang trải nghiệm và đang nhận lấy trách nhiệm?

>>> Tin liên quan: Nhìn lại 2022 và sẵn sàng cho Truyền giảng “Giáng Sinh An Bình” 2023

Thư kêu gọi dâng hiến cho Chương trình Truyền giảng Giáng sinh 2023

Hà Nội: Hơn 7 tấn rác được dọn sạch, 200 bệnh nhân được nghe Tin Mừng

Cộng đồng Tin Lành Hà Nội hiệp nguyện cho đêm Truyền giảng Giáng sinh


Oneway Media sẽ cập nhật liên tục các hoạt động, sự kiện hướng đến Chương trình Truyền giảng Giáng Sinh An Bình diễn ra vào ngày 02/12/2023 tại Công viên Yên Sở (Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội). 


Bài: Greg Stier; dịch: Nhạn Võ
(Nguồn: gregstier.org)

bình luận

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này